– Thì mày cứ hỏi xem?
– Câu thứ nhất, ở bên ai mày cảm thấy vui nhất?
– Ừ thì?
– Khi mày tuyệt vọng nhất mày muốn đến bên ai?
– Tao…
– Câu cuối, ai là người tát mày cảm thấy đau nhất?
– Ớ?
Toàn bộ 3 câu hỏi mà nó đưa ra, tôi chẳng thể trả lời được câu nào, chỉ biết ú ở như gà mắc thun. Nhưng may sao ngay lúc đó có tiếng bé Phương kêu réo vì chúng tôi đã tách nhóm quá xa nên mới có thể thoát được vòng tra khảo của Toàn phởn, vậy mà trước khi đi, nó còn để lại một câu:
– Ba câu đấy mày cứ trả lời dần dần đi, khi nào trả lời được thì cảm ơn tao cũng không muộn!
Đó là những lời cuối cùng từ thằng Toàn trong buổi tối hôm đó.
Vì khi đi chung với bé Phương, chúng tôi chẳng thể nào rời mắt khỏi những cảnh vật mà em chỉ tay đến, cứ mỗi lần thế em lại nhảy tưng tưng lên thích thú làm Toàn phởn phải đổ mồ hôi hột ngăn bé Phương lại tránh những cặp mắt sỗ sàng tia vào chiếc váy ngắn em đang mặc.
Có những khi tôi liếc nhìn sang Lam Ngọc, nàng vẫn vô tư hướng mắt về những hàng hoa đầy màu sắc trước mặt, rồi bất chợt nở một nụ cười khẽ làm cả tim tôi xao xuyến, cứ mỗi lần như vậy cả người tôi như nóng dần lên bởi những luồn máu được tim đập dồn liên tục.
Nhưng phàm là làm nhưng việc mình thích, thời gian trôi qua nhanh lắm, ngoảnh đi ngoảnh lại đồng hồ đã chỉ gần 10h đêm, Toàn phởn phải đưa bé Phương về nhà đồng nghĩa với việc chỉ còn hai tụi tôi ở lại đây với con đường hoa giờ đã thưa thớt người qua lại này.
Tính ra trong buổi tối đêm nay, bọn tôi đã đi gần như khắp nơi trong đường hoa duy chỉ có cây cầu khỉ được người ta xây bắt ngang dòng sông nhân tạo là vẫn chưa để mắt tới.
Đối với tôi cây cầu đó chẳng còn xa lạ gì khi tôi ở quê nữa, nhưng đối với Lam Ngọc nó vẫn còn là một hình ảnh mới mẽ, vì thế khi đến chỗ cây cầu, nàng cứ đứng khựng lại.
– Sao thế Ngọc, đi qua cầu cho vui!
– Thôi, Ngọc không biết đi!
– Có gì đâu, coi Phong đi nè!
Để chứng minh cho nàng thấy tôi đi thoăn thoắt qua cây cầu mà khong hề dừng lại một nhịp nào. Khi qua bên đầu bên kia, tôi mới vẫy gọi Lam Ngọc:
– Nè, qua đi có sao đâu!
Tuy nhiên nàng vẫn đứng bên đấy lắc đầu ngoày ngoạy. Chẳng còn cách nào khác, tôi phải chạy sang đầu cầu bên này kéo nàng lên để khỏi phải lưỡng lự. Phải thuyết phục dữ lắm tôi mới có thể từ từ dẫn nàng từng bước lên cây cầu được, dù là vậy nàng vẫn rụt rè không dám bước nhanh chỉ nhít từng chút. Thì ra Lam ngọc cũng có lúc phải sợ chứ không thể giữ bộ mặt lạnh lùng ấy mãi được.
Thấy tôi như đang nín cười, nàng lại nhíu mày:
– Phong, lại đang chọc Ngọc à?
– Bậy, làm gì mà chọc Ngọc chứ!
– Nhìn cái mặt đểu thật!
– Uầy, sao cũng được, giữ thật chắc nhé, kẻo té đấy!
Trong lúc đó ai mà ngờ được câu nói bâng quơ của tôi lại hiệu nghiệm đến vậy, chỉ vừa mới nói Lam Ngọc đã bấu chặt lấy tay tôi sát rạt làm biết bao nhiêu dũng khí của tôi bay hết ráo. Đáng lẽ ra thì việc bấu tay sẽ chẳng thành vấn đề gì với tôi đâu, nhưng chính việc đó làm vòng 1 của nàng ép sát vào tay làm tim tôi đập liên hồi muốn bễ lồng ngực.
– Qua bên kia cầu nhanh đi, còn đứng đây làm gì?
Nàng ấp úng với hai bầu má đã đỏ gay.
