– Như cô Thanh đã thấy đấy, bí thư đoàn trường Nghĩa đây xưa giờ nổi tiếng là thật thà, ngoan hiền, không lý nào nó lại đi vu oan cho một người xa lạ đâu!
– Nhưng lời nói một chiều thì chưa thể chứng minh được gì đâu ạ, phải nghe lời giải thích của Phong đã!
Rồi cô quay sang tôi với giọng khẩn khoản:
– Phong, em giải thích mọi việc rõ ràng đi!
Tất cả mọi ánh nhìn giờ này đều đổ dồn vào tôi, đương nhiên cả Lam Ngọc cũng thế. Nàng nhìn tôi với đôi mắt trông chờ, trông chờ một lời giải thích, một lời biện minh từ tôi rằng tôi không cố ý đánh thằng Nghĩa, tất cả mọi việc chỉ là do tôi không kiểm soát được bản thân, tôi sẽ xin lỗi thằng Nghĩa và mọi chuyện sẽ được giải quyết trong êm đềm.
Nhưng tôi không phải là người dễ nhún nhường trước bất cứ ai, nhất là khi tôi đang thực hiện kế hoạch của mình thì dễ gì tôi chịu khuất phục thằng Nghĩa như thế chứ. Thế nên tôi nhếch môi trừng mắt nhìn thằng nó:
– Phải, những lời thằng Nghĩa nói là thật, tôi muốn đấm vào cái bản mặt đáng ghét đó…
– Phong… im ngay!
Lam Ngọc đột nhiên đứng dậy trừng mắt nhìn tôi đầy căm phẫn.
– Trò Ngọc, tôi nhắc lần cuối cùng nhé không được mất trật tự trong này, còn một lần nữa đừng trách tại sao tôi hạ hạnh kiểm!
Mặc dù vẫn còn rất giận nhưng nàng đành ngồi xuống cắn môi lườm tôi không ngơi một chút nào. Tôi biết trong lòng nàng lúc này đang nghĩ gì chắc nàng giận tôi lắm. Trước mặt nàng tôi còn vênh váo tự nhận tội thế kia mà. Nhưng đây là kế hoạch, tôi không cho phép bất cứ ai làm trở ngại nó ngay cả người thân của tôi.
Nghe được những lời thú tội của tôi, thằng Nghĩa càng khoái trá, nó liên tục đốc thúc ba nó phải đuổi học tôi cho bằng được. Còn thầy hiệu trưởng cũng y như con trai mình, gậm gực kí vào biên bản đình chỉ học không một chút ngần ngại.
Tuy nhiên, cô Thanh vẫn chưa hết hy vọng. Cô tiếp tục nài nỉ thầy hiệu trưởng khiến tôi cảm thấy rất áy náy:
– Thầy à, trò nó tuổi nhỏ vẫn chưa hiểu hết tính chất của sự việc, thầy giảm nhẹ tội cho nó đi ạ!
– Không được, như thế sau này tôi lấy ai làm gương để răn đe những đứa khác đây?
– Thưa thầy, cô Thanh nói đúng đấy ạ! Dù sao đây là lần đầu tiên bạn Phong phạm lỗi, hãy cho bạn ấy một cơ hội sửa sai đi ạ?
Lam Ngọc cũng sốt sắng năn nỉ thầy hiệu trưởng cùng cô Thanh.
Được hai người năn nỉ như thế thầy hiệu trưởng cũng lưỡng lự chưa kí chính thức vào giấy thôi học của tôi. Có lẽ ông cũng không phải là người quá nhẫn tâm, chỉ là do tôi đánh con trai ông ấy nên ông ấy mới nhất thời nổi cơn giận dữ lên thôi.
Sau một lúc thuyết phục, thầy hiệu trưởng cũng đi đến quyết định cuối cùng:
– Thôi được rồi, trò Phong đánh nhau trong trường, nếu chiếu theo nội quy phải đuổi học 1 năm. Nhưng vì đây là lần đầu phạm tội, vả lại còn 2 tuần nữa là thi rồi tôi cũng không muốn làm khó. Vậy nên tôi sẽ đình chỉ học trò Phong 1 tuần để trò có thể tự suy nghĩ lại bản thân, trò có đồng ý không Phong?
– Thầy hỏi kia, đồng ý đi Phong?
Lam Ngọc nhìn tôi khẩn khoảng như thầm mong tôi đừng có một hành động nào quá lố nữa. Còn về phía tôi, xét thấy 1 tuần cũng đủ để tôi giải quyết sự việc nên chẳng cần làm căng gì thêm, tôi hít một hơi thật dài nghiêm giọng:
– Dạ thưa em đồng ý, cảm ơn quyết định của thầy!
