– Con bé hổng phải tiểu thơ như người ta nghĩ đâu chú à – Bà chủ quán kể tiếp – Con bé dễ thương lắm. Biết tui già cả hổng có bếp núc gì được nên ngày nào con bé cũng mang cơm qua cho tui hết. Thiệt tình, nhà đó ai cũng dễ thương hết trơn. Đấy, mới nói cái nó qua liền kìa.
Tôi quay ra phía sau và giật mình khi thấy con nhỏ Băng Linh đang rảo bước đi về phía quán nước. Tôi cuống cuồng giả bộ điện thoại reo và và đi ra phía sau cái chậu cây đứng nghe. Con nhỏ Băng Linh đứng cách tôi chỉ 1m. Nhỏ mặc 1 cái quần short ngắn, cột tóc đuôi gà và mang một đôi giày thể thao màu trắng. Lần đầu tiên tôi thấy nhỏ mang một phong cách trẻ trung và năng động như thế. Hình như là nhỏ chuẩn bị tập thể dục thì phải. Nhưng nhỏ có tập thể dục hay không không còn quan trọng nữa. Quan trọng là lúc này đây tôi đang nhìn thấy cặp giò dài miên man và trắng như trứng gà luộc của nhỏ. Khoảnh khắc đó, trong đầu tôi bỗng nhiên hiện ra một phép so sánh. Rằng không biết đôi chân này với đôi chân của Đan Chi cái nào đẹp hơn. Tôi vẫn có một chút nghiêng về con nhỏ Băng Linh. Vì tôi thích cái dáng đi nhẹ nhàng và yêu kiều của nhỏ. Bất giác tôi tự tát mình một cái và lẩm bẩm niệm thần chú: “Đan Chi ngon hơn. Đan Chi ngon hơn” để giữ mình.
– Con mang cơm qua cho bà nè.
Nhỏ Băng Linh cười tinh nghịch đưa cà mèn cơm cho bà chủ quán. Tiện tay nhỏ dọn luôn mấy ly café để dang dở trên bàn rồi lau luôn mấy cái bàn. Xong đâu đấy, nhỏ chào bà chủ quán rồi tung tăng chạy đi. Tôi lúc này cũng giả vờ nghe xong điện thoại, ngồi xuống bên ly café rồi tặc lưỡi:
– Chậc, con bé dễ thương thế hèn gì nhiều anh trồng cây si đúng rồi bà nhỉ!
Bà chủ quán gục gặc đầu nói:
– Dạo này cũng ít hơn rồi. Chắc con nhỏ thờ ơ quá nên người ta nản. Mấy tháng trước ngày nào cũng có một hai anh. Tuần này thì chú mới là người thứ ba thôi đấy.
– Ủa, thế hai người trước là ai hả bà? – Tôi hỏi bâng quơ.
– Bà chả biết. Một anh cao to, trắng trẻo, đẹp trai. Một anh thì tóc tai nhuộm tím, nhuộm đỏ, nhuộm xanh đủ thứ màu. Thiệt tình, giới trẻ bây giờ…
Tôi ngước mặt lên thảng thốt:
– Tóc nhuộm… Là thằng Bảy Màu ư?
Tôi bất chợt nhớ đến thằng con trai tóc nhuộm đi với thằng Minh dạo trước. Bà chủ quán có phải đang nói đến thằng Bảy Màu không nhỉ. Một số thứ mơ hồ hiện lên trong tâm trí. Những mảnh ghép rời rạc lúc xưa bắt đầu cựa quậy. Nhưng chẳng có gì rõ ràng. Một niềm thôi thúc mãnh liệt bảo tôi hãy hỏi thêm về thằng tóc nhuộm đó. Nhưng tự thấy không được tự nhiên lắm khi làm vậy, nên tôi không hỏi. Và nếu hỏi thì tôi sẽ hỏi điều gì để xác định danh tính của thằng Bảy Màu bây giờ? Tôi chỉ mới nhìn thấy nó thoáng qua có một lần. Quá ít dữ kiện.
Thở dài nhìn thơ thẩn về phía con lộ trong khi bà lão đang lách cách sửa soạn cà mèn cơm nhỏ Băng Linh vừa đem qua, tôi bất giác nhìn thấy một căn nhà hoang nằm cách nhà con nhỏ khoảng vài chục mét về phía tay trái. Khoảnh khắc đó, đột nhiên trong đầu tôi có thứ gì đó lạo xạo. Thứ gì đó như những mảnh ghép bắt đầu va vào nhau. Bất giác tôi hỏi:
– Đó có phải là căn nhà của cậu bạn thuở nhỏ của con bé không bà? – Tôi chỉ tay về phía căn nhà.
– Ừ, nó đó. – Bà lão xác nhận.
