Phần 42
Kết thúc tuần học đầu tiên, tôi tranh thủ một buổi tối ba mẹ không có nhà liền chạy sang Tiểu Mai, cùng nàng gọi điện thoại cho “tiền bối” hỏi xin vài quẻ dự đoán con đường học hành sau này.
Hai đứa ngồi trên ghế, chăm chú nhìn vào chiếc điện thoại đang bật loa ngoài ở trên bàn. Màn hình hiển thị tên người nghe là “Ông hai”.
– A lô, có gì nói nhanh, tao còn đi giặt đồ! – Ông Phúc nghe máy, nói giọng lạnh tanh.
– Hả, huynh mà giặt đồ á? – Tôi há hốc mồm.
– Móa, ở kí túc xá mày làm như ở nhà, không tự giặt thì ở dơ à. Tận hưởng năm cuối được xài máy giặt đi con, năm sau mày cũng phải chịu đày đọa thôi!
Tôi với Tiểu Mai không hẹn mà cùng nhau tủm tỉm cười.
– Sao, gọi tao có gì thì nói lẹ!
– À, đệ học xong tuần đầu, biết hết tên giáo viên rồi. Gọi hỏi huynh ý kiến á mà!
– Lẹ, môn gì, ai dạy?
– Toán cô Bình, Lí cô Tuyết kiêm luôn chủ nhiệm, Hóa thầy Thành!
– Cô Bình thì tao chưa học, nhưng dạy lớp chọn thì chắc chắn là ổn. Cô Tuyết thì xịn rồi, thầy Thành là trưởng bộ môn, xịn nốt!
– Anh Văn thầy Triều!
– Trưởng bộ môn luôn, A1 được ưu ái quá ha!
– Hê hê, môn văn thì cô Tuyết dạy, trùng tên với cô chủ nhiệm luôn!
Nghe đến đây thì ông anh tôi bất ngờ rú lên thích thú:
– Chết cụ mày rồi con à, “tổ sư bà bà” này tao cũng học năm 12, dạy hay nhưng siêu siêu hắc ám. Thôi, xong mày rồi!
Tôi nghe ông anh mình đặc tả mà ảo não tán thành:
– Chuẩn luôn, mới ngày đầu đệ bị phạt đứng hết tiết!
– Không soạn bài phải không? Tao quên dặn mày, hé hé! Còn ai nữa, tiếp mau!
– Cô Lan dạy Sinh, thầy Phương dạy Địa, cô Hồng dạy Sử, thầy Hào dạy Thể Dục, hai môn Kĩ Thuật Công Nghiệp & Nông Nghiệp thì cô Tuyết với cô Hồng kiêm luôn!
– Chà… để coi. Thầy Phương thì trưởng bộ môn Địa, lớp mày ngon đấy. Cô Lan nghe nói dạy hay, những người còn lại thì tao chưa được học, không biết!
Đưa mắt nhìn Tiểu Mai, có vẻ hai đứa đang cùng một suy nghĩ là thầy cô năm nay toàn những giáo viên xuất sắc của trường.
– Vậy hết rồi đó huynh à!
– Ok, nghe tao dặn đây. Mấy môn Toán, Lí, Hóa, nói chung là môn tự nhiên thì mày liệu mà học hành đàng hoàng. Thầy cô hầu như biết tao, tới lượt mày thì đừng có mà bôi tro trát trấu vô mặt đàn anh!
Tôi thè lưỡi nói:
– À… thì biết mà. Nhưng mấy môn còn lại thì sao huynh?
– Còn lại mày học sao cũng được, càng ngu càng tốt!
– HẢ? Huynh không sợ bị đệ bôi tro trát trấu à?
Ổng gầm lên qua điện thoại, giọng sang sảng:
– Ngu quá, mấy môn đó tao học lè tè, mày mà học giỏi hơn tao thì cũng coi như BÔI TRO TRÁT TRẤU lên mặt tao rồi!
– Huynh nói vậy thì thiệt khó cho đệ quá…
– Câm, mày coi làm sao thì làm. Tết tao về nhìn sổ liên lạc rồi tính toán với mày sau. Bai!
Nói rồi ông Phúc cúp máy cái rụp, không cho tôi kịp phản ứng thêm câu nào.
– Ổng nói vậy là… là anh phải học ngu mấy môn kia thiệt sao ta?
Tiểu Mai phì cười, nàng trả lời bằng giọng điệu êm ả nhưng nội dung thì cũng lạnh tanh không kém:
– Anh tính sao thì tính nha, với em thì anh học dở môn nào em cũng treo cổ hết!
