– Về đi, còn đứng đó làm gì?
Lam Ngọc vẫn tiếp tục giục, giọng đã pha một chút gấp gáp.
Chẳng còn cách nào khác tôi lại tự dằn lòng mình phàm là còn gái đẹp đều có thể đi guốc trong bụng ta như chơi. Hay ghê!
Do hai đứa chỉ đi một xe nên tôi lại chở Lam Ngọc về bằng chiếc xe đạp điện của nàng. Dù quảng đường dài hơn năm cây số nhưng tôi lại thấy nó ngắn ngủn. Chỉ mới nói chuyện với nàng được mấy câu, con đường dẫn vào nhà nàng đã lồ lộ trước mặt.
Biết sao được, hôm nay chở nàng bằng xe đạp điện mà, nhín ga phát đã tới ngay rồi. Dù vẫn còn luyến tiếc lắm nhưng tôi đành phải tự dằn lòng mình lần thứ 3 rằng rồi tôi sẽ được uống cà phê với nàng một lần nữa như khi nàng đi guốc trong bụng tôi lúc nãy.
Như thường lệ dì vú lúc nào cũng là người ra mở cổng cho chúng tôi. Chỉ khác một điều là gương mặt dì lúc này lộ rõ vẻ căng thẳng, nó giống như bạn đang chuẩn bị thông báo cho người khác một tin rất ư là kinh khủng.
Lam Ngọc đọc được nét mặt đó rất nhanh, nàng hỏi ngay lập tức:
– Ba con về rồi phải không?
– Ừ, ông có vẻ tức giận lắm, con nhớ bình tĩnh nha!
– Dạ, con biết rồi!
Mặt Lam Ngọc chuyển sắc rất nhanh. Từ nét vui tươi, hồ hởi nàng bỗng nghiêm mặt lạnh lùng như một tướng sĩ chuẩn bị ra chiến trận. Nàng quay sang tôi:
– Phong về trước đi, hôm nay vậy là được rồi!
– Ơ là sao? – Vẫn chưa hiểu Lam Ngọc nói gì, tôi cố gắng hỏi lại.
Nhưng Lam Ngọc chứng tỏ mình là một người rất cương quyết, nàng vẫn lạnh giọng trước ánh mắt tò mò của tôi:
– Phong cứ về đi! Chuyện thường ngày thôi.
Nếu như chỉ có Lam Ngọc ở đó, tôi có thể mặt dày một chút nán lại để hỏi. Tuy nhiên ở đó còn có dì vú. Dì cứ lay tay tôi lắc đầu như muốn nói đừng làm khó Lam Ngọc nữa, con bé đã khổ lắm rồi. Tôi biết nếu vẫn chưa biết được đã xảy ra chuyện gì, mình sẽ thấy khó chịu lắm. Nhưng với vẻ mặt lo lắng đến tội của dì vú hiện giờ tôi cũng không muốn biết thêm.
Tôi nhìn Lam Ngọc một hồi rồi khẽ chào tạm biệt nàng. Tôi quay bước đi cùng dì vú dẫn chiếc xe ra cổng. Thi thoảng tôi ngoảnh lại để nhìn thấy bóng dáng nàng khuất sau cánh cửa nhà. Và khi nàng đã khuất hẳn, trong lòng tôi lại dấy lên những luồng suy nghĩ đâm xuyên.
Vừa rồi nghe Lam Ngọc nói, có lẽ ba nàng đã về. Nhưng ba nàng lúc nào cũng say xỉn, tôi e rằng hai người sẽ lại cãi nhau. Nếu thật là như vậy, sẽ rất vô tâm nếu nói tôi hoàn toàn không liên can đến chuyện này.
Tôi nghĩ và tưởng tượng mọi thứ khủng khiếp sẽ ập vào đầu Lam Ngọc. Có thể nàng sẽ bị ba mắng oan, thậm chí còn bị đánh đòn. Tôi là một đấng nam nhi con nhà võ tuyệt đối sẽ không để một cô gái chịu tội cho mình được.
Chỉ kịp nghĩ đến đó, tôi vội dúi ghi đông xe vào tay dì vú:
– Dì giữ xe dùm con nha!
Rồi tôi lao ngược trở lại cửa nhà nàng.
Chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ lao nhanh thế này. Thoắc cái dì vù đã ở sau lưng tôi, thoắc cái nữa cửa nhà nàng đã ở trước mặt. Có cảm giác tôi sẽ ủi sập cửa nhà nếu không có bậc tam cấp ngăn lại.
Lúc này tôi đã có thể nghe loáng thoáng cả giọng Lam Ngọc và ba nàng ở bên trong:
– Có thật là vậy không Ngọc?