Bất chợt tôi rùng mình. Như kiểu một cánh cửa dẫn vào kho báu vừa mới mở toang ra trước mắt. Những dòng suy nghĩ chạy nhanh như điện xẹt.
– Căn nhà bỏ hoang từ đó đến bây giờ luôn hả bà? – Tôi hỏi.
– Mấy năm đầu có người thuê lại đấy chứ. Nhưng chả ai ở được lâu cả. – Bà lão thở dài – Căn nhà cũ quá rồi. Thời gian đầu ba thằng bé còn thỉnh thoảng về chăm nom vài lần. Nhưng sáu bảy năm nay chẳng thấy ổng về nữa. Căn nhà cứ để thế từ đó đến giờ.
– Bà có biết số điện thoại của bác ấy không ạ?
– Chú hỏi có chuyện chi?
– À, … con có người quen cũng đang cần mua nhà – tôi nói dối – con muốn hỏi bác ấy xem thế nào.
– Cái đó thì tui chịu chú à – Bà lão thở dài – Già cả có biết điện đóm gì đâu chú.
Tôi chau mày suy nghĩ một lúc rồi hỏi tiếp:
– Con có thể tham quan căn nhà một lúc được không bà? Con muốn… à… ờm… có thông tin để về nói lại với người quen của con ấy mà.
– Có phải nhà của tui đâu mà xin phép hả chú. Mà chú cứ ngó một vòng chắc chả sao đâu.
Tôi cảm ơn bà lão rồi đứng dậy tiến về phía căn nhà hoang. Đó là một căn nhà cấp 4 bình thường ẩn mình dưới những tán cây rậm rạp. Đám dây leo chằng chịt phủ kín dưới sân là minh chứng hùng hồn cho sự hiu quạnh của nó. Tôi cẩn thận len qua cánh cổng gỗ khép hờ đã hoang tàn theo năm tháng, hồi hộp nghe tiếng lá khô vụn vỡ dưới gót giày.
Vừa đi tôi vừa chăm chú quan sát. Đã 5h30. Phải nhanh lên trước khi chiều cạn nắng. Tôi nhìn cánh cổng, nhìn ra phía sân, nhìn qua bên vườn, nhìn lên mái nhà, nhìn vào bất cứ centimet vuông nào trong tầm mắt. Chắc chắn nó chỉ ở quanh đây thôi. Tôi tự nhủ và tiếp tục tìm kiếm.
Khi đang lần mò trong đám dây leo bừa bộn giăng kín lối đi, đột nhiên chân tôi va phải một thứ gì đó cứng cáp. Một thứ gì đó như một tấm ván mục hiện ra trước mắt tôi. Tôi reo lên mừng rỡ. Đây rồi! Chính là thứ tôi mà đang tìm kiếm. Một chiếc chìa khóa có thể mở ra bao nhiêu điều thú vị. Dưới ánh sáng nhá nhem của buổi chiều tà, tôi đọc được những dòng chữ “BÁN NHÀ – 09xxxxxxx”
Tối hôm đó sau khi ăn cơm tối với Đan Chi xong, tôi phốc lên chiếc ghế sofa ngoài phòng khách, vội vàng lôi trong túi quần ra một tờ giấy trên đó chi chít những dãy số. Một tay rà lên tờ giấy, một tay cầm chiếc điện thoại, tôi bắt đầu cuộc hành trình của mình:
– A lô, chào chị, có phải chị đang cần bán nhà phải không ạ?
Tôi tằng hắng mở đầu cuộc trò chuyện một cách từ tốn. Bên kia vang lên một giọng nói ngái ngủ:
– Nhầm số rồi cưng ơi.
Tôi lấy bút gạch bỏ dãy số đầu tiên và tiếp tục:
– A lô, chào anh, có phải anh đang cần bán nhà phải không ạ?
– Có nhà đéo đâu mà bán hở em?
Tôi tắt máy và gạch bỏ. Cứ thế, mười lăm cuộc gọi đầu tiên không mang lại kết quả gì. Tôi ngửa mặt nhìn lên trần nhà nghĩ ngợi. Còn 85 cuộc nữa, không biết có gặp được người cần gặp không. Mà cũng không biết người ta có còn dùng số đó nữa hay không. Tôi thở dài. Giá như tấm gỗ không bị mờ mất 2 con số, thì thật tốt biết bao nhiêu.
Một vòng tay ôm ngang vai kéo tôi ra khỏi những bộn bề suy nghĩ. Dù nhắm mắt tôi vẫn nhận ra mùi con gái của Đan Chi phảng phất trên những lọn tóc còn ướt vừa mới tắm, trên làn da trắng thơm như sữa của nhỏ, và trên cả nụ hôn khẽ khàng nhỏ vừa đặt lên má tôi.
– Anh đang làm gì mà suy tư thế?
