Phần 47
– Mấy đây, mấy ngón tay đây? – Nó lờ mờ nhìn thấy bóng ai đó đang giơ giơ ngón tay.
– Tỉnh rồi, tỉnh rồi. Mọi người ơi nó tỉnh rồi này.
– Tránh xa xa nó ra. Cứ bâu hết vào nó thế này thì nó thở sao được. nào nào hai cái đứa kia. – Lão răng vàng, một người anh em kết nghĩa với bố mẹ nó đang chửi bới hai đứa con.
Cảm giác nặng trịch như có một hòn đá tảng trên ngực, kèm theo đó, cũng tại vị trí ấy nó thấy như vẫn còn một chiếc đũa vẫn cắm xuyên qua ngực chưa được rút ra. Nó mở mắt nhìn dáo dác xung quanh phòng. Chưa bao giờ đông thế, lần gần đây nhất nó thấy cô dì chú bác anh chị em tập trung đầy đủ như thế này là khi bố nó mất. May mắn là nó nằm đây, giữa vòng vây của mọi người chứ không phải là đứng sau lưng tất cả rồi cố gào thét cho mọi người chú ý trong khi họ đang bận ôm lấy một đứa nào đó giống hệt nó nằm trên giường. Nó khua khua bàn tay ra nghẹn ngào, bật khóc.
– Mẹ… mẹ ơi… Con còn sống phải không?
– Cứ bình tĩnh. – Mẹ nó cũng khóc. Đã rất lâu bà không khóc rồi. – Không có chuyện gì xảy ra đâu. Mọi người ở đây bên con cả.
Bàn tay gân guốc của bà nắm chặt lấy tay nó, nó không còn nhớ lần gần đây nhất nó được mẹ nắm tay đã bao lâu rồi, không giống những cảm giác ngày bé nó cầm tay mẹ chập chững bước đi, nhưng chắc chắn lúc ấy nó không hề cảm thấy bàn tay ấy gân guốc, gầy gầy nhưng ấm áp thế này.
Nó cố chống tay đu người để ngồi dậy nhưng bị ngăn lại. Dù sao nó cũng vẫn cố ngồi dậy để nhìn tất cả mọi người, mấy đứa em họ hiểu ý liền xốc vai nó dậy đựa vào thành giường. Cả căn phòng rộng, chắc là phòng tập thể với gần chục cái giường chỉ đặc người của nhà nó. Chiếc tivi trong góc được trưng dụng làm màn hình hiển thị camera đặc từ hành lang đến ngoài cổng, đều có người nhà nó cả. Nó không kìm được thêm nước mắt, tất cả cứ cay cay rồi tự chảy ra. Nó đã bao nhiêu tuổi rồi mà còn khiến cho ngần này con người phải lo lắng. Mẹ vẫn giữ lấy tay nó động viên.
– Con cứ nghỉ ngơi. Đây là bệnh viện huyện nên không đông người qua lại. Đã có mọi người ở đây rồi. Sẽ không ai để con một mình cả.
– Con… ở đây bao lâu rồi.
– Gần một tuần, 5 ngày rồi.
– Vâng.
Nó nghĩ nên tạm dừng câu chuyện ở đó để tránh bị hỏi thêm nhiều điều, ngần kia người mỗi người hỏi một câu chắc nó cũng chết mệt vì bị xoay vần mất. Mẹ nào cũng hiểu con nhất thì phải, mẹ nó nháy nháy mọi người ra ngoài bàn chút chuyện riêng cho nó nằm nghỉ ngơi thêm. Mặc dù nó cảm thấy là 5, 6 ngày chắc cũng quá đủ để nghỉ ngơi rồi. Nhưng có những chuyện chắc mẹ nó cũng không muốn nó nói ra giữa chốn đông người.
Lại thêm một tuần nữa trong viện, nó thấy người khá hơn hẳn, vết thương cũng không còn chảy nước mà đã bắt đầu khô miệng. Mọi người cũng đã dãn dần ra, mỗi nhà chỉ để lại một hai người túc trực bên nó. Cầm đống ảnh X quang lên nó vừa xem vừa sửng sốt vì cái sự may mắn của nó. Thấy nó cầm đống ảnh X quang nhìn trân trối. Lão Răng vàng cười.
