– Tại sao anh không chịu gặp em?
Tôi mỉm cười nhấp một ngụm café, hờ hững nói:
– Anh bận.
– Anh lúc nào cũng vậy… Lúc nào cũng cứng đầu… Lúc nào cũng che giấu cảm xúc của mình như vậy.
– Uhm.
Tôi lại nhấp một ngụm café nữa. Hình như hôm nay bà chủ quán cho hơi ít sữa thì phải. Nên uống vào cứ thấy đăng đắng trong cuống họng.
– Một năm rồi… anh vẫn sống tốt chứ?
Đan Chi nhìn tôi đầy lo lắng. Ánh mắt rưng rưng.
– Anh ổn.
– Đầu anh còn đau không?
– Một chút. Nhưng không sao.
Tôi mỉm cười nhấp ngụm café thứ ba. Nhìn ra xa xăm nghĩ ngợi.
– Em dạo này thế nào?
– Em vẫn ổn anh ạ. Em đi làm rồi. Một công ty nước ngoài. Hì – Nhỏ hí hửng khoe.
– Uhm.
Tôi thầm mừng cho nhỏ. Một đứa con gái xinh đẹp và tài năng như thế, vừa mới ra trường đã được một công ty nước ngoài nhận vào làm việc, âu cũng là một điều xứng đáng. Chứ cứ dạy vẽ với tôi hoài, đến bao giờ mới khá nổi. Nhấp ngụm café thứ tư. Lần này sao thấy nó chua chát vô cùng.
Ngồi nhìn nhau một lúc lâu nữa, chợt có một anh chàng từ đâu xuất hiện. Một anh chàng cao ráo và phong độ, đầu vuốt keo bóng loáng, mặc một bộ vest đen mới cỏng kẻng, tay đeo một chiếc đồng hồ xịn và một chiếc nhẫn vàng to chà bá ở ngón giữa.
– Đan Chi à, xong chưa em? Ồ chào anh, xin lỗi vì không thấy anh. Tôi là Nhật. Rất vui được gặp anh. Anh là… ?
Anh chàng cao ráo chìa tay ra trước mặt tôi. Tôi miễn cưỡng bắt tay ảnh. Mấy thủ tục kiểu cách này tôi không quen cho lắm nên có hơi gượng gạo. Đan Chi vội vàng đứng dậy giới thiệu:
– Anh à, đây là anh Duy Nhật, sếp của em. Còn đây là…
Đan Chi chìa tay về phía tôi ngập ngừng giới thiệu:
– … Đây là anh Nhân… bạn cũ của em.
Tôi gật đầu chào Duy Nhật. Ảnh mỉm cười chào tôi rồi quay qua Đan Chi nói:
– Đi thôi em, mọi người đang chờ đấy.
Đan Chi quay qua tôi nói:
– Anh đi cùng em nhé. Công ty em hôm nay có bữa party nhỏ chúc mừng em tốt nghiệp. Anh đi cùng cho vui.
– Anh bận rồi. Mọi người vui vẻ nhé.
Tôi nói, cố gắng nở một nụ cười thật tự nhiên chào tạm biệt. Khi bóng hai người khuất xa, tôi vẫn chưa về mà còn nán lại dưới gốc cây trứng cá một lúc lâu nữa. Có một cái gì đó nghẹn ứ nơi cổ họng. Lòng tôi bỗng nặng trịch một nỗi đau tưởng như đã ngủ yên lâu lắm rồi. Trong gần một năm qua, đã có những lúc tôi nghĩ rằng mình sẽ quay lại với Đan Chi như chưa từng có chuyện gì xảy ra cả. Nhưng đến tận hôm nay, tôi mới hiểu rằng đó mãi mãi là điều không thể. Người ta thành đạt thế kia mới xứng đáng với nhỏ. Ở bên cạnh anh chàng ấy, chắc nhỏ sẽ không bao giờ muộn phiền như những ngày bên kẻ bất cần như tôi đâu nhỉ?