Đan Chi nhấp nháy đôi mi nhìn tôi hỏi. Tôi kéo nhỏ nằm gọn vào lòng mình. Nhỏ cuộn tròn trên đùi tôi như một con mèo trắng lười biếng nằm vểnh đôi tai chờ đợi.
– Anh đang gọi điện thoại. – Tôi trả lời.
– Anh gọi cho ai á?
Thấy tôi ngập ngừng, nhỏ giật ngay tờ giấy trên tay tôi xem xét. Xong rồi nhỏ nhíu mày, thò tay véo má tôi:
– Gọi cho mấy con bé nào đây? Tập thể người yêu cũ hả?
Tôi bật cười ha hả, bảo anh mà có chừng này người yêu cũ thì đâu đến lượt em tán đổ anh. Đan Chi vùng dậy đấm thùm thụp vào ngực tôi. Xong rồi nhỏ đưa tay véo má, bóp mũi, bứt tóc tôi. Mặt nhỏ đỏ ửng thấy dễ thương chi lạ. Lần nào mà tôi lỡ nhắc đến cái chuyện ngày trước Đan Chi tỏ tình với tôi là y như rằng mặt nhỏ đỏ như đít khỉ. Những lúc đó nhỏ thường im lặng, chỉ nói chuyện với tôi bằng nắm đấm. Cũng có một vài trường hợp ngoại lệ nhỏ răn đe bằng những màn chọc léc khủng khiếp. Những lúc đó tôi vừa phải kẹp hai cái gối hai bên sườn, vừa chạy quanh nhà hòng thoát khỏi trò tra tấn đồi bại ấy.
Rượt nhau ầm ĩ một hồi, tôi giơ tay đầu hàng, mặc nhỏ muốn làm gì thì làm. Mà nhỏ cũng hết xí quách, hai lỗ tai xì khói thở hổn hển. Những lọn tóc bết vào má Đan Chi làm nhỏ tự nhiên trông đáng yêu kinh khủng. Tôi phì cười đưa tay gỡ những lọn tóc ra cho nhỏ. Nhỏ chăm chú nhìn tôi. Gương mặt bướng bỉnh dịu xuống thành một đứa trẻ con. Chỉ có cặp bưởi thả rong đong đưa sau tà áo mỏng kia thì vẫn là của phụ nữ. Ôi.
Nhỏ lại cuộn tròn trong lòng tôi. Lại thủ thỉ giận hờn:
– Anh gọi cho ai á?
Tôi tính kể từ đầu đến cuối câu chuyện của nhỏ Băng Linh và thằng Minh cho Đan Chi nghe, rồi cả câu chuyện bà lão quán nước kể cho tôi hồi chiều, nhưng chợt nhớ ra là Đan Chi hay ghen vẩn vơ với nhỏ Băng Linh lắm nên tôi không kể nữa.
– Anh gọi để hỏi mua nhà giùm người quen – tôi bốc phét – mà số điện thoại của chủ nhà bị mờ mất 2 số nên anh phải gọi từ 00 đến 99 nè.
Đan Chi nghiêng mặt nghĩ ngợi, kiểu như đang tính toán xem từ 00 đến 99 là bao nhiêu số. Và cuối cùng nhỏ kết luận:
– Vậy là anh phải gọi 100 cuộc điện thoại lận hả.
– Ờm – Tôi thở dài.
– Thế nãy giờ anh gọi được bao nhiêu số rồi?
– 15.
– Chời ơi, vậy thì bao giờ mới xong hở chàng?
– Thì biết sao được. – Tôi nhún vai.
– Để em giúp anh.
Mắt tôi sáng lên:
– Được hả?
– Chứ bộ gọi cho tổng thống hay sao mà hẻm được. – Nhỏ bĩu môi.
Tôi xoa đầu nhỏ cảm ơn rối rít. Nhỏ cười tít mắt và chìa hai bàn tay ra.
– Gì đấy? – Tôi hỏi.
– Xiền.
– Xiền gì?
– Xiền thù lao chứ xiền gì.
Thấy mặt tôi đần thối ra, nhỏ đưa tay xoa má tôi rồi cười hì hì bảo em đùa í mà. Tôi nhăn nhó bảo rảnh lắm hay sao mà còn đùa. Nhỏ chả bảo gì, chỉ khẽ giơ nắm đấm lên cười nhạt. Ok, em là bà nội của anh.
Sau khi hướng dẫn nhỏ cách gọi điện xong đâu đấy, tôi và Đan Chi bắt đầu phân nhau ra. Tôi gọi 60 số đầu, nhỏ gọi 40 số cuối. Nếu nhỏ gặp đúng người đang cần bán nhà thì đưa điện thoại cho tôi nói chuyện tiếp. Đơn giản thế thôi!
