Những tưởng mọi thứ sẽ xuôi chèo mát mái sau bàn thắng đó, nhưng càng về giữa trận gió lại càng xoay chiều. Đội hình chỉ có 5 người bắt đầu hụt hơi trông thấy. Trừ thằng Sơn “phân bò” ra, đứa nào cũng vừa đá vừa thở dốc, đuối nhất có lẽ là thằng Thụy Phong. Đến giờ nghỉ giữa hiệp, nó nằm lăn lóc ra sân thở hổn hển:
– Chắc em trụ không nổi nữa rồi anh ơi.
Mấy đứa kia cũng gật đầu rần rật. Tôi biết tụi nó mệt lắm, đá được đến tận giờ này đã là cố gắng lắm rồi. Nhưng biết làm sao bây giờ, tôi chỉ còn cách động viên:
– Gắng lên mấy đứa, còn 1 hiệp nữa thôi. Bây giờ Sơn lên đá thay Thụy Phong nhé, mình sẽ xoay tua thủ môn.
Nhưng kế hoạch xoay tua phá sản chỉ sau vài nốt nhạc. Vì đứa nào cũng như cung giương hết cỡ rồi, nghỉ một đứa chẳng giải quyết được vấn đề gì. Mà về làm thủ môn có được nghỉ thực sự đâu, cũng phải căng mắt nhìn bóng, phải chạy lên chạy xuống như hậu vệ vậy.
Đan Chi giật giật tay áo tôi nói:
– Anh vào thay đứa nào đó đi.
– Nhưng anh bị chấn thương mà. – Tôi rùng mình nhớ đến cái mắt cá chân phải.
– Anh xem tụi nhỏ kìa, tụi nó mệt lắm rồi.
Đan Chi nói đúng, tụi nhỏ mệt lắm rồi. Nếu không được nghỉ ngơi có lẽ tụi nó gục mất. Tôi đưa tay về phía trọng tài ra hiệu:
– Thay người.
Tôi vào sân thay cho thằng Nam Nhỏ, lòng không ngớt lo lắng nghĩ về cái mắt cá chân. Đã lâu lắm rồi tôi mới đá lại một trận bóng chính thức. Mặc dù kỹ năng và kinh nghiệm đều có nhưng sự máu lửa là thứ tôi đã đánh mất từ lâu. Chấn thương kinh hoàng mấy năm về trước khắc vào tâm trí tôi một nỗi sợ va chạm. Tôi vừa đá vừa giữ kẽ, không dám bứt tốc cũng không dám tranh chấp bóng. Tôi bảo tụi nhỏ đá chậm lại, giữ vững tỉ số và chờ cơ hội phản công. Sự có mặt của tôi phần nào đã giúp tụi nhỏ tự tin lên trông thấy.
Và những biến cố luôn đến vào những lúc mà bạn đang cảm thấy an toàn nhất.
Vào những phút giữa hiệp 2, khi tôi đã bắt đầu quen dần với nhịp độ trận đấu và nỗi lo lắng về cái mắt cá chân cũng bắt đầu nhỏ lại, thằng Hùng cướp được bóng ở phía sân nhà và chuyền lên cho tôi mở đợt phản công chớp nhoáng. Khi tôi đang sẵn sàng để đón nhận đường chuyền, một cầu thủ của đội bạn từ đâu lao tới với một cú chuồi bóng thô bạo. Tôi hoảng hồn co chân phải lên. Một tiếng hét đau đớn xé tan buổi chiều khô khốc.
Gầm giày của cầu thủ đội bạn đập vào mắt cá chân phải của tôi. Tôi nghe như có tiếng xương vỡ vụn, cơn đau như dòng điện cao áp xốc thẳng lên não tôi. Tôi mất trụ, chới với trên không rồi đập đầu xuống đất. Có tiếng Đan Chi ở ngoài kêu lên thất thanh “Anh Nhân” rồi màn đêm đổ sập xuống. Tôi bất tỉnh.
Tôi không biết mình đã ngất đi bao lâu nhưng khi tỉnh lại đã thấy nằm trong bệnh viện. Cái mùi thuốc khử trùng xộc vào mũi khiến tôi muốn ói. Tôi chớp chớp mắt để quen dần với ánh đèn điện và nhận ra có rất nhiều người ở xung quanh. Đan Chi, mấy đứa trong đội bóng, thằng Tiến, thằng Trường học trò cũ của tôi và tụi con gái mừng rỡ khi tôi tỉnh dậy. Ông bác sĩ tiến tới soi cái đèn pin nhỏ vào mắt tôi, ghi ghi gì đó vào cái bìa trình ký rồi đi ra ngoài.
– Anh ngất đi bao lâu rồi? – Tôi hỏi.
– Khoảng 3 tiếng rồi đấy. – Đan Chi trả lời.
