Vừa dứt câu nó lại ôm chầm lấy tôi như thể xa cách ngàn dặm mới được gặp nhau vậy. Chỉ khi có Kiên lảng xen vào:
– Mà điện thoại mày còn không Phong?
Lần này chả có ai bắt bẻ nó về việc xen ngang câu chuyện. Cả đám cũng im bặt nhìn tôi như đang chờ đợi câu trả lời. Tôi bình thản nhún vai:
– Thì vẫn còn!
– Đù ghê mạy! Tao tưởng nó hốt điện thoại của mày rồi chớ!
Toàn phởn ngạc nhiên như phần đông cả bọn trong lớp bây giờ.
– Thì tao giấu ở một nơi rất kĩ nên tụi nó tìm không ra! Nhưng mà do gấp quá tao chưa lấy về được, hề hề!
– Dữ bây! Mai mốt chỉ chỗ tụi tao giấu với coi!
Cả lớp lại xôn xao lên hỏi chỗ tôi đã giấu điện thoại. Cũng may là lúc đó tiếng trống vào tiết đã giúp tôi giải tán đám đông và trả tự do tôi về chỗ ngồi trước sức ép như vũ bão của tụi nhí nhố trong lớp.
Tôi đi về chỗ với ánh mắt lo lắng của Lam Ngọc. Tôi tưởng tượng mình như thương binh trở về quê hương với vòng tay của cô vợ hiền xinh đẹp sau bao năm chinh chiến.
Nhìn lại chiếc cặp vẫn còn nguyên trong hộp tủ, tôi thở phào nhẹ nhõm:
– Phù, cũng may là còn! Cảm ơn Ngọc nhen!
– Không có gì đâu! Lúc nãy Phong chạy đến đâu lận!
Tất nhiên tôi không thể để Lam Ngọc biết tôi đã chạy đến tận lớp con bé Mi được, chỉ cười xuề xòa:
– À hì, chạy xuống đến căn tin giấu luôn đấy!
Nàng không nói gì, chỉ lắc đầu cười nhẹ rồi bắt đầu tiết học kế tiếp. Còn tôi vẫn đao đáo cái kế hoạch tặng quà valentine trắng trong đầu. Tôi lại tưởng tượng đến nét mặt vui sướng của cả Lam Ngọc và Ngọc Mi khi được tôi tặng sô cô la, đảm bảo các nàng sẽ thích mê.
Đó là lí do tôi hẹn Lam Ngọc ở lại vào giờ ra về, nhưng do nàng còn phải họp đội cờ đỏ nên tôi đành chờ ở băng ghế đá gần cửa lớp. Thiết nghĩ cái bọn cờ đỏ ấy đang nói xấu tôi trước mặt Lam Ngọc dữ lắm. Nhưng dù sao tôi cũng chẳng sợ, Lam Ngọc đâu phải là người dễ bị tác động bởi người ngoài đến thế. Chắc chắn nàng vẫn sẽ ở phía tôi thôi.
– Anh Phong!
Tiếng con bé Mi đột nhiên xuất hiện cạnh bên làm tôi hốt hoảng suýt hét toáng. Nó vỗ vai tôi cười tươi:
– Em đến trả điện thoại cho anh nè!
– Hả à ừ! Mà em giấu ở đâu bây giờ mới đưa vậy?
Như lần trước, nó đỏ mặt quay đi chỗ khác:
– Ở đâu anh hông cần biết, thôi em về đây!
– À này, chờ tý!
Chợt nhớ đến ngày valentine trắng, tôi lục cặp lấy hai hộp sô cô la định bụng sẽ tặng cho con bé. Nào đâu tiếng của tụi cờ đỏ đã vang lên từ phía sau lưng và trong khoảnh khắc đó tôi chợt nhận ra mình vẫn chưa cất điện thoại vào cặp:
– Ê thằng kia, lại sài điện thoại trong trường à?
Tôi cuống quýnh rút đại hộp sô cô la đưa con bé rồi nói gấp rút:
– Đây là sô cô la anh tự làm đó, valentine trắng vui vẻ nghen!
Rồi tôi lại lao vút đi không để con bé kịp mở lời.
Cảnh tượng lúc này chẳng khác nào một cuộc rượt đuổi trong phim hành động. Bây giờ là giờ ra về rồi, chẳng còn ai có thể giúp tôi được nữa, không chạy thoát bọn này coi như tôi mất trắng luôn cái điện thoại quý giá, vì thế tôi phải chạy nhanh hết mức có thể.
Tuy nhiên vừa chạy đến chỗ cầu thang dẫn đến tầng dưới, tôi lại bắt gặp Lam Ngọc đang từ dưới đi lên. Nàng nhìn tôi có vẻ sững sốt:
– Gì thế Phong?
