Đã rõ.
Tôi thả người xuống chiếc ghế sofa, đưa mắt nhìn lên trần nhà nghĩ ngợi. Một khúc mắc mà tôi trăn trở mấy ngày nay đã có lời giải đáp. Một phần của bức tranh cũng bắt đầu lộ rõ. Nhưng điều đó không khiến tôi cảm thấy khá hơn. Ngược lại là những nỗi bất an dợn lên trong lòng. Tự nhiên thấy thằng Minh là một kẻ đáng sợ. Không biết nó đang có âm mưu gì, nhưng cái cách nó đóng giả thành một soái ca lịch thiệp và liều lĩnh tự nhận mình là một người bạn thơ ấu của nhỏ Băng Linh làm tôi rùng mình. Có một câu hỏi mà tôi nghĩ mãi vẫn không thể tìm ra câu trả lời. Đó là tại sao con bé không nhận ra một người bạn từng rất thân với nó? Dù 10 năm hay 20 năm, dáng vẻ bề ngoài có thể thay đổi, nhưng chẳng lẽ con người bên trong con bé cũng không nhận ra sao?
Nghĩ hoài nghĩ mãi chẳng ra, tôi ngủ thiếp đi trên ghế sofa lúc nào chẳng rõ.
Đan Chi đánh thức tôi khi nắng còn chưa sà xuống bờ hiên có những chậu phong lan nhỏ. Nhỏ thò tay véo má tôi một cái đau điếng. Mùi trứng rán xộc thẳng vào mũi như một sợi dây thừng kéo tôi bật dậy. Tôi dụi mắt hỏi:
– Hôm nay em nấu đồ ăn sáng hả?
Nhỏ gật đầu tinh nghịch rồi lôi tôi ra khỏi ghế. Thấy tôi cứ xà quần chưa chịu dậy, nhỏ tung chân tính làm một cú Du Long Hí Thủy nhưng tôi né được. Tỉnh cả ngủ. Lững thững đi vào nhà vệ sinh đánh răng thì thấy Đan Chi đã vào trước, hai tay cầm hai cái bàn chải, một cái đưa cho tôi.
Tôi với Đan Chi có thói quen đánh răng chung với nhau từ ngày tiếng yêu vừa chớm nở. Kể cả khi tôi dậy muộn và nhỏ thì đã nấu xong xuôi bữa sáng rồi, Đan Chi vẫn thường đợi tôi đánh răng cùng. Còn tôi, mỗi lần dậy sớm thì chả bao giờ nhớ là mình phải đợi. Ngủ dậy gật gà gật gù, tôi cứ thế xông thẳng vào nhà vệ sinh theo bản năng, đâu có nhớ một người con gái vẫn chờ tôi mỗi buổi sáng thức dậy. Đan Chi hay mè nheo với tôi chuyện đó. Tôi chỉ cười. Nhỏ cá tính vậy chứ hay giận hờn lắm. Và trực giác của nhỏ cũng thiệt ghê lắm:
– Anh đang giấu em chuyện gì hả?
Nhỏ bất chợt hỏi tôi khi cả hai đang ngồi ăn sáng. Tôi ngước mặt nhìn lên, thoáng bối rối:
– Chuyện gì là chuyện gì?
– Em không biết. Nhưng em biết là anh đang giấu em.
Đan Chi nói như thấu tận tâm can tôi. Chợt nhận ra ở cạnh nhau hơn 3 năm trời, nhỏ là người hiểu tôi quá rõ. Đúng là tôi đang có điều giấu nhỏ thật. Thì là chuyện của con bé Băng Linh với thằng Minh chứ đâu. Nhưng thực ra tôi không hề muốn giấu Đan Chi chuyện đó, chỉ là tôi muốn đợi lúc thích hợp nhất để nói ra. Ánh mắt của Đan Chi xoáy sâu vào gương mặt đang rã ra của tôi. Tôi thở dài đặt chén cơm xuống, biết mình không thể trì hoãn thêm được nữa, tôi từ tốn bắt đầu câu chuyện.
Tôi kể cho Đan Chi nghe từ cái lúc tôi tình cờ gặp thằng Minh với thằng Bảy Màu trong quán café và nghe được cuộc trò chuyện của hai đứa nó, cho đến khi thằng Thụy Phong kể cho tôi về mối quan hệ thuở nhỏ của thằng Minh với nhỏ Băng Linh, rồi đến chuyện tôi gặp bà lão quán nước, rồi chuyện tôi tìm thấy số điện thoại trong căn nhà hoang đó, và cuối cùng là những cuộc gọi đêm hôm qua để xác nhận nghi ngờ của mình. Tất cả đều được tôi kể lại một cách chi tiết và trung thực. Đan Chi chăm chú ngồi nghe với một khuôn mặt lạnh lùng khó hiểu.