Tôi ngồi trên ghế sofa còn nhỏ nằm trên đùi tôi, hai đứa thi nhau bấm số xoành xoạch. Thỉnh thoảng nhỏ lại ngứa tay véo má tôi một phát. Thấy tôi làm mặt lạnh, nhỏ giận hờn giật lấy tờ giấy trên tay tôi vò nát hòng khiến tôi chú ý. Tôi lắc đầu. Phải đưa tay đan vào tay nhỏ một lúc thì nhỏ mới chịu để yên. Gọi được đâu tầm mười mấy cuộc toàn nhầm người, tôi không thấy nhỏ gọi nữa. Nhìn xuống hóa ra nhỏ đã ngủ ngon lành từ bao giờ.
Cõng con nhỏ lên phòng xong đâu đấy, tôi trở lại ghế sofa và tiếp tục cuộc hành trình. Còn mấy chục số nữa, mà cũng đã gần 10h rồi, tôi tính để mai gọi tiếp nhưng nghĩ ngợi thế nào lại quyết định làm phát cuối rồi đi ngủ. Tôi mở máy, bấm dãy số ở dòng thứ 43.
– A lô, chào chú, có phải chú đang có nhà cần bán đúng không ạ?
– Nhầm máy rồi cậu ơi.
Tôi thở dài định cúp máy thì giọng nói bên kia gọi với lại:
– Mà khoan, cậu đang nói đến căn nhà nào.
– Dạ, là căn nhà ở đường… , TP Đà Nẵng.
– Đúng rồi, là tôi đây. Năm năm rồi mới có người hỏi mua căn nhà đó đấy.
Tim tôi đập mạnh.
Một chút bối rối len qua tai làm đầu óc tôi mụ mị. Mặc dù đã biết trước là sớm muộn gì rồi cũng sẽ gặp, nhưng tôi vẫn chưa tin là mình đang nói chuyện với người chủ của căn nhà hoang đó, tức cũng chính là ba của cậu bạn thời thơ ấu của nhỏ Băng Linh năm xưa. Điều đó khiến tôi người tôi run lên vì phấn khích, trong thoáng chốc không nói nên lời.
Người đàn ông trong ống nghe thấy tôi im lặng, ổng hỏi tiếp với chất giọng khàn khàn:
– Này cậu, sao cậu biết là tui muốn bán căn nhà đó?
Tôi nghĩ đến tấm gỗ mình tìm thấy trong khu vườn hôm qua và câu chuyện với bà lão quán nước, lúng túng không biết nên chọn lý do nào cho phù hợp. Cuối cùng tôi trả lời:
– Dạ, con thấy tấm bảng bán nhà treo ngoài cổng đó chú. – Tôi cố tình giấu nhẹm đi tình tiết mình sục sạo trong khu vườn.
– Chà, mấy năm trời không thấy ai hỏi mua nhà, tôi tưởng tấm bảng đó bị bão bùng cuốn bay mất rồi chứ.
Thì đúng rồi gì nữa. Tôi cười gượng gạo và cố gắng bịa ra câu chuyện về một người quen muốn mua nhà. Người đàn ông chỉ ậm ờ nghe tôi nói, chốc chốc lại ho sù sụ sau ống nghe. Ổng chẳng có vẻ gì nghi ngờ về câu chuyện của tôi cả, và dường như cũng không tha thiết lắm chuyện bán nhà. Tất nhiên, tôi cũng chẳng phải hỏi để mua nhà thực sự, mục đích chính của tôi là một chuyện khác. Tằng hắng một cái để lấy lại sự điềm tĩnh, tôi hỏi một cách tự nhiên nhất có thể:
– Vậy làm sao để con coi nhà hả chú?
Ngẫm nghĩ một hồi, người đàn ông trả lời:
– Tui có thể về Đà Nẵng dẫn cậu xem nhà vào cuối tuần này.
– Sớm hơn được không ạ. – Tôi giả bộ buồn rầu – Anh người quen của con mai phải đi mất rồi.
– Chậc, thế thì… tui cũng chịu. – Người đàn ông thở dài.
– Chú không có người thân, con cái nào ở đây hả chú?
– Có mỗi thằng con trai nó đang đi du học, còn người thân thì…
Tôi run người. Chẳng còn để tâm đến khúc sau người đàn ông nói gì nữa, vì câu hỏi tôi cần đã có câu trả lời. Người đàn ông thấy tôi đột nhiên im lặng thì giục giã. Tôi luống cuống bày tỏ sự tiếc nuối vì chắc là chưa thể mua nhà vào đợt này được rồi vội vàng nói lời cảm ơn và tắt máy. Những câu nói của người đàn ông tua lại trong đầu. Như vậy là cậu con trai của người đàn ông đó đang đi du học. Cũng có nghĩa là cậu bạn thời thơ ấu của nhỏ Băng Linh đang ở một nơi nào đó bên kia Trái Đất.
Để lại một bình luận