Như chẳng có thời gian giải thích, tôi nắm tay Lam Ngọc chạy ù một mạch luôn xuống tầng dưới. Đến chân cầu thang nàng mới kịp nói:
– Phong lại bị cờ đỏ xét điện thoại hả?
– Ừ, mới vừa lấy điện thoại đã gặp tụi ôn đó, bực ghê!
– Vậy Phong đưa điện thoại đây!
Nàng cầm lấy chiếc điện thọa của tôi rồi chạy vào một lớp bỏ trống. Cũng vừa lúc đó tụi cờ đỏ cũng rượt đến nơi, nó túm lấy cổ áo tôi như một chú chuột:
– Sao, giờ hết chối cãi rồi nhá!
– Chối là chối gì cơ?
– Mau giao điện thoại ra đây!
– Có đâu mà giao!
Tức tối trước thái độ dửng dưng của tôi, bọn nó bắt đầu lục soát khắp người, đến cả chiếc cặp gầy nhôm của tôi bọn nó cũng chẳng tha. Tuy nhiên chiếc điện thoại đã bị Lam Ngọc đem cất, có lục đến tết bọn nó cũng chẳng tìm được. Thế nên sau khi lục xong, bọn nó tỏ vẻ kinh ngạc lắm, liền tóm lấy cổ áo tôi:
– Này, mày đã giấu điện thoại ở đâu, khai ra mau!
– Ê, tao đã nói là không có, sao bọn mày nhây thế hả, tao mét cô tụi bây lộng quyền à!
Nghe tôi đe, bọn nó cũng chẳng dám làm càng, đánh bỏ tay ra hừ mũi quay đi:
– Chờ đấy, có ngày tao cũng bắt thó được mày!
Khi bọn nó đã đi hẳn, Lam Ngọc mới từ trong lớp bước ra. Nàng dúi chiếc điện thoại vào tay tôi nhăn mày:
– Sau này Phong phải cẩn thận hơn đi, Ngọc không thể giúp Phong mãi được đâu! Ngọc cũng là cờ đỏ mà!
– Ừ, hề hề, Phong biết rồi!
– Ừm, mà Phong lúc nãy hẹn Ngọc ra là có việc gì đấy!
Như đã được lặp trình sẵn trong đầu, tôi liền mở cặp lấy hộp sô cô la còn lại ra ngay. Nhưng thật bất ngờ, hộp sô cô la mà tôi đưa cho Lam Ngọc lại không phải là hộp sô cô la tôi định tặng cho Lam Ngọc. Qua lớp giấy gói, tôi biết được đó chính là hộp sô cô la hình trái tim mà tôi định tặng cho Ngọc Mi.
Vậy ra tôi đã đưa nhầm “hàng” cho con bé.
Tuy nhiên Lam Ngọc vẫn chưa biết chuyện gì đã xảy ra, nàng tròn mắt nhìn hộp sô cô la tôi đang cầm:
– Gì vậy Phong?
Hết cách, tôi đành theo lao:
– À là quà valentine trắng!
– Valentine trắng?
Nàng nhíu mày nhìn tôi một lúc rất lâu trước khi đôi mắt nàng lóe lên một ánh nắng. Nàng ngập ngừng cầm hộp sô cô la:
– Um, cảm ơn Phong nhé!
– Tự tay Phong làm đấy, Ngọc nhớ nếm thử rồi cho nhận xét nhen!
– Ừ chắc chắn rồi!
Nàng tươi cười cầm hộp sô cô la thật chặt bằng cả hai tay. Tôi biết mình lại vừa làm Lam Ngọc cười, đó là điều hạnh phúc nhất mà tôi lúc nào cũng muốn đạt được. Chắc có lẽ định mệnh đã khiến nàng nhận được hộp sô cô la này. Riêng tôi cũng cảm thấy vừa lòng khi mọi chuyện xảy ra như thế.
Tôi tạm biệt Lam Ngọc trong ánh nắng vàng của buổi trưa oi ả và tự nhủ vơi mình rằng sẽ không bao giờ mang điện thoại đến lớp nữa. Bởi vì từ đây về sau, tôi còn đụng độ với bọn cờ đỏ này dài dài.
Tháng 3 cũng là tháng được nhiều học sinh mong chờ nhất. Lí do rất đơn giản, đây là tháng thường diễn ra các hoạt động đoàn hội và một trong số đó chính là hoạt động hội trại.
