Xe chầm chậm chạy vào con hẻm quen thuộc. Những ánh đèn đường soi rõ cái bóng của một kẻ vô hồn đi trong hơi men lảo đảo. Còn chục mét nữa là đến nhà, tự nhiên tôi khựng lại. Một con bé đang ngồi trước cửa lớp học của tôi, đầu gục vào hai bàn tay xếp trên gối. Nghe tiếng xe máy, con bé ngẩng đầu lên, gương mặt dần hiện ra dưới ánh đèn. Tôi lặng người.
Là em, cô bé có đôi mắt lúc nào cũng như sắp khóc, cá má lúm hạt gạo dễ thương và mùi oải hương chẳng thể lẫn với ai được. Em chạy ào tới. Những lọn tóc còn bết trên má em, chắc là vừa mới khóc. Tôi dựng xe đứng lùi lại làm em sững sờ.
– Anh…
Em gọi. Tiếng gọi nhỏ và yếu ớt. Nhìn thấy bộ dạng của em lúc này, tự nhiên thấy thương quá. Muốn ôm lấy em một cái nhưng không thể. Em đã đính hôn rồi. Ngày mai em sẽ là vợ người ta rồi. Tôi còn có tư cách gì để ôm em nữa đây. Nghĩ đến đó mà trái tim rỉ máu.
– Làm cái gì mà giờ còn ở ngoài này?
Em khẽ đưa tay quệt nước mắt.
– Em đợi anh…
– Làm gì?
– Anh nói chuyện với em một chút nhé…
– Nói chuyện gì?
– Em muốn giải thích cho anh…
Tôi cười nhạt:
– Giải thích gì hả em? Chuyện đính hôn hả?
– Anh à… Mọi chuyện không như anh nghĩ đâu… Nói chuyện với em một chút thôi… Anh nha…
– Thôi em à… Phải chi em nói ngay từ đầu… Bây giờ… thì có ý nghĩa gì nữa đâu.
– Em đã đợi anh… 3 tiếng rồi…
– Lúc khác nhé, giờ anh đang hơi mệt.
Tôi dắt xe đi ngang qua em. Tra chìa khóa vào ổ để mở cửa mà tay cứ run lên bần bật. Là do hơi men hay là cảm xúc trong người tôi sắp trào ra chẳng biết nữa. Quay ra thấy em vẫn đứng đó, tôi nạt:
– Về đi, khuya rồi, đừng có đứng ngoài này nữa.
Bất chợt em chạy vào trong lớp ôm chầm lấy tôi một cái. Tôi lúng túng đẩy em ra. Em khóc nấc lên rồi lặng lẽ đi ra cửa. Trước khi mất hút trong màn đêm phía trước, em vẫn quay lại nhìn tôi với đôi mắt biếc trong veo và ươn ướt buồn:
– Anh sẽ vẫn thương em chứ?
Tôi đứng lặng mãi một lúc lâu. Rồi khẽ nói:
– Về đi.
Cứ tưởng có hơi men trong người sẽ ngủ ngon lắm, ai dè mãi chẳng ngủ được. Quyết định dắt xe ra đi dạo dù đầu vẫn còn chao đảo. Trời đã khuya lắm rồi. Mình tôi lang thang trên những con phố Đà Nẵng vắng lặng. Ôi những con phố dài như tiếng thở trong đêm của một kẻ thất bại lang thang, mệt mỏi và chán đời…
Mở mắt khi trời còn sớm, miệng khô rang và người mệt lả. Lấy bình nước tu một hơi rồi nằm bệt trở lại xuống giường. Mắt đăm đăm nhìn lên trần nhà nghĩ về những thứ vừa xảy ra, bất giác thấy lòng mình tuyệt vọng.
“Tao đi đây. Chăm sóc mấy chậu hoa với con mèo giùm tao”
Nhắn cho thằng Huy một tin, lấy vài bộ đồ, chiếc bàn chải, cái khăn rồi xách ba lô lên và đi. Một vài người chạy bộ buổi sớm ngoái nhìn khi tôi lao xe ra con hẻm như một thằng ăn cướp. Trời vẫn chưa sáng rõ, trên tán cây bằng lăng có con chim vừa chuyền cành vừa hót. Một làn gió khẽ khàng thổi qua. Đà Nẵng sáng sớm lạnh đến nao lòng.
Tấp vào quán cóc làm một ly cafe cho tỉnh ngủ. Trên vỉa hè, mấy chú xe ôm vừa ngồi vừa ngáp. Anh hàng rong kéo chiếc xe lọc cọc đi qua, tiếng radio rè rè cất lên bài gì đó, giọng Bằng Kiều nghe buồn rười rượi “Một trái tim bên lề rất đau, vì biết em chẳng hề biết đâu…” Tiếng radio nhỏ dần rồi tắt hẳn. Chỉ còn văng vẳng trong đầu tôi lời nhỏ Ly, cái nhếch môi cười của chàng Liêm và tiếng em khóc. Là mơ, tôi tự an ủi mình, tất cả chỉ là một giấc mơ.
