Phần 29
Đúng lịch tôi sang nhà em thật sớm, em và mẹ đã dậy chuẩn bị cơm nước ăn sáng, tôi sang mẹ em cứ bắt tôi phải ăn bằng được rồi mới chịu đi… Tôi chạy xe máy đưa mẹ em xuống thẳng bệnh viện tỉnh, thực sự mẹ em là người hiền lành, chất phác nên ít khi đi ra ngoài, mọi thủ tục cần thiết tôi dễ dàng làm và lo cho bà hết…
Khám hết cả một buổi sáng mới xong, mấy kết quả thông thường thì có thể biết ngay, nhưng có một số xét nghiệm thì bệnh viện người ta hẹn một tuần sau mới đến lấy. Lúc ấy đã gần trưa rồi, tôi bảo bác có đói không cháu đưa bác rẽ vào ăn tạm bát phở nhé? Mẹ em nói thôi về nhà ăn cơm ở nhà, chắc giờ này con Nga nó cũng nấu rồi, bác không thích ăn uống ở ngoài.
Về đến nhà thì đúng là em đã về và chuẩn bị cơm nước xong xuôi, thấy 2 bác cháu về em chạy ra hỏi ngay:
– Mẹ… Em có sao không anh?
Tôi chưa kịp trả lời thì bà đã nói:
– Có sao đâu nào, kết quả bình thường hết đấy Quân nhỉ?
– Vâng, bình thường hết ạ
Em vui lắm, vì mẹ không bị làm sao.
Nhưng thực ra trong người mẹ em vẫn bị đau âm ỉ, tôi biết chẳng qua là bà đang có chịu đựng, đang cố tỏ ra bình thường để con gái không lo lắng thôi.
Một tuần sau, tôi lặng lẽ xuống bệnh viện một mình mà không báo cho em biết, tôi đến để lấy kết quả. Vị bác sĩ hôm trước khám cho tôi cầm đống giấy tờ xét nghiệm rồi gọi tôi vào trong phòng.
– Cháu là thế nào với bệnh nhân?
– Dạ… Là con ạ
– Con rể hả?
– Vâng… Kết quả có tốt không bác sĩ?
– Không được tốt lắm đâu, người nhà bệnh nhân và bệnh nhân phải chuẩn bị tinh thần…
Nghe ông bác sĩ nói mà tôi bắt đầu thấy lo, một nỗi sợ hãi mơ hồ ập đến…
-… Bà ấy đang mắc cùng một lúc mấy bệnh trong cơ thể, không phải tất cả đều nghiêm trọng hết… Duy chỉ có một thứ…
– Là sao hả bác? – Tôi sốt ruột.
– Xét nghiệm cho thấy đang có một khối u… Ác tính…
Tôi khá là choáng, không nghĩ đó là sự thật, tôi hỏi lại:
– Bác sĩ đã khám, xét nghiệm kỹ chưa?
– Chúng tôi đã kiểm tra rất kỹ, đáng tiếc kết quả vẫn như vậy…
Ông bác sĩ còn nói nhiều nữa, dặn dò không được để cho bệnh nhân biết thông tin sẽ rất nhanh bị suy sụp, rồi dặn cất thật kỹ kết quả… Vân… Vân…
Tôi thì chẳng nghe được mấy, tôi đang nghĩ và thương em, chẳng biết nên nói với em chuyện này như thế nào đây. Nói hay là không nói, hay là nên giấu kín…? Em thì đang vui vì hôm trước đi khám về báo là không sao cơ mà…
Tôi suy nghĩ rất nhiều và quyết định sẽ giấu kín chuyện này, vì bác sĩ nói không còn chút hy vọng gì cả, bệnh đã phát triển đến giai đoạn cuối rồi…
Đó là những ngày tôi bên em trong nỗi dằn vặt và khó xử, lúc nào trong lòng cũng cồn cào như có lửa đốt, mẹ em thì ngày càng thấy mệt mỏi hơn, nhưng ánh mắt bà mỗi khi nhìn tôi lại đầy trìu mến, ánh mắt ấy vừa như biết ơn, vừa như cầu xin điều gì đó…
Mùa Thu, khi những cơn gió heo may kéo về ngày một nhiều, hương hoa sữa trong sân trường phảng phất, tỏa hương thơm nồng nàn mỗi đêm. Càng nghĩ tôi lại càng thấy thương em hơn, ngay từ bé đã mồ côi cha, giờ mà em mất mẹ thì biết sống sao đây? Tôi tự nhủ với lòng mình sẽ mãi luôn bên em, che chở cho em và làm bờ vai để cho em dựa vào…
Một buổi tối mùa thu ấy, tôi đang ngồi trong phòng thì nghe thấy tiếng mấy cô giáo bên kia gọi vọng sang “Anh Quân ơi, chị Nga gọi điện cho anh mãi mà không được đấy…”
Linh tính có chuyện chẳng lành tôi chạy vội ra chỗ bể nước để gọi điện cho em, giọng em vô cùng hốt hoảng và lo lắng:
– Anh ơi, mẹ em đau dữ lắm, em biết làm thế nào bây giờ?
