Phần 26
Sau cái ngày đó, không hiểu làm sao mà Yến cứ nhắn tin cho tôi liên tục. Tình cảm cũng hết, dù trong lòng vẫn còn chừa một ngăn nhỏ để nhét cái hình bóng ấy vào cho khỏi nhầm sang người khác, đơn giản chỉ là vậy. Đôi khi ngồi một mình tôi cũng hay hồi tưởng lại quá khứ một chút, một chút thôi, giống như một ông lão nào đó đang ngồi bên ô cửa sổ trầm tư mà ngẫm lại những biến động cuộc đời.
Yến vẫn cố liên lạc với tôi. Bình thường tôi có thể chặn số của em lại nhưng thú thật lúc ấy tôi không nỡ làm vậy, vẫn đọc những tin nhắn của em mỗi ngày, trả lời lại và ngồi suy nghĩ. Tôi không rõ là mình còn chút tình cảm nào không hay đã dành hết cho Kim Anh rồi? Nhớ lại Kim Anh, tôi cảm thấy có một cái gì đó rất quen thuộc, một thứ gì đó thoảng qua nhẹ nhàng như một cơn gió mùa xuân tinh nghịch mang theo hương thơm dìu dịu đang vờn qua từng kẽ tóc….
Thế là tôi vẫn lén lút thậm thụt trả lời tin nhắn của Yến, nhiều lắm, có vẻ như mỗi tin nhắn là một kỷ niệm nào đấy mà em cố tình khơi gợi trong tâm trí tôi: Hình ảnh em thướt tha trong tà áo dài trắng, hình ảnh hai đứa cọc cạch trên chiếc xe đạp cũ mèm dưới trời nắng gắt, hình ảnh gói xôi nhỏ xíu mà em dấm dúi nhét vào tay tôi một cách vội vã khi chuông vào lớp vừa điểm, hình ảnh nụ hôn đầu đời vụng dại dưới mái hiên lạnh buốt trong một cơn mưa tầm tã. Ôi! Những kỷ niệm ấy, nó thật đẹp, đẹp đến nỗi mà suốt cuộc đời này tôi không tài nào mà quên nổi.
Khi tôi vừa đến lớp, con lớp trưởng thông báo hôm nay nghỉ, chán thật, chẳng biết làm gì trong cái buổi sáng vô cùng đẹp trời này nữa, chắc là đến thư viện đọc sách một chút. Đưa cho cô thủ thư cái thẻ, vào kho lục lọi một hồi, có quyển “Thép đã tôi thế đấy” của Ostrovsky, thú thật, tôi không có ấn tượng lắm với tác phẩm này, nó hơi đề cao chủ nghĩa anh hùng cá nhân và nhân vật Pavel được tác giả xây dựng quá mẫu mực chăng? Nhưng để giết thời gian thì không tồi chút nào, cách viết rất cuốn hút, đọc một lèo cũng hơn trăm trang, cái di động rung lên, Yến nhắn tin hẹn gặp, bảo là có chuyện rất quan trọng. Nhìn đồng hồ, mới hơn 9h mà tôi chẳng còn việc gì để làm cả, sao không ra đó nhỉ?
– Anh đi có mệt không?
– Anh đi xe chứ có đi bộ đâu mà mệt!
– Anh nhớ con đường này không! Hồi ấy anh hay đạp xe chở Yến ngang đây nè!
– Lâu quá cũng quên rồi! Mà em kêu anh ra đây có việc gì không? Nếu hỏi đường thì thôi anh về!
– Ngồi chút đi!
– Ừ! Em nói tiếp đi.
– Lâu không gặp, nhìn anh chững chạc quá ha!
– Xong chưa anh còn về!
Chúng tôi cứ ngồi nói chuyện với nhau như thế hàng giờ, đúng ra là em nói, còn tôi thì chăm chú lắng nghe giọng nói ngọt ngào thuở nào, giọng nói đã đưa tôi từ tột đỉnh của hạnh phúc rồi đánh tuột xuống tận đáy của sự đau khổ. Tôi nhìn em, hồi tưởng về một thời xa lắm, khẽ mỉm cười và nén tiếng thở dài.
