Phần 119
Chiều tới là tôi bắt đầu ngồi chờ, vừa coi hài vừa cứ hướng điện thoại mà ngóng mà trông riết, từ 4h tới 6h chờ muốn nổ con mắt mà toàn cuộc gọi tìm mẹ tìm ba, tới khi vừa tắm ra thì lại nghe tiếng chuông, thiệt chứ tự dặn lòng nếu méo phải bà bác thì thề ở nhà luôn.
Là bả.
– Tới đi, mọi người vừa về.
– Ok!
Đúng… 1 tiếng sau tôi có mặt ở nhà bả.
– Gì mà lâu vậy?
– Mẹ em chửi một tràng mới chịu cho đi.
– Ủa sao chửi? – Bả mở cổng để tôi đẩy xe vào.
– Thì kiểu cũng cay vụ hôm qua em về trễ đó, không nhốt ở nhà luôn là may.
– Ừ, hôm qua cũng lo như vậy.
Nhìn bà bác ngồi đối diện tôi không kiềm lòng được ôm bả vào lòng, đồng thời kéo 2 chân bả qua bên hông mình để kéo bả sát vào mình hơn. Cô giáo chẳng nói chẳng rằng, cứ mặc tôi “tạo thế”, lâu lâu lại hơi nhích đến mấy vị trí thoải mái hơn nhưng vẫn cứ vậy mà ôm nhau.
Tin tin Tiếng còi xe ngoài cổng, 99% là cha già Dương. Tôi chỉ hận mình không lớn thêm mấy tuổi nữa để mặc sức mà chửi ổng. Gì mà cứ bám theo bả vầy thì sao tôi sống?
Cũng như lúc sáng, khi chúng tôi cùng ngó ra ngoài thì thấy ánh đèn xe sáng đến chói mắt, chính là ông nội Dương đó.
– Ủa sao em lại ở đây? Hết thi rồi mà – Ổng nhìn tôi ra mở cửa thì không khỏi ngạc nhiên.
– Dạ, bữa nay cô kêu em tới chơi – Trả lời với thái độ dửng dưng, tôi mở xong cái cổng rồi đi te te vào luôn, kệ ổng muốn làm gì với cái cửa thì làm.
Vào nhà thì thấy bà bác vẫn ngồi đó, mắt dán vào tivi, tôi im lặng đi xuống bếp và rót nước, phải uống một chút mới bình tĩnh “chiến đấu” được. Đang đi lên thì nghe tiếng nói vọng xuống..
– Anh tới trễ vậy?
– Thì có gì đâu, ở phòng buồn quá chạy qua chơi cho đỡ buồn thôi. Ủa mà thằng bé Nguyên làm gì mà qua nhà em hoài vậy?
– Thì học trò của em, thân thiết mà.
– Ừm…
Đậu xanh rau muống, ổng có cái quyền gì mà hỏi về mối quan hệ của tôi với bả chứ, càng nghĩ càng ức.
– Rồi chiều này anh làm gì mà to nhỏ với anh Thuận vậy? – Anh Thuận? Chẳng lẽ là anh rể? Tôi tạm đứng nép ở góc tường khuất để nghe lỏm, tuy biết không tốt nhưng không thể không nghe, chẹp chẹp.
– Có gì đâu, ảnh nói ba mẹ em muốn em…
– Chú với mẹ! – Chú?
– Ừ, chú với mẹ muốn em về thành phố, ở đây không yên tâm, em sống có một mình à…
– Rồi sao?
– Thì nói anh khuyên em về.
– Em muốn ở đây – Vâng, tình yêu nhà tôi mà, phải vậy chớ, haha.
– Thôi, về đi Phương, rồi em muốn gì cũng được mà.
– Thì ra là vậy.
– Thì ra gì?
– Anh đi công trình này mục đích để kêu em về, hèn gì mấy nay toàn nói về mấy chuyện này.
– Thì anh cũng muốn tốt cho em thôi mà, về đi, có nhà cửa đàng hoàng mà…
– Ở đây chẳng lẽ không phải là nhà? Nhà này ông ngoại cho em rồi, em có quyền ở, ông không nói gì thì thôi chứ???
– …
Nghe không khí có vẻ căng thẳng, tôi bèn xuống bếp rót 2 ly nước rồi đem lên, cố tình ngồi kế bên bả rồi chồm người để ly nước trước mặt ông Dương rồi quay qua coi tivi với bà bác.
– À Nguyên!
– Dạ?
