– Phong có biết vì sao họ lại tổ chức tiệc ăn mừng không?
– Thì… ăn mừng việc đánh bại bọn Bình An!
– Một phần thôi, chủ yếu là để Phong lấy lại tinh thần từ tại nạn lần này và đặc biệt là sớm quên đi nỗi buồn khi không có Lanna ở đây…
– Nói vậy là mọi người đều biết hết sao?
– Ừ, tất cả…
Đột nhiên một cơn gió từ đâu thổi đến làm cỏ cây bay phần phật, tung cả cát bụi. Thoáng thấy Lam Ngọc mím môi đưa tay lên lau thứ gì đó long lanh trên mắt, tim tôi chợt như có ai đó bóp nghẹn vội vã lăn xe đến gần:
– Sao thế Ngọc, buồn chuyện gì sao?
– Làm gì mà buồn chứ, tại bụi bay vào mắt đó!
– Thật không, sao cả hai mắt đỏ hoe vậy?
– Thì… bụi bay vào cả hai con!
Nhìn thấy vẻ mặt đầy tâm sự của Lam Ngọc, tôi chẳng dám hỏi thêm chỉ biết nhìn nàng mà tim cứ bồi hồi không sao tả được. Lúc đó tự nhiên miệng tôi lại bật ra những câu mà có đánh chết tôi cũng không dám nói trước mặt nàng:
– Ngọc à, từ nay về sau mọi việc nhờ Ngọc giúp nha!
– Mọi việc ư? Tại sao?
– Vì… giờ Phong chỉ biết tin vào Ngọc thôi!
– Ngọc…
Hai đứa nhìn nhau một lúc thật lâu, lâu đến nỗi tôi phải nhắm mắt cúi đầu xuống nếu không muốn bị đôi má mủm mỉm đó làm cho mê hoặc đi.
– Vậy từ nay Phong phải nghe lời Ngọc!
Nàng bỗng nhiên phát ngôn một câu làm tôi giật bắn cả người.
– Hả, nghe lời á?
– Đương nhiên, nếu muốn Ngọc lo cho việc đi lại thì phải nghe theo lời Ngọc, không thì khỏi cần đám phán!
– Ừ thì…
– Chịu không, nếu không thì Ngọc đi vào, Phong phải tự lăn xe vào đấy!
– Ế, chịu mà, đừng bỏ Phong lại!
– Trời à, nói thế thôi, Ngọc có bao giờ bỏ Phong đâu!
– Hở…
Câu nói vô tình cứ như hữu ý của Lam Ngọc làm tôi hơi giật thót, mặt mũi cứ đỏ ửng lên nhìn nàng chăm chăm vô tội vạ.
Chừng như hơi ngượng, nàng mới dí nắm đấm vào mặt tôi cau mày:
– Nè, nhìn cái gì thế, chán sống rồi sao?
– Ực, đâu có! Tại hề hề…
– Bớ thằng Phong đâu rồi, có người kiếm mày nè?
Ngay lúc đó, tiếng thằng Toàn bỗng vang lên trực tiếp cứu nguy cho tôi khỏi sự tra khảo như hỏi cùng tù nhân của Lam Ngọc. Chẳng còn cách gì hơn, nàng đành đẩy tôi vào trong mà tia mắt không ngừng xỉa thẳng vào người làm tôi thấy rợn cả sống lưng.
Tôi được Lam Ngọc đẩy ra nhà trước, nơi buổi tiệc vẫn được tổ chức linh đình, nôm mặt mũi quần hùng đều vẫn còn đầy cả, duy chỉ có một gương mắt mới, nhưng lại là gương mặt rất quen… Tồ lớn. Xem ra nó đã khỏe, chỉ có một vài vết bầm còn hiện mờ trên mặt.
Vừa thấy tôi, nó liền xồng xộc đi vào, Lam Ngọc vội dịch ra trước cản nó lại:
– Này, cậu muốn làm gì?
– Tôi không có ý xấu với thằng Phong đâu, tránh ra giúp!
– Nói rõ lý do đã!
– Tôi không nói chuyện với con gái!
– Quá đáng… chách…
Lam Ngọc vung tay tát vào mặt của Tồ lớn, nó vội dùng tay đỡ lấy rồi lui về vài bước. Sự việc có thể phức tạp hơn nếu như tôi không mở lời cắt ngang:
– Thôi đủ rồi, Tồ lớn mày qua kiếm tao có việc gì, tao không muốn đánh nhau ở đây!
– Đương nhiên, tao cũng không muốn đánh nhau ở đây, và không đến đây để đánh nhau!
– Thế mày đến đây làm gì?
– Đây, cấm lấy!
Nó thẩy cho tôi một mảnh giấy được xếp lại gọn gàng, bên trong mảnh giấy ghi rất rõ địa chỉ của một nơi nào đó trên Sài Gòn.
