Phần 66
Ông trưởng trạm Phạm Hồng Đức biết chuyện hỗn chiến ở phòng giam số 6 khu B. Đã nhiều năm làm công tác quản lý phạm nhân, ông không cần nghe báo cáo chi tiết, không cần điều tra đã nắm được toàn bộ nội dung sự việc. Ông hiểu nôm na là màn chào buồng làm Dũng bị đánh đến ngất xỉu tí mất mạng, mấy thằng còn lại bị thương là do ông Sáu làm. Mà ông Sáu là ai thì ở trại này, duy nhất ông là người biết mà thôi. Đành cho qua sự việc vì tất cả đều thương tích và phủ nhận. Luật là thế rồi.
Nhưng cần có một biện pháp khác nhằm tránh tình trạng như vậy xảy ra, Dũng còn ít tuổi nếu không có ưu ái thì chắc thằng bé không có ngày ra tù mất. Thương thằng bé hơn đứa con gái mình có một tuổi mà đã phải lăn lộn trốn lao tù. Ông cố tình xắp xếp để Dũng được làm công việc gì đó trong trại giam, vừa để ít chạm mặt và va chạm với các phạm khác, vừa để cậu rèn luyện mà nên người. Ông quyết định để Dũng vào làm việc tại Ban Tiếp Tế trong trại giam.
Ban tiếp tế trong trại giam là bộ phận gần như quan trọng nhất của trại, nơi người nhà phạm nhân gửi đồ dùng, đồ ăn, thư tín và tiền vào cho phạm nhân sử dụng. Người nhà phạm nhân muốn gửi đồ cho phạm nhân đều phải mua từ căng tin trong trại, sau đó người của Ban tiếp tế sẽ kiểm tra lại một lần nữa rồi đóng gói gửi cho phạm nhân. Thư tín cũng được bóc ra đọc xem nội dung rồi sau đó mới gửi đến phạm nhân. Tiền mặt người nhà gửi được quy đổi thành tiền giấy có đóng dấu của trại (gọi là tiền tù), cũng có mệnh giá giống như tiền ngoài, phạm nhân dùng để mua đồ dùng cá nhân có bán trong trại.
Bình thường một phạm nhân không có tiếp tế vẫn sống được bởi cơm tù là do nhà nước bao nuôi. Nhưng không có tiền và đồ ngoài trại gửi vào sống sẽ vô cùng khổ cực, một là phải sống kham khổ – thiếu thốn, hai là phải làm thuê cho các phạm khác để có tiền mua đồ dùng lặt vặt. Tù là thế.
Ngày đầu tiên Dũng đến làm ở ban tiếp tế được giao nhiệm vụ đơn giản nhất nhưng vất vả nhất. Đó là mang đồ người nhà gửi đến chia cho các phạm nhân. Thứ 7 hàng tuần là lịch thăm thân đến, do vậy vất vả nhất là ngày chủ nhật thôi. Còn ngày khác thì được phân công làm việc khác, việc khác là việc gì Dũng cũng chưa biết vì hôm nay là ngày đầu tiên cậu làm mà.
Buổi đầu tiên Dũng đẩy xe chở đồ tiếp tế theo một cán bộ quản giáo. Mỗi phạm nhân 1 túi, trên đó có ghi rõ tên phạm nhân, buồng ở. Dũng thấy có cả đồ của khu A nữa, cái khu toàn đàn bà con gái.
Cách thức giao đồ là đến trước cửa buồng, gọi tên phạm nhân, chờ phạm nhân ra kiểm đồ rồi ký vào biên bản nhận đồ, trên biên bản có ghi đầu đủ tên, số lượng đồ phạm nhân nhận được. Biên bản này cũng chính là biên bản nhận đồ lập khi người nhà phạm nhân mua đồ từ căng tin trại giam. Phạm nhân ký vào ô nhận là xong. Nếu gửi và nhận bằng nhau thì được coi đúng quy định.
Công việc cũng không có gì vất vả và cũng không phức tạp mấy. Đầu tiên là khu B trước.
Đến cửa buồng số 9, quản giáo gọi:
– Phạm nhân Nguyễn Văn Phan ra nhận đồ.
Bước ra nhận đồ là một tên to như một con trâu mộng, hắn biệt danh là Phan bò, nhân vật cộm cán nhất trong trại giam này, theo như các phạm ngầm hiểu với nhau, nó là thằng đại ca của trại này. Ai ai cũng sợ nó không dám lại gần, hoặc ít ra không dám làm mếch lòng nó. Đáng ra nó ra tù cách đây 5 năm rồi nhưng lại thi phải thi hành án bổ sung vì đánh bạn tù. Với nó không chỉ phạm sợ mà còn có một số ít cán bộ quản giáo non gan cũng bị nó uy hiếp và bắt nạt. Ở đây không gì là không thể, thỉnh thoảng lại có người chết trong nhà vệ sinh, góc khuất nào đó mà không tìm thấy hung thủ. Cán bộ quản giáo cũng không phải là không có người bị một nhát dao chọc thẳng vào tim chết bất đắc kỳ tử.
