Phần 5
Bà giảng viên vừa gấp cuốn sách lại sau gần 2 tiếng rưỡi tra tấn cái lỗ tai, đứng lên chào một cái rồi đủng đỉnh đi ra, tạm biệt chim én. Kiếm cái gì bỏ bụng đã, cũng đói lắm rồi. Con lớp trưởng mặt mụn kêu cả lớp lại thông báo:
– Sắp tới ngày khai giảng, chuẩn bị văn nghệ. Phần này chú Bí lo.
– Lo gì?
– Đàn ca hát xướng là nghề chú mà!
– Ừ – tôi đáp mà ngán ngẩm.
Nói chung là vậy, thời sinh viên mà không đàn đúm ăn chơi thì đâu có gọi là sinh viên được. Tôi lên làm bí thư lớp cũng chính vì thế, tuy nhiên giờ đây tôi ngán cái công việc này tới tận cổ. Một phần là cũng ngán chơi rồi, phần nữa, nếu ai là bí thư như tôi thì sẽ hiểu: Mấy thằng trên đoàn nói chuyện ngu bỏ mẹ! Lại hay tỏ vẻ ta đây cái mặt lúc nào cũng kênh kênh cứ như là ba cái chức: Chi hội trưởng, bí thư đoàn khoa là cái gì nó to lắm vậy. Tôi ghét tụi nó cực và tụi nó cũng chả ưa gì mình, họp lúc nào cũng “đồng trí “này “đồng trí” nọ nghe nó giả tạo vê lù. Nhưng phải tới qua tết mới bầu lại bí thư và tới đó thì tôi vẫn còn làm, mà làm thì ráng làm cho xong vậy. Cũng đành phải đi la liếm mấy thằng nghệ sĩ ba xu tập tọe chơi đàn với lòng tự ái vĩ đại của một siêu sao thôi, một mình tôi chả làm cách nào mà nhạc nhẽo mấy tiếng đồng hồ được. Kiếm mấy em chân dài, eo thon lớp khác nữa chứ, mấy ma mới cũng cần cái gì đó rửa mắt ngày đầu nhập học.
– Kiếm ăn mày!
– Ừ tao cũng đói rồi, sáng uống cafe mà chưa ăn gì hết.
Tôi với thằng bạn lết ra khỏi trường tới quán bà năm ăn cơm để chiều còn học nữa, trưa nắng về nhà ăn cơm ngán quá mà mẹ tôi lại đang ở bệnh viện, ăn cơm nguội tối qua cũng không ngon tí nào. Hạnh gọi.
– Anh qua đón em được không?
– Ừ! Chờ anh chút.
Vậy là phải chạy bộ ngược về trường, coi như là tập thể dục buổi trưa. Quên nữa, chôm thằng bạn cái áo đã, chút về trả nó, hi vọng đầu thằng này không có ghẻ.
Hạnh đang đứng trước cổng trường, mặt đang ngó nghiêng để tìm tôi dưới hàng cây xanh rì. Đường Sài Gòn buổi trưa nóng như đổ lửa, nhưng nhìn vậy thôi chứ cũng có thể sẽ có một cơn mưa dữ dội ngay bây giờ, ai mà biết được, thời tiết Sài Gòn đỏng đảnh bậc nhất mà.
– Chờ anh có lâu không?
– Lâu!
Hạnh xụ mặt xuống, có vẻ giận dỗi. Có thể là tôi hơi khác người, nhưng tôi rất thích ngắm nhìn những người con gái khi họ giận hờn như thế này. Có một cái gì đó hết sức quyến rũ, bất ngờ như thời tiết ở đây vậy.
– Em ăn cơm chưa, anh chở đi!
– Ừ.
Chúng tôi ghé vào một quán cơm mà Hạnh chỉ, một quán sinh viên, có vẻ hơi tồi tàn nhưng không sao, tôi cũng không phải là hoàng tử công chúa gì mà chê, miễn trong dĩa cơm của tôi không có cái gì lạ là được. Đồ ăn ở đây không ngon, mà làm sao đòi hỏi gì hơn ở một quán sinh viên giá rẻ, ăn no là tốt rồi.