Chẳng còn cách nào khác, tôi đành lên từng bước líu ríu đi nốt phần cầu còn lại. Giờ này tôi mới chính là người muốn qua nhanh hơn cả Lam Ngọc vì cứ mỗi bước, cả người nàng lại ép vào tay tôi mềm nhũn khiến cả người tôi như muốn mềm nhũn theo, có những lúc tôi còn suýt bước hụt chân, nhưng may là vẫn còn đủ tỉnh táo để chỉnh ngay vào phút chót nếu không thì chắc hai đứa đã như chuột lột rồi.
– Thấy không, đâu có gì phải sợ đâu!
Tôi cười khì khi đã dẫn nàng qua được cây cầu.
– Hừm, Phong cũng rung mà còn nói ai!
– Đâu phải, Phong run về chuyện khác!
– Chứ rung về chuyện gì?
– Thì… hề, sợ Ngọc té thôi ấy mà!
– Đúng là mặt gian nói đểu!
Rời khỏi con đường hoa, chúng tôi tiếp tục đi dạo trên con đường dài dọc bờ sông Sài Gòn. Trời càng về khuya, đường phố càng lung linh hơn với những bản đèn được treo thành những hàng dài trên cao, phía bên dưới là dòng xe đang rũ rượi ra về sau chuyến du xuân tuyệt vời hôm nay. Nhìn xa xa sang bên phải, tôi có thể thấy một chiếc thuyền to lấp lánh ánh đèn đang neo đậu gần Bến Nhà Rồng thơ mộng, tất cả kết hợp với nhau tạo nên một nét đẹp huyền dịu mê hoặc cả những người khó tính nhất.
– Sài Gòn ban đêm đẹp thật Phong nhỉ?
Lam Ngọc mỉm cười, khẽ vén mái tóc do những cơn gió hững hờ thổi đến.
– Ừ, những cảnh này lúc bình thường chẳng thấy được đâu!
– Tại sao lại thế?
– Vì bình thường chẳng ai để ý đến nó cả, chỉ những lúc này, những lúc mà người ta chịu nán lại để từ từ thưởng thức nó thì mới có thể thấy nó đẹp thôi!
– Ừ, đúng thật là mỗi lần đi học về, Ngọc còn chẳng nhìn lấy nó một lần!
– Bởi thế con người luôn đi thật xa để tìm cái đẹp mà chẳng biết rằng cái đẹp luôn hiện hữu đâu đó quanh ta thôi!
– Ngọc vẫn chưa hiểu lắm, chắc có lẽ vì mấy môn võ làm Ngọc thô mất rồi nhỉ?
– Không đâu, để Phong cho ví dụ cụ thể hơn nhé!
– Ừ, cứ nói đi!
– Ngọc có thấy những cô gái đẹp đi du xuân không?
– Có chứ!
– Những cô gái đấy chỉ là những nét đẹp xa vời thôi…
– Còn nét đẹp quanh ta thì sao?
– Thì chỉ đâu đó quanh đây thôi, như ở trước mặt Phong này!
– …
Lam Ngọc bất giác nhìn thẳng vào mắt tôi rồi nhanh chóng sau đó lai cuối gằm mặt xuống, những ngón tay cứ gõ nhịp vào thanh chắn tạo nên tiếng leng keng đặc trưng. Bất chợt, một cơn gió thổi từ ngoài sông vào làm làn tóc bồng bềnh của nàng bay phấp phới, tiếng leng keng đã thay bằng tiếng gió rít vi vu, đó chắc là bài hát của dòng sông tặng cho chúng tôi khi nhìn ra được vẻ đẹp của nó, một món quà thật đặc biệt.
– Một người ngô nghê như Phong mà cũng nghĩ ra những việc này nhỉ?
– Hả, việc gì cơ?
– Thì nét đẹp của những thứ xung quanh!
Nàng mỉm cười làm rung rinh hai bầu má.
– Có đâu, chỉ nghĩ sao nói vậy thôi!
– Có khiếu làm nhà văn đó!
– Thôi cho Phong xin, điểm văn thấp lè tè 3 – 4 điểm mà làm nhà văn nổi gì?
– Biết đâu được!
Nàng lại khẽ nghiêng mái đầu, để mặc cho những cơn gió cứ nâng niu mái tóc bồng bềnh của nàng làm chúng phấp phới trên không trung dưới ánh đèn pha rực rỡ từ những chiếc tàu nhà hàng sang trọng.
– Phong này, có lạnh không?
– Ừ lạnh chứ, gió sông mà!
– Ngọc cũng lạnh!