– Thế nhé, chính miệng trò Phong đã nói thì không được thay đổi nữa đâu! Phong có thể học hết ngày hôm nay, ngày mai phải thực hiện theo theo hình phạt đấy! Còn bây giờ tất cả trở về lớp đi!
Thế là buổi xét xử kết thúc. Bị đình chỉ học một tuần lễ là hình phạt dành cho tôi, và cũng là ngần ấy thời gian cho tôi để thực hiện kế hoạch. Nhưng trước khi thực hiện điều đó, tôi phải đối mặt với một thử thách lớn, đó là Lam Ngọc và những người thân của tôi, họ không biết tôi đang thực hiện kế hoạch của mình, chỉ đơn thuần cho rằng tôi đánh người và tôi bị đình chỉ học. Cho nên trong suốt quãng đường đến lớp, Lam Ngọc cứ dò hỏi tôi:
– Phong, giải thích cho Ngọc biết, vì sao lại đánh thằng Nghĩa thế hả?
– Không vì lí do gì cả, thích là đánh!
– Chẳng phải Phong đã hứa rồi sao?
– Ừa, thì hứa nhưng tức lên ai mà nhớ đâu!
– Phong… đứng lại cho Ngọc!
– Việc gì phải đứng?
– Đồ thất hứa!
– Ừ đấy!
– Đồ phụ bạc!
Đến câu này, tôi chợt giật thót đứng sững lại. Câu nói đó như bóp nghẹn trái tim tôi thở không ra hơi, cả người tôi như có một luôn điện cực mạnh chạy rần rần đến tê tái. Tôi quay lại, Lam Ngọc giờ đang nhìn tôi với ánh mắt hờn dỗi còn hơn lúc sáng. Nàng lườm tôi mà hai khoé mắt cứ rơi hững hờ những giọt nước lóng lánh.
Tôi biết, Lam Ngọc không phải là người mau nước mắt, trái lại nàng còn rất kiên cường, cứng rắn. Đến việc bị tạt sơn mà nàng còn chưa khóc thì đủ biết nàng là người mạnh mẽ đến đâu rồi. Nhưng lần này nàng lại khóc, lần khóc này cũng như những lần khóc khác, đều là vì tôi. Vì chính bản thân tôi quá lạnh nhạt với nàng nên đã làm nàng đau lòng, đau đến phát khóc.
Tự dưng theo bản năng mách bảo, tôi từ từ tiến đến gần nàng, đưa tay quệt đi hàng nước mắt còn ráo hoảnh trên khoé mắt. Nhưng Lam Ngọc đã gạt tay tôi ra thẳng thừng:
– Muốn đi đâu thì đi đi!
– Phong xin lỗi!
– Ai cần, Phong muốn tự làm theo ý mình mà!
Tôi khẽ cười, cười cái sự giận dỗi trẻ con của Lam Ngọc. Nhưng rồi tôi nhanh chóng trở lại với chính mình, áp sát vào tai nàng thỏ thẻ:
– Ngọc à, không phải Phong cố ý phá bỏ lời hứa đâu, mọi chuyện đều có nguyên do cả!
– Nguyên do gì?
– Nó nằm trong một kế hoạch đã được vạch trước!
– Kế hoạch gì vậy, cho Ngọc tham gia được không?
– Không được đâu, vì đảm bảo tính tuyệt mật nên càng ít người biết càng tốt, vả lại kế hoạch này cũng không cần nhiều người!
– Nhưng Ngọc muốn giúp Phong!
– Phong ổn mà, chỉ cần Ngọc hứa không nói với ai về kế hoạch này thì đã giúp Phong khá nhiều rồi, tuyệt đồi đừng để bất cứ ai ngoài Ngọc biết nhé!
– Ừ, Ngọc hứa mà!
Thế rồi tôi lại lấy tay lau đi hàng nước mắt của nàng, lần này nàng đã yên vị để tôi quệt chúng đi không còn kháng cự nữa. Bây giờ trông nàng dễ thương hơn bao giờ hết, vẻ mặt e thẹn khi được tôi quệt nước mắt nhìn huyễn hoặc vô cùng, cứ muốn nựng vào má một phát nhưng lại sợ cụt tay nên thôi, kềm chế một tí vậy.
– Giờ tụi mình vào lớp nhé!