Phan bò nhận một túi to tướng các loại đồ mà bà mẹ già 80 tuổi còng lưng tháng nào cũng gửi cho con. Nó kiểm sơ sơ vì biết là của nó đố thiếu một hoa một cắc nào. Rồi ký vào biên bản. Xong xuôi nó ngó ngó nghiêng nghiêng nhìn Dũng, một gương mặt mới toanh nhưng nó biết là ai, chuyện của Dũng nó đã được mấy thằng đệ báo cáo lại. Nó hất hàm:
– Mới hả?
Dũng thấy Phan Bò chắc phải to gấp rưỡi mình mất, cao hơn mét tám, nặng đến cả tạ chứ không ít, khuôn mặt thì chi chít vết sẹo ngang sẹo dọc, từ cổ nó xuống tới chân chắc nó săm thủ thứ linh tinh không chừa một phân da nào. Nhưng sự thực thì những nhân dạng như thế này gặp trong tù thì cũng không có gì lạ hết. Dũng bình tĩnh đáp lời:
– Vâng ạ. Em mới nhập trại tuần trước.
– Sao chưa thấy đến gặp tao.
– Em không biết, không ai bảo gì?
– Mày cũng cứng đấy. Về bảo thằng Tú lé dẫn đến gặp tao, tao có chuyện muốn hỏi.
Dũng gật đầu không bảo gì rồi theo chân cán bộ đẩy xe đi tiếp. Đến phòng số 13, quản giáo gọi:
– Phạm nhân Trần Văn Quân ra nhận đồ.
Trần Văn Quân là tên khai sinh của hắn, thụ án 6 năm vì đánh bạc, tính tình lầm lỳ ít nói. Các phạm nhân trong trại giam này chắc chẳng có ai hiểu về con người thật của Quân bởi thứ nhất nó chẳng nói chẳng rằng gì với bất cứ ai, cứ lầm lũi ẩn hiện sống cho qua ngày đoạn tháng trong tù.
Nhưng thực ra con người thật của Quân có khác. Một số rất ít đại ca giang hồ cộm cán khắp Bắc Trung Nam biết hắn và gọi hắn là Quân Ma. Đây đích thị là sát thủ số 1 Việt Nam hiện nay, quê ở lò đào tạo sát thủ Nam Định. Nếu Quân ma gọi mình là số 2 thì không ai dám nhận là số 1. Đặc tính của Quân ma là chỉ giết người thuê theo hợp đồng, không đầu quân, không là tay sai cho bất kỳ ai. Nhưng không phải ai Quân ma cũng nhận lời giết, trước khi nhận lời hắn đều do thám tìm hiểu xem người đó thế nào, nếu thực sự là người xấu mới nhận tiền cọc, xử lý rồi lấy nốt tiền.
Vang danh trong giới giang hồ vì Quân ma chưa từng thất bại một hợp đồng nào, dù đối tượng có là gì đi chăng nữa, từ giang hồ cộm cán, ông trùm bà boss hay thậm chí là chính trị gia.v..v… Không để lại bất kỳ một dấu vết, manh mối nào để công an có thể lần ra. Nhưng cái giá phải trả cho Quân ma không hề rẻ. Tiếc là sự đời không như mong muốn, trong một lần đánh bạc cho vui ở xới bạc tận Bắc Ninh, Quân ma bị bắt. Đúng là cá mập chết ở ao tù. Bao nhiêu tiền kiếm được từ những phi vụ động trời, Quân ma đều nướng vào cờ bạc, vậy nên vợ con hắn còn quá khổ và nheo nhóc ngoài kia.
Một bọc gọn lỏn chỉ là mấy bao thuốc lá Thăng Long được Quân ký nhận nhanh nhanh chóng chóng rồi đi vào. Không nói không rằng. Vừa đẩy xe đi khỏi phòng 13, Dũng hỏi cán bộ:
– Cán bộ cho em hỏi, tại sao anh Quân nhận được đồ ít thế ạ, em thấy chỉ mấy bao thuốc lá.
– Tháng nào nó cũng vậy, vợ nó gửi cho đấy. Anh nghe thấy bảo là vợ nó kéo theo mấy đứa con nheo nhóc về gần đây thuê nhà sống, làm nghề buôn đồng nát sống qua ngày và để gần chồng, tiện thăm nuôi. Rõ là, đàn ông mà làm khổ vợ khổ con.
Dũng ậm ừ, cậu đăm chiêu suy nghĩ về Quân ma.
Để lại một bình luận