Sau câu đó, bọn tôi lại chìm vào khoảng lặng để mặc cho dòng sông cứ ngân nga những câu vi vu lạnh lẽo. Mỗi lần như thế, tôi lại phải suýt xoa đôi tay lạnh cóng của mình để xua tan đi cái lạnh đang bủa vây ngày một nhiều hơn.
– Nếu Phong lạnh thì sít lại đây này!
Nàng ngượng ngùn ngó lơ đi đâu đó.
Nghe vậy, tôi rụt rè sít lại gần nàng một tí, rồi một tí nữa, cho đến khi chạm vào cơ thể ấm áp của nàng tôi mới chợt giật mình dịch ra một khoảng, hai đứa vẫn nhìn theo hai hướng khác nhau.
– Phong hết lạnh chưa?
– Cũng còn nhưng…
Chưa kịp nói hết, bàn tay tôi chợt cảm nhận một thứ gì đó bao trùm lấy, nó rất ấm nhưng lại có một chút thô ráp. Đó chính là bàn tay của Lam Ngọc, nàng đang nắm lấy tay tôi rất khẽ nhưng cũng khiến tôi cảm được thấy hơi ấm tỏa ra từ nó.
– Ngọc…
Chưa kịp mở lời, nàng đã đặt ngón tay lên môi tôi, cùng với đó là ánh mắt thẹn thùng nhưng ẩn chứa biết bao nhiều là lời nói của nàng. Tôi tự nhủ rằng, không cần ngón tay đó đâu chỉ cần ánh mắt này của nàng thôi tôi đã hóa đá hoàn toàn rồi. Cứ thế, tôi và nàng ở lại để thưởng thức bản tình ca của dòng sông rất lâu, tay vẫn trong tay, dòng sông vẫn cứ hát vang những âm thanh đã không còn lạnh lẽo với bọn tôi nữa, đó là những âm thanh thật ấm áp và dịu êm.
Trời đã bắt đầu trở lạnh để chuyển mình vào màn đêm tối mịt, chúng tôi bắt đầu ra về để kết thúc chuyến đi chơi ngày hôm nay, con đường mới đây còn đông nghẹt người bây giờ đã trở nên thưa thớt hơn mặc dù vẫn còn những dòng người đi chơi muộn. Đã không còn những tiếng nhạc, những tiếng reo hò nhộn nhịp thay vào đó là những tiếng xe rít đêm nghe đinh tai nhức óc.
Và cuối cùng, sau một quãng đường không mấy yên ả, tôi cũng đã đưa nàng về đến nhà về đến tổ ấm nơi mà dì vú vẫn đợi sẵn, điều đó đồng nghĩa với việc, tôi phải trở về tổ ấm của mình và kết thúc chuyến đi chơi nghìn năm có một này. Tôi quay bước đi, đến chỗ chiếc xe đạp cầm chặt lấy ghi đong rồi hướng thẳng đến cánh cổng đang khép hờ:
– Phong về đó à?
Lam Ngọc nối bước theo sau tôi.
– Ừ, cũng khuya rồi!
– Ước gì ngày nào cũng được như thế nhỉ.
– Như thế nào cơ?
– Hơi ấm…
Tôi bất giác nhìn nàng, vẫn đôi mắt và bầu má mủm mỉm đó. Cả hai nhìn nhau rất lâu, lâu đến nỗi tôi có thể cảm nhận được những hạt sương đang đậu trên vai mình ướt đẫm. Đầu tôi trống rỗng chẳng biết đáp lại nàng bằng câu gì, để rồi tôi chỉ cười hắc ra:
– Biết đâu được!
Nàng cũng cười nhưng một nụ cười thật tươi, nó khiến trái tim tôi ấm lại rất nhiều. Và như thế tôi tạm biệt nàng để chìm mình vào màn đêm vội vã của đường phố Sài Gòn những ngày tết. Đâu đó tôi vẫn còn nghe vang vọng tiếng hát của dòng sông, có lẽ nó sợ tôi quên nó chăng hoặc nó có thể đoán trước được điều gì và muốn nói cho tôi biết?
“Ba câu hỏi à Toàn, rồi tao sẽ cho mày câu trả lời thỏa đáng thôi”
Sáng tinh mơ trên những mái nhà.
Nắng xõa xuống những mặt đường lạnh lẽo.
Nắng đậu xuống những hàng cây.
Một vài tia nắng tinh nghịch chiếu xuyên qua khe cửa sổ gọi tôi dậy bằng cách sọc thẳng vào mắt tôi chói lóa.
7h15 chủ nhật ngày 12/2, tôi tự hỏi tại sao hôm nay mình dậy sớm lạ thường?
À phải rồi nhìn tờ lịch mới nhớ, tết đã qua từ hồi nào và tôi đã quen thức dậy sớm từ hơn một tuần nay.