– Cái đấy gọi là phát súng cứu mạng. Cái này mấy đứa giang hồ vùng biên có lần đồn đoán là bên Trung Quốc có tuyệt chiêu ấy rất hay. Sống ngần này tuổi rồi tao mới được nhìn thấy.
– Là sao chú?
– Là sao nữa. Bên ấy chúng nó luật lá kinh lắm, không như mình. Bất kì thằng nào có tội đáng chết nếu biết đường hối cải, sẽ được… chết trong danh dự.
– Khác gì nhau đâu chú. Cháu tưởng là biết hối cải thì cho rút kinh nghiệm ấy chứ. – Nó cố nén cười sằng sặng.
– Sao không khác, cái đấy gọi là cứu mạng đấy cháu ạ. Giống như bên thi hành án tử hình, nó có phát súng ân huệ. Là sao biết không? Thường thì khi thi hành án tử, sẽ có một đội đứng dàn hàng ngang cầm súng trường ngắm vào con mồi. Sau loạt súng trường đầu tiên, bất kể con mồi có chết hay không thì cũng sẽ có một thằng sĩ quan cầm súng lục dí thẳng vào đầu. Đấy là phát súng ân huệ kết thúc nhanh tránh đau đớn. Nếu sau phát súng ấy thằng tử tù không chết, nó sẽ lập tức được đi cấp cứu và cứu sống. Thường thì loạt đầu tiên bao giờ cũng bắn trượt, thứ giết thằng tử tù là phát súng ân huệ cơ. Nói chung là từ trước đến giờ gần như chẳng có ai sống sót sau khi lĩnh án tử hình cả. Nghe có vẻ rất vô lý, nhưng sống ở gần sát biên, nghe chúng nó kể rằng. Nhiều đứa ở bên kia luyện được công phu lạ, sau phát súng ấy vẫn còn thoi thóp hy vọng được cứu nhưng cuối cùng đều bị bỏ mặc cho đến chết.
– Có liên quan gì đến cháu đâu, cháu bị bắn vào tim cơ mà.
– Cái mà gọi là công phu lạ, thực ra chỉ là kĩ thuật và một ít tiền mua chuộc đứa thi hành án thôi. – Lão răng vàng cười bí hiểm – Nhìn cái đống ảnh kia đi, trước giờ ai cũng nghĩ tim người nằm ở đâu? Trái hay phải nào? Đặt tay lên ngực mà sờ đi chứ, thấy bên trái đạp mạnh lắm phải không. Phim ảnh cũng thế, bi bắn chết toàn bắn vào ngực trái, hễ cứ ai bị bắn vào ngực phải là được cứu sống. Thực ra bắn vào hai bên có khác mẹ gì nhau đâu, đều dính vào phổi cả. Tim nó nằm ở chính giữa cơ mà, có điều lệch chút chút về bên trái thôi.
Nhìn nó gật gù và chăm chú nghe. Lão răng vàng nói tiếp.
– Quay trở lại cái vụ chết trong danh dự. Bên đấy chúng nó loằng ngoằng lắm, không như ta. Ngày xưa có Tam Bảo. Là gì? Thanh gươm – đâm vào tim hoặc cắt cổ, chén thuốc độc và dải lụa – thắt cổ cho người chết được toàn thây bảo toàn danh dự. Chết là coi như xóa hết tội lỗi, người nhà ấy coi vào cấp bậc thứ tự sẽ được nhận tiền tuất hoặc nuôi đến một thời gian nào đó. Giờ hiện đại hơn thay gươm bằng súng. Nghe có vẻ ghê gớm, nhưng thực ra, chính súng mới là cái thứ an toàn nhất trong đống ấy. Thuốc do chính tay các chủ ( người đứng đầu một bộ phận thấp nhất trong băng đảng) pha chế, chạy vào mắt. Dải lụa thì được dệt từ tơ tằm, dùng thay dây cáp để kéo xe cũng được, còn lâu mới đứt. Mấy đồ ấy đều được kiểm tra kĩ càng. Sau một tuần hương nếu người lãnh Tam Bảo vẫn còn sống thì sẽ được cứu. Vì đấy là ý trời, trời chưa muốn diệt người đó. Mà giang hồ thì trọng nghĩa khí, dù có là nghĩa khí rởm đi chăng nữa đã nói cứu nhất định sẽ cứu.