– À thôi, không có gì. Hai cô trò cứ trò chuyện đi, anh bận việc về trước.
– Dạ…
Nói rồi ổng bước ra mà lòng tôi vui như trẩy hội, đóng cửa xong tôi đứng sau những thanh sắt nhìn ổng luyến tiếc chạy đi, y như mắc cái gì ở cổ mà không thể nói được. Méo hiểu sao lúc đó tôi hạnh phúc tợn các bác ạ.
Quay vào nhà thì chợt nhớ đến vài điều, tôi nhẹ nhàng tiến đến salon rồi khẽ luồn tay ôm eo bả kéo vào lòng xong hôn lên mái tóc đang được cột hờ lại.
– Dê quá đi!!!
– Chứ hôm nay cứ bị phá đám thì sao không dê được, không thích em thế à?
– Mặc kệ em!!
– Hê, mà cô..
– Nói đi – Bả “thả mình” dựa hẳn vào lòng tôi rồi kéo tay tôi qua bứt bứt mấy sợi lông trên đó =…= trò tiêu khiển của gái nhà tôi đó.
– Ừmm… nãy nghe có nghe loáng thoáng… là…
– Nói đi, làm gì lắp bắp thấy tội vậy? – Vẫn nghịch lông tay.
– Cô không sống với ba hả?
– …
Bả im lặng.. tay vẫn tiếp tục nhéo nhéo tay tôi nhưng mặt thì quay qua một bên khẽ cạ cạ vào cánh tay bên kia..
– Hình như em vô tình quá phải không?
– Vô tình gì?
– Quen biết cô, yêu thương cô bao lâu mà vẫn chưa bao giờ hỏi về gia đình cô hết – Tôi nhẹ ôm bả chặt hơn rồi cúi xuống hôn lên bên má người yêu.
– Tại cô không chịu kể thôi, thật ra cô cũng không nhớ mặt ba nữa, ba mẹ cô bị ngăn cách bởi gia đình, cô có một người chị nữa nhưng cũng chưa bao giờ được gặp.
– Lúc đó cô mấy tuổi là xa ba?
– 4 tuổi, cô cũng không nhớ mặt chị luôn, mù mờ lắm.
– Ừm…
– Rồi sau này vẫn không liên lạc?
– Thật ra là rất muốn nhưng mà mẹ nói chính mẹ cũng mất liên lạc rồi, mẹ với cô có lần ra Hà Nội để tìm ba với chị nhưng vẫn không có tung tích, nghe nói khi chị cô học lớp 3 thì ba cô đã đem chị đi, từ đó không ai biết gì nữa.
– Cô là người Bắc?
– Không, ba cô quê gốc ở Vinh, mẹ cô là người Nam. Nghe mẹ kể thì hồi xưa ba vào Nam công tác rồi vô tình quen mẹ, nhưng nhà ba cô là bên cách mạng, còn ông ngoại cô lúc đó là Mỹ ngụy nên bên nội không cho phép, ông ngoại cũng cương quyết không tán thành nên ba mẹ cô bỏ đi ra Hà Nội sinh sống, có chị em cô thì ông ngoại bắt về. Lúc đó ông ngoại lấy công việc của ba cô ra uy hiếp mẹ, vì ba cô giỏi lắm, làm mấy năm thì được cấp trên tín nhiệm. Mẹ lúc đầu không đồng ý nhưng nghĩ đến khi được đề bạc thì ba mẹ cô bản chất không có hộ khẩu ở đó, chỉ là tạm trú. Rồi lý lịch mẹ cô cũng không sạch, nên sau đó mẹ quyết định đưa cô vào Nam và không để lại một lời gì.
Tôi ôm người con gái ấy vào lòng, ngồi nghe cô kể, tim tôi không biết thắt lại bao nhiêu lần, có cảm giác nó bất ngờ, xen lẫn là bất lực khi nhìn vào quá khứ đó, ngoài ôm chặt cô ấy ra tôi chẳng biết làm gì hơn.
– Gì mà.. nhột người ta!!! – Bà bác nhảy dựng.
– Em có làm gì đâu?
– Em cạ tóc vào cổ cô, nhột biết không? – Cô cốc nhẹ vào đầu tôi rồi tiếp tục dựa vào lòng.
– Muốn an ủi.
– Ngốc!
– …
– Mẹ cô cũng thường nói rằng có lẽ ngày hôm đó là quyết định sai lầm nhất của cuộc đời mẹ, xa chị cô là điều mẹ cô ray rứt và tự trách bản thân trong một thời gian rất dài. Giờ mỗi lần 2 mẹ con nói chuyện với nhau, nhắc đến chị là mẹ lại khóc…
– Ừm. Chị cô hơn cô bao nhiêu tuổi?