– Đó là toàn bộ câu chuyện – tôi kết thúc – anh không nói gì với em vì không muốn em phải bận lòng những chuyện không liên quan đến mình.
– Chuyện đó cũng có liên quan đến anh đâu mà anh phải bận lòng? – Đan Chi cắt ngang lời tôi.
– Đó là học trò của anh, em à.
– Thì cũng là học trò của em chứ. Nhưng đó là cuộc sống riêng tư của người ta. Mình không có trách nhiệm can thiệp vào cuộc sống riêng của người ta.
– Nhưng mà thằng Minh…
– Thằng Minh có thế nào thì cũng là việc riêng của nó. Đúng hay sai thì đã có xã hội và luật pháp lo liệu. Anh không thể lo cho cuộc sống của từng đứa học trò được. Anh còn có cuộc sống riêng của anh nữa chứ.
Bữa ăn sáng bỗng nhiên trở thành một màn tranh luận kịch liệt. Tôi không hiểu vì sao Đan Chi lại trở nên gay gắt với tôi như thế. Trong trí nhớ của tôi nhỏ là một người hiệp nghĩa, và là một cô giáo luôn biết cách lo lắng cho lũ học trò. Tôi cứ tưởng Đan Chi sẽ đứng về phía tôi trong trường hợp này, nhưng hóa ra nhỏ lại thò chân bước qua phía đối diện. Có một chút không hiểu. Có một chút chạnh lòng. Nhưng một lời của Đan Chi cất lên sau cuối đã khiến tôi hiểu ra tất cả.
– Anh làm việc đó chỉ vì con bé Băng Linh?
Tôi sững người. Kiểu như có một nhát dao vừa đâm xuyên qua niềm kiêu hãnh. Và lòng tự trọng như vừa bị ai đó thò tay xé tơi bời. Tôi thấy mình đứng dậy khỏi bàn ăn, và lần đầu tiên nhìn Đan Chi với một ánh mắt không giấu nổi sự thất vọng vời vợi. Cánh cửa phòng đóng sầm sau lưng tôi. Tôi thả thân mình rơi tự do xuống chiếc giường màu lá chuối. Bên ngoài phòng khách lặng như tờ.
Tôi nằm im chờ đợi một tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Tưởng tượng ra hình bóng của Đan Chi xuất hiện với một lời xin lỗi thiết tha… Nhưng chẳng có. Một tiếng đóng cửa mạnh bạo vọng xuống từ tầng trên. Tôi biết Đan Chi cũng vừa thả mình xuống chiếc giường màu gỗ mun của nhỏ. Đan Chi sẽ chẳng khóc. Nhỏ rất giống tôi, mỗi khi buồn sẽ bất cần với mọi thứ.
Hôm đó là một ngày dài. Tôi với Đan Chi chả nói với nhau câu nào suốt những lần chạm mặt nhau ở nhà, và cả ở trên lớp vẽ. Tối hôm đó Đan Chi cũng không nấu bữa tối. Tôi pha mì gói ngồi ăn một mình còn nhỏ thậm chí chả thèm ăn một chút gì kể từ bữa sáng. Cứ về đến nhà là nhỏ leo lên phòng đóng sầm cửa lại. Tôi hơi lo lắng cho nhỏ nhưng cũng chả nói gì. Dường như cả tôi và Đan Chi đều không muốn là người phải lên tiếng trước. Con người ấy của nhỏ cũng chính là con người của tôi. Tôi hiểu nhỏ như hiểu chính bản thân tôi vậy.
Đêm đó cũng lại là một đêm dài. Cả đêm cứ trằn trọc không ngủ được. Những suy nghĩ miên man về thái độ của Đan Chi lúc sáng quấn lấy tôi không dứt. Tự nhiên tôi lại quay qua trách móc con nhỏ Băng Linh, trách rằng giá mà nó cứ bình thường như bao đứa học trò khác, thì tôi đã không phải nhọc lòng như thế. Trách nó xong rồi tự nhiên lại quay qua trách mình, tự cảm thấy xấu hổ với chính mình, và với con nhỏ. Không biết bao nhiêu lần tôi thấy mình dợm bước ra khỏi phòng, rón rén đi lên từng bậc cầu thang và đứng trước cửa phòng Đan Chi, đôi tay ngập ngừng muốn gõ cửa, nhưng cuối cùng lại đi xuống.