Ngày trước, mỗi khi chán nản thường trộm nghĩ, tình yêu là cái quái gì đâu, có cũng được, không có cũng chả vấn đề gì. Với đàn ông quan trọng nhất là sự nghiệp, tiền tài, địa vị để mà hất mặt với đời. Sau đó mới đến tình yêu. Vậy mà bây giờ, khi chẳng có gì trong tay, tình yêu lại là thứ làm tôi đau đớn nhất.
Trả tiền rồi lên xe đi tiếp. Cứ đi thôi, cho cố quên đi cái cuộc đời ngổn ngang, bệ rạc này…
Gần đến chân đèo Hải Vân thì có tiếng điện thoại kêu, thằng Huy nhắn tin, vỏn vẹn mỗi chữ “Ờ”. Chắc cu cậu vừa mới ngủ dậy. Tự nhiên nhớ những ngày trước, buổi sáng thỉnh thoảng vẫn nhận được tin nhắn của em, cũng vỏn vẹn có mỗi một từ “Anhhhhh” với âm “h” kéo dài. Tôi thường rep bằng một dấu chấm hỏi vu vơ rồi để đó. Một lúc sau thể nào em cũng gọi lại, nói giọng vui vui:
– Anh, dậy chưa?
– Chưa. Sao đấy?
– Dậy đi. Đi ăn sáng với em.
Có mỗi thế thôi mà em vui như Tết. Sau này mới biết là chỉ hôm nào bố mẹ em không ở nhà, em mới “được” rủ tôi đi ăn sáng. Hai đứa thường đi bộ loanh quanh gần đó kiếm đồ ăn vì em phải về trước khi hai con nhỏ sinh đôi thức dậy. Vừa ăn vừa nhìn nhau, rồi lại nhìn đồng hồ, thỉnh thoảng tôi pha trò một cách vô duyên mà em vẫn cười phá lên, rồi lại nhìn đồng hồ. Khoảnh khắc ngắn ngủi gần nhau mỗi buổi sáng ấy, những cảm xúc vui sướng, say đắm, hồi hộp như thể sắp phải xa nhau đến nơi (mặc dù thực tế chỉ đơn giản là phải về chuẩn bị bữa sáng cho hai con nhỏ sinh đôi), mãi đến tận bây giờ vẫn là những cảm xúc dễ thương nhất mà tôi từng có.
Thế mà xa nhau thật rồi…
8h sáng đến Huế. Vừa mới ngồi xuống quán bún hến định làm một tô thì thằng Huy gọi. Tôi đã tắt hết điện thoại, chỉ để lại duy nhất số này liên lạc với nó.
– Ê, mấy cái bảng pha màu để ở đâu vậy? – Thằng Huy lật đật hỏi.
– Trong cái kệ tủ treo trên tường ấy.
– À thấy rồi. Mà lâu lắm chẳng vẽ màu nước, không biết có nhớ gì mà dạy không nữa.
– Tụi nó mới học thôi, mày cứ dạy pha màu với mấy cái cơ bản là được.
– Rồi rồi.
Mới ăn xong tô bún thì thằng Huy lại gọi:
– Bút chì bao nhiêu một cây mày?
– 5K. Gôm cũng 5K. Dao rọc giấy 10K. Giấy A3 1K/tờ. Cái gì mày không biết thì cứ ghi lại rồi bữa sau tao về tính với tụi nhỏ.
– Ờ rồi rồi.
– …
– Ê mà hết bút chì 3B rồi hả mậy?
– Hình như rứa. Ra hiệu sách mua giùm tao vài hộp cái.
– Đjt mẹ.
Bật cười. Thằng bạn nhiệt tình ghê.
Đi lang thang khắp Huế suốt cả buổi sáng. Cũng có một vài người quen ở quanh đây nhưng không thân lắm nên chẳng gọi. Cơ bản là bây giờ tôi chẳng muốn nói chuyện với ai. Bờ sông Hương có mấy quán café nhỏ. Đến trưa, tôi vào đó gọi một ly cafe quen thuộc rồi lặng lẽ ngồi nhìn những con thuyền lững thững trôi. Huế khác Đà Nẵng. Bình yên và trầm lặng hơn, hợp với tâm trạng tôi lúc này. Quan trọng là tôi muốn rời xa Đà Nẵng một thời gian để lòng mình tĩnh lại. Nói chạy trốn cũng không sai.
