Phần 72
Cuối cùng thì tôi cũng vi vu trên đường đê, lần ra mắt đầu tiên của tôi bước đầu có thể coi là… thất bại.
– Đấy… anh thấy chưa… hôm nay em xấu hổ quá. – Giọng Phương lanh lảnh trong điện thoại.
– Có gì mà xấu hổ?
– Còn không à… lần nào về cũng đòi hôn ở đấy… bao nhiêu người nhìn thấy, trời ơi còn thằng Cò ranh nữa chứ…
Trong đầu tôi lúc này chợt vẳng vẳng vọng về câu nói của một vĩ nhân nào đó xa xưa, dịch ra tiếng Việt thì đại loại là “Đến cái bóng của mày nó cũng rời bỏ mày khi đi vào bóng tối, vậy muốn làm cái gì mờ ám thì kiếm chỗ tối mà làm”. Câu này đúng, lần sau phải áp dụng triệt để, tôi nhẹ nhàng với em qua điện thoại:
– Thôi được rồi rút kinh nghiệm, lần sau bọn mình vào chỗ tối hơn nhé.
– Không thèm… – em tỏ ra hờn dỗi.
– À, hôm nay bố em có thích món quà đấy không? – Tôi nhấn mạnh giọng đầy tự hào.
– Đấy, anh nhắc đến quà em mới nhớ…
– Sao, như nào? – Tôi sốt ruột.
– Lúc đầu bố khen anh lắm, bảo là “thằng này trông thế mà cũng chu đáo, biết trước biết sau, được”.
Tôi đắc chí cười thầm trong bụng, biết ngay kiểu gì ông già em cũng khoái tôi mà, đàn ông kiểu như vậy ai ghét cho được, nhiều lúc ngồi ngẫm cũng thấy mình tài phết.
Lại vẫn giọng em nhưng hơi chùng xuống:
– Mà cái áo đấy là anh chọn hay ai chọn hộ?
– Ừ, chính tay anh chọn mà, đẹp không?
– Bố em mặc thử ngắn cũn cỡn, chật lắm ních mãi không vừa anh ạ…
Thôi bỏ mẹ, sao em gì xinh xinh ở shop quần áo lại chọn cho cái bé thế nhỉ, kiểu này hỏng bét rồi…
– Haiz… thế à?
– Vâng, mới cả bố em ghét nhất là màu hồng đấy, không thích cái gì liên quan đến màu hồng đâu.
– Anh thấy màu đấy đẹp mà, trông rất trẻ trung, sao bố em lại không thích nhỉ? – Tôi cố giải thích:
– … Vì ngày xưa mẹ em suýt lấy một bác tên là Hồng…
Tôi tí nữa thì lao vào bụi cây vì cái lý do quá ư là chính đáng của bố em, trong trường hợp này đàn ông tôi dám chắc thằng nào cũng thế cả. Em lại bồi tiếp thêm câu nữa làm tôi lần này phải dừng xe lại thật.
– Mới cả lần sau anh đừng tặng mẹ em hoa lan…
– Làm sao hả em?
– Người yêu cũ của bố em thời đi học cấp 2 tên là Lan, mẹ em bảo thế…
Tôi khá là hoang mang rồi đấy, lần sau xuống nhà em chơi, có khi tôi phải tìm hiểu thêm mấy cái thiên tình sử bên họ hàng nhà em, từ ông bà, cô bác cho đến chú thím em.
Lại nói về chú thím em, chú là em ruột của bố em, mang tiếng là hai anh em ruột nhưng tôi thấy chẳng có gì là giống nhau. Bố em cao to vạm vỡ nghiêm khắc ít nói, còn chú em người nhỏ nhỏ, chém gió như thần và nói thì hay như đài.