– Sao dạo này anh không gọi điện cho em?
– Anh bận.
– Nhắn tin cũng không?
– Anh bận.
– Lúc nào cũng bận! Anh bận gì mà dữ vậy?
– Học – tôi cười cầu tài.
– Em tưởng anh quên em luôn rồi chứ.
– Không dám!
– Chiều nay mình đi đâu đó chơi đi.
– Chiều nay anh có tiết.
– Ừ vậy thì thôi – mặt Hạnh có vẻ buồn.
– Mai rảnh rồi đi.
– Mai em bận – Hạnh nói có vẻ hơi giận.
– Mai anh qua chở.
– Em không thích đi nữa.
– Không đi anh đập cửa lôi ra, ra ngoại thành chơi. Vũng Tàu nhé!
– Không biết! Đền cửa cho bà chủ nhà được thì cứ đập.
Tôi ghĩ thầm: “Không biết tôi có thể nói dối được bao lâu nữa đây. Thôi thì trời thương mình bao nhiêu hay bấy nhiêu, tới đó cùng lắm ăn vài cái tát là ổn. Tôi vẫn hi vọng số phận sẽ mỉm cười với tôi như vậy.”
Nhìn qua Hạnh, hôm nay em đẹp quá, vào Sài Gòn đã lâu nên em cũng nhả bớt nắng nên cũng khá trắng trẻo. Em đang hồn nhiên ăn, gương mặt trông đã tươi tắn hơn lúc đầu. Tôi chợt thở dài và thầm xin lỗi em.
Điện thoại đổ chuông… Uyển Văn gọi, tôi phải giả vờ thật bình tĩnh vì tôi có đọc sách tâm lý của ba tôi và biết rằng phụ nữ rất tinh ý, xin phép em ra ngoài nghe vậy
– Anh đang ở đâu vậy?
Đây là một câu hỏi cực kỳ nguy hiểm. Vì có 2 khả năng xảy ra: Một là em không biết tôi đang ở đâu, hai là ngược lại. Và tất nhiên chẳng ai mong muốn điều thứ hai xảy ra chút nào.
– Em nói lại coi, anh nghe không rõ, sóng yếu quá.
Tôi cố gắng câu giờ để xem thử có tiếng xe hay tiếng gì đó quen thuộc lẫn trong diện thoại? Thỉnh thoảng liếc mắt xem Hạnh có động thái gì lạ không, tất nhiên tôi không ngu gì quay lại, một động tác vô tình cùng có thể gieo rắc sự nghi ngờ. Và cái đồng hồ là một tấm gương tuyệt vời để làm điều đó, Hạnh vẫn chăm chú đọc sách (còn sách gì thì tôi chịu, xa quá !), lâu lâu có liếc tôi vài cái, ánh mắt bình thường, không có vẻ gì sắp có bão tố.
– Anh đang ở đâu? – Uyển Văn lặp lại câu hỏi
Không có tiếng xe, nhưng cũng không thể không đề phòng. Trong một cái quán nào đó cũng có thể quan sát được chỗ này
– Mà có chuyện gì không em?
Phải đành ném đá dò đường thôi, coi thử thái độ thế nào mà tôi còn có cách đối phó nữa chứ.
– Em hỏi để có gì anh chở em về, xe em hư rồi!
Phù, thót tim.
– Nửa tiếng nửa được không em, anh đang mang cơm cho anh ba!
Nói dối là ở trường không ổn lắm vì tôi đâu có đi ăn với thằng bạn và thằng này tôi không dám tin tưởng lắm, mà nếu có tin tưởng thì tôi không bao giờ lộ thóp cho nó nắm, nguy hiểm khôn lường nhất là Uyển Văn cũng thỉnh thoảng gặp nó mỗi khi qua trường thăm tôi bất tử. Tôi định nói là mang cơm cho mẹ, nhưng làm thế thì không giấu được lâu vì thể nào lâu lâu gặp mẹ tôi thì em cũng sẽ hỏi thôi. Và mẹ tôi ăn cơm luôn tại bệnh viện chứ không bao giờ kêu tôi mang cơm vào, nói dối như thế lộ sạch. Còn ông anh ba là đồng minh của tôi, ổng sẽ nói dối giùm tôi, chắc chắn là vậy!
