Phần 71
Ấy vậy mà cũng qua nhanh thật. Mới đó mà bao ngày tháng đã trôi qua, tôi cũng thi đậu đại học rồi.
Ngồi nhìn nhành cây vàng đung đưa rồi đáp nhẹ thân minh xuống đất. Tự nhiên lại thấy nhớ về cái cảm giác cách đây khoảng một tháng, tôi cũng thường ở dưới gốc cây, ngắm lá rơi và tìm cho mình giữa cuộc sống vội vã này một khoẳng lặng.
Hai giờ chiều, dù cho đã qua cái tầm cao điểm đầu buổi, nhưng nhìn con phố nhỏ này vẫn khá đông đúc, và chẳng có dấu hiệu gì sẽ bớt đi xe cộ hay những bóng nhười qua lại cả.
– Bà ơi cho cháu gửi tiền nước.
– Của bay ba nghìn.
– Đây ạ.
– Ừ, bà xin. Sinh viên mới à.
– Vâng ạ.
– Chắc lại đang đi tìm phòng đúng không?
– Sao bà biết ạ?
– Dào ôi, năm nào chả thế, tầm này toàn bọn sinh viên mới chúng bay đi tìm phòng, nhìn cái ba lô to đùng kia thì cấm có sai được.
– À, vậy bà biết chỗ nào cho thuê trọ không chỉ cháu với ạ.
– Quanh chỗ này thì ít lắm, bay cứ đi thẳng con đường lớn này, đến chỗ đèn xanh dèn đỏ có cái chốt mới thằng công an đứng đấy ấy thì rẽ trái. May chỗ ấy thì người ta có.
– Vâng, cháu cảm ơn ạ.
Tôi chào bà rồi đi theo y những gì bà chỉ, trên đường cứ chốc lại có mấy ông xe ôm đi qua mời chào, làm tôi cứ phải lắc đầu từ chối.
Đi đến một con ngõ, đang giơ chân bước vào thì tôi giật mình rụt ngay lại bởi tiếng rú ga ầm ầm. Chỉ sau nửa giây, một chiếc xe máy to đùng chở hai thằng loai choai trên đó tạt ngang qua sát mặt tôi rồi phóng vút vào trong ngõ. Tôi ngao ngán nhìn theo, thở dài.
Cũng giữa chiều rồi, thôi để ý làm gì nữa, không nhanh lên lại tối mất. Ấy vậy mà. Tìm khắp mấy con ngõ mà vẫn chẳng tìm được phòng. Hỏi dăm ba nhà thì đều kín hết cả. Ở gần trường hết phòng đã đành, giờ sao đi xa xa thế này mà cũng chẳng có nữa. Đã hai tiếng trôi qua nắng cũng bắt đầu ngả màu và dịu xuống. Kiểu này chắc lại phải quay lại căn phòng bừa bộn của ông Mạnh mất.
Nó là thằng em nhà cô tôi. Tuy gọi là cô, nhưng mà mẹ nó cũng kém bà nội tôi đâu có chục tuổi. Họ hàng xa tít mù tắp, tại ở chi khác nhau mà nó vai về thấp hơn tôi, mặc dù đang học năm ba. Thằng này và tôi được cái không hợp tính lắm, nên cũng không chơi với nhau. Vì mạn phía nhà tôi trong họ tầm này không có ai học đại học, với lại tất tần tật mấy thằng bạn tôi, chẳng có đứa nào học quanh đằng này cả, cho nên nghe lời mẹ bất đắc dĩ tôi phải đến ở nhờ phòng nó từ hôm qua đến giờ.
Đang ngồi chán nản trên ghế đá trong cái công viên nhỏ gần đó mà nghĩ ngợi, thì cái tiếng rú ga kia lại vang lên, chiếc xe đó xuất hiện từ một con hẻm và đang theo đà phóng vút ra ngoài theo con đường trước mặt tôi. Giật mình khi nhìn đến phía cuối đường, một người phụ nữ trung tuổi vác mấy túi đồ nhìn như vàng mã trên tay đang đi theo hướng ngược lại. Con đường khá hẹp mà cả hai bên đều có vẻ như đang trong trạng thái không để ý đường, hai thằng kia đang mải oang oang chém gió về chuyện gì đó, còn bác gái bị đống giấy màu che mất tầm nhìn.
– Nguy hiểm!
Tôi hét lên rồi lao ra ôm lấy người phụ nữ ấy kéo về phía vỉa hè, tránh được cái xe lao vù qua trong gang tấc.