Sau mấy lần xuống nhà em chơi thì tôi được em đưa sang nhà chú thím, thấy tôi cũng có vẻ dễ gần, biết ăn nói, bắt được sóng nên chú rất cởi mở, pha ấm trà ngồi nói chuyện như người lớn. Hai nhà cũng gần nhau nên có hôm em để tôi ngồi nói chuyện với chú rồi chạy ù về nhà làm cơm cùng mẹ.
Phải thừa nhận tôi cũng là thằng biết cách nói chuyện, chính xác hơn là gợi chuyện, nên đi đâu cũng có người quý, thích được nói chuyện cùng. Tôi hỏi chú:
– Chú đợt này có tham gia hoạt động đoàn thể nào không? Cháu nhìn chú chắc chắn thuộc típ người của công chúng.
– À, có chứ, chú tham gia cựu chiến binh, thỉnh thoảng năm họp vài bận liên hoan.
Tôi lấy làm lạ, chú cũng đâu có nhiều tuổi, thời của chú làm gì có oánh nhau đâu mà cựu chiến binh nhỉ, tôi lại hỏi:
– Thế ngày xưa chú đi chiến đấu ở chiến trường nào?
– Chiến trường Vĩnh Phú.
– Là ở Phú Thọ hả chú?
– Ừ, bọn chú chuyên đi diệt giặc đói… nói thế cho hay chứ toàn đi rút trộm sắn với bẻ ngô của dân thôi, đói thối mồm…
– Thế chú công tác ở đấy bao nhiêu năm?
– Đáng nhẽ là ba năm, nhưng được hai năm chú xin chuyển ngành, về hẳn nhà chuyển sang lĩnh vực chăn nuôi…
– Nuôi gà hả chú?
– Ừ, nuôi gà chọi…
Ra là ông này đảo ngũ, trốn về chứ chuyển ngành chuyển nghiếc gì, thế mà bày đặt cựu chiến binh nghe thấy ghê.
Được cái chú em là người sống tình cảm, hay quan tâm đến người khác, tôi để ý thấy thế. Cái hôm ngồi nói chuyện chỉ có mỗi việc ông bác họ tôi ở quê bị đột tử chết sớm thôi mà chú hỏi han cặn kẽ lắm, tôi rất là cảm động.
Mấy hôm sau tôi xuống chơi, gặp chú mặt lạnh như tiền, tôi lấy làm lạ không biết mình đã làm gì để chú phật lòng, khéo léo gặng hỏi mãi chú mới hé răng:
– Hôm nọ thả con đề theo tuổi ông bác họ cháu ở quê nhưng mà trượt, chán quá…
Tôi giật mình vỡ lẽ, phải vội giải thích là cháu xin lỗi có khi cháu nhớ nhầm chú ạ. Xong tôi lại kể cho chú ấy nghe cái vụ tai nạn xảy ra trên cầu Thanh Trì lúc trên đường tôi đi xuống đây chơi, khi ấy chú mới hào hứng trở lại:
– Thế hả? Có chết không?
– Chắc chết…
– Có nhìn thấy biển số xe không?
– Cháu có thấy rõ ràng mà?
– Bao nhiêu?
Tôi thực ra có nhớ đéo đâu, mang máng chẳng biết đúng không nữa, tôi cứ nói đại một số xong lại còn chém gió:
– Cháu không chơi bao giờ nhưng cứ đánh theo cháu là ăn to, chưa có thằng nào trượt đâu chú ạ.
Hình như hôm ấy chú… trúng thật. Khoái chí lắm, mấy hôm không thấy tôi xuống chơi là chú hỏi Phương ngay:
– Cái thằng gì đẹp đẹp zai bạn cháu dạo này không thấy xuống chơi nhẩy…
Có hôm tôi xuống nhà Phương chơi, qua nhà chú, vừa thấy tôi ngoài cổng chú đã mừng húm như bắt được vàng, gật gật đầu hỏi:
– A thằng cháu… hôm nay đi đường có gặp vụ tai nạn nào không?
Để lại một bình luận