Nhấp ngụm café thứ năm. Cay đắng và nghẹn ngào.
“Anh sẽ đến vào ngày em tốt nghiệp chứ?”.
“Uhm, anh sẽ đến”.
“Hứa đi”.
“Hứa”.
Mỉm cười. Đan Chi à. Cuối cùng anh cũng làm xong lời hứa với em rồi nhé! Tạm biệt em, bạn cũ.
Một năm không dài nhưng đủ để làm thay đổi nhiều thứ. Lớp vẽ từ ngày không có Đan Chi, cũng đã chẳng còn rộn ràng như trước. Một năm qua, tôi đến rất nhiều trường để cố gắng kiếm một con bé trợ giảng khác lấp vào khoảng trống và Đan Chi để lại. Nhưng cái bóng của Đan Chi lớn quá, chẳng thể nào lấp nổi. Chẳng có con bé trợ giảng nào trụ lại được quá một tháng. Phần vì chẳng đứa nào đủ nhanh nhẹn và hoạt bát để quán xuyến công việc. Phần vì tụi học trò hờ hững, không muốn ai khác dạy mình ngoài tôi và Đan Chi. Rồi cũng nhiều đứa học trò nghỉ học. Học viên mới thì ngày càng ít vì những ngành Kiến trúc, Mỹ thuật, Thiết kế… không còn hot như trước. Chỉ còn những đứa đã học với tôi từ lâu là còn ở lại, mặc dù tôi đã gần như chẳng còn gì để dạy tụi nó nữa. Đó thực sự là những khoảng ngày tăm tối đầy khó khăn.
Thằng Thụy Phong bây giờ là trợ giảng của tôi. Vì nó là đứa vẽ tốt nhất, cũng là đứa học với tôi lâu nhất, đủ để hiểu hết những thăng trầm mà lớp vẽ của tôi đã trải qua. Nó cũng còn đầy nhiệt huyết dù đã vơi đi ít nhiều từ ngày hai người mà nó yêu quý nhất chia tay lớp học. Tôi cũng chẳng thể tìm ai khác tốt hơn nó vào lúc này.
Một buổi sáng tháng Mười tĩnh lặng, khi tôi đang chăm chú ngồi giảng cho tụi học trò về cách thể hiện sắc độ cho các loại vật liệu, thì một chiếc xe máy dựng kịch ngay trước cửa lớp khiến tôi phải nhìn ra. Một đứa con gái bước xuống xe với một nụ cười quen thuộc. Tụi học trò mới thì xuýt xoa, quay qua thì thầm với nhau bảo ai mà dễ thương vậy. Bọn học trò cũ thì mừng rỡ tươi cười. Còn tôi thì sửng sốt.
Đứa con gái nhìn tôi cười bẽn lẽn. Dù trông nhỏ đã khác trước rất nhiều, nhưng cái cách xưng hô thì chẳng thể nhầm với ai được.
– Con chào chú!
Tôi đã không còn nhận ra con bé con hay khóc nhè và nhìn lúc nào cũng buồn như ngày xưa nữa. Giờ đứng trước mặt tôi là một cô gái 18 tuổi, trông đã lớn hơn rất nhiều. Nhỏ không còn hay xõa tóc và cài nơ búp bê như mọi bận nữa, thay vào đó là một mái tóc đuôi gà buộc cao khỏe khoắn làm lộ ra chiếc gáy trần trắng nõn đầy mê hoặc. Nhỏ khoác một chiếc áo hoodie hồng, vai mang một chiếc balo có con chó bông đeo lủng lẳng, đeo một cặp kính tròn gọng đen, mặc một cái quần bó sát khoe đôi chân dài miên man và đi một đôi giày thể thao màu hồng. Dù mọi thứ đã thay đổi, nhưng đôi mắt biếc sâu thăm thẳm và nụ cười có cái lúm hạt gạo duyên nức nở ấy, chẳng bao giờ có thể giấu đi được.
