Phần 81
Qua hôm ấy hai hôm là kết thúc tuần cuối cùng của kì học đầu tiên đó. Chúng tôi được nghỉ khoảng chục hôm trước khi bắt đầu vào chuỗi những ngày thi kết thúc môn học.
Tranh thủ chục hôm đó, tôi bắt xe xuống Hà Nam mà tề tựu cùng với đám bạn. Khỏi phải nói chúng nó đón tiếp như nào, đến năm hôm mà ba hôm say chổng vó. May hôm cuối đòi đi ăn bánh cuốn chả nên tôi mới thoát được.
Quay lại Hà Nội thi xong là tôi về quê nghỉ Tết. Lần đầu tiên được trải nghiệm cái kì nghỉ Tết dài như thế.
Trong Tết thì cũng họp lớp mười hai đi thăm thầy cô một buổi. Nhớ lại thì hôm chia tay, đứa nào đứa ấy bất kể trai gái ôm nhau khóc ông ổng ông ổng ra. Đến thằng Huy còn nước mắt nước mũi tùm lum ôm ghì lấy tôi, nấc lên nấc xuống từng câu “Cậu ơi thi tốt nhé!”. Nghe mà sởn sởn. (mặc dù sau hôm bế giảng vẫn còn một tháng ôn nữa ở trường, vẫn gặp nhau đều đều).
Khóc lóc là thế, tình cảm là thế. Ấy vậy mà mới có vài tháng trôi qua, mà cái hôm rảnh để đi chơi nhất của năm là mấy ngày Tết, đếm đi đếm lại vẫn chưa được phân nửa sĩ số, nghĩ mà buồn thối lòng, đắng cả mề.
Mười lăm âm, tôi lại rời nhà bắt xe xuống trường chuẩn bị cho học kì mới. Chương trình học vẫn còn một hai môn không chuyên ngành. Bởi vậy mà ngoài học cùng lớp mình, tôi với một nhóm lại bị tách ra học cùng lớp khác, lớp của Phương Linh. Vậy mà cứ tưởng kì trước xong là thoát rồi nữa.
Hai đứa tôi vẫn vậy, trên lớp vẫn làm bộ chẳng coi nhau ra gì. Nhưng nếu để ý thì có thể thấy rằng đã có một chút gì đó đổi khác, có thể coi là đỡ ghét nhau hơn. Mặc dù sau lần trước tôi và cô ta chẳng bao giờ nhắn với nhau một tin nào nữa.
Cuộc sống của tôi những ngày đó lui vào nằm trong một quỹ đạo bình thường. Ngày đi học, tối về phòng, đôi lúc là chơi cùng thằng Nam, ngoài ra lũ nào rảnh rang vẫn tranh thủ cưỡi xe buýt mà lượn quanh Hà Nội.
Ngày lại ngày cứ như thế, cho đến khi những cơn mưa dông cuối tháng tư ập đến, mang theo không khí u ám như cái dáng vẻ nó đang khoác trên mình vậy.
Bệnh của anh Dương biến chuyển nặng hơn. Tôi đến thăm khi anh ấy đã phải nằm lì trên giường cùng với bao thiết bị và dây dợ quanh mình. Hình ảnh một chàng trai tuấn tú vẫn còn đó. Nhưng ánh lên trong đôi mắt đượm buồn ấy là một nỗi niềm trĩu nặng. Tuy anh vẫn nói cười bình thường, nhưng tôi nhìn vậy mà cảm giác như trong lòng như thắt lại từng hồi.
Tôi ngồi lại chơi rất lâu, nói đủ thứ chuyện, toàn chuyện vui. Tuy vậy thật là khó để mọi người tươi tỉnh hơn. Nhất là Phương Linh, cô ta thậm chí còn chẳng thèm phản ứng gì, chỉ mang ánh mắt thất thần lơ đãng nhìn quanh mà mặt cứ đờ đẫn ra.
Mấy hôm sau, tôi còn chưa tỉnh ngủ thì đã bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại của mình. Nheo mắt nhìn thì đó là một số lạ:
– Alo… Ai vậy ạ… – cái tiếng “ạ” bị tôi kéo ra như một tiếng ngáy dài.
– Nghĩa à?
– Ơ… anh Dương ạ?
– Ừ, anh đây. Chú mày rảnh không? Qua anh phát.
– Vâng… em rảnh. Qua luôn à anh? – tôi ngồi phắt dậy.
– Nếu qua được nhanh là cái tốt nhất.
– Vâng, em biết rồi ạ.
Nghe xong là tôi tức tốc dậy vệ sinh cá nhân rồi chạy xuống bến xe buýt dưới đường. Không có xe nào đi qua nhà anh Dương nên tôi phải bắt một xe về gần đó rồi nhảy xuống đi bộ một đoạn mới tới nơi.
“Cốc… cốc…”
– Vào đi, cửa không khóa.