“Huỵch!” Cả hai người ngã xuống nền gạch. Khuỷu tay phải tôi đập xuống, kế tiếp là người bác gái ấy đè lên, đau điếng.
Thằng oắt cầm lái tôi chỉ thấy nó ngoảnh lại nhìn một thoáng rồi lại vặn ga phóng đi thẳng. Tôi lườm theo, chửi thầm. Rồi quay lại bác gái ấy.
– Bác không sao chứ?
Tôi dựng bác ấy ngồi dậy. Trên gương mặt phúc hậu vẫn còn y nguyên vẻ bàng hoàng, sợ hãi.
– Bác ơi!
– Vâng… – tôi phải lay người, bác ấy mới giật mình rồi run run trả lời.
Cũng phải thôi, ngần này tuổi rồi. Trải qua cái pha như vừa nãy thì chắc hẳn ai cũng vậy.
Tôi dìu bác ấy đến cái ghế đá tôi ngồi hồi nãy. Dựng cái balo đổ kềnh càng cạnh đó lên, rồi chạy ra nhặt đồ vào mấy cái túi nilon. Đám hoa quả rơi ra, lăn lông lốc. Còn đống đồ vàng mã thì bị xe cán qua, văng ra bung bét tre với giấy giữa đường.
– Bác không sao chứ? – tôi xách trên tay túi đồ, đi về phía chỗ bác ấy, hỏi lại.
– Ừ, bác không sao đâu. Cảm ơn cháu nhé. May mà có cháu không thì… Chân cháu…
Nghe bác ấy bảo tôi mới thấy nhột nhột, ấm ấm dưới cẳng chân. Nhìn xuống thì máu đang chảy xuống từ lúc nào, loanh lổ ra một bên giày tôi đang đi. Chắc là do bị cứa vào gì đó lúc vừa nãy, rách luôn cả một vết nơi ống quần. Luốn cuống tìm chẳng thấy gì, đành phải lấy một chiếc tất cài bên rìa balo mà chụp lại để cầm máu.
Sao tự nhiên nãy không cảm thấy gì mà giờ buốt thế không biết. Kiểu này giờ về phòng thằng Mạnh cũng khó chứ đừng nói đến đi tìm phòng tiếp. Đang đâu tự nhiên… Haizz… Sao cái số tôi hay gặp đen đủi thế không biết.
– Cháu có sao không? – giờ lại là bác ấy hỏi ngược lại tôi.
– Không ạ.
– Không thế nào được. – bác ấy nhìn tôi lo lắng – Mặt bắt đầu tái rồi kìa.
– Dạ…
– Vào nhà bác đi, bác băng lại cho, cũng gần đây thôi, kia kìa. – bác ấy nói rồi chỉ tay về căn nhà ba tầng cách đó khoảng năm chục mét.
Bình thường thì chắc là tôi từ chối rồi. Nhưng mà bộ dạng hiện giờ của tôi, không băng bó lại thì khó mà đi xe buýt được, nhất là với bên chân quần đang được buộc thút nút bằng một cái tất trắng như thế này.
Khoảng một lúc sau, tôi đã ngồi trong một phòng khách cùng với dải băng trắng quấn quanh ống đồng. Cảm giác dễ chịu hơn rất nhiều.
– Cháu uống nước này.
– Vâng, cháu xin. – tôi đưa hai tay ra đón ly nước rồi làm một hơi hết hơn nửa.
Bác ấy ngồi xuống bên ghế đối diện, hỏi tôi:
– Cháu hình như không phải người khu này?
– Vâng, cháu ở dưới quê mới lên, là sinh viên năm nhất. À, bác biết quanh đây có ai cho thuê trọ không ạ?
– Quanh đây toàn nhà nhỏ nhỏ nên không có xóm trọ nào đâu cháu.
– Vậy ạ? – tôi hơi hụt hẫng.
– Thế giờ tối rồi, cháu định đi đâu.
– Cháu xuống đây từ sáng hôm qua, ở nhờ nhà một người họ hàng. Nhưng mà… tại không tiện đường nên phải đi kiếm phòng ạ.
– Cháu học trường nào.
– Trường X bác ạ.
– Ừ, trường ấy cũng không gần đây. Nhưng được cái thuận xe buýt, lên một tuyến là đến ngay. Hay bác bảo này, nhà bác còn một phòng trên gác không dùng đến đấy, cháu xem nếu được thì dọn đến ở luôn với vợ chồng bác.
