Phần 14
1 tháng sau…
– Đâu nào, quay ra đây chị xem cái nào?
Chị nó vuốt vuốt cái lưng áo sơ mi của nó cho phẳng.
– Chẹp…chẹp… Nhìn ra dáng giám đốc rồi đấy.
– Đốc cái khỉ – Nó nhăn mặt – Em căm nhất là sơ vin đóng thùng.
– Không chỉ là hôm nay, mà sau này bất kể ngày nào em cũng phải ăn mặc như thế. – Chị nghiêm sắc mặt – Em nên nhớ giờ em là quản lý, là người thay chị nắm 1/3 cổ phần của quán bar đó và tất cả cổ phần ở các quán bar còn lại. Em đừng để người khác nhìn em như một thằng ong ve bình thường. Những gì cần dạy, từ tác phong, cư xử, chị đã dạy em hết rồi. Đừng bôi tro trát trấu vào mặt em cũng như mặt chị đấy.
– Giời ơi – Nó cười lảng – Em đùa mà. Em rõ rồi bà chị khó tính của em ạ.
– Ngoan, biết điều rồi đấy. Xuống lấy xe đi. Nhanh.
– Rõ thưa bà cô tổ ạ.
– Á à…thằng chó…đứng lạiiiiiiiiiiiiiiiiii… – Chị nó rút cái giày cao gót toan ném theo nó đang chạy thục mạng trên cầu thang. – Đi cẩn thận kẻo lại tuột hết cả sơ vin bây giờ – Chị cố gọi vọng theo và cười cái thằng em to đầu của mình.
Tại một nhà hàng nhỏ ven hồ Linh Đàm. Chị khoác tay nó xúng xính trong bộ váy dạ tiệc dài thướt tha và kiêu sa. Còn nó thì đóng một bộ quần âu, áo sơ mi kèm giày da cực sang chảnh. Một tay khoác tay chị đút túi quần, một tay cầm ly rượu vàng sóng sánh cùng chị đi hết các bàn. Điểm đi điểm lại toàn người trong “nhà” và “anh em” cả. Chị nó tươi cười hết hỏi người này lại chào người kia.
– Ôi trời ơi cái Linh, giờ ra dáng cô chủ rồi. Cái con bé con đen nhẻm hay khóc nhè ngày xưa giờ làm bà chủ rồi đấy. Nào cụng bác một ly, cung hỷ phát tài nào.
– Linh ơi là Linh, sao giờ em giàu thế anh làm sao dám tán em nữa đây. Thôi cho anh nâng cốc vì mối tình đơn phương này đi em.
– Này, nhất chị gái đấy nhé, thằng em chỉ mong đến tuổi chị bằng nửa chị để lấy vợ thôi. Mà anh đâu sao không thấy. – Một thằng nháy mắt trêu chị.
Nó và chị cứ thế diễu một vòng quanh các bàn nâng hết ly này đến cốc nọ. Chị nó mặt đã đỏ hồng hồng nhưng rất tươi tắn và lịch sự. Khác hẳn cái vẻ lấc cấc tre con hàng ngày với nó ở nhà. Có vài người nhận ra và hỏi thăm nó. Có người tưởng nó là phi công khiến chị phải phì cười thanh minh. Cũng có một đám ong ve lần trước xin nó tí tiết thì rối rít níu nó lại làm đôi cốc xin lỗi… Nói chung buổi khai trương có vẻ vui vẻ và yên ổn, đúng nghĩa. Dân làm ăn như nhà nó chỉ mong hai chữ bình yên, sợ nhất ngày rước thần tài có đứa đến quậy phá.