Thắc mắc tôi hỏi nó:
– Đây là gì vậy?
– Tao nghe mày bị thương cặp giò nên đưa địa chỉ của chú tao trên thành phố! Ổng làm thầy châm cứu giỏi lắm, mày lên mà tìm ông ấy!
– Mày giúp tao à?
– Tao tìm mày để so thắng bại, nay đã rõ kết quả, tao chẳng còn lí do gì để đánh mày nữa! Thôi tao đi đây, còn đi cắt cỏ về cho bò nữa!
Đoạn rồi nó đột nhiên quay lại:
– Mà này, tao đã dặn bọn xóm tao rồi, từ nay bọn mày cứ thoải mái đi, bọn nó chẳng kiếm chuyện với bọn mày nữa đâu!
Nói xong, nó lỉnh kỉnh đi ra cổng cùng với 2 thằng đàn em, mất hút sau còn đường đá dài thênh thang. Về phía bọn tôi, sau khi Tồ lớn đã đi rồi, cả bọn đều nhìn nhau mà chẳng nói được câu gì, phải chờ đến khi Khanh khờ mở lời:
– Ê, thằng đó nó nói gì đấy?
– Nó nói từ nay tụi mình không bị tụi nó kiếm chuyện nữa!
– Như vậy phải làm sao tụi bây?
– Đương nhiên là… ăn mừng thôi… dzô anh em…
Toàn phởn nâng ly nước ngọt lên hô hào cứ như là đang nhậu thiệt vậy.
– Của mày nè Phong, không ăn bọn tao ăn hết rán chịu!
– Ê, tao đâu có ăn đậu phộng đâu, còn nước ngọt nữa.
– Không ăn cũng phải ăn, phần của tụi bố nhín ra đấy!
– Uầy, thiệt tình!
– Thôi nào, ăn cùng cho có không khí chứ, buổi tiệc là vì Phong cả mà!
Lam Ngọc lại cười xòa làm hai gò má rung rinh đến mê người.
– Nè, Ngọc cũng uống đi!
– Được rồi, uống ngay ấy mà!
– Hề hề, tiệc của Phong, cũng là tiệc của Ngọc nhỉ?
– Phong… vừa nói cái gì đấy!
– Ớ, hông… hông có gì, hề hề – rồi tôi vội kiếm cớ quay sang đám thằng Toàn – … anh em ới…
– Ới…
– Cụng ly vì chiến thắng nào!
– 2… 3 dzô, 2… 3, dzô, 2… 3 uống…
Trong tình cảnh này, Lam Ngọc chỉ biết nhún vai, lắc đầu cười khổ mà đưa ly nước lên hòa chung niềm vui với bọn tôi mà thôi, thiệt khổ gì đâu!
Những ngày hè rồi cũng qua mau như mùa đá banh, mới đây thôi đã đến mùa thập cẩm rồi. Nhìn bọn nhỏ trong xóm chơi phang lon mà lòng tôi cứ bồi hồi cả lên, mỗi lần cái lon bị đôi dép hung hằng phang trúng, nó lại lăn long lóc đến tít trong những bụi cỏ, rồi cả đám chạy toán loạn lấy dẹp chạy về mặc cho thằng bị rượt muốn hoa cả mắt. Tôi tự hỏi rằng năm sau về lại nơi đây tôi có còn được gặp những cảnh này nữa không khi người ta nói nơi đây đã chuẩn bị phá ra để xây đường mất rồi.
– Phong này, xe tới rồi, lẹ lên ku!
Tiếng thằng Toàn hối thúc trong xe như chạy giặc.
Hôm nay là ngày bọn tôi lên đường về với phố thị tấp nập, không còn vùng vẫy thỏa sức nơi đồng ruộng mệnh mông, con sông, cầu khỉ, chắc tôi sẽ nhớ nơi này lắm, năm sau về quê chắc nó sẽ đổi khác rất nhiều.
– Nghe nội dặn nè, lên trên đó nhớ tịnh dưỡng, luyện tập đôi chân cho tốt! Nội không muốn năm sao mày về lại ngồi xe lăn đâu, rõ chưa?
Nội tôi móm mén từ từ đẩy tôi tiến về phía chiếc xe đò đang đợi sẵn ở ngoài đường.
– Dạ, con biết rồi mà nội!
– Mà nè, cái con bé Lan với cái con bé Ngọc cả hai đứa đều tốt với con, con liệu mà quyết định nha, nội không quản mày mấy việc này nữa!
Đang lẽ ra tôi đã có thể giãy nãy với nội về mấy chuyện riêng tư này rồi, nhưng nghĩ lại vì muốn bà yên tâm nên đành gật đầu để chiếc miệng móm mém đó luôn luôn tươi cười mãi.