Tôi nở nụ cười rạn rỡ như sua đi nét đượm buồn trên mặt nàng cũng như tự trấn an mình phải cố gắng hết sức vượt qua cuộc thử thách đầy cam go trước mắt này. Theo kế hoạch, tôi sẽ tự thân mình làm tất cả, thằng Vũ chỉ trợ giúp được phần nào. Nếu bây giờ tôi không động viên mình, thì còn ai có thể động viên tôi ngay lúc này đây?
Thằng Toàn đã nói rằng nếu muốn hạ gục thằng Nghĩa thì đều đầu tiên là không được động chạm đến tay chân, vì nếu động chạm đến tay chân thì chỉ khắc chế nó được một khoảng thời gian, sau đó nó sẽ trả thù lại gấp bội lần. Chỉ có tìm mọi cách nắm được đằng cán của nó mới mong nó không tác quai tác quai nữa qua đó sẽ khiến nó im miệng luôn. Cho nên hợp tác với thằng Vũ kì này, tôi chỉ nhắm đến tìm bằng chứng để hạ gục nó một lần và mãi mãi, sẽ không có một thằng Nghĩa ngông cuồn nào còn hiện diện trong trường này như tôi đã từng làm với thằng Vũ trước đây.
Ngày hôm sau là ngay tôi chính thức nghỉ học, cảm giác được thức dậy sớm hằng ngày không còn nữa mà thay thế vào đó là cảm giác hụt hẫn khi tỉnh giấc và nhìn lên đồng hồ giờ này đã 7 – 8h sáng. Tôi thức dậy, tự pha cho mình một ly cà phê, đương nhiên nó vẫn là cappuccino và ăn nhẹ cùng với tô mì gói coi như là đã hoàn thành xong buổi sáng đạm bạc.
Sau khi ăn xong, tôi vòng xe ra tiệm hớt tóc đầu đường để dọn lại quả đầu theo yêu cầu của kế hoạch đặt ra, vì nếu để quả đầu cũ, thế nào tôi cũng bị phát hiện thôi. Nhưng để chọn cho mình một quả đầu ưng ý thì không phải là dễ, tôi muốn một kiểu tóc vừa đàng hoàng lại vừa dân chơi nhưng nghĩ mãi ra kiểu nào vừa lòng cả, những kiểu ông thợ hớt gợi ý cho tôi toàn là những kiểu người ngoài hành tinh từ đâu xuống, hớt kiểu đó quê chẳng để đâu được.
Thế rồi chọn đi chọn lại, tôi cũng chọn được một kiểu tôi cho là bình thường nhất, kiểu mồng gà. Dùng tông đơ đẩy gọn hai bên rồi giữa đầu cho tóc dựng đứng lên, nom nó không quá dị hợm nhưng lại đảm bảo tính dân chơi phố chợ, chuẩn bụi đời!
Hớt tóc xong thì tôi lại tiến hành những khâu hóa trang tiếp theo. Chiếc khẩu trang đen tôi chỉ dùng để đeo khi vào bệnh viện, này sẽ là vật bất ly thân với tôi trong kế hoạch của thằng Vũ kì này, cả chiếc nón kết đen tôi mới mua mấy tuần trước nữa, cả hai từ đây sẽ là chiến hữu đồng sinh cộng tử với tôi kể từ giây phút này.
Địa điểm tôi hẹn gặp thằng Vũ là ở một quán cà phê lụp xụp nằm ở Nhà Bè. Khi tôi đến nơi, đã thấy thằng Vũ và một số người khác ngồi sẵn ở đó từ lúc nào. Trong số đó, còn có cả thằng Nghĩa, kẻ đối địch với tôi ở thời điểm hiện tại. Thấy cả bè lũ bọn nó ở đấy, tôi cũng có chút hồi hộp, tuy rằng đã hóa trang nhìn giống bụi đời nhưng tôi vẫn không thể nào giấu nỗi vẻ lo lắng khi đối diện với tụi nó. Trên đường đi mà tôi cứ nuốt khan ừng ực, thở không ra hơi.
May sao, thằng Vũ đã chủ động chạy ra đón tôi vào tránh tình cảnh tôi ngẫn tò tè ngoài quán chả biết gì:
– À xin giới thiệu anh, đây là đàn em mới chiêu mộ được của em, nó tên là Long, đánh đấm cũng khá lắm đó!
– Ồ để anh mày em!
Nó nhìn tôi một lượt từ trên xuống dưới rồi tấm tắc:
– Chà, cũng có cốt cách ghê chứ! Nhưng sao mà nó bịt khẩu trang thế, gỡ ra cho anh mày xem mặt chứ!
– À hà, mặt của nó hồi đó bị người ta tạt axit nên trông ghê lắm, phải suốt ngày đeo khẩu trang đấy ạ!