– Yến xin lỗi!
– Anh không có dư đâu, đừng xin.
– Anh còn giận Yến không?
– Không!
– Thật chứ.
– Thật! Nếu không anh vặn gãy cổ em rồi! – tôi nhìn em cười nhếch mép.
– Yến biết mình sai rồi! Yến hối hận lắm rồi!
– Em có bao giờ sai đâu!
– Anh cho Yến một cơ hội được không?
Tôi cười, tôi cũng chẳng còn cơ hội nào cho bản thân nữa nói gì đến dư mà cho em. Cái điện thoại lại réo lên, Uyển Văn, lạ thật hôm nay em đi học mà.
– Anh qua nhà em ngay! – em vừa gào vừa khóc.
– Có gì không em?
– Anh qua liền đi! Nhanh lên anh.
– Anh phải về, có việc gấp
Tôi không đợi Yến trả lời, móc tiền đặt xuống bàn rồi tất tả chạy đi lấy xe, không hiểu giờ này em gọi tôi qua nhà có gì gấp không? Thật lạ, hôm nay cửa nhà em mở toang hoác, đồ đạc ngổn ngang, hàng xóm bu đông một cục, cả nhà em đang ở phòng khách: cô thì khóc sướt mướt còn ba em ngồi trên ghế cúi đầu thở dài thường thượt. Không lẽ có ăn trộm, tôi định vào hỏi thì em ngăn lại. Mà cũng lạ thật, em đang xách theo cái vali, nước mắt chảy dài, vừa nói vừa nấc nghẹn ngào
– Anh chở em đi liền đi! Nhanh lên anh!
– Để anh xin phép ba mẹ em đã!
– Đi đi! Em không muốn ở đây thêm giờ phút nào nữa.
Chắc có chuyện chẳng lành rồi, thôi thì đành vậy, chào cô và ba em một cài rồi nổ máy. Trên đường, em dựa đầu vào vai tôi mà khóc, nước mắt ướt đẫm, người em run lên bầng bật theo từng tiếng nấc nghẹn ngào. Đến một nhà nghỉ, em bào dừng lại, vào phòng, em chỉ nằm úp mặt xuống gối và khóc.
– Có gì không em?
– Ba em!
– Ba em làm sao?
Tôi ngồi im lặng nhe từng lời nói của em chen lẫn trong những tiếng nấc. Thì ra là vậy, ba em có vợ bé, khuyến mãi thêm một đứa con: Con trai, chừng 15, 16 tuổi gì đó. Hôm nay bà ấy đến nhà quậy tưng bừng, cô và em sốc lắm nên em mới bỏ nhà đi như vậy. Nghĩ mà thấy tội em quá
– Em ghét ba lắm! Ba làm khổ mẹ con em. Ba không thương mẹ em.
Em khóc to lên, trông như một đứa trẻ ba tuổi đang mếu máo gọi mẹ vậy. Tôi chẳng biết nói gì, chỉ lặng lẽ mà ôm em vào lòng và nhẹ nhàng lau từng giọt nước mắt đang lăn dài trên má.
– Ba em là người bội bạc. Đàn ông đều là lũ bội bạc.
Nói xong em lại vật ra giường khóc. Tôi ngồi lặng lẽ rít thuốc, em nói hình như cũng có lý! Nghe mà nhột thật. Một hồi sau, em dụi nước mắt, nhìn thẳng vào tôi
– Anh sẽ không đối xử với em giống ba đối xử với mẹ chứ?
– Ừ! Anh hứa.
– Anh chỉ chung thủy với mình em thôi, phải không?
– Ừ! Mình em thôi.
Tôi chợt chạnh lòng, vậy là tôi đã nói dối em rồi, sao thấy mình khốn nạn quá, nhưng trong hoàn cảnh ấy, tôi đâu còn lựa chọn nào nữa.
