Nhìn những tán dừa rung rinh trong gió, tự nhiên giật mình. Tôi lên xe quay ngoắt lại, rồ ga phóng đi. Đúng rồi, còn mỗi chỗ đó mình chưa tìm. Tại sao lại có thể quên được nhỉ.
Chỗ đó là con đê chắn sóng ngày xưa tôi với con bé trốn viện đi chơi, cũng là cái nơi tôi và em dừng chân sau cuộc đào thoát khỏi thằng Minh một năm trước, để rồi hôm đó em đã kể cho tôi nghe cái lần đầu tiên tôi với em gặp nhau, và tôi đã hiểu vì sao nhìn vào đôi mắt biếc của em tôi luôn có một cảm giác quen thuộc không cắt nghĩa được. Chỗ đó có hàng dừa xanh như thế, cũng xào xạc trong gió đêm như đang kể một câu chuyện buồn.
Tôi nhìn thấy em, cô gái bé nhỏ đang đi chầm chậm về phía biển. Em định gieo mình xuống biển ư? Không nghĩ gì cả, tôi lao xuống kéo tay em lại. Câu đầu tiên thốt ra khỏi miệng đầy sự bực dọc:
– Này, đang nghĩ cái gì trong đầu thế?
Em quay lại nhìn tôi, ánh mắt ngạc nhiên và có đôi chút sợ sệt. Người em run lên nhè nhẹ.
– Nghĩ gì mà bỏ nhà đi? Có biết là mọi người đang lo lắng như thế nào không?
Em vẫn chẳng nói gì. Đôi mắt biếc của em bắt đầu rơm rớm nước, có lẽ em đang cố nén những tiếng khóc chỉ chực chờ trào ra.
– Thôi, lên anh chở về.
Em bỗng bước lùi lại, cách xa tôi quá một tầm với. Rồi em khóc nấc lên như một đứa trẻ con. Nước mắt giàn giụa lăn trên má, lăn cả vào tim tôi thắt lại. Tôi chạy tới ôm em vào lòng. Mặc cho em cố đẩy tôi ra, đấm thùm thụp vào ngực tôi đau nhói, tôi vẫn không buông.
– Anh là đồ ngốc. Đồ tồi!
– …
– Đồ xấu xa. Đồ đáng ghét!
– …
– Đồ cứng đầu. Đồ nhỏ nhen, ích kỷ, chẳng bao giờ quan tâm đến cảm xúc của người khác! Huhu.
– …
Em khóc thật nhiều, nhiều hơn bất cứ lần nào tôi từng thấy em khóc. Em cứ thế vừa khóc vừa chửi tôi. Mà kỳ lạ chưa, tôi lại thấy lòng mình vui như hội. Em đây rồi, ít ra là vẫn còn nguyên vẹn. Môi vẫn mềm, mắt vẫn biếc, tóc vẫn thơm. Vẫn còn sức mà đấm, mà nhéo tôi là an tâm rồi, mọi thứ khác trên đời giờ cũng chẳng còn quan trọng nữa.
– Đồ…
Em định nói nữa nhưng tôi lỡ đặt vào môi em một nụ hôn dài như nỗi nhớ trong đêm của một kẻ si tình. Em thôi không cựa quậy nữa, lại trở về là Băng Linh thẹn thùng, e ấp như mọi ngày vẫn thế. Gió biển vẫn thổi vào lành lạnh. Hàng dừa xao xác như hát một khúc ca buồn.
– Đừng khóc nữa, nín đi, có anh đây rồi.
Lúc đó trời đã khuya lắm, định chở em về nhưng em không chịu. Ngồi trên con đê chắn sóng, em ngủ thiếp đi trên vai tôi lúc nào chẳng rõ. Lấy cái áo khoác choàng qua người em, gỡ những lọn tóc còn dính trên má em, ngắm em một hồi rồi thở dài. Tại sao trên đời lại có cái đứa mong manh và ngốc nghếch như thế này xuất hiện trong cuộc đời mình chứ.
Có nhiều điều muốn hỏi em lắm, hỏi về chàng Liêm, về cuộc đính hôn kia nhưng có lẽ bây giờ không phải lúc. Em mệt rồi. Nhìn cô gái nhỏ bé ngủ gục trên vai tôi, thỉnh thoảng vẫn còn nấc lên những tiếng khóc nghẹn ngào, lòng tôi không khỏi xót xa. Thương một người là cố gắng bên cạnh họ hay lặng lẽ mà rời xa, tôi lúc này cũng không biết nữa…
– Anh xin lỗi… xin lỗi rất nhiều, thiên thần nhỏ của anh.
Tự nhiên có đứa nào đưa tay nhéo tôi một cái rõ đau:
– Ai là thiên thần nhỏ của anh? Đồ điên.