Một toán học sinh cấp 3 cả nam cả nữ ríu rít vào quán, phá tan bầu không gian tĩnh lặng của tôi. Nhìn mấy đứa nữ sinh trong tà áo dài, tự nhiên nhớ em đến thẫn thờ. Có phải em và anh chàng đó, ngày mai sẽ lên xe hoa, bỏ lại sau lưng lớp học nhỏ, những con đường ngập lá phượng bay, quán café vắng, và một thằng con trai đang yêu và tổn thương đến phát khùng…
Gió sông Hương thổi vào mát rượi, làm lung lay cái móc điện thoại có 2 chữ BL mà lúc trước em tặng tôi. Không kìm được lòng mình, tôi tháo nó ra rồi ném mạnh xuống nước.
Cuối chiều, đang định kiếm một cái homestay nào đó nghỉ ngơi thì thằng Huy lại gọi.
– Gì đó nữa mày? – Tôi hỏi.
– Bao giờ mày về? – Thằng Huy hỏi lại.
– Chưa biết. Chắc 2 – 3 ngày nữa.
– Thôi về đi mày…
– Sao thế? Mày có việc đột xuất à?
– Không phải…
– Thế sao?
– Về đi… Con bé biến mất rồi!
– Gì cơ?
– Con bé, Băng Linh của mày ấy. Biến mất rồi!
Tôi lặng người. Bao nhiêu cảm xúc buồn bã, đau đớn trước đây bỗng tan đi đâu hết cả, giọng tôi lạc cả đi:
– Biến… biến mất?
– Uhm. Tối hôm qua đến giờ không ai thấy nó đâu cả. Lúc nãy bố mẹ nó mới qua đây hỏi mày đấy. Về lẹ đi Nhân!
Chẳng kịp nghĩ ngợi gì nữa, tôi quay xe phóng như bay tìm đường trở lại Đà Nẵng. Trời đã nhá nhem tối. Từng dòng người chạy ngược chạy xuôi mà tôi xem như vô hình, nhắm mắt lao đi như một thằng liều mạng. Người đi đường lật đật dạt qua hai bên rồi quay lại chửi đổng. Nhưng tôi chẳng còn nghe thấy gì nữa. Sự hối hận và lo lắng choán hết tâm trí tôi lúc này. Em đã biến mất thật ư? Tại sao? Có phải là do tôi?
Đến chân đèo Hải Vân, tạt qua trạm trung chuyển tính đi hầm cho nó nhanh. Nhưng chờ mãi mà vẫn chưa đến lượt mình, người chờ thì còn cả một đống thế kia, thế là quyết định lấy xe quay trở lại hướng đèo, lao đi trong màn đêm đặc quánh sự tĩnh lặng đến rùng rợn, sương đêm rơi rơi và cái lạnh cắt da, cắt thịt.
Đường đèo ban đêm rất nguy hiểm. Chẳng có ai đi ngoại trừ tôi vào lúc này. Men theo những con đường ngoằn ngoèo, bên phải là tiếng vượn hú, bên trái là biển đêm mênh mông nhìn không thấy đâu là chân trời, cảm giác rờn rợn chạy dọc sống lưng. Mãi đến khi thấy những ánh đèn thành phố nhấp nháy phía xa xa, mới thở phào biết mình còn sống.
Về đến thành phố, lặng lẽ tạt qua nhà em nghe ngóng tình hình. Có chiếc ô tô đen quen thuộc đậu trước cổng. Phía trong nhà, bố em, mẹ Hương, chàng Liêm và một vài người khác nữa cứ đi qua đi lại liên tục, có vẻ vẫn chưa có tin tức gì. Quay xe trở ra đường chính, gọi cho em lần thứ 20 nhưng vẫn không liên lạc được. Lòng lại như lửa đốt. Bốc máy gọi cho Quý Đại Bàng. Trong những tình huống như thế này thì lão là người có nhiều kinh nghiệm nhất.
– Gì mày? Đang nhậu, qua đây làm vài be – Lão nói như hét trong điện thoại.
– Bé Linh mất tích rồi – Tôi đáp ngắn gọn, giọng run run.
– Hả?
– Linh của em biến mất rồi đại ca ạ. Từ đêm qua.
– Đkm. Sao lại biến mất? Nói từ từ, tao đéo hiểu gì cả.
– Chuyện dài lắm. Bữa sau em kể. Đại ca giúp em tìm con bé đi. Em đang rối quá.
– Đkm. Mày cứ bình tĩnh. Đéo gì mà xoắn. Gửi hình con nhỏ qua đây cho tao.