– Băng Linh à? – Tôi ngỡ ngàng hỏi.
– Dạ – Con bé nhẹ nhàng trả lời rồi nhìn quanh khắp lớp một lượt – Con nhớ chú quá, nhớ mọi người quá.
Nói rồi nhỏ nhìn tôi cười thật tươi. Tôi cũng nhìn nhỏ cười, có một chút xót xa trong đó. Một năm rồi đó ư…
– Ôi, Băng Linh tiểu thư đó à?
– Lâu quá rồi không gặp nhỉ.
– Cả năm trời tự nhiên biến mất đi đâu vậy?
– Tưởng quên nhau luôn rồi chứ.
– Vui ghê.
– Hihi.
Những tiếng chào vang lên rộn rã cả một góc lớp. Con bé Băng Linh đột nhiên trở lại, đó là một điều làm bất ngờ tất cả. Một năm trời nó bỗng dưng mất tích. Không một lời tạm biệt. Không một tin nhắn. Không một ai biết nó đang ở đâu, làm gì. Vào một ngày tự nhiên không thấy nó đi học. Rồi thêm một ngày nữa. Rồi cứ thế là cả một năm. Nhỏ tự nhiên biến mất. Như thể một giấc mơ đẹp đẽ chợt vụt bay khi trời vừa rạng.
Luôn có rất nhiều đứa hỏi tôi, rằng tại sao Băng Linh không đi học nữa. Nhất là thằng Thụy Phong, có một thời gian khá lâu nó bị trầm cảm vì chuyện đó. Tôi lúc đầu cũng có gọi cho con bé, nhưng mà không liên lạc được. Hình như nhỏ đổi số điện thoại, đổi luôn cả nick facebook. Một năm qua biết bao nhiêu chuyện xảy đến khiến tôi chẳng còn để tâm nữa. Học trò đến rồi đi là chuyện thường tình. Tôi cũng dần quên luôn con bé.
Con bé giơ tay khẽ chào đám bạn cũ. Nhỏ Dạ Uyên, thằng Sơn “phân bò”, thằng Nam Nhỏ… ai cũng nhìn con bé rạng rỡ cười. Riêng thằng Thụy Phong thì đứng phắt cả dậy, không giấu nổi niềm hạnh phúc chỉ chực chờ vỡ òa trên khuôn mặt. Bọn học trò mới chưa quen biết thì chỉ ngồi im liếc trộm con nhỏ. Ai đây? Có phải cô tiểu thư nào vừa đi lạc lớp? Chắc tụi nó đang nghĩ vậy. Y như tôi ngày trước thôi chứ có gì đâu.
Con bé đi một vòng ở chỗ cái bục dài để đồ vẽ. Nhỏ đưa tay xoa đầu từng bức tượng. Đảo mắt nhìn lần lượt từng bức tranh treo trên tường. Cầm mấy chai thủy tinh lắc lắc. Lật mấy cuốn sách mỹ thuật cho gió thổi vào má. Lấy mấy quả xoài bằng nhựa áp vào tai nghe thử. Rồi cười cười.
Trong cả chuỗi hành động đáng quan ngại đó, không có một giây phút nào con bé thèm để ý cả lớp đang trố mắt nhìn nó với những dấu chấm hỏi to đùng. Cho đến khi quay đầu lại và thấy ai cũng bụm miệng cười, nhỏ mới vội vã thả mấy quả xoài xuống. Mặt đỏ ửng.
Mẹ ơi. Mới có một năm thôi mà nó bệnh dữ vậy trời!
Con bé đi tới chỗ tôi đang ngồi, đặt xuống bàn một tờ giấy.
– Gì đây? – Tôi hỏi.
– Đăng ký học lại. – Nhỏ trả lời tỉnh bơ.
– Khỏi. Cầm ghế ra kia ngồi vẽ luôn đi.
