Phần 82
Phan bò sau lần cho đàn em quây Dũng ở sân trại nhưng không mang lại hiệu quả cao thì lồng lộn suốt cả ngày, nó tức tiên người vì có một thằng nhãi nhép ấy mà hết lần này đến lần khác không ăn được, báo hại mấy thằng đàn em cùng phòng lúc nào cũng lấm la lấm lét sợ bị đánh lây.
Dũng bị đâm nhẹ ở bụng, nằm trên phòng y tế 1 hôm rồi về với 3 mũi khâu, bác Sáu nhìn thấy nhưng không bảo gì, chỉ bảo là chờ vết thương lành lại rồi tiếp tục tập luyện thể dục hàng ngày như những gì bác dậy cho từ trước. Qua trận đánh vừa rồi, Dũng cũng lờ mờ hiểu được ý đồ của bác. Có đánh đấm gì, có tự vệ hay bảo vệ gì đi nữa trước tiên cần có sức khỏe, nhanh nhẹn và sự dẻo dai. Vì vậy mà Dũng quyết tâm lắm với những bài thể dục mà bác dặn.
Việc học của Anh Thư vẫn tiến triển bình thường, tuần 3 buổi Dũng cùng Anh Thư học bài tại phòng làm việc của bác Đức trưởng trại. Lực học của Anh Thư tiến bộ nhanh chóng, kết thúc khoảng chục buổi đầu dùng để ôn lại kiến thức bị hổng, giờ hai đứa đã chuyển sang học những bài mới, cập nhật kiến thức Anh Thư học trên lớp và bắt đầu ôn luyện những bài học nâng cao phục vụ cho kỳ thi sắp tới.
Anh Thư đã chuyển mục tiêu trường cấp III, ngày trước chỉ là một trường công bình thường thì nay đã quyết tâm thi vào trường điểm của tỉnh, bố mẹ Anh Thư biết được chuyện này thì lo ngại lắm, sợ con không đủ lực. Nhưng sau khi tham khảo ý kiến của Dũng, người trực tiếp kèm Anh Thư thì yên tâm và hoàn toàn tin tưởng vào khả năng thi đậu của con gái.
Việc học cũng như việc làm, một khi đã có hứng thú thì sẽ đạt kết quả cao, tự khắc tính ham học, chuyên cần sẽ nâng lên mà không cần gò ép. Anh Thư trong trường hợp này là vậy. Thứ nhất Dũng giảng bài rất dễ hiểu, dễ tiếp thu và có phương pháp sư phạm. Thứ 2 là hai đứa tuổi sêm sêm nhau, ngôn từ giao tiếp cũng gần gũi mà từ đó các bài học cũng trở nên thú vị và vui vẻ.
Dũng đối với Anh Thư mà nói thì cũng quý mến nhưng đó giống như chỉ là hai người bạn, hoặc đúng hơn là anh trai em gái. Cũng giống như đối với Mai, cậu cũng chỉ coi là bạn mà thôi. Chứ thích hoặc yêu thì không có, cũng không biết tại sao nữa, chắc là trái tim Dũng đã hoàn toàn dành cho một người khác rồi.
Trái lại với Dũng là Anh Thư, thời gian tiếp xúc với anh, được nghe anh giảng bài, được ngắm nhìn anh đã làm cho trái tim trong trắng tuổi học trò dần dần bị chinh phục. Ở anh có cái gì đó lạ lắm, khác hẳn với mấy chúng bạn cùng trường cùng lớp, anh hơn hẳn những người đó ở nét phong trần, chín chắn già dặn, điềm tĩnh, cô như bị choáng ngợp bởi anh. Và chẳng biết tự khi nào, trái tim Anh Thư đã bắt đầu biết thổn thức khi nghĩ về anh, đã loạn nhịp mỗi lần nghe tiếng anh gõ cửa vào phòng, đã biết nhớ biết nhung mỗi lần anh có việc gì đó làm đứt buổi học. Nhiều lúc mơ màng Anh Thư tự hỏi, mình yêu anh Dũng rồi chăng?
Công việc chính của Dũng vẫn là ở ban tiếp tế, và việc chính vẫn là việc chia đồ gửi cho phạm nhân. Làm lâu thành quen, có những buổi chia đồ cậu còn đi một mình mà không có giám thị đi cùng, cũng lâu thành quen, giờ đây cậu hầu như biết mặt, biết tên, biết cả gia cảnh nhân thân của hầu hết các phạm ở đây. Cậu rút ra một điều là, không phải phạm nhân nào cũng xấu, có những người bị hoàn cảnh đẩy đưa mà thành ra phạm pháp. Có những phạm nhân chỉ vì miếng cơm manh áo qua ngày mà trộm cắp cũng thành án. Nhưng đúng là cũng có những phạm nhân đánh mất nhân tính không biết vì lý do gì mà cũng vào đây.