– Á, chưa ngủ à @@
– Bớt sến đi. Đồ tồi.
– Lần sau có chuyện gì cũng đừng có nghĩ quẩn và đi tự tử nghe chưa!
– Đồ hâm. Ai tự tử? Em đi rửa chân.
Bật cười.
Tiếng xe máy lẻ loi đi trong con hẻm nhỏ. Màn chụp xuống dãy nhà hai bên đường im ắng. Phía xa xa, cánh cổng kiểu Pháp vẫn để mở, hắt ra thứ ánh sáng nhờ nhờ soi rõ chiếc ô tô màu đen đậu trước cửa. Vẫn chưa về? Điều đó làm tôi có chút lo lắng.
Em đứng nép sau lưng tôi rụt rè. Hóa ra người lo lắng nhất không phải là tôi. Đáng lẽ tôi phải nhận ra điều đó từ cái lúc em cứ nằng nặc bảo tôi đừng chở em về. Nhưng không về thì đi đâu, tôi làm gì có chỗ nào cho em nương náu. Mà không sớm thì muộn em cũng phải về thôi. Nỗi sợ hãi của một đứa nhóc mới lớn bỏ nhà đi khi phải đối diện với bố mẹ tôi có thể hiểu được. Nhưng tôi không bao giờ hiểu được, cái khoảnh khắc tôi cùng em chầm chậm đẩy cánh cổng bước vào trong đêm hôm đó, đã mãi mãi thay đổi cuộc đời mình.
Khi tôi nắm tay em ngang qua những khóm cẩm tú cầu ngoài sân, một vài người trong nhà chạy ào ra. Mẹ Hương, chàng Liêm, bố mẹ chàng Liêm, con bé Ly và một người nữa. Một người mà khi tôi vừa nhìn thấy, những mảnh ghép rời rạc lâu nay của những chuyện mà tôi trải qua bỗng khớp nối với nhau thành một bức tranh hoàn hảo. Một bức tranh rõ ràng, trần trụi và đau đớn.
Mẹ Hương dẫn đầu nhóm người. Và bằng một cách nào đó tôi không kịp phản ứng, bà cho tôi một tát nổ đom đóm mắt:
– Sao cậu dám?
Trông bà giận dữ đến hung hăng, khuôn mặt đanh lại đầy sát khí. Anh chàng Liêm chạy tới cản bà lại, bảo có gì mình vào trong nhà rồi nói chuyện cô ạ. Bố mẹ chàng Liêm đứng khoanh tay không biểu hiện thái độ gì. Còn con nhỏ Ly thì cười khẩy.
– Sao cậu dám dẫn con bé bỏ nhà đi? Cậu nghĩ cậu là ai vậy?
Tôi còn chưa kịp thanh minh gì thì Băng Linh chạy tới đứng trước mặt tôi, vừa mếu máo khóc vừa xua tay:
– Không phải đâu mẹ ơi… là con tự ý bỏ đi… Thầy Nhân tìm con về đấy!
– Con lên phòng ngay. Bố mẹ sẽ nói chuyện với con sau. Còn thầy – Mẹ Hương hướng ánh mắt về phía tôi – Tôi muốn nói chuyện với thầy, mời thầy vào nhà.
– Thầy vào nhà uống chút nước. Không có gì đâu, mọi người chỉ muốn cảm ơn thầy vì đã tìm Linh về – Chàng Liêm tươi cười.
– Có kịch hay để xem rồi nha, hihi – Con nhỏ Ly lẩm bẩm.
Nhưng lúc đó tôi chả để tâm gì lắm lời của mấy người kia nói. Ánh mắt tôi bận rà theo gã đàn ông đang đứng lẩn phía sau nhóm người. Gã châm một điếu thuốc, gương mặt tối sầm lại. Có lẽ cũng như tôi, gã không hề biết rằng tôi và gã lại gặp nhau ở đây, trong tình huống này. Gã vẫn vậy, bình thản và lạnh lùng, chẳng để lộ bất cứ cảm xúc gì trên mặt. Khẽ nheo mắt nhìn tôi, rồi lại hít một hơi thuốc dài bất tận.
Băng Linh được con nhỏ Ly dìu vào nhà. Trước khi đi còn quay lại nhìn tôi với ánh mắt đầy yêu thương và lo lắng. Tôi mỉm cười trấn an em. Cả hai mất hút vào phía trong.
Có tiếng vài chiếc xe máy dừng kịch trước cổng. Bốn thanh niên bước vào, trong đó có một thằng mà tôi từng chạm trán. Nhìn thấy tôi, hắn đứng sựng mất mấy giây, lúng túng như gà mắc tóc. Gã đàn ông vẫy hắn lại thì thầm gì đó, hắn cúi chào mọi người rồi khoát tay bảo mấy thằng còn lại rồ ga biến mất.
