Phần 45
Những trận mưa buổi chiều càng làm cho không khí Sài Gòn trở nên mát mẻ. Trong mắt tôi sông không to lắm, nhưng chẳng biết điểm cuối là nơi nào. Cũng như dòng đời mỗi người tuy ngắn ngủi, nhưng chẳng ai biết được ngày mai sẽ ra sao. Mỗi khi vui hay buồn, tôi đều ra đây ngồi. Nơi đây mang đến cho tôi cảm giác thoải mái dễ chịu, đủ để xoa dịu đi những bực dọc thời trẻ con bồng bột.
Đêm nay trời đẹp, hai đứa tôi ngồi thả người ra bãi cỏ ven bờ, thả hồn theo dòng sông hiền hòa. Tôi lấy trong cặp ra cuốn tập, xé một tờ giấy đôi trắng tinh, gấp thành chiếc máy bay rồi phóng nó bay về phía trước, nơi xa xa có con tàu sang trọng lấp lánh những ánh đèn đầy màu sắc. Chiếc máy bay giấy chở đầy ước mơ tuổi học trò tinh nghịch lao vút đi trong ánh đèn đường. Nó chao liệng thật đẹp trên không rồi lảo đảo rơi xuống bãi cỏ xanh rì. Ừ thì sớm muộn gì nó cũng sẽ rơi thôi, vì nó chỉ là máy bay giấy, không khác được, nhưng người tạo nên nó có thể lựa chọn việc họ có đánh mất ước mơ của mình hay không mà. Tôi chỉ tay về phía con tàu đang neo đậu gần bờ ngoài kia, khẳng định chắc nịch:
“Q này, có thấy không? Một ngày nào đó tui sẽ lên đó.”
“Để làm gì?”
“Chẳng làm gì cả. Đó là ước mơ của tui thôi. Ai cũng có ước mơ chứ.”
“Vậy à?”
“Tui sẽ kiếm thật nhiều tiền, trở thành người giàu có. Lúc đó tui sẽ dẫn gia đình và bạn bè mình lên đó chơi.”
“Có cho tui đi chung không?” Cô ấy chống tay lên cằm, ngiêng đầu nhìn tôi, chớp chớp đôi mắt.
“Có chứ, bà là bạn thân của tui mà.”
“Nhớ đó nhe.”
“Ừ…Hì hì…”
“Nè, hồi nãy tui ngồi nhà ông đọc sách, thấy có nhiều sách dạy thổi kèn, thổi sáo rồi chơi đàn tùm lum. Của mẹ ông hả?” GG lăng xăng ngồi xích lại gần tôi hỏi.
“Ai nói, mẹ tui thì làm gì biết ba cái đó.”
“Chứ của ai?”
“Đoán xem?” Tôi nháy mắt.
“Đừng nói của…ông nha.”
“Còn ai trồng khoai đất này nữa?” Tôi vênh mặt lên.
“Thôi đừng có xạo.”
“Ai xạo? Không tin thì coi nè.” Tôi lại cho tay vào cặp, lấy ra chiếc kèn harmonica của bố tặng cho hôm sinh nhật. Đưa môi lên những ô vuông nhỏ nhắn màu xanh, tôi bắt đầu thổi bản nhạc mình ưa thích. Phải cho bà chằn này biết mới được, dám khinh mình. Tôi làm vẻ mặt đắc ý quay sang bên cạnh thì bắt gặp ánh mắt của GG đang nhìn tôi trìu mến. Cô ấy xích lại gần, khẽ nghiêng đầu tựa lên vai tôi, thủ thỉ:
“Cho mượn chút nha, buồn ngủ quá….”
Tôi mỉm cười im lặng, GG như mọi ngày, lúc vui vẻ lại ngân nga những câu hát mà mình thích:
“Vầng trăng xưa còn đó
Lối cũ em đi về.
Đường lê thê một bóng
Ngóng ai phương trời xa.