– Dạ thật!
– Chỉ có mình con thôi?
– Dạ!
Như thế chẳng phải nàng đang nhận mọi trách nhiệm về mình thôi sao. Nếu tôi không làm gì ngay bây giờ thì thật là hổ thẹn cho một thằng con trai học võ. Tôi sung máu lên, bước thùm thụp vào cửa nhà hét to:
– Mọi chuyện là do con làm, chú đừng trách Lam Ngọc…
Hành động của tôi hoàn toàn nằm ngoài tiên liệu của Lam Ngọc và ba nàng. Trong một giây, cả hai cha con, 4 con mắt (đúng ra là 6 vì còn có dì vú đằng sau) ngạc nhiên quay nhìn tôi.
Tôi phớt lờ đi sự sững sốt của mọi người. Miệng vẫn khí thế tuông ra những câu chỉ trong phim mới có:
– Xin chú đừng la rầy Lam Ngọc, bạn ấy không có tội gì đâu. Mọi chuyện do con mà ra cả.
– Mày… mày…
Mọi chuyện vẫn nằm trong dư đoán của tôi khi ba nàng cứ ú ớ như á khẩu. Dì vú thì đứng chết trân ngoài cửa tay bám víu vào tay nắm như thể nếu buông ra chỉ một giây, cả người dì sẽ đổ sụp. Duy chỉ có Lam Ngọc lúc này là trái với dự đoán của tôi. Thay vì cảm động đến phát khóc, Lam Ngọc chỉ đứng nheo trán nhìn tôi lắc đầu liên tục như thể đang bó tay trước một việc gì đó khó giải quyết.
Trong lòng tôi đã bắt đầu có cảm giác bất an. Nhưng tôi biết một khi ngọn lao đã được phóng đi không thể nào rút lại được. Ba nàng vẫn tiếp tục gặn hỏi tôi với giọng ồn ồn:
– Có thật là mày làm không?
– Không phải đâu ba!
– Im, để tao nói chuyện với cái thằng này!
Lam Ngọc định can vào nhưng ngay tức khắc bị ba nàng gạt phắng ra. Lúc đó tôi hoàn toàn có thể kéo nàng lại nhưng nếu làm vậy chẳng khác nào tôi bắt nàng chịu cùng mình.
Ngó thấy cường độ lắc đầu của Lam Ngọc đang nhanh dần lên, tôi có một chút chột dạ. Biết đâu nàng đang cảnh báo tôi một việc gì đó. Nhưng sau một hồi tự trấn an mình. Có lẽ Lam Ngọc đang thấp thỏm không muốn tôi nhận tội giúp nàng đây mà. Nàng tốt ghê!
Ý nghĩ đó khiến trong người tôi bừng lên sức mạnh khủng khiếp, tôi nhìn ba nàng dõng dạc:
– Dạ, mọi chuyện do con làm!
– Thằng mất dạy… mày dám làm vợ tao có bầu à?
Trong Khi lỗ tai tôi còn u u bởi những lời nói của ba nàng. Ông đã lao đến bóp lấy cổ tôi nhanh như chớp. Ông bóp cổ tôi rất chặt nên việc nói thành lời lúc này quá là xa xỉ đối với tôi. Đương nhiên Lam Ngọc không bao giờ bỏ tôi một mình. Nàng ngay lập tức chạy đến nói đỡ cho tôi vừa tìm cách gỡ đôi tay cứng như gọng kìm của ông:
– Ba ơi, mọi chuyện chỉ là hiểu lầm thôi!
– Hiểu lầm cái gì, chính miệng nó thừa nhận mà! Thằng con nít quỷ!
Mặc cho Lam Ngọc có giải thích cỡ nào, ông vẫn một mực không buông, lại càng bóp chặt hơn khiến tôi gần như nghẹt thở. Bấn quá làm liều, tôi cầm cổ tay của ba nàng bằng cả hai tay, cúi đầu xuống há miệng ngoạm một cú thật mạnh vào cổ tay.
Ông gầm lên một tiếng rồi buông lỏng cần cổ tôi ra. Chưa kịp ngẩng mặt lên quan sát tình hình. Tôi đã nghe tiếng hét cộng với cái xô cực mạnh của Lam Ngọc:
– Chạy mau đi, nhanh!
Lúc đó tôi cũng muốn ở lại nói cho ra lẽ mọi chuyện lắm. Nhưng xét thấy tình hình hiện tại có lẽ tôi càng ở lại mọi chuyện sẽ càng rối hơn. Sẵn đà bị xô ra ngoài cửa, tôi lao một mạch ra chiếc xe đạp đang dựng ngoài sân. Đạp thục mạng ra khỏi nhà nàng.