– 2 tuổi.
– Ừm, mai mốt mọi thứ ổn định, mình lại đi tìm ba cô và chị cô nhé!
– Ừa.
– Rồi nhà này là của ông ngoại cô à?
– Ừa, hồi xưa ông ngoại có thời gian làm việc ở đây nên mua đất xây hẳn luôn một căn nhà, mấy năm trước, lúc cô học cấp 3 thì nghe nói được sửa sang lại, nên học xong cô xin về đây dạy luôn. Hì.
– Ủa? Sao cô lại muốn về đây?
– Cô không thích sống ở nhà chính thôi.
– Òh, vậy là chúng ta có duyên ấy à? Duyên trời hả? – Tôi cạ má vào má bả, hệt như 2 con mèo đang âu yếm nhau.
– Cứ cho là vậy đi.
– Em yêu cô!
– Hứ, có lo được cho người ta suốt đời không mà bày đặt.
– Ơ, em đang thể hiện tình cảm mà, nhưng nghĩ sao em không lo được cho cô chứ?
– Thôi đi ông tướng, em lo cho thân em còn chưa xong.
– Chờ đi, chờ em lớn thêm một chút nhé.
Tôi khẽ thì thầm vào tai bả rồi cắn nhẹ một cái lên vành tai khiến khuôn mặt kia thoáng ửng đỏ trông mị hoặc vô cùng. Nhẹ xoay người yêu lại ngồi đối mặt nhau, tôi càng tiến lại gần, lại gần hơn một chút khiến bả theo quán tính hơi lùi về sau một chút nhưng người chủ động chạm môi lại là Đặng Mai Phương.
Phần 120
Hôm đó là ngày đánh dấu một bước tiến quan trọng của tôi khi được biết thêm về cuộc sống của người yêu, nhưng cũng là ngày tôi phát hiện ra rằng, gia đình tôi không hạnh phúc như mình nghĩ.
Khi mở cổng ra tôi nhìn thấy chiếc AB là lạ chẳng biết là của ai, nghĩ nghĩ sao mà gần 10h rồi lại có khách nữa sao? Tôi vào nhà thì thấy ba đang nằm dài trên võng ngáy o o, lắc đầu rồi lượn xuống bếp, đi qua phòng kho thì chợt…
Trên nền đất trong phòng, mẹ tôi đang ngồi bệch xuống, tóc tai bù xù vừa ôm một người vừa khóc tức tưởi, người đó.. nhìn mái tóc đằng sau thì có lẽ là cô Như, vợ bác Phước – một người đồng nghiệp thân thiết của ba tôi.
Chuyện gì đang xảy ra vậy???
Tôi vẫn đứng ở đó, nơi cửa kho, thật lâu.. thật lâu cho đến khi mẹ tôi vừa ngẩn mặt lên thì liền vội nín và lau đi nước mắt. Lúc xưa tôi chỉ nghĩ đơn giản mẹ tôi không muốn tôi nhìn thấy mẹ khóc thôi nhưng giờ mỗi khi nhớ lại tim tôi như vỡ vụn, đau đớn, tôi đã hiểu ra rằng người mẹ của mình sẽ luôn cam tâm nuốt nước mắt vào trong khi đối mặt với con cái để che đậy đi cái nỗi đau mà mình đang phải nhận.
– Ủa về hồi nào vậy con? – Mẹ tôi đang cố kiềm tiếng nấc.
– Con mới về.
– Ừ, thôi đánh răng rồi lên ngủ đi, mai đi học.
– Dạ, dạ con chào cô Như!
– Ừ, lâu quá không gặp Nguyên đó nha, nay cao ghê luôn. – Giọng của cô Như cũng hơi nghẹt mũi, 2 người phụ nữ trước mặt tôi 5p trước vẫn còn khóc mà.
Tối đó thì dù cho thấy cảnh tượng mà mình thắc mắc đến tột độ nhưng tôi vẫn chưa thể mở miệng hỏi mẹ là đã có chuyện gì xảy ra. Cũng có thể là do bên nội ngoại gì đó chứ không nhất thiết phải do ba tôi. Nhưng cái cảnh đó vẫn luôn ám ảnh tôi cho đến mấy ngày sau.