– Vẫn có người sống sót sao?
– Mày thử nhìn mày xem, rồi tự trả lời cho câu hỏi ấy. Có, nhưng rất ít. Nhiều đứa ba hoa là luyện được công phu lạ, được trời cứu. Nhưng thật ra là chúng nó có mánh cả. Nhìn này. Tim nằm chình ình ở đây cơ mà – lão chỉ tay vào chỗ trái tim trên hình – Chỗ các bố bắn thì lại ở điểm này (x1) thì bao giờ mới bắn đến tim. Lủng phổi như mày là cùng thôi. Thế nên tao cũng nghĩ là ở đầu khéo cũng có một điểm (Xn) nào đó như vậy, nếu không phải ai cũng có thì sẽ cũng có một vài đứa có nên chúng nó thoát chết “trong lúc ấy”. Thật ra luật ngầm như vậy, ai cũng biết có đứa lách luật. Nhưng về sau vẫn cứ ỉm đi, một là coi như đứa bắn cũng đã nhận được bài học cảnh cáo để dằn mặt, hai là cũng hy vọng sau này nhỡ chẳng may đến lượt cũng đã vẫn còn một con đường thoái lui. Còn với những đứa bị lĩnh án tử hình, nếu mua chuộc được đao phủ thì có thể còn một con đường sống khác. Chính là điểm này này.(X2) nhưng đấy không phải chỗ đạn vào, mà là chỗ đạn ra vì khi bị bắn, đứa lãnh án sẽ quỳ xuống quay mặt cho mọi người nhìn, còn đao phủ thì đứng sau lưng, bao giờ cũng thế. Tức là điểm đạn vào ở sau lưng, có thể là bất kì đâu, nhưng khi đạn chui ra, nó phải ở đây (X2). Xiên chéo người. Nhưng cái đó hiếm và may rủi nhiều. Nhưng dù là còn 1% sống vẫn hơn là 100% chết chắc.
Nó trầm ngâm mím môi mím lợi suy nghĩ. Lão răng vàng cầm chai lavie lên tu ừng ựng rồi lấy tay áo quệt môi khà một tiếng dài.
– Nói nhiều rát cả họng, thế nên cái đấy gọi là phát súng cứu mạng, cứu mạng chứ không phải ân huệ gì cả. Nhưng tất cả chỉ là lý thuyết thôi, một buổi hành án bên ấy rất ít đứa được tham gia. Gần như chỉ là chuyện trà dư tửu hậu nơi bàn nhậu mà thôi. Súng nó còn có độ giật, độ xoắn của nòng, tay người còn có lúc run lúc vững. Có chăng cũng chỉ là may mắn rồi người ta thổi phồng lên cho nó có chuyện mà ngồi với nhau thôi. – Lão vỗ vai nó bồm bộp cười cười. – Nói chung, mày không chết là do cao số, số còn cao lắm.Thấy mày ngồi đần đần thì qua tán chuyện cho mày đỡ buồn thôi, đừng để ý làm gì. Thôi đi nghỉ đi.
– Chú, chú toàn chuyện hay. Lúc nào chú lại kể cháu nghe nữa nhé. – Nó hớn hở.
– Tao chỉ sợ mày nghe chuyện của mấy lão già chúng tao rồi chán chết thôi. Được rồi, mày còn nằm đây lâu mà. Thế muốn nghe chuyện gì?
– Chuyện hồi xưa chú với bố cháu chạy xà lan buôn lậu. Thấy bảo gặp cả ma nước. Lúc nào chú kể cháu nghe nhé.
– Rồi rồi, cái chuyện ma nước, nó có cái thú lắm nhé. – Bỗng tiếng ai đó loáng thoáng gọi lão ý bên ngoài, lão quay ra đáp lời rồi quay lại nói với nó – Thôi mày nghỉ đi, tao ra ngoài đi ăn với chúng nó đã. Chiều tao kể cho, à không, chuyện ma là cứ phải để tối nó mới hay. Thêm cút rượu nữa thì nhất. Thế nhé.
Rồi lão vội vội vàng vàng đi mất hút. Nó cầm đống ảnh nhét lại dưới đệm rồi thở dài. Liệu tất cả có phải là may mắn như lão nói không?
Để lại một bình luận