Tôi xoay nắm cửa rồi đi vào trong. Anh Dương đang nằm nói chuyện ở giường, cạnh bên là Phương Linh đang cặm cụi gọt hoa quả.
– Nghĩa đấy à? Chú qua nhanh vậy?
– Vâng. – tôi ngồi xuống ghế – Thấy anh gọi thì em đoán có việc gì quan trọng lắm nên đến luôn.
– Thế là chưa ăn sáng nhỉ? – anh cười – Sún! Đi nấu ít đồ ăn đi.
Đang bổ lê, thấy mình bị gọi, cô ta quay sang nhìn tôi cau có:
– Hà cớ gì người ta chưa ăn sáng lại kêu em đi nấu.
– Thôi đi đi. Tiện thể nấu cho anh ít cháo?
Phương Linh tròn xoe mắt:
– Thật á? Anh đòi ăn cháo?
– Đi đi, đang thèm đây này. Không cả tí qua cơn lại chẳng ăn được.
– Vâng! Em đi làm ngay đây.
Cô ta bỏ luôn chỗ đồ đang gọt dở ra bàn cạnh đó rồi rảo bước ra ngoài.
– Nhớ nấu cho cả Nghĩa nhá. – anh Dương gọi với theo.
– Vầng…
Tiếng của đóng nhẹ lại, rồi tiếng bước chân đi xuống dưới tầng. Tôi tiến về xái bàn, cầm đĩa hoa quả lên gọt tiếp.
– Con bé này thật là…
– Có chuyện gì quan trọng mà anh phải đuổi khéo cô ta đi vậy ạ? – tôi hỏi mà vẫn hí hoáy tay dao.
– Chú mày nhận ra à?
– Em lờ mờ đoán thôi.
– Ầy chà… Đúng là thế thật. Chú tinh ý đấy.
Anh vừa nói vừa chống tay xuống tấm đệm, đẩy người mình ngồi dậy. Dáng vẻ khá khó khăn làm tôi nhìn thấy vội lao ra đỡ lấy:
– Anh cứ nằm cũng được mà. Không cần ngồi dậy đâu.
– Cần chứ… – anh thều thào, tiếng nói xen tiếng thở – Không ngồi thì không có hơi mà nói được. Liệu chú có thể nào đáp ứng nguyện vọng của một người sắp chết không?
– Anh đừng nói vậy. Anh không sao đâu, nghỉ ngơi mấy hôm là khỏi thôi mà.
– Này này. Anh lớn hơn chú mày cả mấy tuổi đấy nhé, không lừa được đâu.
– Em đâu có…
– Thôi khỏi. – anh phất tay – Bệnh tình của anh, anh biết rõ hơn ai hết. Nếu chú không muốn anh mệt hơn thì đừng bắt anh cãi nhau nữa mà để anh nói đi.
– … Vâng.
– Ừ. Từ lần đầu tiên mình nói chuyện, chắc hẳn phần nào suy nghĩ trong chú về cái Sún đã khác rồi đúng không?
Tôi suy nghĩ một lúc rồi khẽ gật đầu.
– Con người nó không xấu, không khó chịu như vẻ bề ngoài, thậm chí còn có phần mềm yếu và dễ bị tổn thương nữa. Từ bé đến giờ con trai ngoài anh ra, chú là người đầu tiên làm nó để tâm đến đấy.
– Nhưng có một điều, em thực sự không hiểu.
– Chú cứ nói.
– Cho là cô ta có để tâm đến em. Nhưng em không nghĩ anh sẽ cho em gái yêu của mình làm bạn với một thằng con trai mà anh chưa từng viết gì về nó cả.
– Sinh ra trong một gia đình mẹ làm giáo viên, bố công tác trong ngành địa chất, nhà có một em gái kém hai tuổi. Lực học trung bình khá, hạnh kiểm mười hai năm tốt, duy chỉ kì hai năm lớp tám bị hạnh kiểm khá vì nghịch pháo. Tính tình khép kín, ít nói. Chưa dính một tiền án tiền sự nào. Vậy đủ chưa?
Trong khi anh Dương ngồi đọc vanh vách thì tôi nghe mà đần người ra thấy rõ.
– Anh… sa… sao anh lại biết mấy cái ấy?
– Anh xin lỗi. Nhưng anh buộc lòng phải làm vậy. Những thông tin này anh có được còn từ trước khi chú đến nhà anh cơ. Anh là người thân nhất của cái Sún. Bởi vậy mà, khi nhận ra nó đang bị mắc phải một chuyện nào đó làm nó suy nghĩ làm anh nhận ra ngay. Biết như vậy thì người làm anh này đâu thể thản nhiên ngồi yên được.
– Em hiểu.
– Nhưng cũng may, bởi thế mà anh biết rằng thanh niên đang ngồi trước anh bây giờ hoàn toàn có thể tin tưởng được.
– Vâng. Mà tin tưởng gì ạ?