Thứ 5 tuần đó lớp tôi bắt đầu chuẩn bị từ từ cho đợt cắm trại. Thiệt chứ lớp tôi đã có bạn Trâm thì khỏi lo, kiểu tôi cũng chỉ là bù nhìn, làm cho vui chứ cũng chẳng chăm chỉ hay đưa ra ý kiến gì, bởi hình như cái chất xám của tôi ngày ấy tập trung toàn bộ vào việc học nên mấy cái việc Đoàn Đội và hoạt động thì nhỏ Trâm xử hết, nhỏ cũng quen rồi nên tự tay làm cả.
– Rồi mai mấy ông kiếm mấy cây tre với cây tầm vông nha, làm cổng trại với hàng rào.
– Mỗi lớp được bao nhiêu mét vuông?
– Cô Hương nói cho hẳn 25m2 luôn.
– Ề, vẫn nhỏ xíu. – Thằng Cẩn trề môi.
– Thì cái sân ở Uỷ ban có nhiêu đâu mà ông đòi hỏi.
– Rồi chắc vẫn phải mua giấy Rôki để trang trí nhỉ?
– Ờ, mà không cần như báo tường, nội dung từ từ tính sau, ông chặt 4 cây nẹp xung quanh là được.
– Phải vẽ viết gì trước mới nẹp chứ mụ.
– Rồi, thì cứ chuẩn bị đi.
Nhỏ Trâm cứ luôn mồm giao công việc, hết giờ ra chơi chắc ẻm đi hết cái lớp để giao việc cho từng người, công nhận khả năng sắp xếp với nhìn người tốt thật.
– Ngày mai mấy giờ mậy? – Thằng Khải hỏi, bọn con trai họp tại bàn tôi, có thằng Thắng ngồi đó nhưng chẳng ai quan tâm. Hình như nó bị cả lớp tẩy chay từ vụ với tôi nhưng tôi chả quan tâm gì mấy.
– Thì khoảng 7h mấy 8h, rồi chỗ thằng nào nhiều tre?
– Chỗ kế nhà tao, một rừng. – Thằng Tùng lên tiếng.
– Có tầm vông không?
– Không biết. Thấy nguyên rừng thôi, chắc có chứ.
– Thì mai tới nhà nó thử, rồi nếu không có thì lên ngoại tao, có tầm vông.
– Ừ, cũng được.
Thật ra chỗ tôi sống được gọi là đông đúc dân cư nhất tỉnh (giờ đã lên thành phố) rồi nên tìm mấy cái bụi tre nứa hơi bị khổ, phải vô sâu trong mấy khu đường đất, chắc phải gần chục cây số thì mới có mấy bụi thôi.
Bàn bạc nhà cửa tự tập rồi xe cộ đồ, đưa nào nhà gần nhà xa đồ, đứa nào chở đứa nào đồ thì cũng đã hết giờ ra chơi, quay lại học thôi.
Nhưng…
– Nguyên, ra đây cô biểu.
Đứng trước cửa lớp với khuôn mặt “hình sự” bà bác quắc tay ra hiệu cho tôi, vụ gì vậy? Chẳng lẽ tôi bị điểm gì kém hay sao? Mà tiết tới có phải tiết bả đâu.
– Gì vậy cô?
– Em vào lấy tập sách ra hết đi, tí có người chở em lên bệnh viện.
– Dạ? Ủa chi…
– Mẹ em bị xỉu đột ngột, ba em mới gọi cho cô.
– … – Lúc đó đúng nghĩa là đứng hình luôn.
– Đi đi!!!!
– Dà.. dạ.
Lúc đó coi như là hành động theo quán tính luôn các bác ạ, tôi cũng chẳng còn biết trời trăng mây gió gì hết, bước vô lấy cái cặp bước ra trong khi tập sách còn để một ề trên bàn.
Ra khỏi lớp thì thấy bà bác đang nói chuyện với thầy Sử để xin cho tôi được nghỉ tiết, lúc tôi lại gần thì thầy khẻ gật đầu với cô rồi bước đến xoa đầu trấn an tôi, lúc đó hầu như chẳng có cảm giác gì. Tôi chỉ biết trong đầu đang đặt ra muôn vàn câu hỏi tại sao mẹ tôi lại xỉu cơ chứ, có bao giờ như thế này đâu. Rồi có khi nào…
Khi ý thức được là bà bác nắm lấy tay tôi và kéo lại ghế giáo viên ngồi, tôi chỉ nhìn bả rồi ngay sau đó lại lãng tránh ánh mắt ấy ngay, chẳng biết làm gì cả.