Bình minh ngày thứ Sáu xộc thẳng qua từng ô cửa sổ, khẽ lay tôi dậy sau một giấc ngủ chập chờn. Chẳng hiểu sao hôm qua ngủ muộn mà hôm nay lại dậy sớm đến thế. Lững thững bước ra phòng khách để tắt cái tivi tối hôm qua đến giờ chưa ai tắt, tôi bắt gặp Đan Chi đang chậm rãi đi xuống cầu thang. Cú chạm mặt bất ngờ khiến cả hai lúng túng. Tôi giả vờ cúi mặt ho sù sụ. Đan Chi vội vàng quay đi để giấu vẻ bối rối của mình. Chẳng đứa nào nói gì. Cả hai vẫn vậy. Vẫn che giấu cảm xúc. Vẫn đặt niềm kiêu hãnh lên trên những yêu thương của chính mình.
Buổi học vẽ chiều hôm đó diễn ra vô cùng trầm lặng. Cả tôi và Đan Chi chả ai nói gì, khiến tụi học trò cũng chả đứa nào dám mở miệng. Tụi nó hình như cũng nhận ra giữa tôi và Đan Chi đang có chuyện gì đó. Chỉ có con nhỏ Băng Linh là vẫn hồn nhiên mang bài tới nhờ tôi chỉ, còn mè nheo đủ thứ chuyện. Tôi khẽ liếc nhìn về phía Đan Chi và chờ đợi một sự biểu cảm nào đó từ nhỏ, nhưng chả thấy. Chán quá tôi bảo con nhỏ Băng Linh qua nhờ thằng Thụy Phong nó chỉ cho. Thằng Thụy Phong mừng rơn. Còn thằng Minh ném về phía tôi những cái nhìn hậm hực, dù nó che giấu rất kỹ sau khuôn mặt đẹp trai ấy.
Cuối buổi học, tôi gọi thằng Thụy Phong nán lại. Sau một đêm dài suy nghĩ, tôi đã quyết định sẽ đứng ngoài những chuyện liên quan đến cuộc sống của con nhỏ Băng Linh. Mặc dù tôi rất quý con nhỏ, mặc dù bố con nhỏ luôn kỳ vọng tôi sẽ giúp đỡ nó, và mặc dù trong sâu thẳm tâm hồn tôi vẫn luôn đinh ninh rằng mình đã từng gặp đôi mắt lúc nào cũng như sắp khóc ấy ở đâu đó, nhưng thôi, Đan Chi mới là người con gái tôi yêu thương hiện tại, là người bên cạnh và chăm sóc tôi suốt từ đó đến bây giờ. Sự lựa chọn này, có lẽ cũng chẳng cần phải suy nghĩ gì nhiều cho lắm.
Thằng Thụy Phong có vẻ hơi ngạc nhiên vì chưa bao giờ tôi gọi nó ở lại cuối buổi học. Có một chút lo lắng thoáng hiện lên trên gương mặt thằng nhỏ. Hình như cu cậu đang sợ tôi la mắng chuyện học hành. Tôi trấn an nó bằng một cái vỗ vai và bảo nó ngồi xuống.
– Anh có chuyện muốn nhờ mày.
Tôi mỉm cười và bắt đầu câu chuyện. Mọi thứ về thằng Minh, về cậu bạn của nhỏ Băng Linh, về bà lão quán nước, về căn nhà hoang và những cuộc điện thoại, về những suy đoán của tôi, tôi đều kể lại y chang như những gì tôi đã kể với Đan Chi. Nhưng khác với sự lạnh lùng và thờ ơ của Đan Chi, thằng Thụy Phong không giấu nổi sự thảng thốt trên gương mặt và liên tục hỏi tôi:
– Tại sao… Linh lại kông nhận ra được người bạn thân của mình được chứ? Vô lý!
Tôi trầm ngâm. Nhớ lại bà lão quán nước đã từng nói có một thằng tóc bảy màu với một thằng cao to, đẹp trai hay ngồi ở quán nước của bà, tôi suy đoán:
– Giả thiết có vẻ hợp lý nhất là thế này: Thằng Minh nó hay tới quán nước gần nhà nhỏ Linh ngồi để tìm cách tiếp cận con nhỏ. Tình cờ nghe được câu chuyện mà bà lão kể về gia đình nhỏ Linh như đã kể với anh, thằng Minh nó quyết định đánh bài liều, đóng giả làm bạn thời thơ ấu của nhỏ. Mục đích là gì thì anh không chắc, có lẽ là để tăng khả năng “hốt” được nhỏ Linh nhanh hơn.
– Tại sao? Cỡ nó thì đánh từ từ là thắng chắc rồi mà.