– Em đừng lo, anh sẽ sang ngay…
Tôi vơ vội bộ quần áo rồi lao ra phía bờ sông, tôi bơi một mạch thật nhanh sang bên phía nhà em. Vào nhà thì thấy em đang rối bời, mẹ em thì nằm trên giường đang lịm đi vì đau…
Tôi liền gọi xe taxi đưa mẹ em đi bệnh viện ngay trong đêm ấy, vào cấp cứu ban đầu người ta cũng khám kiểm tra rồi cho chuyển xuống khu điều trị để nằm. Sau khi tiêm thuốc thì mẹ em nói đã đỡ hơn rất nhiều, không còn đau như trước nữa.
Mẹ em nằm ở viện thêm 5 hôm để theo dõi, trong thời gian ấy cũng đã tiến hành làm xét nghiệm và chụp chiếu đầy đủ. Thời gian này quả là thời gian rất vất vả của em, hằng ngày em vẫn phải lên lớp một buổi sáng, buổi trưa tranh thủ về ăn bát cơm qua loa rồi lại chạy thật nhanh vào trông mẹ.
Cũng may, bên đằng nội nhà em có bác là chị gái của bố em qua trông nom giúp cho buổi sáng, còn bên ngoại thì chẳng có ai cả. Thành ra trong mấy ngày mẹ em nằm viện, em toàn tranh thủ soạn bài luôn trong ấy… Tôi là người vẫn chạy qua chạy lại đưa đón em hằng ngày, thấy em vất vả gầy ruộc đi tôi thương em lắm, chỉ biết động viên em cố gắng chăm mẹ cho thật tốt, rồi mọi chuyện cũng sẽ qua thôi…
Đến ngày thứ 5 thì được ra viện, không phải vì mẹ em khỏi bệnh mà vì người ta nói có nằm thêm thì cũng thế, nên về nhà uống thuốc và tiêm hằng ngày, ăn uống ngủ nghỉ tiện hơn, người nhà cũng đỡ vất vả.
Từ ngày mẹ em ở viện về, có vẻ khỏe khoắn hơn, tôi thấy em vì thế mà cũng vui hơn rất nhiều. May quá, chứ cứ kéo dài tình trạng như trước tôi sợ rằng sức khỏe của em không chịu được mà gục ngã mất, tôi thương em vô cùng.
Có một chuyện tôi thắc mắc nhưng mãi mới dám hỏi em, đấy là tại sao khi mẹ em ốm đau như vậy mà bên phía đằng ngoại không thấy ai tới thăm nom. Em trả lời tôi bằng ánh mắt đượm buồn, giọng em nghẹn ngào tủi thân:
– Quê ngoại em ở xa, tận trên thượng nguồn, mới cả bây giờ trên ấy cũng chẳng còn ai nữa
Tôi không muốn hỏi thêm gì nữa vì không muốn khoét sâu thêm nỗi đau trong em, với em như thế là quá khổ rồi, tôi ôm em thật chặt vào trong lòng mình, nắm lấy bàn tay em
– Có anh ở đây rồi, em hãy vững tin lên…
Nhưng những ngày vui ngắn ngủi chẳng tày gang, mẹ em đau và lại phải vào viện cấp cứu một lần nữa, lần này thì bệnh tình đã biến chuyển rất nặng rồi…
Bác sĩ gọi tôi và em vào trong phòng riêng, ông ấy giải thích cho chúng tôi nghe về bệnh tình của mẹ, và khuyên một câu chân thành:
– Các cháu nên đưa mẹ về nhà chăm sóc, thời gian chẳng còn bao lâu nữa… Bác rất tiếc…
Nghe xong câu nói đó em tôi khụy xuống, em dường như chẳng còn chút sức lực nào mà đứng dậy, vậy là hết hy vọng, niềm hy vọng cuối cùng của em nay chẳng còn… Tôi ôm em vào lòng dìu em đứng dậy, em khóc như mưa bên vai tôi như một đứa trẻ
– Anh ơi… Sao lại thế? Sao ông trời lại nỡ bất công với em như thế? Cuộc đời mẹ chưa đủ đau khổ sao…? Trời ơi…
Tôi chẳng nói được gì, biết trả lời em ra sao đây?
Mẹ em về nhà, vẫn tỉnh táo để nhận ra mọi người nhưng chỉ nằm im một chỗ. Em tôi mỗi ngày lại càng héo hon, hao gầy vì thương mẹ. Đôi mắt em trũng sâu thâm quầng nhiều đêm không ngủ. Tôi hôm nào cũng sang nhà em, để động viên em, để ngồi bên cạnh mẹ em và nói chuyện với bà.