– Cô không dạy à?
– Không, tiết sau mới dạy lớp mình luôn.
– Ừm.
Chúng tôi ngồi ở đó tầm 15p sau thì trước cổng nghe tiếng bóp còi xe, nhìn ra thì chiếc Zace đang đỗ ở đó, chắc là chú Trí rước rồi, tôi đứng dậy quên luôn cả việc đang ngồi với bà giáo, cảm giác lúc đó như vẫn thấy ô tô nó vẫn còn quá là chậm, tôi muốn bay thật nhanh đến bên mẹ cơ.
Đi được vài bước thì thấy ai đó nắm tay mình kéo lại.
– Bình tĩnh đi, em như vậy cô rất lo.
– …
– Một tí lên trên đó thì xem tình hình thế nào rồi mượn điện thoại ba gọi về cho cô.
– …
– Nghe chưa?
– Dạ, em đi nha.
– Ừa, chắc không có gì xảy ra đâu.
Tôi gật nhẹ nhiều lần liên tiếp rồi nhìn người yêu xong chợt nhếch mép lên như muốn nói rằng mình ổn. Đáp lại cũng là ánh mắt hơi híp lại chứng tỏ sự tin tưởng từ cô. Xong tôi vội chạy thật nhanh ra cổng rồi ngồi lên xe chú Trí. Khi nhìn qua cửa sổ tôi vẫn thấy cô đứng im nơi đó và nhìn tôi đi.
Người con gái ấy, luôn là hậu phương cực kì vững chắc cho tôi.
Lên bệnh viện tỉnh thì ba tôi đã ở cổng chờ rồi, tôi xuống xe và chạy theo ba vào trong, quăng luôn cái cặp trong xe. Tôi còn nhớ khu đó là nơi nồng nặc mùi thuốc nhất mà tôi từng đặt chân đến, giờ thì khu đó đã bị đập đi để xây khu bệnh viện khác rồi.
Bước vào đến phòng nơi mẹ tôi đang nằm, tôi từ từ tiến lại chiếc giường ấy, mẹ vẫn đang nhắm mắt và có lẽ lần đầu tiên tôi ý thức được là mẹ đẹp đến nhường nào, hơn mọi lời nói, hơn mọi cách miêu tả. Mẹ tôi nổi bật với làn da trắng không tì vết, tóc dài vàng nâu uốn lượn nên rất nhiều người nghĩ mẹ tôi là con lai. Rồi thì khuôn mặt hình chữ điền phúc hậu với nét mặt giống hệt ông ngoại. 2 anh em nhà tôi không giống mẹ, càng không giống gì bên ngoại nên mẹ hay bảo là hình như mẹ đi đẻ mướn cho ba. Những lúc đó tôi hay cười khì để lấy lòng mẹ. Nhưng thay vì nằm như thế này thì mẹ có thể ngồi dậy cười không? Mẹ cười đẹp lắm mà mẹ.
Có lẽ đó là lần đầu tiên tôi ý thức được rằng mình sợ mất mẹ đến như thế nào.
Trong phòng lúc đó có mỗi mình ba và tôi, chú Trí có vào nhưng cũng đi về cơ quan làm. 2 cha con tôi cứ nhìn mẹ mà không nói gì với nhau cả, cho đến khi bác sĩ đến khám cho mẹ thì tôi mới lùi xa ra một tí.
Thật ra trước khi tôi tới cho đến lúc đó thì mẹ tôi thực tế đang ngủ thôi, chứ xỉu xong đưa lên bệnh viện thì cũng đã tỉnh rồi. Bác sĩ khám xong nhìn thần sắc của mẹ cũng không gọi là vừa mới xỉu xong, nhìn mẹ cười khi thấy tôi đang đứng xớ rớ đó làm trái tim này đập nhanh hơn 1 nhịp.
Hú hồn.
Sau đó thì mẹ tôi về và tịnh dưỡng 2 ngày, cha con tôi cứ như là thay ca chăm mẹ, lúc nào tôi đi học thì ba ở nhà và ngược lại. Hôm mẹ xỉu tôi cũng quên không gọi cho cô Phương, tới lúc lên lớp học thì chợt nhớ, bả nhìn tôi rồi cũng cười cười, như thấy tôi đi học lại là biết mẹ tôi không sao rồi.
Tới chủ nhật tuần đó, tôi đến nhà bả, và lần đầu tiên ở trước mặt bả, tôi khóc… như một đứa trẻ lên ba.
Để lại một bình luận