Còn nhớ lúc nhập học trở lại, nhìn mặt đứa nào cũng vật vờ mùi bánh mức, có đứa tăng thêm dăm ba kí như Khanh khờ, có đứa vẫn gầy nhôm như Toàn phởn, Khang đinh thì khỏi nói rồi vẫn quả đầu chùa đặc trưng cùng với tật ngủ siêu hạng bất kì lúc nào, duy chỉ có Phú nổ và Kiên lảng vẫn thế. Thằng thì bốc phét đủ thứ chuyện trong tết mà ai cũng biết gần như 100 phần công lực là nó bịa ra, thằng thì vẫn hay chen vào hội nghị đâm xuồng bể và rồi bị cốc cho mấy cú muốn ứa nước mắt.
Còn Lam Ngọc.
Nàng vẫn như mọi khi, vào lớp lúc nào cũng nghiêm nghị, thi thoảng lại nhìn tôi nở nhưng nụ cười huyển hoặc. Những lúc đó tôi chỉ biết ngẩn ngơ như say rượu mà hoàn toàn không một lời đáp trả.
Tuy vậy nhưng trong lòng tôi cảm thấy ray rứt lắm, cảm giác như có một chiếc gai nhọn trong tim mà chẳng tài nào rút ra được, càng ngày nó đâm càng sâu càng đau.
Ba câu hỏi.
Ừ đúng rồi, ba câu hỏi mà thằng Toàn đưa tôi đến nay vẫn chưa có lời giải đáp, nó không phải là khó mà do tôi có quá nhiều đáp án để giải cùng một câu hỏi. Đáp án nào cũng đúng, đáp án nào cũng có lý, nhưng tôi biết chỉ có một đáp án duy nhất để trong lời cho cả ba câu hỏi đó mà thôi.
Tôi nhổm dậy mở tung cửa sổ để tia nắng tràn vào khắp phòng mình nô đùa. Nắng tinh nghịch quá, nó xuyên qua lớp vải mỏng trên người làm tôi nóng râm ran.
Tôi bước đến chiếc bàn học quen thuộc, mở hộc tủ ra và nhẹ nhàng nhấc con gấu bông lên. Đây là con gấu bông yêu quý của Lam Ngọc, dù có hơi bị lem luốt do dính bụi lâu năm nhưng vẫn tạo cho tôi cảm giác như mới vừa được Lam Ngọc trao cho, mềm mại và ấm áp.
– Có phải nhà anh Phong không?
Giật mình bởi tiếng gọi dưới cổng, tôi vội cất con gấu vào y vị trong hộc tủ, lú đầu ra cửa sổ.
– Anh Phong đấy à? – Tiếng gọi đó lại vang lên và lần này tôi chắc chắn đó là tiếng con bé Mi – Ra mở cổng cho em đi!
– Là em hả Mi?
– Chứ còn ai nữa, nhanh đi em mỏi chân rồi đó!
Kể từ hồi tết đến giờ tôi vẫn chưa gặp lại con bé, nó cũng chẳng buồn nhắn tin hay gọi điện cho tôi, có thể nói là chúng tôi đã tạm thời mất liên lạc trong khoảng thời gian này. Chắc nó bận gì đến nên không rảnh gọi tôi sang. Giờ gặp lại nó tôi có phần ngạc nhiên vì chưa môt lần nào tôi nói cho nó biết địa chỉ cả.
– Nhà anh đây à, cũng đẹp đó!
Nó nhìn một lượt khắp nhà tôi tấm tắc.
– Chậc, ngoan ngoãn ngồi ghế đi, đừng có đi lung tung!
– Này, em là khách tới nhà anh đó!
– Rồi rồi, ngồi đó đi, anh lấy nước cho uống!
Nhìn vào chiếc tủ lạnh chỉ còn loe nghoe vài lon nước ngọt, tôi tặc lưỡi:
– Uống đỡ pepsi nhé, nhà anh chỉ còn thế thôi!
– Cho em cốc nước lọc được rồi! Mà này…
– Gì, hôm nay nói chuyện còn lưỡng lự nữa à?
– Thật thì… mấy ngày qua anh có nhớ em không?
– Sao cơ?
Tôi đặt ly nước lọc xuống muốn bể cái bàn.
– Gì thế, ý em muốn nói là mấy ngày nay anh không nhắn tin hay gọi điện cho em à?
– Thì thường là em làm việc đó trước mà!
– Anh… đổi xử với bạn gái tệ vậy sao?
Con bé cúi gằm mặt lí nhí.
– Gì, em nói sao?
– Thôi bỏ qua chuyện đó đi, mấy ngày nay do tiễn nội về nước nên em không có nhắn anh sang được.
Để lại một bình luận