Tôi rất tự hào khi kể với bất kì ai về những giải thưởng mà lớp tôi đã gặt hái vào kì hội trại năm trước. Một trong số đó chính là cuộc thi kéo co. Nhờ có sự trợ giúp kĩ thuật từ Ngọc Lan, lớp tôi đã hiên ngang bước vào vòng chung kết tuy nhiên có hơi đáng tiếc một tí là chỉ xếp á quân. Lúc đó chân tôi bị đau nên chẳng thể tham gia được hoạt động nào ngoại trừ đi dạo và hô hào cổ vũ chung với đám con gái lớp mình, nếu không phải quán quân chứ ít.
Cho nên năm nay với quyết tâm cao độ tôi sẽ tham gia bất ki môn nào mà tôi có thể tham gia được để giành được nhiều giải thưởng nhất.
Tôi cứ mong chờ cho đến tiết sinh hoạt lớp để được nghe thầy nói về lịch cắm trại cũng như các trò chơi được trường tổ chức. Lúc đó tôi sẽ xung phong tham gia mọi trò chơi cho bằng được, và tất nhiên tôi sẽ được thầy khen lấy khen để và có khi lại được cộng điểm vào bài kiểm tra toán sắp tới.
Đó chính là toàn bộ ý nghĩ non nớt trong đầu tôi lúc đó. Nhưng cũng hợp lí thôi, đấy là tuổi trẻ mà. Tuổi trẻ luôn muốn làm những điều mà người khác không làm được để chứng tỏ bản thân cho người khác biết.
Và thế, trong tiết sinh hoạt tôi hăm hở chờ thầy vào mà đến rung cả đùi. Ngay cả Lam Ngọc ngồi cạnh bên cũng phải ngạc nhiên:
– Sao thế Phong, làm gì hôm nay lại xông xáo lên vậy?
– À hề hề, không có gì. Tại đang lạnh nên rung cho ấm ấy mà!
– Hả… – Nàng tròn mắt rờ trán tôi rồi mở cửa sổ để ánh nắng chiếu vào – Trời thế này mà lạnh hả Phong?
– Hề hề, đùa thôi đang chờ thầy vào thông báo lịch cắm trại ấy mà!
Nàng không nói gì chỉ lắc đầu cười trừ rồi lại chú tâm vào đọc quyển sách đang cầm tay.
Tôi biết nàng đang đọc sách ngữ văn về những tác phẩm mà năm trước trường đã từng cho đề thi để tập làm. Nàng luôn học giỏi nhưng môn khác những với môn ngữ văn thì chắc chỉ có điểm cao hơn tôi chút đỉnh thôi, còn lại vẫn cách biệt xa so với mấy đứa trong lớp. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều lần Lam Ngọc bị khống chế môn và không được học sinh giỏi mặc dù điểm phẩy vẫn cao ngất ngưỡng.
Nhìn Lam Ngọc chăm chỉ đọc từng trang sách, tôi lại cảm thấy nể phục đức tính siêng năng và chịu khó của nàng. Cũng phải, 10 năm nàng còn có thể đợi được, huống chi chỉ là chuyện học như thế này. Còn tôi thì vẫn phó mặc cho những con điểm cứ đưa đẩy mình tới đâu hay tới đó và ngay trong chính số phận của mình cũng vậy.
Tôi ngồi nhìn Lam Ngọc rất lâu, lâu đến nỗi tôi có thể cảm nhận được những cơn gió thoảng luồn qua cửa sổ thổi những lọn tóc mây mỏng manh bám lên hai gò má mủm mỉm có một chút hồng nhạt của nàng. Những lần đó, tim tôi như tan chảy ra như ta ngậm một muỗng đá bào trong miệng. Thật mát lạnh và ngọt ngào vị sirô.
Tôi vẫn ngắm nàng như thế cho đến khi chợt bắt gặp ánh mắt nàng cũng đang liếc nhìn mình qua rèm mi đen tuyền. Tôi giật mình vội đưa mắt lên bảng nơi thằng lớp phó vẫn đang mài dũa dòng chữ “sinh hoạt lớp” to tướng bằng cục phấn màu từ nãy giờ. Nhưng nó chẳng thể cuốn hút tôi lâu, chỉ một chốc sau tôi lại di tia nhìn sang Lam Ngọc. Nàng vẫn miệt mài đọc sách mặc cho bọn lóc chóc xung quanh có cười đùa ồn ào đến đâu.
Thật là hạnh phúc khi được cùng ngồi với Lam Ngọc trong tình cảnh như thế này. Tôi đồ rằng có ngồi cả đời như thế cũng chịu. Miễn là Lam Ngọc vẫn chịu ngồi đây cùng tôi.