Tôi nhắm mắt lại vì thấy hơi nhoi nhói ở đầu. Và khi mở mắt ra tôi bỗng thấy một đứa con gái bẽn lẽn đứng nép sau lưng mọi người. Đôi mắt ươn ướt buồn của nhỏ nhìn tôi lo lắng, đôi mắt sâu thẳm như bầu trời ấy tôi không thể nào nhầm được.
Băng Linh, con nhỏ làm gì ở đây?
Nhỏ Băng Linh nhìn tôi một hồi lâu, như cái cách nhỏ vẫn nhìn mỗi khi nhờ tôi chở về, e ấp, chờ đợi nhưng lần này có thêm một chút xót xa trong đó. Tôi thấy nhỏ định nói với tôi điều gì nhưng lại ngập ngừng chẳng nói. Tôi quay qua hỏi Thụy Phong:
– Thắng hay thua?
Thằng Thụy Phong hớn hở trả lời:
– Theo luật thì đội của mình bị xử thua anh ạ, nhưng đội bạn fairplay lắm, xin cho trận này đá lại vào tuần sau anh ạ.
Tôi cố nở một nụ cười mãn nguyện:
– Uhm, vậy thì tốt quá. Anh xin lỗi mấy đứa nghen!
– Anh khùng quá – Tụi nhỏ xua tay – Anh cứ nghỉ ngơi cho khỏe đi, mấy chuyện còn lại để tụi em lo.
Đan Chi ngồi xuống bên cạnh tôi, nhỏ đưa tay sờ vào trán tôi lo lắng hỏi:
– Anh thấy thế nào rồi?
– Hơi nhức đầu – Tôi nói.
– Em có mua cháo cho anh đây, anh gắng ăn một chút.
Tôi ngồi dậy cầm lấy tô cháo từ tay Đan Chi và cố nuốt từng ngụm khổ sở. Ngồi tám chuyện một lúc nữa thì ông bác sĩ bước vào, cầm chiếc đèn pin nhỏ rọi vào mắt tôi kiểm tra rồi bảo mọi người giải tán. Tụi nhỏ chào tôi về và hứa sẽ tới thăm tôi thường xuyên.
Còn lại một mình, tôi nằm nhìn lên trần nhà thở dài thườn thượt, tự thấy cảm thương cho cái số của mình suốt đời gắn với bệnh viện. Từ nhỏ vốn đã ốm yếu bệnh tật, đi viện còn nhiều hơn cả đi học. Lớn lên, mặc dù không còn bệnh nữa, nhưng cái niềm đam mê bóng đá lại khiến tôi một lần nữa lấy bệnh viện là nhà. Chấn thương mắt cá kinh hoàng nhiều năm về trước vẫn mãi mãi là một ký ức đáng sợ không thể này quên. Tự nhiên tôi ứa nước mắt, chẳng lẽ nào ông trời lại gắn cho tôi số phận của một thằng què suốt đời?
Đang mông lung với những suy nghĩ miên man bất tận, tự nhiên tôi thấy có bóng người lấp ló bên ngoài cánh cửa. Một lúc sau bóng người đó bước vào, là Băng Linh.
Con nhỏ đặt một túi gì đó lên bàn kèm theo một chai nước suối trước sự ngạc nhiên của tôi. Không kịp để tôi hỏi điều gì, nhỏ nói ngay:
– Con mua cho chú mấy hộp sữa. Thêm gói bánh để lỡ tối chú có đói bụng. Chú nhớ uống nước nhiều vào nha.
Con nhỏ vừa nói vừa lôi những thứ đó ra khỏi túi. Nhỏ còn chu đáo mở sẵn chai nước và lấy ra một hộp sữa để đó. Rồi nhỏ lôi ra thêm một chiếc khăn mặt mới mua, lanh lẹ chạy ra ngoài nhúng ướt rồi đưa vào để tôi lau mặt. Con nhỏ Băng Linh bẽn lẽn mà tôi thường thấy hằng ngày hôm nay bỗng nhiên tháo vát lạ.
– Thôi nhóc để đấy rồi về đi – Tôi nhắc – Về muộn bố mẹ lại mắng cho bây giờ.
Nhỏ gật đầu rồi nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh tôi, đưa tay sờ lên trán tôi để chắc mẩm là tôi vẫn ổn rồi mới chịu ra về. Tôi lại nằm thở dài nghĩ ngợi. Tôi ghét bệnh viện, ghét cái không gian tĩnh lặng đầy đau đớn này, ghét cả chị bệnh nhân giường bên thỉnh thoảng lại cất lên những tiếng ngáy o o trong trẻo.