Màn sương đêm lạnh giá
Trăng khuya xa mờ
Đường tình bơ vơ quá
Ôi, bao sầu nhớ….
………………………………”
“Sao không hát nữa?” Tôi quay sang nhìn cô ấy.
“Quên lời rồi…. Hì hì.” GG cười khúc khích, dụi nhẹ đầu vào vai tôi.
“Thiệt là…..”
Ừm, bài hát “Vầng trăng khuyết” mà cô ấy thích, thỉnh thoảng tôi vẫn thường hay ngâm nga nó, nhưng tôi nhớ đêm hôm ấy là trăng hôm ấy tròn, ánh trăng sáng vằng vặc in bóng tôi và GG xuống dòng sông. Cùng với trăng là những làn gió nhè nhẹ thổi ánh sáng phủ đầy lên mặt nước lấp lánh đang nhấp nhô những con sóng. Dòng sông đêm vẫn lặng trôi, trở thành kỷ niệm. Trôi mãi, trôi mãi cuốn theo cuộc tình như giấc mơ.
“Tình yêu nay đã lỡ
Những giấc mơ xa rồi
Bàn chân anh lạc lối
Em đâu nào có biết
Vầng trăng xưa đã khuyết
Dưới ánh trăng tàn
Mình anh ôm dĩ vãng, xót xa…..”
“Nè, thích gì thì gọi đi.” Tôi cười cười chìa tờ menu màu trắng lem luốc dầu mỡ ra trước mặt GG.
“Thiệt hông đó?” Cô ấy chớp chớp mắt.
“Thiệt mà.”
“Tự nhiên đâu ra tốt bụng quá dzậy chời.”
“Gì đâu. Bao qua bao lại thôi mà. Coi như trả lại bà lần trước mình đi chơi đó.”
“Lâu vậy rồi mà cũng nhớ dai ghê hen.”
“Ờ….”
“Mà sao không để dành tiền đi, dẫn tui đi ăn chi cho tốn?”
“Có sao đâu, tui có tiền mà.” Vừa nói, tôi vừa cho tay vào túi quần lấy ra mấy tờ giấy bạc màu xanh lá được xếp ngay ngắn cẩn thận.
“Ui, ghê vậy. Bộ bán cá được nhiều tiền vậy đó hả?”
“Cá cái đầu bà, bán bao nhiêu cho đủ. Tiền ba tui cho tui đó.”
“Ủa, là sao? Chứ trước giờ ba ông không cho ông à?”
“Có, mà không có nhiều vậy. Tự nhiên dạo này ổng hay cho tui nhiều lắm.” Tôi nhún vai thật thà.
“Kì vậy ta?”
“Thôi mệt quá, tui có biết đâu. Bà nhiều chuyện thấy ớn. Có ăn không? Tui đổi ý bây giờ à.”
“Ăn…ăn chứ. Ngu sao không ăn. Hihi.”
“……….”
“Anh ơi, cho em cái này, cái này, cái này… và cái này nữa.” GG miệng nói, tay chỉ lia lịa.
“Hết biết….”
Tôi với GG học chung lớp học thêm này hơn 1 năm rồi, ở cuối hẻm nhà cô giáo là nguyên một khu ăn uống. Giống như người ta nói : “Buôn có bạn, bán có phường” nhà nào cũng tranh thủ để kiếm thêm thu nhập, kê vài cái bàn nhựa, vài cái ghế đầu thấp lè tè, thêm cái bảng hiệu và và mấy tờ menu cũ mềm, vậy là thành quán. Ở đây cứ trời sầm tối là cả con phố luôn đông đúc, tiếng người râm ran trò chuyện, tiếng í ới gọi nhau của những anh phục vụ, tiếng xèo xèo của nguyên liệu đang cháy trên những chiếc chảo to bản nghi ngút khói… tất cả cùng tạo nên một khung cảnh nhộn nhịp. Hai đứa tôi sau giờ tan học thường rủ nhau ra đây ngồi ăn uống, thường thì tôi chỉ gọi một ly sinh tố hay một chai nước ngọt thôi, lâu lâu thì tự thưởng cho mình thêm được xâu cá viên, vì tôi tiết kiệm lắm, sắp vắt cổ chày ra nước rồi. GG cũng như vậy, mặc dù cô ấy có tiền và có thể ăn gì cũng được.