Chị nó buông tay nó, khẽ khàng bước lên bục cầm micro trịnh trọng nói:
– Ngày hôm nay, cháu rất cảm ơn cô dì, chú bác, anh chị em đã đến chung vui với con trong ngày hôm nay. Nhà hàng mới mở, con cũng chưa quen việc mong cả đại gia đình mình chiếu cố. Có gì các anh em giúp đỡ. Kiên… – Chị vẫy tay gọi nó. – Đây là em trai của con, từ hôm nay nó sẽ thay mặt con quản lý mọi việc trên bar. Hy vọng mọi người thấy nó như thấy con vậy. Nhất là mấy thằng kia – Chị chỉ tay về mấy đứa hồi xưa táng nó. – Chúng mày phải coi nó như anh, cấm bắt nạt nó. Cả nhà mình nâng ly chúc cho việc làm ăn của đại gia đình thuận lợi và phát đạt được không ạ.
– Dô…
Tiếng nói cười, tiếng hò reo ầm ĩ vang lên. Mọi người luyên thuyên trò chuyện, cười đùa ầm ĩ cả nhà hàng.
– Anh ơi. – Một thằng bảo vệ kéo kéo tay nó – Có người gặp.
– Ai thế? – Nó buông ly rượu xuống bàn tò mò hỏi.
– Dạ, học sinh anh ạ. Em chả biết ai, nhưng nó gọi đúng tên cúng cơm của anh với chị Linh. – Thằng bảo vệ gãi đầu gãi tai.
– Ừm… đợi anh…
Nó chột dạ. Con ranh này, lại dám trốn học vác xác đến tận đây cơ à.Không biết ai nói mà nó biết. Vừa vội vàng đi ra cửa nó vừa nghĩ.
– Cơn gió độc nào thổi mày đến đây thế? – Vừa nhìn thấy con bé, nó liền chào vội.
– Gì, em được chị Linh mời đàng hoàng nhé. – Con bé nhăn nhó đánh mắt sang một thằng áo đen kính râm ôm giỏ hoa to tướng bên cạnh, ý chừng nhắc nó nói năng giữ miệng.
– À…ừm…hai người vào đi, để…anh ( chữ anh bay ra ngượng thối cả mồm)…gọi người sắp bàn.
– Anh về trước đi…khoảng 1h quay lại đón em đi đến nhà gia sư. Đây là nhà đứa bạn cùng lớp em, anh đừng lo. – Con bé khệ nệ đón lẵng hoa có dòng chữ “ Cung Hỷ Phát Tài” to tướng rồi đủn vào tay nó – Anh làm gì mà không đỡ giúp em, chả ga lăng gì cả.
Nó nhìn thằng vệ sĩ thăm dò, chỉ thấy hắn cúi đầu khẽ gật một cái rất chuyên nghiệp rồi đảo bước đi ra xe. Con bé cười tươi, lon ton bấu áo nó nói thầm.
– Trông anh hôm nay như xã hội đen HongKong ý.
– Móa – Nó méo mặt – trông tao men lỳ thế này mà mày chê à?
– Ô hay, khen mà, khen mà. Tưởng anh thích thế – Con bé cười ngặt.
– Mày lại trốn học đi chơi đấy hả, sắp thi rồi chỉ xớn xác đi chơi là nhanh.
– Anh nhìn xem giờ mấy giờ rồi? Không để thầy cô ăn cơm à?
– Dương… – Chị nó thấy con bé mắt sáng bừng lên vẫy vẫy tay gọi từ xa – Kiên dẫn Dương lên tầng hai đi. Có người dẫn vào bàn. Chị bận chút.
Nó đặt lẵng hoa ở trên bàn, chỗ trang trọng và dễ thấy nhất rồi dắt tay con bé lên lầu, thực ra không phải nó lợi dụng gì đâu, chẳng qua cái cầu thang hơi dốc và khó đi một chút. Ừ, lí do chính đáng đấy chứ? Một con bé nhân viên mặc áo dài ra dẫn hai đứa nó vào bàn. Tầng hai là tầng của họ hàng người thân, con bé khép nép ngồi vào một góc bàn nhỏ cạnh lon pepsi. Bác nó thấy thế bật lon rót cho nó và cười.
– Úi cha, cô bé này con nhà ai thế này, xinh quá?
– Em gái cháu đấy bác ơi, chả biết bố cháu rơi rớt ở đâu mà giờ mới tìm được. – Chị nó cũng đang lững thững đi lên cầu thang.
