Phần 28
Và tôi không đủ dũng khí nhắm mắt lại nữa.
Tôi không biết cả đêm trôi qua như thế nào cho tới khi tiếng con em gọi thất thanh ngoài cửa.
Tôi nằm yên.
Con em sốt ruột, hết đập của, lại hét gọi tôi.
Và rồi, nó đẩy xầm cửa lao vào.
Nó hét lên, lao vào giường tôi, lay người tôi dữ dội.
Tôi quay đầu nhìn nó, thấy đôi mắt hoảng sợ nhưng quan tâm, đã ngân ngấn nước mắt.
Tôi cố trở mình dậy, nhét lá thư dưới gối và vào phòng tắm.
Trông gương là gương mặt xa lạ, 2 mắt vằn lên những tia máu, trũng sâu vô hồn, hai má hóp lại, râu ria đâm tua tủa, tóc tai xồm lên.
Lắc lắc đầu, để định thần lại.
Tôi vục một vốc nước áp lên mặt.
Tia nước lạnh làm tôi có đôi chút tỉnh táo lại.
Đánh răng tắm rửa.
Tôi về phòng, con em ngồi yên ở thành giường mắt đăm đăm nhìn vào cái gối, nơi tôi dấu bức thư, vẻ không yên.
Tôi tiến đến nhanh, lật gối, nhặt bức thư lên và đẩy nó ra khỏi phòng.
Tôi nhét thư vào cuốn nhật ký trong ba lô.
Bước ra khỏi phòng, vẫn thấy con em đứng ở cửa, nó giờ đã cao gần ngang tai tôi, trổ mã, xinh đẹp. Anh em tôi có gen của bố mẹ, nên đều cao to trắng trẻo, ưa nhìn. Mặt tôi trông phúng phính, hơi tròn, trán cao. Con em mặt trái xoan giống mẹ, trán cũng cao, môi hơi mỏng cương nghị.
– Hôm nay bố mẹ giao em giám sát xem có việc gì xảy ra mà ông anh của em thay đổi lạ vậy.
Như để giải thích cho hành động kè kè bên tôi, nó lên tiếng. Ở trong nhà, tôi vẫn luôn là niềm tự hào của bố mẹ, tôi học tốt ngay từ bé, chỉn chu và luôn nghe lời bố mẹ. Con em thì tính cách nghịch ngợm hơn, học hành lớt phớt, nên suốt ngày bị bố mẹ tôi ca cẩm, so sánh với tôi. Nhưng tôi lại yêu nó kỳ lạ, luôn bênh vực nó mỗi khi bố mẹ mắng, bao che cho nó mỗi khi nó nghịch ngợm. Và nó đặc biệt tham tiền, tôi chẳng thấy nó mua sắm gì riêng, ngoài những gì bố mẹ tôi mua cho nó, nhưng nó có thể bớt và tiết kiệm từng đồng tiền chợ mẹ tôi đưa, hay vòi vĩnh trả giá mỗi khi làm gì hộ tôi hoặc khi tôi có tiền. Chắc cũng đây là lý do nó chọn học KTQD.
– Anh em mình đi ăn sáng.
Khi xuống dưới nhà, tôi định đi vào bếp, tiếng con em cất lên. Sau khi ăn phở xong, nó lại rủ đi cà phê.
Ngồi trong quán cà phê nhìn ra đường. Bắt đầu có những cành đào được chở trên xe, tôi đã thấy có những hộp mứt bày trong cửa hàng, gần Tết rồi. Em đã bước vào đời tôi được gần 3 năm.
Ngồi ngoáy ngoáy chiếc ống hút, con em nhìn tôi trừng trừng, để kiểm tra những thay đổi của tôi, tìm hiểu những nguyên nhân thay đổi của tôi. Tôi chỉ yên lặng hoặc lắc đầu trước những chất vấn và câu hỏi của nó. Nó có vẻ hơi tức giật, môi bắt đầu mím lại trước sự ngoan cố của tôi. Đột nhiên nó đứng dậy, bước ra ngoài, tôi không biết nó định làm gì.
Nó quay lại sau một lúc lâu, mắt hơi đỏ như vừa khóc, sự tức giận hiện rõ trên mặt, môi mím chặt. Thế rồi nó đưa tay lên má tôi, sự tức giận dần biết mất, thay vào là sự bao dung, thông hiểu và thương yêu. Hơi ấm từ bàn tay nó truyền vào má tôi, làm tan đi gượng gạo của tôi, tôi thấy mềm mại trở lại. Thấy sự thay đổi trên mặt tối, nó khẽ khàng:
– Em vừa gọi… Em biết rồi. Em chẳng biết an ủi Anh như thế nào. Nhưng em tin tưởng sự mạnh mẽ của Anh, Anh sẽ vượt qua. Anh sẽ tiếp tục tiến lên, hoàn thành các ước mơ của mình. Hoàn thành các kỹ vọng của bố mẹ và sự kính trọng của em. Không gì làm Anh thay đổi.
Đúng. Tôi đã hứa với em, đã xây bao mơ ước với em và em đã tin tôi. Tôi phải tiếp tục, chứng minh cho em thấy tôi vẫn là tôi, hoàn thành những gì đã hứa với em. Tự nhiên tôi thấy nhẹ nhàng hơn, mọi thứ quay trở lại, ngón tay con em vờn trên mặt buồn buồn. Tôi nở nụ cười.
Chúng tôi bước ra khỏi quán, thấy tôi đã trở lại bình thường, tính tham tiền lại nổi lên, nó bắt tôi đi mua đồ. Lại đến cửa hàng ngày trước, tôi và em chọn đồ cho con em. Giờ đã khác tôi, nó và chọn đồ cho nó. Nhìn nó chọn những món đồ mà y như em đã chọn, tôi lại nhớ đến em. Con em cầm túi đồ, mặt hưng phấn, tung tăng ra khỏi cửa. Và lại bắt đi ăn chè, rồi lại mua đồ. Rồi mắt nó chợt sáng lên, quay lại hỏi tôi:
– Này Anh. Nếu em muốn liên lạc riêng tư với Anh với thì làm sao?
Vừa nói, nó vừa nhìn sang cửa hàng điện thoại bên kia đường. Tôi thừa biết, nó có mục đích gì khi hỏi như vậy.
– Mày gọi điện thoại bàn cho Anh.
Tôi giả vờ không hiểu ý nó. Nó lại nói:
– Nhà có mỗi điện thoại bàn, lại mắc thông lên phòng bố mẹ. Làm mà riêng tư được.
Nó có vẻ phụng phịu, và nói tiếp:
– Chỉ có điện thoại riêng của em mới riêng tư được, tặng cho em điện thoại di động đi.
Nó không dùng từ mua, mà từ tặng, làm tôi không từ chối được.
Mà tôi cũng biết ơn nó, vì những gì nó quan tâm đến tôi.
Tôi quyết định chiều nó, dù biết thế nào bố mẹ cũng lại cằn nhằn, chiều nó quá, nó hư đi.
Nó có điện thoại cũng tiện hơn, có gì tôi cũng dễ liên lạc và mắng nó nếu nghe bố mẹ phàn nàn, nó chỉ nghe lời mỗi tôi thôi.
Để lại một bình luận