Nhỏ lon ton đi lấy ghế cùng cái bảng vẽ rồi ngồi xuống đúng cái góc mà một năm trước nhỏ vẫn hay ngồi. Cũng cái ngày nhỏ tới đăng ký học vẽ như thế này. Cũng kéo cái ghế xuống ngồi ở cái góc đó. Cũng mấy anh con trai xung quanh giả vờ rớt bút, rớt gôm các kiểu để tìm cách làm quen. Cái khung cảnh này, tự nhiên tôi thấy quen quen đến lạ. Tự nhiên cười. Chẳng hiểu vì sao.
Trời đã khuất bóng và lớp đã về hết mà con nhỏ vẫn chăm chú ngồi vẽ không biết gì. Cho đến khi tôi nhắc thì nhỏ mới ngước nhìn lên và hoảng hốt nhận ra trong lớp chỉ còn mỗi mình nó. Vội vã gom đồ cất vào balo, mặt nhỏ mếu máo như sắp khóc.
– Về thôi Linh. Hôm sau vẽ tiếp.
– Dạ. Huhu.
Khi nhỏ đang lúi cúi dắt xe ra, tự nhiên trong đầu tôi nảy ra một điều gì đó, tôi gọi nhỏ:
– Ê nhóc, rảnh không?
– Dạ?
– Đứng đó chờ chút.
Không chờ con nhỏ trả lời, tôi phóng xe ra ngoài. Độ 5 phút sau tôi quay lại, tay xách mấy lon bia cùng mấy bịch bim bim phe phẩy trước mặt, nói:
– Nhậu.
– Giờ á?
– Uhm.
– Sao tự nhiên rủ con nhậu?
– Lâu ngày gặp lại, thầy trò hàn huyên tí.
Tôi dẫn nhỏ đi lên sân thượng, ngồi trên cái bờ tường gạch cũ người ta xây dở từ nhiều năm trước và để đó. Từ chỗ này có thể phóng tầm mắt nhìn ra… à, chả nhìn ra được cái gì cả, chỉ toàn nhà với nhà. Chủ yếu là lên đây hóng gió và ngắm sao. Ngày trước, Đan Chi hay rủ tôi lên đây mỗi độ trăng tròn, xách thêm mấy lon bia và vài bịch bim bim rồi ngồi thưởng nguyệt. Ngày đó nhỏ hay hỏi tôi tại sao trăng khi tròn, khi khuyết. Tôi trả lời là do mặt trời. Nhỏ lắc đầu bảo không phải. Tôi hỏi lại vì sao. Nhỏ bảo là vì đời người cũng có lúc tròn lúc khuyết, qua cơn bĩ cực sẽ đến hồi thái lai. Lúc đó tôi chỉ cười. Ngày hôm nay lại một mùa trăng nữa. Khung cảnh vẫn đó mà người thì đã đi đâu mất… Chợt thấy trong lòng nhói đau.
– Tại sao trăng có khi tròn khi khuyết hả chú?
Con bé Băng Linh đột nhiên lên tiếng phá tan sự im lặng. Tôi ngẩn người vì câu hỏi đó một lúc lâu, ngỡ như chạm phải một cái gì đó gọi là kỷ niệm.
– Vì đời người nhóc ạ.
Tôi trả lời bâng quơ và mặc cho con nhỏ nhìn tôi đầy thắc mắc, tôi không nói thêm gì nữa. Bật hai lon bia rồi đưa cho nhỏ một lon. Nhấp một ngụm rồi đặt xuống. Đưa mắt nhìn xa xa và im lặng.
– Chú bảo lên đây trò chuyện mà sao chú không nói gì vậy?
Con bé bất chợt hỏi làm tôi lúng túng. Chẳng biết nói gì nên đành phải hỏi vu vơ:
– Lớp 12 rồi nhỉ?
– Dạ.
– Lớn quá ha.
– Hì. Con vẫn vậy mà.
– Một năm vừa rồi sao tự nhiên lặng lẽ nghỉ học vậy?
– Vì…
– Vì sao?