Sáng hôm sau tôi được đưa đi chụp X – quang và chụp CT. Bác sĩ kết luận não không có tổn thương gì, mắt cá chân chỉ bị rạn, nghỉ ngơi một thời gian là có thể tự lành nhưng vì tiền sử chấn thương nên phải lâu gấp đôi người khác. Tôi nghe mà mừng đến rơi nước mắt. Thế mà tôi tưởng mình nghe cả tiếng xương mắt cá vỡ vụn rồi cơ chứ. Bác sĩ bảo do tôi bị ám ảnh bởi chấn thương cũ nên não đưa ra cơ chế phòng vệ bằng cách khuếch đại cơn đau lên gấp nhiều lần… bla… bla. Tôi nghe mà nhức hết cả đầu. Không cần quan tâm, miễn còn đi lại được là được.
Buổi trưa, Đan Chi mang cơm đến cho tôi kèm theo một vài vật dụng cá nhân. Tôi bảo nhỏ không cần mang cơm cho tôi buổi tối, vì nhỏ còn phải chăm sóc cho lớp vẽ thay cả phần của tôi, và tôi đã gọi một vài đứa bạn cho việc này rồi.
Chiều tối, mấy đứa bạn tôi mang cơm vào. Thấy tôi nằm bẹp dí trên giường, tụi nó ngửa mặt lên trời cười khềnh khệch. Mặc dù ức lắm nhưng tôi phải nhẫn nhịn, trong giây phút sa cơ lỡ vận này phải tiết chế cảm xúc, để tụi nó còn mang cơm vào cho mình.
Đang nhai nhồm nhoàm mấy thìa cơm thì tôi thấy một người bước vào. Đám bạn của tôi bỗng nhiên đứng đực như trời trồng, lúc nãy còn hoạt ngôn thế mà giờ tự nhiên câm như hến cả lũ. Tôi nghiêng người qua một bên để xem cao nhân nào vừa hạ thế mà có thể trấn áp quần hùng, thì ngạc nhiên nhìn thấy nhỏ Băng Linh.
Lần đầu tiên tôi thấy con nhỏ mặc áo dài. Vẻ đẹp ngây thơ của nhỏ như được tăng lên gấp nhiều lần trong tà áo trắng tinh khôi đó. Nhỏ nhẹ nhàng và thướt tha, nhỏ êm đềm và e ấp, như một thiên thần làm rực sáng cả căn phòng tối tăm này. Tôi đoán là con nhỏ vừa đi học về. Nữ sinh cấp 3 ở Đà Nẵng này ngày nào cũng phải mang áo dài hết.
Nhỏ ngại ngùng chào mấy đứa bạn của tôi rồi đặt một cà mèn cơm lên bàn, cảm thấy hơi bối rối khi thấy tôi đã ăn cơm từ bao giờ. Tụi bạn cuống cuồng đi tìm ghế cho nhỏ Linh ngồi, rót nước cho nhỏ Linh uống như thể tôi là một thằng què vô hình trong căn phòng này vậy. Không những thế, tụi nó còn nháy mắt với tôi xuýt xoa:
– Ghê nha.
– Thằng Nhân có người yêu đẹp như thiên thần thế này mà lâu nay giấu anh em nha.
Tôi chỉ nhếch mép cười chả nói gì, vừa ăn cơm vừa nhìn qua nhỏ Linh hỏi:
– Mang cơm lên nữa chi zậy bà nội?
– Con không biết – nhỏ bẽn lẽn nói – con tưởng là không có ai mang cơm cho chú cả.
Nghe tôi với nhỏ Linh nói chuyện, tụi bạn há hốc mồm:
– Ơ, thế là… bà con hả?
– Ờ, cháu tao đấy – Mình trả lời hồn nhiên.
Nhỏ Linh bụm miệng cười khúc khích và chỉ thôi cười khi thấy tôi e hèm một cái. Tụi bạn tôi mắt sáng rực lên, bu lại xung quanh nhỏ Linh trò chuyện làm quen các kiểu. Tôi bận ăn cho xong hộp cơm nên không để ý con nhỏ thỉnh thoảng cứ liếc nhìn tôi. Một lúc sau thấy nhỏ Linh bắt đầu cảm thấy hơi mệt với những câu hỏi của tụi bạn nên tôi quyết định giải thoát cho nhỏ:
– Này nhóc, thế bảo đem qua hỏi bài Lý gì đấy đâu rồi?
Tôi nháy mắt ra hiệu. Con nhỏ hiểu ý nên nói ngay:
– À, dạ, đây nè chú.
Nói rồi nhỏ lôi trong cặp ra cuốn sách Vật Lý 11 và giả bộ nhờ tôi chỉ bài. Tôi nhìn lũ bạn gắt:
– Còn đứng đấy làm gì nữa? Lượn đi cho chú cháu tao học bài.
Tụi nó chầm chậm đi ra khỏi phòng, không quên quay lại phía sau dặn dò:
– Mai tụi tao lại mang cơm cho mày nữa nghen.