Bà vẫn nhận ra tôi, bàn tay gầy guộc nắm chặt lấy tay tôi, ánh mắt bà nhìn tôi như biết nói “Hãy yêu thương con bé”, tôi gật đầu và trong đôi mắt ấy tôi thấy ánh lên niềm vui cuối cùng, mẹ em đã khóc, hai hàng nước mắt lăn dài…
Mấy hôm nay, bệnh của bà nặng lắm, em xin nghỉ phép ở trường để ở nhà bên mẹ. Bà bắt đầu bước vào trạng thái hôn mê, chỉ cảm nhận được người bên cạnh qua cái nắm tay, chứ không còn nhìn thấy nữa. Em của tôi thì chẳng còn nước mắt mà khóc, bao nhiêu nỗi đau đớn em đã nuốt vào trong…
… Đó là một ngày đầu đông, bầu trời ảm đạm, những hạt mưa rả rich rơi xuống làm cho cái lạnh càng thêm se sắt…
… Bà đã ra đi, bỏ lại những đớn đau cho người ở lại… Hôm đưa bà ra đồng, trời mưa tầm tã, có lẽ đến ông trời cũng phải khóc thương cho số phận một kiếp người…
Bến sông xưa lẻ bóng con đò thương người về xóm nhỏ.
Bến sông nghèo mưa chiều khóc người xa.
Lối xưa ai về cỏ níu chân người qua.
Người xa lắm bỏ mình em ngày tháng
Bỏ dòng sông bao mùa nước vơi đầy
Ngập lối em về hoa gạo vương tháng Ba
Bến quê nghèo thổn thức gọi người xa
Người xa lắm bỏ dòng sông đầy nắng
Chở niềm thương con đò vẫn sang bờ
Chở nỗi mong chờ ai người qua lối xưa
Bến quê nghèo thảng thốt tiếng gà trưa…
…
Bác gái của em chuyển về ở cùng với em cho nhà cửa đỡ lạnh lẽo, tôi thì hôm nào cũng sang, để bên em và động viên em vượt qua cú sốc lớn lao này…
Một tháng sau, nỗi đau mới nguôi ngoai phần nào, tôi ngồi bên em trong một chiều mùa đông lạnh giá, ngoài kia gió thổi vù vù. Bên hiên nhà, tôi nắm chặt lấy tay em để truyền sang em hơi ấm, để em tin tưởng hơn vào cuộc sống này.
– Anh à..
– Sao em?
– Thời gian qua anh vất vả vì em nhiều quá…
– Em đừng nói thế… Anh biết em rất đau khổ… Anh chỉ muốn chia sẻ cùng em…
Thế là em lại khóc, tôi thương em lắm em biết không?
– Có một chuyện, em muốn nói với anh…
– Có chuyện gì vậy em?
Em đi vào nhà, lấy ra và đưa cho tôi một bức thư, trên đấy có đề là “Gửi con gái Nga”
– Thế này là sao? Sao em lại đưa cho anh?
– Đây là thư mẹ viết cho em, anh hãy đọc đi rồi anh sẽ hiểu – Em nói trong nghẹn ngào, nước mắt lại tuôn rơi.
Tôi mở lá thư ra, những dòng chữ không còn nắn nót, nhòe ướt đi có lẽ vì nước mắt
“Con gái Nga yêu thương của mẹ
Khi con đọc được những dòng này, mẹ đã không còn ở bên con nữa, mẹ đã về bên bố con. Trong cuộc đời này, mẹ hạnh phúc vì được làm mẹ của con, mặc dù mẹ chưa bao giờ mang đến cho con được nhiều hạnh phúc
Mẹ thương con vì ngay từ bé con đã mồ côi cha, lại không có được tình cảm từ hai bên nội ngoại, đó là điều con gái của mẹ thiệt thòi… Nhưng con là một cô gái ngoan, tình cảm và thương mẹ, chỉ thế thôi mẹ đã mãn nguyện lắm rồi…”
Đọc những dòng thư mẹ viết cho em mà mắt tôi nhòe đi cay xè, tôi khóc từ lúc nào chẳng biết..
“… Mẹ muốn cho con biết một bí mật mà mẹ đã giấu kín trong lòng bấy lâu nay, có lẽ đến lúc ra đi mẹ cũng không dám nói với con..
Con còn có một người chị gái, mẹ gọi tên là Nguyệt… Mong ước của mẹ là hai chị em con đoàn tụ với nhau…
… Con hãy về quê ngoại, nơi có một người bạn cũ của mẹ, có thể cô ấy sẽ kể cho con… Con hãy đi tìm chị, nếu có duyên hai chị em sẽ gặp được nhau. Mẹ không mong gì hơn thế…
Yêu con nhiều lắm…”
Tôi bàng hoàng và chỉ biết ôm em mà khóc, sao cuộc đời lại chớ trêu và lắm éo le đến như vây chứ?
Để lại một bình luận