– Ừ, thế thôi tao không miễn cưỡng! Nhưng muốn làm thân cận của tao thì phải chứng tỏ sự trung thành một chút đã!
– Chứng tỏ thế nào hả anh? Nó là do em giới thiệu mà, đương nhiên là trung thành rồi!
Thằng Nghĩa dốc một ngụm nước rồi ôn tồn:
– Đời chả tin được thằng nào đâu em, phải thử lửa nó đã!
– Thế anh muốn thử lửa thế nào ạ?
– Cũng không có gì đặc biệt, chiều tan mai tan học đi theo anh ra bãi cát ở quận 7 đi!
– Ở đó có gì ạ?
– Dạo gần đây có mấy thằng trẻ trâu ở đó cứ lâm le đòi đánh anh, nếu chú mày biết đánh nhau thật thì ngày mai đi theo anh ra ngoài đó, được chứ?
– Ơ, lỡ nó đông quá thì sao ạ?
– Đết sợ đi, anh chỉ thử võ chú mày thôi, còn thằng Vũ vẫn đi theo từ xa mà!
– Dạ vậy chiều em đợi sẵn ở sân cát được không ạ?
– Ờ, thế cũng được! Mắc công chú mày đợi ở cổng người ta lại dị nghị!
– Dạ vậy em về trước! Mai gặp lại!
Chào tạm biệt xong tôi ra về. Thằng Vũ cũng theo ra tiễn tôi một đoạn:
– Coi như bước đầu đã xong rồi! Thằng Nghĩa nó không nhận ra mày! Chỉ cần mày làm tốt nhiệm vụ ngày mai nữa là xong!
– Ừ, tao biết rồi! Bye mày, tao về trước nhé!
– Ừ, bye!
Làm thân cận bảo vệ cho thằng nghĩa cũng không phải là khó nhưng chắc là sẽ mệt bởi vì với cái tính ngông cuồng của mình, ắc hẳn sẽ có rất nhiều kẻ thù trong và ngoài trường muốn lăm le oánh cho nó bầm dập. Đúng là làm người xấu tuy có sống dai thật nhưng cuộc đời sẽ không suông sẻ tý nào, nhất là đối với thằng Nghĩa này, tuy tôi không biết nó sẽ vênh váo được bao lâu nhưng tôi biết kết cục của nó sẽ không bao giờ tốt lành, vì chính tay tôi sẽ dìm nó xuống tận đáy xã hội.
Nhưng việc đó chắc vẫn còn xa lắm, vì bây giờ tôi chỉ đang thử việc với nó, nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kì này tôi sẽ được nó tin dùng còn không thì coi như công bỏ học đổ sông đổ biển. Nhưng với thành tựu hơn mười năm học võ của mình tôi tin chắc sẽ dễ vượt qua thôi, dù gì mấy thằng ở chỗ sân cát này toàn là những thằng trẻ trâu đi đá banh, thả diều. Cùng lắm là mấy thằng to xác, mập ục có tý sức thích làm đại ca chứ chẳng bao giờ có kì nhân dị sĩ ở đây cả.
Dựng xe đợi gần sân cát một lúc lâu, thằng Nghĩa cũng đi bộ lỉnh kỉnh ngang đấy. Ngay tức khắc, có 2 thằng từ sân cát chạy ra chặn đường thằng Nghĩa. Hai bọn nó có vẻ dữ dằn lắm, cứ liên tục chỉ vào mặt thằng Nghĩa như đang chửi rủa điều gì đó, còn thằng Nghĩa thì vẫn thản nhiên đáp chuyện lại.
Chừng lúc sau như chịu hết nổi cái thói vênh váo của thằng Nghĩa, tụi nó tức tối xách cổ áo nó lên chuẩn bị đánh đến nơi. Chỉ chờ có thế, tôi kéo chiếc nón kết sụp xuống để che mặt rồi chạy đến bẻ tay của thằng kia khỏi cổ áo của thằng Nghĩa rồi bồi thêm một đấm thằng vào ngực khiến nó thoái lui:
– Mày là thằng nào, sao dám xen vào chuyện của tụi tao?
Khi giọng nói đó cất lên tôi chợt giật thót lia mắt nhìn hai thằng đó. Không thể lầm vào đâu được đó chính là thằng Bình với thằng Tú. Sao hai tụi nó lại kiếm chuyện với thằng Nghĩa chứ? Bây giờ tôi biết làm sao đây, tôi không thể xuống tay với anh em chí cốt hơn 5 năm của mình được. Nhưng đứng trước việc phải bảo vệ thằng Nghĩa, tôi không thể không đánh.
Để lại một bình luận