Sau ngày hôm đó, tôi cứ thấp thỏm lo lắng cho Lam Ngọc. Những dòng tin nhắn tôi gởi cho nàng vào tối qua cũng chưa được hồi âm. Có lẽ nàng đã bị ba mình cho ăn đòn đến nỗi không cầm chiếc điện thoại trả lời được. Nhưng sau một hồi suy ngẫm, tôi tạm chấp nhận ý nghĩ rằng nàng là một người có học võ, không dễ gì bị mấy đòn đánh đó hạ gục dễ đến vậy được. Tuy nhiên không vì thế mà nàng không cảm thấy đau. Biết đâu được nàng lại giận tôi đã sớn xác ăn nói hồ đồ. Vợ người ta có bầu mà tôi dám đứng ra nhận mọi chuyện, lại còn cắn vào tay ba nàng nữa. Đúng là gan tày trời!
Cái ý nghĩ đó cứ đeo bám trong đầu tôi cho đến hôm khai mạc giải bóng đá toàn trường.
Ngày hôm đó là một ngày nắng đẹp, trời trong xanh gió mát. Vì thế khán giả hôm nay kéo đến sân rất đông, phần lớn là học sinh trường tôi cùng với một số người khác hiếu kì vào xem. Nổi bật nhất vẫn là đội cổ vũ của lớp tôi. Được dẫn dắt bởi cái miệng không xương của Phú nổ, bọn đấy cứ hô hào lên um cả một góc sân mặc dù vẫn chưa đến lượt đội tôi thi đấu.
Theo sự phân chia của ban tổ chức, lớp tôi được xếp vào bản C cùng với ba đội khác là 12a7, 12a5 và 10a3. Do đó, hôm nay chúng tôi phải thi đấu đủ cả 3 lượt trận với các đội trong bảng để chọn ra một đội duy nhất vào vòng trong.
Nếu như là tôi của ngày thường thì chắc chắn sẽ rất háo hức với một không khí bóng dá sôi động như thế này. Nhưng tôi bây giờ mang đầy tâm trang lo âu. Lo về ba của Lam Ngọc và lo cho cả nàng nữa.
Suốt cả buổi ngồi ngoài sân xem mấy trận đấu. Tâm trí tôi cứ lửng lơ đâu đó. Khi thì đậu vào những mái nhà cao ngút. Khi thì bám vào những cột đèn nơi góc sân. Lâu lâu lại hoà vào dòng ngưới đang đứng chen chúc trước mặt. Tất cả chỉ có mục đích duy nhất, đó chính là tìm cho được hình bóng của Lam Ngọc đang xuất hiện ở đâu đó.
Từ sáng cho đến giờ tôi vẫn chưa thấy nàng đâu. Xung quanh tôi chỉ toàn người và người. Tôi như lạc vào một nơi nào đó thật xa lạ mặc dù những người xung quanh tôi hoàn toàn không xa lạ chút nào. Nói chính xác hơn tôi đang đứng chung với cả đội bóng lớp tôi ở một góc sân. Ấy thế mà vẫn thấy hiu quạnh ghê!
– Ê, vào chuẩn bị đi mày, trận tiếp là lớp mình đá rồi đó!
Toàn phởn thút vai tôi, nó vào trong sân rồi ngồi bệt xuống lột đôi dép đang mang ra, thay vào một đôi giày đinh chính hiệu. Hôm nay có cả bọn thằng Huy đi theo cổ vũ, bọn nó ngồi ngoài băng ghê đá gần đó nói vào, tay vẫn nhồm nhoàm ổ bánh mì buổi sáng:
– Lớp bây đá với ai đấy?
– À, trận đầu đá với 10a3! – Khanh khờ khụt khịt trả lời.
– 10a3 à, có đá với bọn nó lần nào chưa?
– Chưa, mà kệ đi, tuỳ cơ ứng biến!
– Dóc láo, đừng có mà khinh địch nghen mạy!
– Tụi nó mới lớp 10 chứ mấy, hế hế!
Toàn phởn vẫn cái mặt độc quyền của mình miệt mài cột dây giày mà tán phét với bọn Huy đô. Chừng như thấy được sự khác thường, nó đột nhiên quay sang tôi:
– Ơ cái thằng này, bố bảo đi thay đồ chuẩn bị vào trận mà cứ ngồi trơ trơ ra đó!
– Chắc thằng này sáng gấu chưa phát thuốc rồi, có cần tao kêu nó vào sân không?
Ý thằng Huy là con bé Ngọc Mi đang ngồi cách đó không xa. Hôm nay lớp con bé cũng sẽ đá vòng bảng nhưng là sau khi vòng bảng của nam kết thúc. Thế nên nó vẫn ngồi đấy để cổ vũ cho đội tôi.