– Không phải đâu ạ. – Con bé đỏ bừng mặt lí nhí.
– Em của đứa bạn cháu, nó không uống được rượu, sợ ở dưới kia bị trêu nên tống nên đây ngồi mâm bà già trẻ con. – Nó đỡ lời.
– À ra thế… – Bà bác nó gật gù – mà mẹ mày đâu sao tao không thấy?
Nó đánh mắt sang nhìn chị dò hỏi ý kiến, bà ấy nhanh nhảu đỡ lời.
– Mẹ cháu dạo này tự dưng yếu, lại thích về nông thôn nên cho bà về chăm cái trang trại dưới Hải Dương rồi ạ. Lúc nào cháu đánh xe đưa bác qua đấy chơi. Gớm… bác trai thích câu cá ở đấy thì sướng phải biết, ao nhà cháu toàn thả rô phi với trắm thôi. Lại cả vườn ổi to tướng bác ạ.
– Cái dì này đến là lạ. Ngày trọng đại của con cũng chả vác mặt về đến một lần. Mẹ mày rõ là bướng nhé. Tao là tao chúa ghét ai bảo thủ. – Bác nó vừa nhai rau ráu miếng thịt bò vừa chê bai.
Nó hơi chạnh lòng pha chút hối hận, cũng vì không giai quyết được mâu thuẫn với nó nên mẹ nó phó mặc cho ai chị em nó ở nhà về “ẩn dật”, chứ nào có bệnh tật gì đâu. Nó vẫn biết hàng ngày bà vẫn dõi theo hai chị em nó. Chị nó tối tối vẫn đóng cửa phòng buôn chuyện với mẹ. Nhưng nó cũng ngang và bướng chả kém ai trong nhà… Haizzz, ai lại vạch áo cho người xem lưng bao giờ đâu…
– Nhóc con năm nay thi trường nào?
– Dạ, em thi đại học Ngoại Ngữ cho gần nhà chị ạ. Đi bộ đỡ phải xe pháo.
– Uầy, giỏi nhỉ, cố mà chăm học em ạ. Chơi ít thôi, dạo này tôi bắt quả tang cô cậu hay đi chơi lắm đấy. – Chị vừa nói vừa gắp miếng thịt gà bỏ vào bát con bé.
Nó nhăn mặt lắc đầu nhìn chị, thường thì ở tuổi nó không thích tiếp thức ăn nữa, vừa vô duyên vừa thiếu vệ sinh. Nếu không phải người thân trong nhà thì sẽ thấy rất khó chịu. Nhưng chả hiểu sao con bé gắp lên ăn ngon lành, như thể chấp nhận cái sự quan tâm thân mật quá mức ấy.
– Có đâu chị ơi… được có mỗi một lần đi xem phim ma. Hihi. Anh ấy ngủ gật, ngáy to đến độ tí nữa thì bị đuổi khỏi rạp.
– Bố láo. – Nó dứ dứ cái đũa dọa nạt con bé.
– Lại chả, may mà hôm ấy rạp vắng có mỗi mấy đứa, em sợ quá lay lay mấy lần mới tỉnh.
– Chẹp chẹp, trốn làm đi xem lúc nào thế hả em?
– Trốn gì, em đi ban ngày.
– 5h chiều chị ạ, lúc ấy em đi học về, còn anh ấy chưa đi làm.
Tất cả bô lô ba la nói chuyện như thể thân quen lắm. À… ừm… nó cảm giác ấm cúng như một gia đình, ruột như có lửa đốt, nhưng chắc chắn không phải do rượu… Thế là do gì nhỉ? Nó cũng chả biết nữa…
Hơn 1h sau, nó và con bé đi loanh quanh ở bên ngoài cho chị Linh ở lại bù khú với đám bạn. Khu Linh Đàm sạch, mát, thoáng đãng nhưng vắng vẻ, nhìn mấy căn biệt thự nửa cũ nửa mới nhưng cảm giác yên bình như không có bóng người ở. Dọc con đường đi ra bán đảo chỉ có nó và con bé mà thôi…
– Đông vui anh nhỉ, hôm nào cũng đông thế tiền để đâu cho hết.