– Thật ạ?
– Ừ, nhà có mỗi đứa con gái mà nó đi lấy chồng xa rồi, nên phòng nó vẫn để trống. Nếu không ngại ở cùng hai ông bà già lẩm cẩm này thì cháu lên xem phòng, ưng thì đến đây ở luôn.
– Vậy tốt quá rồi ạ.
– Cháu chắc chứ? Tại thấy sinh viên giờ thích ở theo xóm với nhau hơn nên bác không biết sống cùng hai ông bà già này thì cháu có chịu không.
– Cháu thì bạn bè chẳng có ai học cùng cả, với lại ở xóm trọ đông, có người này người kia cháu cũng không thích. Cháu chỉ muốn kiếm khu nào ít phòng thôi. Người lạ mà bác tin tưởng cho ở cùng thế này thì nghĩ cháu cũng chưa dám nghĩ chứ nào có ý kiến gì đâu ạ.
– Người lạ mà bất chấp lao ra cái xe đang phóng như điên đến chảy cả máu chân để cứu bác thì còn hơn cả con cháu trong nhà ấy chứ.
– Dạ…
Tôi cúi đầu, thật lòng mà nói thì lúc ấy chỉ nhất thời lao ra thôi chứ tôi nào có nghĩ đến chuyện được trả ơn hay gì. Tự nhiên cảm giác thấy như mình là thằng cơ hội ấy.
– Cháu có muốn lên xem phòng không?
– Dạ, có ạ.
Bác mỉm cười hiền hậu rồi đưa tôi đi theo lối cầu thang phía sau. Căn phòng này nằm ở ngay trên phòng khách hồi nãy. Nó cũng khá rộng rãi cho một người ở. Điện vừa bật sáng là đập vào mắt tôi là một trời ảnh của Bi Rain dán trên tường.
– Phòng này có cả điều hòa nữa à bác?
– Ừ, nhà có hai cái lắp phòng bác một cái, phòng này một cái. Mà có cái ban công thẳng ra ngoài đường nên cũng thông thoáng lắm. Cháu có ưng không.
– Sinh viên mà được ở phòng như thế này thì nhất hạng rồi ạ. – tôi vừa trả lời vừa nhớ lại cái căn phòng của thanh niên Mạnh – Cơ mà liệu cháu nấu nướng ngoài ban công có bị hàng xóm bảo gì không bác?
– Sao lại nấu nướng ngoài ban công? Để ấy bác nấu cho. Ăn cùng hai bác luôn.
– Dạ thôi ạ, bác đã đặc ân cho ở cùng rồi, giờ còn vậy nữa thì cháu không dám nhận đâu ạ. Dễ bị nói là lợi dụng lòng tốt của bác lắm.
– Ơ cái thằng này hay nhỉ? Gì lợi dụng với không lợi dụng ở đây? Nấu ăn cho hai người với ba người thì khác nhau là bao mà phải ngại.
– Nhưng mà cháu… – tôi chẳng biết nói sao nữa – Vậy hàng tuần bác cho cháu gửi tiền chợ với ạ.
– Được rồi. Gớm, thanh niên gì mà…
– À mà phòng này một tháng bao nhiêu thế bác?
– Cái này bác chịu. Tại đã cho thuê bao giờ đâu. Để bác trai về bác bàn lại xem sao.
– Vậy bác cháu đâu ạ?
– Ông ấy đang đánh cầu lông với mấy ông bạn ở cái sân gần đây. Bình thường bác cũng chơi ở đấy, tầm này mới về. Nhưng hôm nay… thôi chết rồi…
Tôi giật mình:
– Sao vậy ạ?
– Nay bác về trước để chuẩn bị cúng giỗ. Giờ mới nhớ là nãy vàng mã bị hỏng rồi.Phải đi mua lại, cháu ở nhà đợi bác chút nhé.
– Dạ thôi ạ, cũng muộn rồi, chắc để mai cháu qua. Giờ cháu xin phép về chỗ người quen. Với lại cháu mới đến đây mà bác giao cả căn nhà này lại thì e cũng không tiện lắm.
Bác nghe vậy, lại nhìn tôi cười:
– Ừ.
Tôi đi sau, theo bác xuống. Với tay tắt cái công tắc đèn, trước đó nhìn lại một lượt.
“Đây sẽ là căn phòng mà mấy năm đại học mình sẽ gắn bó sao?”
Để lại một bình luận