Đoạn tụi bạn bước khuất sau hành lang, tôi với nhỏ Linh bật cười ha hả.
Thế là cứ thỉnh thoảng, sau khi đi học về, con nhỏ lại mang một cà mèn cơm qua cho tôi. Lúc đầu tôi nhất quyết bảo con nhỏ đừng mang cơm qua nữa nhưng con nhỏ vẫn cứng đầu, thế rồi tôi mặc kệ nhỏ. Được cái cơm của nhỏ rất ngon, ngon gấp 100 lần cơm của tụi bạn cờ hó nên dần dần tôi cũng không phàn nàn gì nữa, thậm chí còn có phần ngóng chờ cơm của nhỏ. Lần nào không qua được nhỏ cũng đều nhắn tin cho tôi rất chu đáo. Có khi nhỏ đến thăm tôi rồi ngồi luôn ở đấy làm bài tập Vật Lý, có gì không hiểu nhỏ quay qua hỏi tôi, rồi cứ thỉnh thoảng tủm tỉm cười một mình.
Nằm trong bệnh viện chán quá nên một hôm tôi bảo nhỏ Linh mang cho tôi cuốn sách gì đấy để đọc. Chẳng biết trời xui đất khiến thế nào nhỏ lại mang cho tôi cuốn Mắt Biếc của Nguyễn Nhật Ánh. Tôi chỉ cần 2 ngày là đọc hết cuốn sách đó, nhưng lại mất đến cả tuần để gặm nhấm nỗi buồn mà nó mang lại.
– Chời ơi, cho đọc cuốn sách gì buồn dữ vậy chời.
Tôi than thở khi trả lại cuốn Mắt Biếc cho nhỏ Linh. Nhỏ cười khúc khích bảo:
– Đây là cuốn con thích nhất của chú Ánh đó ạ. Nó buồn thật chứ. Buồn nên mới nhớ lâu.
Tôi vắt tay lên trán thở dài:
– Lần sau mang cuốn gì vui vui tí đi. Vật Lý hay Hóa học gì đấy cũng được.
Con nhỏ nhe răng cười và nhìn tôi tinh nghịch. Thấy đôi mắt nhỏ, tự nhiên tôi thấy có gì đó chộn rộn trong lòng. Tự nhiên tôi trộm nghĩ, nếu đôi mắt của Hà Lan trong truyện đẹp 1 thì có lẽ đôi mắt của nhỏ Linh phải đẹp 10. Chắc là từ nay tôi sẽ gọi con nhỏ là Mắt Biếc. Cho nó ngầu.
Mấy hôm sau bọn học trò tới thăm tôi. Tụi nó mở đầu cuộc trò chuyện bằng màn khoe chiến tích lẫy lừng lọt tới tận chung kết ở giải bóng đá. Với sự trở lại đầy kịp thời của mấy đứa dự bị, tụi nhỏ không cần đến sự hỗ trợ của tôi cũng có thể chinh phục từng đối thủ và tiến tới trận đấu cuối cùng. Đó là điều khiến tôi rất vui, không phải bởi kết quả mà là bởi cái cách mà tụi nó chiến đấu và chiến thắng. Rất mén lỳ.
Còn Đan Chi cứ liên tục than thở về việc tụi nhóc dạo này nghịch quá. Và mặc dù biết rằng đó chỉ là những lời trách yêu, nhưng tôi cũng phải giả bộ quay qua lườm bọn nhỏ một phát, để tỏ ra là mình vẫn đầy trách nhiệm.
Ngồi chơi một lúc thì cả lũ chào tôi ra về. Đan Chi để lại đồ ăn trưa cho tôi cùng với vài bộ quần áo sạch, nhét đống quần áo cũ của tôi vào túi rồi cũng về nốt, không quên dặn dò tôi nhớ ăn và uống thuốc cho đúng giờ. Tôi gật đầu chào lũ nhỏ rồi nằm vật ra giường, lòng buồn nẫu ruột vì mấy tuần nay cứ loanh quanh trong bốn bức tường bệnh viện, chả có việc gì làm ngoài tán gẫu với bà chị già gường bên, mà những câu chuyện cũng chẳng có gì ngoài “con bé đấy là ai?”. Cái con bé hay đến với một cà mèn cơm ấy, là Mắt Biếc, tôi mỉm cười nói với bà chị già.
Mắt Biếc đến thăm tôi vào buổi chiều hôm đó. Nhưng hôm nay con nhỏ trông rất lạ, không vui vẻ, hồn nhiên như mọi bận. Nhỏ lặng lẽ đưa cà mèn cơm cho tôi, thậm chí chẳng nói một lời nào cho đến khi tôi nuốt hết những hạt cơm cuối cùng. Một nỗi buồn nào đó vương lên đôi mắt biếc, làm tôi không thể không hỏi:
Để lại một bình luận