Một lúc sau nữa thì một chiếc ô tô xuất hiện. Bước xuống xe là một người mà ai cũng biết, bố con bé.
Hơi ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi nhưng ông vẫn kịp nở một nụ cười:
– Thầy Nhân, sao thầy lại ở đây? Tôi tưởng thầy đi công chuyện rồi chứ.
– Chào chú, con vừa về. Cũng mới hay tin là nhà mình có chuyện.
– Uhm, con bé nhà tôi…
– Em nó về rồi chú ạ – Chàng Liêm cắt ngang.
– Hả, nó về rồi à? Nó đâu rồi? Có bị sao không?
– Em nó không xây xước gì chú ạ, chú đừng lo. Thầy Nhân tìm em nó về đấy!
Bố em quay qua nhìn tôi đầy cảm kích. Ông vỗ vai tôi cảm ơn rối rít. Tôi nhìn thấy ở ông sự chân thành, tử tế và tình thương vô bờ của một người cha dành cho con gái.
– Mọi người vất vả rồi – bố con bé tươi cười rồi ông qua qua bố mẹ chàng Liêm – Cảm ơn gia đình hai bác hôm nay đã cất công tới đây giúp tìm con bé nhà tôi. Thôi mọi người về nghỉ ngơi nhé. Có gì mai tính tiếp.
– Nhưng em còn đang định nói chuyện với… – Mẹ Hương nói.
– Với ai thì cứ để ngày mai. Hôm nay vậy là đủ rồi.
Ông lại quay qua ôm tôi một cái, đoạn cảm ơn lần nữa. Tôi cười bảo không có gì, chú đừng bận tâm rồi chào tạm biệt mọi người bước ra cánh cổng. Về nhà, tôi vội vã leo lên sân thượng, đứng khuất sau một góc nơi ánh đèn không rọi tới. Tôi vẫn nhớ cái gương mặt đó, xương xẩu, góc cạnh và râu lún phún. Gã đàn ông đứng nói chuyện gì đó một hồi với bố con bé rồi leo lên chiếc ô tô màu đen cùng gia đình chàng Liêm biến mất trong màn đêm đen đặc.
Bốc điện thoại gọi cho lão Quý, chưa kịp nói gì lão đã hét lên:
– Sao mậy, sao mậy, tình hình sao rồi mậy?
– Em tìm được con bé rồi đại ka.
– Phù, ngon rồi. Nó có bị gì không?
– Không ạ. Đại ka kêu anh em về nghỉ ngơi đi nhé. Bảo bữa nào em mời chầu nhậu cảm ơn.
– Rồi rồi, chuyện nhỏ. Thế nhá.
– À khoan đại ca.
– Gì nữa mậy?
– Đại ca có biết hôm nay em gặp ai ở nhà con bé không?
– Ai?
– Tùng Râu.
Một phút im lặng phía bên kia đầu dây. Lão Quý khẽ chậc lưỡi một phát, giọng nói đã không còn ầm ầm như lúc đầu:
– Nó… làm gì ở đó?
– Làm sao mà em biết được.
– Chà, bất ngờ đấy. Chuyện bắt đầu phức tạp rồi nha.
– Đại ca có nghĩ điều mà em đang nghĩ không?
– Có.
Trời im ắng, không một tiếng gió, không một tiếng xe. Nhìn qua bên kia khoảng sân, phòng em đã tắt đèn tự bao giờ. Lững thững đi xuống cầu thang và thả mình trên chiếc giường cũ kỹ, những mảnh ghép bắt đầu cựa quậy trong đầu, dải sương trắng dần tan đi và chân tướng mọi việc hiện ra như ai đó vừa gạt công tắc đèn. Tùng Râu, mẹ Hương, bố em, Liêm, gia đình Liêm, những lần tìm nhà bị từ chối, những vụ theo dõi, quán Cây Bàng… tất cả những thứ trước đây tưởng như rời rạc bỗng dưng quyện vào nhau. Tôi nằm im trên giường, thấy bóng đêm đè mình nghẹt thở.
Cái ngày ở quán Cây Bàng hôm đó, Tùng Râu đã nói rằng có người thuê hắn quấy rối cuộc sống của tôi, theo dõi tôi, phá đám những vụ chuyển nhà của tôi và có thể sẽ còn nhiều thứ tồi tệ hơn nữa nếu tôi không kịp thời phát hiện ra, tất cả chỉ để tôi phải rời cái Đà Nẵng này. Ngày đó tôi chẳng thể nào nghĩ ra nổi tên của một ai đó có lợi ích gì khi tôi buộc phải rời khỏi nơi đây. Còn bây giờ thì tôi đã hiểu.