Tôi đần mặt ra, ngồi trơ như đá tảng. Ở nhà thì bị anh hai ăn hiếp, ra đường tới lượt bạn gái bạo hành, “Tia chớp vàng” hóa ra chỉ là hữu danh vô thực, có tiếng nhưng không có miếng thôi ư?
OOo.
Một chiều nọ của tuần học thứ hai, sau khi lòng vòng dạo biển Đồi Dương một lúc thì tôi đưa Tiểu Mai về trước, sau đó mới về nhà mình. Khi đó là tầm sáu giờ rưỡi chiều, đường phố đã lên đèn.
Lúc gần tới nhà thì tôi thấy trước thềm có một chiếc xe máy dựng sẵn.
– “Bữa nay nhà có khách sao ta? ”
Thầm đoán là khách của ba nên tôi định bụng lúc dắt xe vô nhà sẽ cúi chào rồi té luôn thật nhanh xuống bếp, dù sao cũng đói bụng lắm rồi. Ở lại lấn cấn chào hỏi có khi bị cái bao tử hành hạ đến chết mất.
Nhưng khi bước vào thì trong nhà lúc này có đến hai người đang làm khách, ngồi nói chuyện với mẹ tôi chứ chẳng phải là ba.
– À, nó về rồi kìa! – Mẹ tôi nhìn thằng con trai hí hoáy dắt xe vào, nói với người phụ nữ đang ngồi ở phía đối diện.
– Ủa, đây là…
Tôi giật mình ngơ ngác khi nhận ra hai người khách này vốn chẳng phải ai xa lạ, một người là Dạ Minh Châu, còn người phụ nữ kia chính là mẹ của cô nàng, tôi thi thoảng có chạy ngang qua và thấy cô đang trông cửa hàng hoa gia đình.
– Hi, chào Nam! – Minh Châu vừa thấy tôi đã đứng dậy.
– À, ờ… chào! – Tôi hơi bối rối vì chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra ở đây mà hai người họ lại tìm tới nhà mình.
Ngay lúc tôi còn đang dựng xe tính cúi chào mẹ của Minh Châu thì cô đã mở lời trước:
– Cô chào con!
– Dạ… con chào cô!
Cả nhà bỗng chốc tự dưng trở nên khách sáo, xã giao qua lại đến mấy câu thì tôi mới dần dà nhận ra lí do tại sao hôm nay hai mẹ con họ lại đến nhà tôi.
Đầu đuôi cơ sự phải kể từ sau cái hôm tôi đi mua chả cuốn nem nướng giữa đường về thì bị mắc mưa, chạy đôn chạy đáo mới tìm được mái hiên thì tình cờ gặp Minh Châu cũng đang ở đó. Thế là cô học trò thủ thỉ tâm sự rằng ba mẹ mình sắp thuê gia sư về nhà kèm riêng môn Toán. Tôi dù gì cũng làm thầy của Minh Châu, cũng một kèm một có kém gì ai, nên tức khí xui khiến cô nàng cứ đồng ý học. Đợi lúc người gia sư ra đề Toán kiểm tra trình độ thì cứ mặc sức mà tung tăng, làm sao thì làm, đừng để thẹn với kẻ làm thầy là tôi đây.
Hóa ra danh sư xuất cao đồ, liền hai ba buổi học sau đó Minh Châu đã chứng minh được rằng trình độ môn Toán của mình đã ở một tiến cảnh vượt bậc. Tuy không đến mức xuất sắc nhưng cũng đủ gọi là ổn định. Với việc giải đề đúng răm rắp, người gia sư buộc phải đặt nghi vấn có phải cái nhà này thuê mình về chỉ để khoe họ có đứa con gái siêng năng học giỏi không, hay là tính luyện thi vô đại học Harvard với MIT mới chịu.
Đến buổi thứ tư thì người gia sư ấy đem chuyện nói hết với khách hàng rồi cáo từ một mạch. Thế là trong sự hân hoan lẫn kinh ngạc của ba mẹ, Dạ Minh Châu mới hào hứng khoe rằng “con được như vậy là nhờ bạn Nam kèm suốt mùa hè đó”.
Nên hôm nay, hai người họ đến đây là để chân thành cảm ơn tôi.
Thi ân bất cầu báo, tôi dĩ nhiên là một mực khiêm tốn, luôn miệng nói rằng do Minh Châu tư chất sẵn rồi chứ tôi có làm cái quái gì đâu. Nhưng thực bụng thì tôi sướng điên người, cảm giác làm việc tốt ắt được ngợi ca này cũng tương đương với làm người hùng sân cỏ. Đúng là hụt cái này thì được cái kia, tái ông mất ngựa chưa hẳn đã xui.