– Làm sao anh mày biết được. Giờ đó là nhiệm vụ của chú. Anh giao hết cả cho chú đấy. Hãy cố gắng bảo vệ người trong mộng của chú đi.
Tôi kết thúc buổi bàn giao công tác bằng một câu dặn dò:
– Nhớ nè, đó mới chỉ là suy đoán cá nhân của anh, không có gì chắc chắn hết. Chú mày đừng manh động. Chỉ cần quan sát và bảo vệ con nhỏ là được. Anh trông cậy cả vào mày đấy.
Thằng Thụy Phong gật đầu. Nó chốt thêm một câu “Anh cứ tin tưởng ở em” chắc nịch làm tôi cũng yên tâm phần nào. Cứ tưởng tôi sẽ cảm thấy nhẹ lòng khi không còn dính líu gì đến chuyện đó nữa, nhưng hóa ra lòng tôi vẫn còn đầy sỏi đá. Cái câu hỏi tại sao con nhỏ không nhận ra người bạn của mình cứ lấn cấn trong người tôi đầy khó chịu. Đi kèm với đó là thắc mắc rằng tôi đã từng nhìn thấy đôi mắt của con nhỏ ở đâu làm tôi cứ thở dài. Những suy nghĩ vẩn vơ như áng mây đen vắt ngang bầu trời u ám. Tôi cố gạt phắt nó đi. Nhưng không thể.
Về nhà trong một tâm trạng rối bời. Tôi cố gắng giải khuây bằng một trận bóng đá vỉa hè với tụi thanh niên trong xóm. Kể từ khi bị chấn thương đến nay, đây là lần đầu tiên tôi xỏ giày trở lại. Vận động thể thao khiến tinh thần tôi sảng khoái. Tắm một phát nữa làm đầu óc tôi thông suốt hẳn ra. Tôi đã nghĩ đủ. Tôi là một thằng đàn ông. Mà đã là một thằng đàn ông thì không được nhỏ nhen và ích kỷ, nhất là đối với người con gái của cuộc đời mình. Hôm nay tôi sẽ gặp Đan Chi, tự hứa với lòng mình sẽ ôm nhỏ vào lòng và nói lời xin lỗi.
Đan Chi về nhà vào tối muộn. Mấy hôm nay nhỏ hay đi làm đồ án ở nhà mấy đứa bạn, có hôm ngủ lại không về. Thấy tôi nằm thườn ra trên ghế sofa, hờ hững đọc sách kiến trúc trong khi tivi đang chiếu chương trình ca nhạc, nếu là bình thường nhỏ sẽ nện cho tôi một cú Mãnh Long Quá Hải vì cái tội lãng phí điện lực quốc gia, nhưng hôm nay nhỏ lại chả thèm để ý. Nhỏ lật đật chạy lên phòng thay đồ, rồi lại lật đật chạy xuống bếp, chắc là định nấu cái gì đó để ăn. Tôi nghe có tiếng nhỏ khẽ kêu lên như gặp một cái gì đó kinh ngạc. Tôi nằm đọc sách quay đầu về phía bếp nhưng cũng đủ biết rằng nhỏ đang thập thò nhìn tôi qua cái tủ lạnh. Rồi tiếng chén đũa chạm vào nhau. Và tôi mỉm cười.
Đan Chi dọn dẹp xong xuôi rồi đi tắm. Cái mùi con gái quen thuộc của nhỏ lởn vởn dưới nhà một lúc rồi chạy tót lên lầu. Nhỏ vẫn chưa nói với tôi câu nào và tôi cũng vậy. Tôi bước vào phòng đóng cửa lại, mắt nhìn lên đồng hồ và bắt đầu đếm.
Một…
Hai…
Ba…
Ơ, sao nhỏ vẫn chưa gõ cửa nhỉ.
Bốn…
Năm…
Sáu…
Ơ, nhỏ đâu rồi ta?
Trái tim tôi bắt đầu chộn rộn. Rón rén bước xuống giường và đẩy hờ cánh cửa nhìn ra nhưng chả thấy Đan Chi đâu cả. Tôi mở toang cửa, dáo dác nhìn quanh nhưng vẫn không thấy Đan Chi đâu. Thở dài định bước trở vô phòng thì đột nhiên tôi khựng lại.
Đan Chi chẳng biết từ đâu chạy tới chặn giữa tôi và cánh cửa. Gương mặt nhỏ lạnh lùng nhìn tôi nói:
– Anh tưởng em sẽ gõ cửa và xin lỗi anh chứ gì?
Tôi lặng im.
– Anh tưởng một bữa cơm mà mua chuộc được em à?
Để lại một bình luận