Bất giác nhìn về phía Ngọc Mi, con bé vẫn nhìn tôi cười tươi làm mọi suy nghĩ vẫn vơ trong đầu tôi bay hết tẹo. Tôi cầm chiếc áo đấu mới, sầm mặt:
– Thôi dẹp, tao đi thay đồ đây!
Nói đến chiếc áo đấu mà lớp tôi đã đặt để thi đấu giải. Nó là cả một quá trình tranh cãi nảy lửa giữa tôi, Toàn phởn và thằng Tiến.
Còn nhớ lúc đó khi thầy chủ nhiệm hỏi áo đấu của đội là gì, cả đám mới vỡ lỡ ra là chưa nghĩ đến chuyện đó. Rất nhanh, với tư cách là đội trưởng, Toàn phởn giơ tay đề xướng ngay:
– Đặt áo Real đi thầy, áo trắng đẹp như mơ!
– Thôi mày ơi, áo trắng đá dễ dơ lắm, đặt Juventus đi, sang trọng lịch lãm! – Thằng Tiến khụt khịt chen vào.
– Bậy, sang cái gì mà sang, nhìn như áo tù ấy. Đặt Bayern đi, nghe hùm xám là sợ liền!
Tôi cũng không vừa tham gia vào cuộc tranh luận ngay. Tuy nhiên hai thằng kia vẫn giữ nguyên lập luận của mình không ai thua ai:
– Đặt Real đê, mấy màu kia nhìn ái ái sao á!
– Ái ái cái đầu mày, Juve mà ái à?
– Ờ, Bayern ái chỗ nào, đấm mày phát giờ!
– Tao không biết, đặt Real!
– Juven đê!
– Đết, Bayern!
– Real!
– Juve!
– Thôi nào mấy đứa, trật tự cho thầy!
Do quá ác liệt, thầy Tuấn buộc lòng phải lên tiếng ngăn chặn cuộc tranh cãi để giảm thiểu số thương vong. Nhưng ngoài mục đích đó, thầy cũng có chủ kiến riêng của mình. Nhìn một loạt 3 thằng ất ơ bọn tôi, thầy ôn tồn:
– Áo đấu của bọn em đúng là có đẹp thật. Nhưng đó toàn là những đội nổi tiếng, thế nào lớp mình cũng sẽ đụng hàng thôi!
– Vậy giờ đặt áo gì, thầy? – Toàn phởn liếm môi.
– Để thầy nghĩ xem, hay là chúng ta…
Đó là lí do vì sao đội tôi mặc chiếc áo đấu màu vàng đen trong buổi sáng ngày hôm nay. Không phải Real, không phải Juven càng không phải Bayern của tôi mà là Dortmund vô địch giải đức năm trước.
Mới đầu thì thằng nào cũng ngọ nguậy chả ai chịu mặc, nhưng dần thì bọn nó cũng quen rồi thích mặc luôn. Màu vàng thì nổi bật nhất trong đám rồi, lại ít đụng hàng với những lớp khác. Riêng tôi, đội bóng yêu thích của tôi là Bayern nhưng càng không thể không biết kình địch của mình là Dortmund, thế nên mặc vào có hơi gượng gạo tý xíu. Nhưng sau này, hai đội đó là đội bóng ưa thích của tôi thật.
Trở lại với sân bóng. Lúc này đội tôi đã chuẩn bị đâu vào đó và đang tổ chức đá bóng ma khởi động trên sân. Cường độ nhanh của bài tập khởi động cũng chẳng giúp tôi thoát khỏi tình cảnh tâm trí lửng lơ như ban nãy.
Đã gần đến giờ đá rồi, Lam Ngọc vẫn chưa thấy đâu, điều đó khiến tôi cảm thấy hoang mang thật sự. Những đường chuyền bóng không còn chuẩn xác nữa, nó nhanh chóng bị Khanh khờ chặn thót:
– Hế hế, bắt được mày rồi, vào bị đi con!
Vậy là tôi phải lầm lủi đi vào thay thế vị trí của Khanh khờ. Cái dáng đi của tôi lúc này ai cũng có thể hiểu rằng là do bị Khanh khờ chặn được bóng. Nhưng với Toàn phởn, nó lại hiểu theo một nghĩa khác và cách hiểu của nó hoàn toàn chính xác đến từng cọng tóc.
Khi tôi đi ngang, nó liền nói với giọng thì thầm:
– Ê, sáng nay sao đó mày! Có chuyện gì à?
– Có gì đâu, mệt tý thôi!
– Thế có đá được không?
Để lại một bình luận