– Ừ! Em chờ.
– Anh cúp máy nhé!
Tay phải tôi cầm điện thoại, xóa cuộc gọi vừa rôi. Tay trái thọt vào túi quần lấy cái điện thoại cùi, nhắn tin cho ông anh ba với nội dung: ”Gọi em ngay lập tức” (tin này tôi lưu sẵn vào nút nhắn tin khẩn cấp) và chờ đợi. 10 giây sau ổng gọi, tán dóc một chút cho lâu, dặn ổng một số chuyện. Rồi tôi bước vào quán, Hạnh vẫn chăm chú đọc sách, nguy hiểm đây. Vì tôi nghĩ em không đọc sách, em chăm chú nhìn vào cuốn sách vừa hỏi tôi, mặt lạnh như tiền:
– Ai gọi anh vậy?
– Anh ba!
– Gọi anh chi vậy?
– Gọi hỏi thăm chút việc thôi!
– Thiệt không?
– Thiệt.
– Em hỏi vậy thôi!
– Ừ anh chở em về.
Chở Hạnh về nhà, cố tránh cái trường của Uyển Văn càng xa càng tốt, xe em hư nhưng cũng vẫn cẩn thận là hơn. Chậc gần 12 giờ rưỡi trưa rồi, Hạnh ngồi sau lưng ôm tôi cứng ngắc, vòng tay em siết thật chặt eo tôi, thỉnh thoảng em cũng hôn lên vai tôi và cười khúc khích, ngực của em ép sát hẳn vào cái lưng đang lạnh như nước đá của tôi.
– Sao người anh lạnh vậy?
– Chắc trưa nắng quá! – tôi sợ quá nên trả lời bậy.
– Anh khoái giỡn ghê – Hạnh cười, chắc nghĩ tôi đang giỡn thật.
…
Uyển Văn đang chờ tôi trước cổng.
– Xe em đâu để anh mang đi sửa!
– Xe em đâu có hư!
– Vậy kêu anh qua làm gì?
– Em nhớ anh! – Uyển Văn cười, nụ cười thật dễ thương – Anh nhớ em không?
– Cũng nhớ.
– Mình đi đâu đó chơi đi anh!
– Chiều nay anh có tiết.
– Chán vậy! Tối nay được không anh?
– Ừ!
– 7 giờ rưỡi nha!
– Ừ!
– Lại đây em nói nghe nè!
– Nói gì?
– Cứ để tai sát em đi.
Tôi làm theo ý em, hi vọng không phải là một cái tát. Bất chợt em hôn tôi một cái, rồi cười
– Để anh luôn nhớ tới em!
Tôi nhìn em cười. Lạy thánh allah cho tối nay Hạnh không gọi điện bất tử, Uyển Văn là con gái Sài Gòn, quỷ quái vô cùng với cái màn kiểm tra điện thoại đột xuất để truy tìm số lạ và nhất là em từng là học sinh giỏi môn văn, nhạy cảm lắm. Còn tôi chả muốn làm em tổn thương thêm lần nào. Về lại trường lúc 1h15, len lén trả lại cái áo cho thằng bạn, chắc giờ nó vẫn ngồi ngoài quán cơm tán con nhỏ giúp việc như mọi ngày, cũng sắp vào tiết. Tụi bạn đang nằm ngủ trong la liệt với mọi tư thế trên mọi địa hình, tôi cũng nên chợp mắt một chút. Cô lao công đi qua, nhìn tụi tui cười buồn, hôm nay cô lại bị la đây.
Tiết học buổi chiều cũng không tới nỗi chán lắm vì anh văn cũng là một môn hấp dẫn, nhất là ông giảng viên khá vui tính vừa dạy vừa kể về chuyện đời ổng và lâu lâu chọc ghẹo vài đứa trong lớp ngủ gật. Hết một ngày học, dắt xe ra khỏi trường, tụi bản rủ cafe. Thôi về nhà ăn cơm để tối đi chơi, mai còn đi Vũng Tàu.
Để lại một bình luận