– Cái không khí này, làm anh nhớ lại mười chín năm về trước. Khi đó anh đang chơi ngoài phòng khách, mẹ anh gọi anh vào bên giường bệnh, rồi bà gửi gắm cho anh một nhiệm vụ, bắt anh phải hứa sẽ bảo vệ, che trở cho Sún bằng tình thương của cả hai trái tim. Biết là thật vô lý và cũng khó chấp nhận. Nhưng giờ anh muốn đẩy trách nhiệm đó của anh sang cho chú, được không?
– Dạ…? – tôi tròn mắt.
– Sao vậy? Không à?
– Không phải ạ. Em không hiểu đây là sự gán ghép, giao phó hay thế nào ạ? Bởi em trong lòng có người khác rồi… với cả… cả Phương Linh cũng không phải mẫu người em thích… nên… nên là… là… – tôi ấp úng, chẳng biết làm sao để nói lên được cái suy nghĩ của mình khi ấy cả.
– Không hẳn là chú phải yêu nó đâu, tình cảm mà bắt ép thì đâu có được. Giờ thì thời gian của anh cũng sắp hết rồi, cho đến giờ thì anh chưa có thể đặt niềm tin vào ai ngoài chú cả. Bởi vậy trước khi chú nhìn thấy một người có thể mang đến được hạnh phúc cho nó. Hãy sống như một người bạn kiêm luôn anh trai của nó nhé…
– Em… – tôi gãi đầu ái ngại.
Trước giờ tôi nào đâu đã được một ai đó gửi gắm cho một trách nhiệm lớn như vậy. Nhận thì sợ bản thân không gánh vác nổi, không nhận thì càng áy náy hơn, nhất là với tình trạng của anh Dương lúc bấy giờ.
– Nhận lấy đi, đừng để anh ra đi mà không yên tâm. – như thể đọc được trong tôi cái suy nghĩ đó, anh nắm chặt tay, nhìn tôi bằng đôi mắt như van nài.
– Vâng… Em sẽ cố gắng làm tốt.
– Cảm ơn chú.
Cuộc nói chuyện giữa hai người đàn ông vừa dứt được một lúc, cũng là lúc ô cửa gỗ to hé mở rồi Phương Linh đi vào với một khay lớn đang tỏa nghu ngút khói trên tay. Anh Dương ngay lập tức lại nói cười bình thường, trong khi tôi như trầm lại vì những suy nghĩ làm cô ta thi thoảng nhìn tôi nhăn mặt vì tưởng tôi không thấy ngon.
Ngày anh Dương mất. Trời không mưa, không nắng. Mây đen từ đâu kéo về hàng lượt làm không khí ủ rũ, đau buồn như thể được bao trùm cả Hà Nội.
Tôi gặp Thảo khi cô nàng cũng đang đến nhà anh, cả hai không nói câu nào.
Trên bức ảnh lạnh lẽo, vẫn là chàng thanh niên bảnh bao đang nở nụ cười, cái tuổi vẫn đang yêu đời và khao khát sống. Bên dưới đó, người anh trai tốt bụng vẫn nằm im như đang ngủ một giấc ngủ ngon, xung quanh là tiếng nhạc dịu trầm cũng tiếng mõ khô khan cứ lặp đi lặp lại.
Phương Linh ngồi đó, dựa người vào một bên chân kệ để quan tài, đôi mắt vô hồn trên khuôn mặt thất thần cứ nhìn ra khoảng không trước mặt. Cô ta không khóc, có lẽ nước mắt cũng chẳng đủ để gột tả nỗi đau trong lòng của người con gái ấy bây giờ nữa.
Không đau…
… vì quá đau.
Nhìn cô ta như vậy, tôi chẳng khỏi xót xa thay trong lòng. Một sự mất mát vô cùng lớn mà chẳng thể nào bù đắp được.
Theo nguyện vọng của anh, anh sẽ được mang về gần bên mẹ ở một khu mộ ngoại thành, nơi có một phong cảnh thanh bình, cách xa khói bụi thành phố.
Trên cả chặng đường đi đôi ba chục cây số. Tôi, Thảo và Phương Linh ngồi trên một xe oto mà đi theo đoàn. Tôi và Thảo không nói gì. Còn Phương Linh thì vẫn vậy, ngồi ôm di ảnh mà như người mất hồn.
Tôi ngồi trên ghế cạnh tài xế, chống tay thả mắt ra khoảng trời bên ngoài cửa kính.
Có một người anh trai… Hai mươi mấy xuân xanh, sống chỉ để vun vén cho em gái mình hạnh phúc…
Có một người anh trai… Bỏ qua cả tình cảm cá nhân vì mong muốn dành cả trái tim cho em gái mình…
Có một người anh trai… Ngay lúc biết mình sắp cận kề cái chết. Điều mong mỏi đầu tiên và duy nhất là tìm được một người thanh thế lo cho em gái mình…
Phải, đã từng một người anh trai như thế…
Một người anh trai vĩ đại…
Để lại một bình luận