Tạm biệt bà, chiếc xe tốc hành từ từ lăn bánh. Tôi vẫn ngoáy nhìn đôi mắt nhăn nheo đó rồi cảm thấy bồi hồi một nỗi trong lòng rằng mình sẽ còn được nhìn thấy nó bao nhiều lần nữa đây?
– Nè, lưu luyến à?
Lam Ngọc đập vai tôi giật thót.
– Không đâu, chỉ thấy tiếc nhớ một số thứ thôi, không biết lần sau về còn được gặp không!
– Yên tâm đi, mọi chuyện đều có số của nó! Càng lo nghĩ, nó lại càng không theo ý mình, chi bằng cứ tận hưởng những gì mình đang có đã!
Nàng lại nở nụ cười xua tan đi nỗi lo trong tim tôi, cũng như nét hàn băng trên gương mặt nàng. Nhìn nàng bây giờ xinh xắn quá, đôi má hây hây đỏ cứ giáng từng đòn mê hoặc vào tim tôi không ngừng, giáng đến nỗi tôi bị nàng giáng cả một cốc vào đầu:
– Đã nói rồi, không được nhìn Ngọc chăm chăm!
– Au da, ngược đãi người bệnh!
– Gì, nói lại nghe xem?
– Ơ hề hề, hông có gì, ngắm cảnh đã!
– Mà nè, ngồi xe cũng buồn, nghe nhạc không?
Nàng rút trong balô ra chiếc điện thoại đã cắm sẵn tai nghe.
– Ừa, cảm ơn Ngọc!
– Phong thích nghe bài gì?
– Bài gì nghe nhẹ nhàng là được rồi!
– Vậy bài này…
Tiếng nhạc bỗng ngân vang lên trong tai nghe:
“Dường như nắng đã làm má em thêm hồng.
Làn mây bay đã yêu tóc em…”
– Ơ Ngọc, bài này…
– Sao, nghe hay không?
– Ừa, hay mà…
– Thôi ngủ một giấc cho khỏe đi!
Nói rồi nàng khoanh tay trước ngực, nhắm nghiền mắt lại tôi có thể nghe thấy tiếng thở đều không lâu sau đó. Nhưng tôi thì lại không ngủ được mặc dù trong người cảm thấy rất mệt do đi xe, ấy là do bài hát tôi đang nghe lúc này, nó gợi lên cho tôi biết bao nhiều kỷ niệm về Ngọc Lan, cô gái lai Pháp hát nhạc Việt chẳng thua bất kì ai. Rồi mai đây bọn tôi sẽ trở lại mái trường thân yêu nơi phố thị tấp nập ngày nào để bắt đầu một năm học mới, một năm học với biết bao nhiều đổi thay, một năm học không còn Ngọc Lan ở đây nữa.
Khẽ thở hắc một hơi, tôi quay sang phía Lam Ngọc giờ này đã chìm hẳn vào giấc ngủ:
“Ngủ ngon Ngọc nhé, ngủ để có sức vượt qua những thử thách trước mắt. Một năm học mới với những thử thách mới…”
Chẳng mấy chốc sau những ngày hè ảm đạm kể từ khi rời nhà nội trở về cái đất Sài Gòn này, ngày nhập học cũng đã đến. Tâm trạng của tôi hiện giở chả biết nên vui hay nên buồn, nó trống không, rỗng tuếch như quả bóng xì hơi, cũng bởi chân tôi vẫn còn mất cảm giác chưa đi được, suốt ngày ở nhà tôi chỉ biết lăn xe vòng quanh, hoặc ra đường khi người đã vắng hẳn, nếu lỡ gặp cái bọn mặt ngựa trong xóm thấy tôi như thế này chắc bị nó chọc hết ngẫng đầu lên được mất. Cho nên giờ đã đến lúc đi học lại tôi cứ lưỡng lự vừa háo hức, lại vừa lo sợ chẳng biết sẽ ra sao khi tôi đến trường, chắc là bị dìm cho chìm xuồng mất thôi.
– Thằng Phong đâu, trời gần sáng rồi có ra không thì bảo?
Tiếng ba của tôi vang vọng ngoài cửa nghe dợn sống lưng.
Cũng phải nói qua rằng, ba của tôi vì nghe tin tôi bị thương cặp giò nên đã xin nghỉ ở nhà một thời gian để trông chừng cho tôi. Nhưng trông chừng chỉ là một phần, thật ra là về đốc thúc cho tôi luyện gân cốt sớm ngày bình phục thì đúng hơn. Ngày nào cũng vậy cứ mỗi buổi sáng trưa chiều ông lại bắt tôi phải tập luyện, luyện đến khi mệt nhừ mới thôi, làm riết tôi đâm hoảng, muốn trốn lại sợ bàn tay sắt của ông nện phát chắc chết tươi nên phải y theo lệnh mà tuân. Nay thời gian nhập học đã đến, tôi mừng như mở cờ, ít ra cũng trốn được một buổi rèn chân vào buổi sáng, sướng gì đâu!