Tuy nhiên chỉ kịp suy nghĩ đến đó, lần này Lam Ngọc đã bắt được ánh mắt lén lút của tôi. Nàng nhíu mày nhìn tôi một lúc lâu rồi nhẹ nhàng gấp cuốn sách lại:
– Mặt Ngọc có dính gì à?
– Không… à có!
Tôi lưỡng lự nhưng sau cùng lại chọn trái với ý nghĩ trong đầu. Lam Ngọc ngạc nhiên:
– Dính gì cơ?
– À dính… cái đẹp!
– Hở? Sao không phủi dùm Ngọc?
Nàng cười tủm tỉm hỏi dồn:
– Tại nó dính luôn rồi, lấy không được!
– Đúng là mặt gian nói đểu!
Nàng lại lắc đầu cười trừ với câu nói nửa đùa nửa thật của tôi. Và chính tôi lúc đó cũng phải tự khen bản thân vì màn ứng đáp quá tuyệt vời.
Nhưng sau câu nói đó, hai đứa tôi lại chìm vào khoảng lặng. Tôi chẳng biết mở lời như thế nào dù có hàng đống chuyện muốn nói cùng nàng. Và cả chuyện con gấu bông nữa, tôi luôn muốn trao lại cho nàng vào một dịp nào đó nhưng cổ họng tôi như có một que củi, nó chắn ngang mọi lời nói muốn thoát ra cửa miệng. Nhưng sau cùng, chính Lam Ngọc lại làm việc đó, nàng ấp úng:
– Phong này…
– Sao, có chuyện gì?
– Cảm ơn Phong về sô cô la nha! Ngon lắm!
Vừa nghe, que củi trong họng tôi như biến tan đi. Nó làm tuôn trào những câu nói khỏi họng tôi:
– Thật chứ, Phong cứ tưởng là sẽ khó ăn lắm!
Ấy thế mà nàng lại gật đầu làm tôi suýt ngất, nhưng nhanh chóng sao nàng lại xoa dịu ngay cái ý nghĩ đó:
– Lúc đầu thì đúng là có khó ăn thật! Nhưng là vì Ngọc thích ăn ngọt hơn chứ không phải tại sô cô la Phong làm dở đâu. Thực sự thì chúng rất ngon!
– Ừ hề hề, tưởng Ngọc thích ăn đắng. Nhưng không sao mai mốt Phong sẽ làm cho nó ngọt hơn!
Nàng lại không nói gì, nhưng tôi đã có được câu trả lời từ hai bầu má ửng hồng của nàng. Nó như hâm nóng trái tim nhiệt huyết của tôi. Thật rạo rực và cồn cào.
Cũng vừa lúc đó thầy Tuấn từ từ đi vào lớp. Trông nét mặt của thầy không vui như mọi hôm vẫn giảng bài cho chúng tôi. Nhìn có vẻ như chuẩn bị thông báo cho bọn tôi một tin nào đó khủng khiếp lắm vậy.
Mà đúng là khủng khiếp thật. Ngay khi vào lớp, thầy đã nghiêm giọng làm cho cả lớp yên ắng như đang trong một cuộc họp khẩn cấp:
– Thầy xin thông báo với các em 2 tin, một tin buồn và một tin vui! Các em muốn nghe tin nào trước!
– Tin vừa vừa đi thầy!
Chẳng cần nhìn cũng biết đo chính là giọng cũng thằng Kiên lảng. Và vẫn như mọi khi thầy đều nhíu mày hâm he:
– Em Kiên! Trật tự vào, thầy trừ điểm hạnh kiểm em đấy.
Và cũng như mọi khi, nó liền khoanh tay kê cằm lên bàn một cách ngoan ngoãn. Thầy lại nói tiếp:
– Thôi được thầy thông báo tin buồn trước vậy! Theo như những gì thầy hiệu trưởng đã thông báo xuống thì năm nay chúng ta sẽ không tổ chức cắm trại nữa!
Một tiếng ồ nhỏ vang trong không khí yên ắng. Nhưng do đã được chuẩn bị trước là tin buồn nên tất cả vẫn trông chờ vào tin vui mà thầy định nói sắp tới.
Và không để chúng tôi chờ đợi lâu, thầy hằn giọng rồi tiếp tục:
– Còn tin vui là thay vào đó trường sẽ tổ chức một giải đá banh lớn cho cả nam lẫn nữ của toàn trường. Giải nhất rất giá trị đấy!
Như đã được tập huấn từ trước, bọn liền hò reo sung sướng như vừa được nhặt tiền từ trên trời xuống và chính tôi lúc này cũng cảm thấy khoan khoái lạ thường. Nhưng chỉ có điều là vẫn chưa đến mức la làng la xóm như tụi nó.
Để lại một bình luận