– Mày mơ đi mày, tưởng giờ làm ăn dễ lắm à? Chưa kể còn đủ thủ tục này nọ, rồi tiền làm luật này kia, đau hết cả đầu.
– Thì cứ hy vọng thế…hỳ…anh ơi, sau này nhiều tiền mua nhà đây ở sướng, mát.
– Mua thì có liên quan gì đến mày không? – Nó lườm lườm.
– Ấy là em nói thế, chưa gì đã… – Con bé xị mặt.
– Thôi, cất cái bộ mặt bánh bao thiu ấy đi, lại sắp chảy nước ra đấy. Nhà mày nhiều tiền, sao không bảo bố mày mua cho?
– Bố em có nhà ở Hồ Tây rồi, nhưng cho thuê, chả được ở, chán. Với lại bố chê mấy khu này xa, đi lại khó. Hơn nữa bố mệnh hỏa, xung khắc tránh nguồn nước. Ôi viện đủ lý do.
– Ờ hờ…
– Anh này…
– Gì???
– Sau này anh bận thế, có được đi xem phim nữa không???
– Mày đang nghĩ gì thế? Có nhiều đứa rất là ảo tưởng, cứ được đi xem phim 1,2 lần, rồi đi ăn uống thế là nghĩ này nghĩ kia.
– Anh ám chỉ em à?
– Ờ đấy.
– Vâng, em thế thôi.
– Đùa chứ, lúc nào rảnh thì gọi, tránh gọi sau 8h tối.
– Thật nhá? – mắt con bé sáng rực lên. – Mà anh không phải ra nhà hàng à?
– Không, đấy là của chị Linh, tao không có phần ở đấy. Nhưng nếu ổn ổn, thì nhà tao sẽ rút hết vốn ở chỗ khác và mở rộng thêm ra. Còn tạm thời trông vào chị ấy và mấy người bạn, làm ăn thì không dám mạo hiểm quá.
– Chị Linh giỏi thật ý. Ngưỡng mộ quá, giá mà có chị gái như chị ấy.
– Nhưng nhiều lúc bà ấy suy nghĩ nhiều, nhìn bà ấy thế thôi chứ nội tâm lắm. Tao chưa thấy bà ấy quý ai như mày, chắc tại mày vô tư quá.
– Thế sau này em sẽ quan tâm đến chị ấy nhiều hơn, thích có chị gái lắm.hihi
– Ừm.
– Mà anh vừa hứa gì anh nhớ không
– Gì???
– Đưa em đi coi phim ý.
– À ừ. Đi thì đi, Nhưng mà đợi mày thi xong đã..
– Chán thế.
– Thôi cô ạ, cô thi đi, thi xong rồi muốn gì cũng được. Tôi chả muốn bố cô đốt nhà tôi đâu.
– Vầng, anh làm như bố em là xã hội đen ý.
– Vầng, xã hội đỏ còn kinh hơn đen.
– Thế anh hứa là nếu em đỗ sẽ thưởng nhé.
– Ừ, hứa, mày đỗ thì tao sẽ mua vé của tất cả các phim ra liên tục từ lúc báo kết quả đến khi mày nhập học thì thôi.
– Ok, ngoắc tay nào.
– Ngoắc.
Giữa trưa nhưng trời nắng không gắt, từng làn gió thổi từ hồ vào dìu dịu. Nó cảm thấy vui vui. Tự dưng cay cay mắt, ngày hôm nay, có hai bàn chân đặt trong chốn giang hồ, nhà nó coi như bước được ra một rồi… Một bàn chân đặt nơi lương thiện… nếu sau này, có ước mơ gì, nó không dám nói trước. Nhưng có thể, có thể lắm chứ… chỉ thế thôi… nếu như con tim nó rung động thêm một lần nữa…
Để lại một bình luận