Tôi lật đật chuẩn bị đổ đạc rồi lăn xe ra ngoài, vừa mở cửa đã bị ông cốc phát vào đầu muốn tóe nước mắt:
– Chậm trễ thế, lại ngủ quên à?
– Đâu có đâu ba, đang bị cái chân mà!
– Đấy, đánh nhau cho cố sát vào!
– Được rồi mà ba, con đói rồi xuống ăn sáng đã!
Ông tặc lưỡi lườm vài phát làm tôi lạnh cả người rồi đẩy xe từ từ xuống mấy bậc thang cao tít dẫn xuống nhà dưới. Cứ xuống mỗi bậc thang, tôi phải cắn răng, nhắm mắt chịu sốc tung chảo một cái, cứ thế cho đến khi xuống đến bậc thang cuối cùng cả người tôi cứ lâng lâng, quay quay đến choáng cả mặt. Nhưng chịu thôi, dù gì mấy ngay này tôi cũng đã quen rồi mà, duy chỉ có một điều tôi vẫn chưa quen được, đó chính là sự xuất hiện của con nhỏ Nhung trong nhà.
Không sai, như lời ba tôi đã nói lúc trước, nhỏ Nhung sang năm 11 sẽ lên Sài Gòn học và ở nhà tôi một thời gian trước khi tìm được nhà trọ để dọn ra ngoài, đổi với ba tôi thì không hề gì, vì buổi tối ông ra ngoài võ đường của một người bạn dạy võ rồi ngủ luôn ở đó rồi, chỉ có mình tôi ở nhà với nhỏ Nhung thì làm sao mà tự nhiên sống được. Nếu trước đây Hoàng Mai sống ở đây, tôi hoàn toàn thoải mái bởi hai đứa chẳng có gì phải giấu diếm cả, còn bây giờ là nhỏ Nhung, cứ mỗi lần muốn đi đâu tôi cứ thấy nhồn nhột như có ai đang dòm ngó, mất tự nhiên đến khó mà tả được.
– Con làm đồ ăn xong rồi, hôm nay vẫn là mì trứng, mọi người ăn đỡ nha!
Nhỏ khệ nệ bưng hai tô mì nghi ngút khói ra đặt trên bàn.
– Sao con không ăn luôn, Nhung?
– Dạ, chú Ba cứ ăn trước, lên lên thay đồ rồi xuống sau ạ?
Rồi nhỏ chạy lên cầu thang một mạch.
Cũng phải công nhận là nhỏ Nhung nấu ăn không tệ nếu không muốn nói là khá ngon. Nhất là mấy món miền Tây thì phải gọi là số dách. Còn nhớ khi hai chị em nhỏ Nhung lên nhà tôi vào dịp tết, nhỏ có nấu mấy món đơn giản như kho thịt thôi tôi đã ăn mê tít rồi, đúng là không gì bằng con gái biết nấu ăn, yêu ngay từ lần ăn đầu tiên luôn.
Ấy thế mà thời gian trôi qua, cho đến khi tôi và ba đã ăn xong tô mi sạch bách, nhỏ Nhung vẫn chưa thấy tăm hơi đâu. Ba tôi hoàn toàn bình thường, chẳng có chút biểu cảm gì, chỉ có riêng tôi là cực kì nôn nóng thôi. Bởi lẽ, năm nay chính là năm học đầu tiên trường tôi áp dụng đồng phục váy cho nữ sinh, đương nhiên là cho tất cả nữ sinh trong trường bao gồm tất cả các khối. Qua đó nhỏ Nhung mới vào trường cũng phải mặc đồng phục luôn cho bằng anh bằng chị vì nhỏ cũng học chung trường với tôi mà. Tuy nhiên chờ mãi chẳng thấy ra, tôi mới mượn cớ gần tới giờ học để đốc thúc nhỏ:
– Bà Nhung đâu rồi, gần tới giờ học rồi kia, ra nhanh đi!
– Ờ, biết rồi, chờ tý!
Chốc sau, nhỏ cũng rụt rè đi từng bước lê lết xuống cầu thang. Ấn tượng đầu tiên của tôi về bộ đồng phục là nó quá ư chững chạc. Lấy tông màu xanh dương làm chủ đạo, váy đồng phục của trường tôi là váy thẳng chứ không sọc ca rô đỏ một cách đáng yêu như trường Nguyễn Hưu Thọ ngoài kia, do đó nó làm cho người mặc trông trưởng thành hẳn và nhất là với gương mặt sắc góc như của nhỏ Nhung, nhìn chẳng khác nhân viên công sở là bao.
Để lại một bình luận