Ngồi lặng lẽ thở dài khi nhìn những giọt nước mắt của em vẫn còn đọng trên khóe mi. Em ngồi trên giường, tay mâm mê mép gối, ánh mắt vô hồn. Thật khó diễn tả được ánh mắt của em lúc bấy giờ, nó vừa ngây dại, vừa bất lực, vừa mệt mỏi. Nếu như bạn đã từng xem phim Trái tim dũng cảm, thì ánh mắt của Uyển Văn lúc ây giống hệt như của William Wallace khi ông biết được kẻ phản bội mình vậy. Tôi đẩy nhẹ em nằm xuống giường, vừa ôm em vào lòng vừa vỗ về an ủi nhưng không làm sao ngăn được những tiếng nấc nghẹn ngào. Vòng tay tôi càng siết chặt em hơn, miệng tôi thì thầm những lời êm dịu cho em khuân khỏa.
– Em biết là hồi đó anh lăng nhăng, nhưng bây giờ thì hết rồi phải không anh?
– Ừ!
– Anh hứa là không bao giờ phản bội em chứ?
– Anh thề có chúa!
– Ừ! Trên đời này em chỉ còn tin mẹ và anh thôi, làm sao anh phản bội em được! Em yêu anh thật lòng mà! – em nhìn vào mắt tôi.
– Ừ!
Em càng tin anh bao nhiêu thì em sẽ càng đau khổ nhiều hơn thôi em à! Nhìn vào gương, nó đang phản chiếu một bóng hình khác: gã tóc dài nào đấy đang nhìn tôi cười cợt với ánh mắt nửa cảm thông nữa khinh bỉ, hay chính tôi đang tự chế giễu bản thân mình, không rõ nữa, tôi chỉ còn thấy khói thuốc lơ lửng trôi trong phòng làm cho nó thêm phần mờ ảo. Nhìn sang Uyển Văn, em đang ngủ, lúc ngủ em đẹp như một thiên thần vậy…
Chiều hôm đó, cô giáo gọi, kêu tôi chở em qua nhà ngoại, hồi ấy tôi có qua vài lần nên vẫn còn nhớ đường. Một căn nhà nhỏ ở Hóc Môn, trong một cái hẻm sâu hun hút vừa lọt một chiếc xe máy. Vừa đến nơi đã thấy ngoại và cô ngồi trước cửa, trông họ có vẻ buồn lắm. Ngoại nhìn tôi cười gượng rồi kêu em vào nhà rửa mặt cho tỉnh táo. Cô kéo tôi ra một góc riêng khi bóng em đã khuất dạng phía sau nhà.
– Em à! Con Uyển Văn nó đang sốc lắm, em lựa lời an ủi nó giùm cô.
– Dạ!
– Con nhỏ thương em lắm, ráng mà chăm sóc nó cho tốt nha em!
Cô nắm chặt tay tôi lại, nước mắt cô lăn dài trên má. Đây là lần thứ hai tôi thấy cô khóc, lần trước là khi tôi đánh nhau với mấy thằng 12 bị đập bể đầu nằm thở hổn hển trong phòng y tế, cô đã bên cạnh tôi, chăm sóc cho đến lúc tôi nằm dài trên băng ca trực chỉ bệnh viện. Tôi thương cô nhiều quá! Cô là một người thầy mẫu mực thứ hai trong suốt quãng đời học sinh của tôi, cô như người mẹ dịu dàng chăm sóc cho tôi, kèm cặp từng bài toán, từng cách ứng xử với người khác hay nghiêm khắc la mắng mỗi khi tôi cứng đầu không nghe lời cô…
– Dạ! Em hứa.
– Ừ! Trăm sự cô nhờ em hết, giờ cô cũng rối trí quá! Chút nữa em chở nó đi ăn chút gì đi, con nhỏ hồi sáng chưa kịp ngồi xuống bàn, vậy mà!
Cô quay mặt đi chỗ khác nén tiếng thở dài, nước mắt cô vẫn lăn trên má.
Để lại một bình luận