Phạm nhân khác thì nhìn Dũng như thế nào? Một thiếu niên tuổi bẻ gãy sừng trâu, đang kỳ trổ mã, cao ráo đẹp trai, ăn nói lễ phép trên dưới với những đồng phạm khác, nhưng cũng rắn như đinh với những thằng định bắt nạt mình. Làm ở ban tiếp tế thì chu toàn, không để thiếu, để sót đồ gì của phạm nhân, không ỷ mình có “tí quyền” mà bòn rút bớt xén đồ, 1 cân là 1 cân, không có chuyện thành 8 lạng. Lại còn nghe nói tuần 3 buổi dậy học cho con gái trưởng trại. Ở trong đây là đấu tranh, thù ghét nhau, chơi nhau, thậm chí là giết nhau để sinh tồn, nhưng ai cũng hiểu, đấu tranh vì cái gì và đấu tranh với ai. Một người như Dũng thì có thể làm hại mình sao. Nghĩ vậy nên anh em phạm nhân ai cũng quý mến Dũng, duy chỉ có đám Phan bò là không, nó vẫn tìm cơ hội để khật Dũng đấy thôi.
Chị X hàng tháng vẫn đều như vắt chanh được Dũng mua đồ dùng cá nhân cho, có lần lấy tiền, có lần không. Dũng hay viện lý do là cảm ơn chị chăm sóc ở phòng y tế mà mua cho chị, rồi còn gì nữa nhỉ, còn viện lý do là thể nào tới này em còn bị đánh nữa, còn vào phòng y tế, còn phải nhờ chị nhiều.
Cứ thế để không lấy tiền của chị, qua cô Ba thì Dũng biết, chị X vất vả trong tù lắm, làm hết việc này việc nọ cho mấy chị em trong buồng nhưng tiền kiếm được cũng không có bao nhiêu, mà còn nghe cô nói chị tiết kiệm để sau khi ra tù có đồng nào hay đồng đấy để vào đời. Chị chẳng có ai gọi là người thân hay bạn bè cả. Chị X thì vẫn thế thôi, tính trời sinh hay sao ấy hoặc chị cố tình như vậy, chị lúc nào cũng lạnh như băng như tiền. Nhưng trên đời này chắc chẳng ai, hoặc chưa có ai là người hiểu chị, trong tâm chị cũng quậy phá dữ lắm, cũng có tình cảm dạt dào, phá phách như ai. Chị lạnh nhạt trong lời nói, trong ánh mắt nhưng trong hành động thì không như vậy. Cũng biết quan tâm, lo lắng cho ai đó đấy, chỉ là người ta còn trẻ người non dạ mà không nhận thấy thôi.
Vậy mà thời gian thấm thoắt thoi đưa, Dũng đã vào trại được 6 tháng rồi, tính cả thời gian bị tạm giam trước khi xét xử, Dũng đã thụ án được 9 tháng. Chỉ còn hơn 2 năm nữa là mãn hạn tù. Tết vừa rồi là cái Tết đầu tiên Dũng ăn Tết trong trại, cũng là cái Tết đầu tiên Dũng xa mẹ, xa gia đình, xa quê hương Hải Phòng thân yêu. Trước Tết cô Trúc có lên thăm Dũng và tiếp tế cho Dũng cơ man nào là đồ, cô chu đáo để Dũng có được cái Tết như ở nhà. Ấy vậy nên ngoài những đồ hàng tháng ra còn có nào là giò lụa, giò bò, bánh chưng, mứt tết, bánh kẹo, thịt quay, hành muối…
Chỉ thiếu một thứ đồ mà Dũng cần nhất, đó là mẹ vẫn không đến. Những đồ Tết cô gửi nhiều quá, Dũng ăn không hết nên chia thành 2 phần đều nhau, một phần giữ lại cho mình và bác Sáu, phần còn lại cậu mang sang đưa cho chị X. Chị dấm dứ mãi mới nhận kèm ánh nhìn lạnh lùng, nhưng Dũng không biết tối đó chị về chị khóc như mưa, khóc mãi không dừng làm cô Ba và mấy chị em cùng phòng phải dỗ mãi. Chị khóc vì được nhìn thấy những món đồ ngày Tết, trước đó không khí Tết trong trại giam cũng tưng bừng lắm. Ai cũng có đồ gì đấy của ngày Tết, chỉ duy chị là không.