Lại nói chuyện thêm hồi nữa thì mẹ Minh Châu mới vỡ lẽ ra tôi chính là oan gia khiến cho con gái mình không theo học trường chuyên Trần Hưng Đạo mà nằng nặc đòi vào Phan Bội Châu. Cũng vì việc đó mà đôi khi ba mẹ cô nàng xích mích với nhau. Giờ đây nỗi lo về cô con gái duy nhất đã không còn, ắt hẳn tương lai ngày nào một nhà ba người họ cũng sẽ cơm lành canh ngọt. Thế cho nên việc tốt lần này xem như là tôi đoái công chuộc tội, đường hoàng trả lại Minh Châu món nợ ân tình từ ba năm trước. Với kết cục vẹn toàn thế này, tôi cảm giác như số mệnh đã an bài rồi vậy.
Và điều làm tôi bất ngờ nhất chính là bản thân mình với Minh Châu cũng gọi là có dây mơ rễ má với nhau. Bởi mẹ tôi có một người em gái đã lập gia đình hiện đang sinh sống trong Sài Gòn. Thì dì tôi lấy chồng, chồng của dì có một người em trai nuôi. Và người em trai này chính là ba của Minh Châu, hôm nay vì bận nên hết sức tiếc không đi được cùng hai mẹ con.
Rồi từ đó mới lòi chành ra Dạ Minh Châu thực tế sinh năm 1991, tức nhỏ hơn tôi một tuổi. Năm đó mẹ Minh Châu sinh cô nàng tại quê ngoại là Di Linh vào dịp trước Tết Nguyên Đán, ba thì đang ở lâm trường, may phước bà ngoại từng làm hộ sinh nên có kinh nghiệm đỡ đẻ chứ khi ấy điều kiện di chuyển tại vùng núi khó khăn, đợi chuyển ra viện có khi không kịp mẹ tròn con vuông. Sau đó ông bà ngoại bế cháu đi làm thủ tục khai sinh, mừng vui như nào lại khai thành ngày tháng âm lịch. Kết quả Minh Châu được học sớm một năm, không biết đây là may mắn hay xui xẻo nữa.
Bàn chuyện tới lui một hồi thì cũng vừa lúc ba tôi về nhà, thế là mẹ Minh Châu mở lời mời cả nhà tôi hôm nào đến dùng một bữa cơm gọi là cảm ơn. Suy đi tính lại thì cũng xem như là người quen họ hàng dù không cùng quan hệ huyết thống, Phan Thiết tuy nhỏ nhưng có dịp thì cứ kết giao, bà con xa không hơn láng giềng gần. Rồi cao hứng thế nào mà mẹ Minh Châu còn đùa một câu rằng:
– Em thấy hai nhà mình kết thành thông gia luôn càng tốt anh chị ạ!
Khiến tôi nghe mà tá hỏa tam tinh, còn Minh Châu cạnh bên mặt đỏ hồng như gấc chín.
Phần ba mẹ tôi thì chắc là đang nửa tự hào về việc tốt hiếm hoi do ông nhõi con nhà mình làm được, nửa sẽ ngạc nhiên chẳng hiểu tại sao thằng út này lại có duyên với con gái nhà lành đến vậy. Mà sau này ba mẹ tôi vu vơ nói Dạ Minh Châu đem so với Tiểu Mai cũng có khi một chín một mười.
Đến lúc cáo từ ra về, khi nhà tôi tiễn hai người họ ra cổng thì tôi mới lúng búng mở lời cho đỡ ngượng:
– Chà, hóa ra là nhỏ hơn đây một tuổi!
– Hì, tại vì cũng chưa có dịp nào tiện để nói Nam biết thôi! – Cô nàng đáp.
– Vậy mà hồi mới gặp lại chửi thằng này xối xả! – Tôi cười cười thòng một câu chọc quê.
Cứ đinh ninh cô nàng sẽ cự lại là do tôi trước mới phải thì không dè lại chỉ hơi cúi đầu thủ thỉ:
– Không có như vậy nữa đâu…
Và khi mẹ Minh Châu dắt xe ra mới quay lại giục con gái:
– Chào anh Nam đi, à… chào bạn về đi con!
Thì Minh Châu có hơi giật mình, giây lát sau mới khẽ khàng thưa với tôi, nhỏ nhẹ mà rõ ràng từng chữ một:
– Chào anh, em về!
Tôi há hốc mồm, đờ đẫn cả người luôn trước cổng.
Để lại một bình luận