Mỗi lần nhắc đến chuyện “bán cá” lúc còn nhỏ là tôi lại bật cười. Số là tôi thích động vật lắm, tôi còn nhớ món quà đầu tiên lúc còn bé xíu là một con cá lia thia mẹ mua cho từ mấy bà bán cá thau ở ngoài chợ. Tôi thích lắm, thường hay ngắm nó cả tiếng đồng hồ mà không chán. Có lần tôi cùng mấy đứa bạn tụ tập sang nhà hàng xóm coi ti vi, thấy có cảnh một đôi nam nữ đang hôn nhau say đắm, tôi buộc miệng hỏi :
“Ê mày, người ta đang làm gì vậy?”
“Đang hun đó.”
“Sao hun gì kì vậy?”
“Ờ ờ…. ai biết đâu, mẹ tao nói tao vậy đó.”
“Kì vậy ta, Tao hun ba mẹ tao đâu có như vậy???”
“Ờ thì…hun ba mẹ là…khác. Còn hun kiểu này là…khác…”
“Vậy đó hả….”
Thế là sau đó tôi chạy về nhà, bắt con cá lia thia lên và thử…. hôn nó y chang như trên ti vi. Chẳng biết trời xui đất khiến thế nào, nó nhảy tọt khỏi tay tôi, chui thẳng xuống họng. Tôi lúng túng chẳng biết làm sao, cứ đứng đó khóc mãi không thôi, cho đến lúc ba mẹ đi làm về. Kết quả là hôm đó cả nhà tôi được một trận cười đau bụng…
Sau đó tôi nuôi nhiều cá hơn, biết loại này loại kia, rồi cho chúng sinh sản, những loại rẻ tiền bán ngoài chợ thôi. Đến lúc bọn nó đẻ nhiều quá, tôi nảy ra ý định bán lại cho mấy bà ngoài chợ. Nghe mấy bả phán mà xanh rờn :”150 đồng 1 con.” Trời đất, mấy bả bán chongười ta 3 ngàn, vậy mà mua lại chỉ có vài trăm đồng là sao. Mà thôi kệ, méo mó có còn hơn không, không bán chật hồ. Tôi bấm bụng bán luôn.
Rồi tôi cứ vòi vĩnh bố xây thêm hồ, chiều con, ông đi mua gạch, mua xi măng về, tranh thủ lúc mẹ vắng nhà lại hì hục xây xây lắp lắp, đến khi mẹ về thì mọi chuyện đã rồi. Cứ thế hết cái này đến cái khác, hồ xi măng, hồ kiếng lỉnh kỉnh đủ cả, cuối cùng tôi chiếm luôn cái hồ chứa nước sinh hoạt ở nhà để nuôi con cá tai tượng bé xíu, nó là con cá lần đầu tiên tôi đi câu với bố câu được. Nó cứ lớn dần, lớn dần cùng tôi theo những năm tháng trẻ thơ hồn nhiên. Đáng tiếc đến năm lớp 10 khi nhà tôi đập ra xây lại, mẹ không cho nuôi nó nữa, tôi đành đem nó vào chùa và phóng sanh, nếu nó sống đến giờ này thì nó cũng được 25 tuổi rồi, chỉ thua tôi 3 tuổi thôi đấy. Nhà mới chẳng còn hồ cá nào nữa, đồ cũ bị vứt đi hết và cũng không còn cả kỉ niệm, tôi thả nó đi cũng đồng nghĩa với việc đoạn tuyệt với tuổi thơ và cuộc sống cơ cực nhưng tràn đầy tiếng cười và hạnh phúc…
Để lại một bình luận