Những lúc rảnh rỗi không phải đưa đồ, Dũng thường được cán bộ sai làm những công việc lặt vặt ở Ban tiếp tế, linh tinh đủ thứ việc nhưng có một việc mà Dũng cho là thú vị nhất. Đó là soát thư người nhà gửi cho phạm nhân.
Lần đầu tiên được phụ soát thư phạm, Dũng thấy việc soát thư không hề đơn giản chút nào, không chỉ là bóc ra và đọc, không có nội dung nhạy cảm là cho qua.
Đầu tiên toàn bộ thư được rải ra thành hàng, từng bức một riêng lẻ, một chú chó nghiệp vụ hít ngửi từng bức thư.
Tiếp theo đó là bóc thư, sau đó chấm một loại hóa chất nào đó lên trên giấy để kiểm tra, nếu qua đoạn này mới đến đoạn đọc thư. Đem thắc mắc của mình, Dũng hỏi cán bộ:
– Cán bộ cho em hỏi, dùng chó nghiệp vụ để làm gì ạ?
– Em mới vào trại nên không biết, chó nghiệp vụ để phát hiện có đồ cấm trong thư không? Ví dụ như ma túy, thuốc nổ.
Chưa rõ lắm, Dũng hỏi sâu hơn:
– Nhưng em thấy chỉ có mỗi tờ giấy thôi thì sao lại có thuốc nổ.
Anh cán bộ tươi cười mà giải thích thêm:
– Không đơn giản là 1 tờ giấy đâu em ạ, đã từng có lần bọn anh phát hiện bột ma túy giấu giữa hai lớp giấy. Nhìn và sờ không phát hiện được.
– Thế còn phải chấm một chất gì đó lên giấy để làm gì ạ?
– Cũng là để phát hiện chất cấm. Rất có thể chất cấm chính là tờ giấy đó.
– “Vậy hả anh”, Dũng ngơ ngác. Đúng là cậu còn rất ngây thơ trong nhiều chuyện nơi chốn này.
Lần giở những bức thư, thỉnh thoảng được đọc cậu mới thực sự trăn trở. Ở đây tập hợp nhiều phạm nhân đến từ mọi miền của Tổ quốc, nhiều hoản cảnh, nhiều sự đời lắt léo tạo thành tội.
Một bức thư người vợ gửi cho chồng như sau:
“BG, ngày… tháng… năm… 20…
Anh Tr thương mến!
Vậy là anh đã xa gia đình tính đến hôm nay là tròn 15 lăm, anh đi từ lúc cái Tí mới tròn 1 tháng tuổi, nay con đã vào cấp III. Thằng Cu vừa tốt nghiệp cấp III, không thi đậu đại học em cho con học trường Cao đẳng nghề rồi.
Anh à, từ lúc lấy anh, chưa ngày nào em sung sướng. Em ở nông thôn, làm vợ anh do bố mẹ hai bên sắp đặt. Trước khi cưới độ 1 tháng mình mới biết mặt nhau, em vẫn tin đó là duyên số ông trời sắp đặt, rồi cũng như bao nhiêu người vợ khác, em làm tròn trách nhiệm người vợ khi 3 năm sinh cho anh hai mặt, con một trai một gái đẹp như tranh vẽ.
Nhưng có lẽ ông trời thử thách lòng người, đứa út vừa tròn 1 tháng thì anh bị bắt và biền biệt từ đó đến giờ. Em không trách trời, không trách anh, em chỉ trách số phận mình hèn mọn khi không được hưởng tình thương và sẻ chia của chồng trong cuộc sống.
Em tự hào nói với anh rằng, dù xa anh nhưng bao nhiêu năm nay em luôn trọn đạo làm vợ anh, làm dâu con nhà anh, làm mẹ của các con anh. Bố mẹ và họ mạc nhà anh luôn yêu quý và trân trọng em, các con đều khôn lớn ngoan ngoãn học giỏi. Còn em vẫn ngày ngày tần tảo với đồng lúa ruộng rau kiếm nhặt từng đồng nuôi con, dư đồng nào em đều gửi vào cho anh cả.
Anh ở đó cứ yên tâm về gia đình, anh phải cải tạo thật tốt để được hưởng ân xá sớm trở về với gia đình, với các con và với em nữa.
Đợt này cả hai đứa đều chuyển cấp cả nên em cũng túng anh ạ, em vừa phải bán đôi lợn nái để có tiền nộp học đầu năm cho hai đứa. Vì vậy tháng này em chỉ gửi được có ít đồ cho anh dùng thôi. Anh thông cảm cho mẹ con em nhé.
Thôi em xin dừng bút tại đây.
Vợ của anh”
Để lại một bình luận