Tôi bắt đầu xâu chuỗi lại toàn bộ câu chuyện. Bắt đầu từ khi em còn 15 tuổi, em và chàng Liêm đã được hai gia đình đính hôn với nhau. Lý do gì thì tôi không biết. Có thể là chuyện kinh doanh của hai gia tộc, có thể là âm mưu chính trị nào đấy, hoặc cũng có thể là cả hai người yêu thương nhau thật. Và rồi tôi xuất hiện, phá nát mọi kế hoạch của hai gia đình bằng cách yêu em.
Rồi họ muốn tôi biến mất nhưng không muốn gây ầm ĩ và không muốn phải ra mặt, thế là họ thuê người phá tôi một cách từ từ, âm thầm và lặng lẽ. Để cái sự kiện tôi rời khỏi đây là do tôi đã quá chán ngán và không sống nổi ở cái đất này, chứ không phải do ai tác động cả. Và để khi tôi rời xa em cũng chỉ như là một yêu đương của hai người trẻ không thành, chứ không phải do ai cản trở cả.
Một cuộc chiến tranh tâm lý hoàn hảo. Mọi thứ đã rõ ràng đến mức không thể rõ ràng hơn được nữa. Nhưng dù đã chắc chắn đến 99% câu chuyện, tôi vẫn chưa thể hiểu rằng tại sao bố con bé, người sắp đặt tất cả những chuyện này, lại phải mất công đối tốt với tôi đến thế. Tìm nhà cho tôi, bảo tôi chăm sóc con bé, hướng dẫn cho tôi những thứ về kinh doanh và cuộc đời. Chẳng lẽ ông lại diễn một vai diễn quá ư là xuất chúng, nhưng chẳng để làm gì? Duy nhất điều đó khiến tôi cảm thấy khó hiểu. Hoặc có lẽ là tôi đang cố cứu vớt những niềm tin nhỏ nhoi cuối cùng trong người tôi đang dần vụn vỡ…
– Uhm, tao cũng không thể nghĩ ra kịch bản nào khác được.
Lão Quý nhấp một ngụm bia rồi ôn tồn nói với tôi trong ngày hôm sau chúng tôi gặp lại.
– Có khi nào Tùng Râu chỉ là người quen được bố em nhờ qua tìm giúp? – Tôi nhìn lão Quý hỏi.
– Nhờ qua tìm giúp á? Bộ mày nghĩ xã hội đen thích làm từ thiện lắm phỏng?
– …
– Mà kể cả có quen thật đi nữa, thì tại sao Tùng Râu lại tình cờ quen luôn cả nhà ông bà kia?
– …
– Dù gì thì việc quen với Tùng Râu là một cái gì đó không bình thường rồi.
– Tao nghĩ là…
– Sao đại ka?
– Mày thực sự nên cắt đứt với con nhỏ đi, không yêu đứa này thì yêu đứa khác.
Tôi không trả lời lão, chỉ cầm ly bia tu cái ực. Lão lắc đầu vì biết là chẳng thể nào thay đổi được tôi.
– Mà em hỏi này.
– Gì?
– Cái hôm ở quán Cây Bàng ấy, anh với Tùng Râu nói chuyện gì với nhau thế?
– Tao nói với mày bao nhiêu lần rồi, những chuyện này mày càng biết ít càng tốt.
Thế rồi một ngày thứ Sáu mùa đông cách đó một tuần, một chuyện động trời xảy ra. Bố con bé, chủ mưu của toàn bộ sự việc, bỗng trút hơi thở cuối cùng trong một cơn đột quỵ tại nhà riêng.
Tất cả đều ngỡ ngàng.
Em khóc như chưa từng được khóc. Buổi tối ở bệnh viện đêm hôm đó, em gọi điện cho tôi. Lần đầu tiên trong cuộc đời em gọi cho tôi mà không nói một lời nào cả. Tất cả chỉ là những tiếng nức nở kéo dài mỗi lúc một to hơn. Tôi không dám hình dung trông em lúc đó như thế nào. Cũng không dám nói một lời gì. Giống như nhành oải hương nhỏ đứng trơ trọi giữa trời, sợ một làn gió nhẹ thổi qua thôi cũng tan biến đi mất.
Căn nhà kiểu Pháp có cánh cổng kiểu Pháp đông đúc người tới viếng. Bọn học trò của tôi cũng đến. Cái lớp chiều thứ Tư và thứ Sáu của em gần như đủ cả không thiếu một ai. Em mặc chiếc áo tang trắng đứng cạnh bàn thờ có tấm hình của bố, bên cạnh là hai cô nhóc Yuna và Eira, mẹ Hương đứng phía bên kia. Tôi bước tới, nhận từ tay em nén hương run run, gương mặt em thẫn thờ, đôi mắt em vô hồn, bắt gặp lòng mình cũng đau như chính người thân mình vừa mất.
Để lại một bình luận