Mình dạ dạ rồi cúp máy. Đang tìm hình trong điện thoại để gửi cho lão thì lão gọi lại giục “Có cái hình làm đéo gì lâu vậy mày?”. Mịa, cũng phải từ từ chứ. Bảo mình đừng xoắn mà trông lão còn xoắn hơn cả mình. Khổ cái là trong điện thoại chả có cái hình nào nhìn rõ mặt em, em không thích chụp hình lắm, toàn lấy tay che mặt. Lục mãi mới thấy được một tấm tôi chụp chung với em đợt diễn văn nghệ mới đây. Bức ảnh em tựa vào vai tôi, đưa tay hình chữ V rồi nheo mắt cười. Lúc đó trông em vui tươi và hồn nhiên lắm…
Bấm nút send qua cho lão Quý. Lão chửi đm, đéo có cái hình nào bớt sến hơn một tí à thằng kia. Đang rối nên nên cứ dạ dạ cho xong chuyện. Lão bảo bây giờ mày liên lạc cho mấy đứa bạn của con bé, hỏi xem con bé có ở bên đấy không, tao và tụi đàn em chia ra đi hỏi quanh mấy nhà nghỉ, quán ăn xem có tung tích gì không. Ê, mà con nhỏ thích ăn gì mày?
– Kem, kem sầu riêng ấy đại ca.
Tôi trả lời vội vàng. Lão Quý ờ ờ, trước khi cúp máy còn kịp chêm thêm một câu “Đkm, đang nhậu mà phiền phức vc”.
Tôi gọi cho nhỏ Dạ Uyên, đứa bạn duy nhất của em mà tôi biết, hỏi khéo để con nhỏ không biết là em vừa mất tích, kết quả là em không ở đó. Còn một vài đứa nữa tôi gặp hôm chở em đi sinh nhật, nhưng lại chẳng có số. Bèn vào facebook của em, ngồi xem mặt từng đứa trong danh sách bạn bè, cuối cùng cũng tìm ra được mấy đứa đó, lấy số và gọi, kết quả vẫn là em không ở đó. Tôi không ngạc nhiên lắm vì từ trước đến giờ, em vốn chẳng thân thiết thực sự với ai.
Tạt qua mấy quán kem mà tôi với em hay ăn nhưng chẳng thấy em đâu cả, chủ quán cũng bảo chẳng thấy con bé nào có vẻ giống em. Phóng như bay lên cầu Thuận Phước, nơi tôi với em hay đứng hóng gió, cũng chẳng thấy em đâu. Cứ thế chạy lang thang trên những con phố Đà Nẵng mông lung, vô định, chẳng biết sẽ tìm em ở đâu giữa cái thành phố ồn ào và rộng lớn này.
Mỗi con đường đi qua mà không thấy bóng dáng em, lòng lại đau thêm một chút. Nghĩ đến hình ảnh đêm qua em bước ra khỏi cửa, ánh mắt thất thần và tuyệt vọng nhìn tôi, tôi lại tự trách mình thậm tệ. Có phải em bỏ đi là vì tôi lạnh nhạt? Con bé ngốc nghếch và dễ tổn thương ấy, em đã đi đâu, ngủ ở đâu, lỡ có chuyện gì xảy đến với em chắc cả cuộc đời này tôi sẽ sống mãi với sự day dứt không bao giờ nguôi được mất.
Dù lòng vẫn đang rất đau vì em lừa dối tôi nhưng tôi lo cho em nhiều lắm. Bấm điện thoại gọi cho em lần thứ 32. Vẫn chẳng có tiếng trả lời.
Rồi đường phố thưa dần, quán xá đìu hiu, một mình tôi vẫn cứ dọc ngang trên những con đường Đà Nẵng đã từng rong chơi rất nhiều rồi. Và cho đến khi ông chủ quán kem nơi tôi với em hay ghé qua bực mình nạt nộ, “Chú nói mấy lần rồi, không có con bé nào như thế ở đây cả, cậu không nghe à?” Thì tôi mới nhận ra mình đã xới tung cái thành phố này đến lần thứ 3 rồi.
Chán nản và mệt mỏi, tôi dừng xe ngoài bờ biển. Đó là một thói quen cũng chẳng rõ từ bao giờ, nhưng mỗi khi muốn nghỉ ngơi hay cảm thấy bế tắc, tôi vẫn thường chọn nơi đây để ghé. Bốc điện thoại gọi cho lão Quý, tất nhiên cũng chẳng hy vọng gì nhiều vì nếu có gì tiến triển lão đã gọi cho tôi rồi, nhưng vẫn cứ gọi. Chỉ là muốn nghe giọng một ai đó thân quen, một ai đó mà mình có thể tin cậy được, để tự an ủi rằng lúc này đây, mình không hề cô độc. Lão chửi, mày cứ xoắn hết cả lên thế, có gì tao thông báo cho, gọi hoài mậy. Cười cười, tiếng chửi nghe sao mà du dương đến thế.
Để lại một bình luận