– Vì… con đã hứa mà.
– Hứa gì?
– Ngày đó, ngoài bờ biển… Con đã hứa là… sẽ không khiến chú và chị ấy… khó xử vì con nữa. Nên con…
Tôi lặng im.
– Con đã rất ngoan đúng không?
Nhỏ nheo mắt cười. Dưới ánh trăng, nụ cười của nhỏ trông dễ thương chi lạ. Tự nhiên bật cười. Khùng thật đấy. Cái con bé ngốc nghếch này, toàn làm mấy thứ mà tôi chẳng bao giờ nghĩ ra nổi. Gặp lại nhỏ không biết nên buồn hay nên vui. Cứ mỗi khi nhỏ xuất hiện là cuộc sống của tôi lại đầy xáo trộn và mất mát. Tự nhiên cảm thấy bất an. Mà thôi kệ. Ngày đó còn sợ mất Đan Chi. Giờ có gì để mất nữa đâu mà sợ.
Chợt thở dài… Trăng hôm nay buồn quá…
Hôm đó con bé Băng Linh đi học sớm nhất lớp. Dọn chỗ ngồi các kiểu xong đâu đấy, nhỏ chạy lon ton ra phía sau rửa mặt. Mãi một lúc sau không thấy nó trở lên, tôi mới tò mò nhoài người nhìn vào xem có chuyện gì. Đoạn thấy nó đứng tần ngần trước phòng ngủ của tôi, cửa phòng mở toang hoác, tôi mới giật mình chạy tới kéo nó ra.
– Ê, ê, làm gì đấy? Tự tiện vào phòng người khác vậy nhóc.
Nhỏ chẳng thèm để ý lời tôi nói, mắt quét một vòng quanh căn phòng rồi chau mày:
– Chú ngủ ở đây ạ?
– Ờ.
– Sao tối tăm, ẩm ướt thế?
– Kệ tui, đi ra.
Tôi đẩy vội nhỏ đi ra ngoài, không muốn ai trông thấy chốn riêng tư của mình. Nói là phòng ngủ cho nó oai, chứ thực ra đây là cái nhà kho cũ của lớp, nơi tôi và mấy đứa trợ giảng hay để mấy thứ đồ lặt vặt không dùng đến. Từ ngày rời khỏi nhà Đan Chi, tôi không đi mướn phòng trọ mà dọn luôn về đây ở. Sắp xếp lại đồ đạc, đủ không gian để đặt một cái nệm là thành phòng ngủ. Căn phòng có một cái cửa sổ và một cái cửa lớn dẫn ra phía sân sau nhưng tôi không bao giờ dùng đến vì cũng chỉ ở đây vào buổi tối. Tôi không cần gì nhiều, chỉ cần có chỗ ngả lưng khi đêm xuống là được.
À quên, còn có con mèo Lucy nữa. Tôi đã định đem cho đứa học trò nào đó nuôi giùm vì không có thời gian để chăm sóc, nhưng chợt nhớ ra đây là con mèo mà Đan Chi mang về lúc trước nên tôi giữ lại. Giờ nó lớn tướng rồi, nhưng vẫn có thói quen nằm ngủ với tôi và ỉa bậy trong phòng. Dọn mệt bỏ mẹ.
– Chờ con tí, đợi con vào lấy đồ.
Con bé lách qua người tôi rồi quay trở ngược vào trong phòng. Phải mất vài giây sau tôi mới sực nhận ra là con bé làm gì có đồ trong phòng tôi mà lấy, nhưng đã quá muộn. Nhỏ đi vào trong rồi mở toang hai cánh cửa ra. Lần đầu tiên tôi thấy nắng xộc thẳng vào phòng. Những tia sáng dường như lung linh hơn trong lớp bụi mờ mờ bay lên từ đống đồ cũ. Mẹ ơi, giờ mới để ý căn phòng tối tăm và ủ dột quá. Một năm qua mình đã sống như thế sao…
Để lại một bình luận