Phần 22
Nhưng thằng con trai vốn là kẻ ham vui, mà hễ dính vào vui chơi bù khú là quên hết trời đất. Tầm giữa tuần, thằng Sĩ thông báo sẽ tổ chức sinh nhật vào thứ bảy. Mẹ thằng Sĩ vừa cho năm lít (năm trăm nghìn) nên nó sẽ bao bọn tôi từ ăn uống nhậu nhẹt, chơi điện tử cho tới đồ ăn đêm khuya. Được ăn chơi miễn phí, lại quậy phá cả đêm thì đứa nào cùng sướng; tôi cũng thế, thậm chí quên bẵng luôn lời hứa với Châu.
Rồi thứ bảy đến, bốn thằng bọn tôi hôm ấy không về nhà mà chui vào hàng điện tử, mỗi thằng một cái bánh mì pate, vừa ăn vừa chơi vừa chửi nhau. Chơi chán, chúng tôi lại lóc cóc đạp xe đi bơi suốt cả chiều. Rồi khi trời sẩm tối, bọn tôi kéo về nhà thằng Cuốc nhậu nhẹt. Mà gọi là nhậu cho oai chứ bàn tiệc toàn bim bim, bò khô, nem chua rán, mấy món cóc ổi với coca hoặc pepsi. Chỉ ngần ấy thôi mà bốn thằng tỉ tê với nhau đủ thứ chuyện trên trời dưới biển. Được một lúc, chúng tôi nói về chuyến tham quan tuần trước. Thằng Choác hỏi:
– Thấy mấy đứa lớp tao bảo xe lớp mày hôm ấy vui lắm!
– Chuyện! – Thằng Sĩ cười – Vui vãi luôn! Cơ mà hôm ấy mà không có Châu thì chẳng vui vậy đâu!
Thằng Cuốc hỏi:
– Mày không rủ Châu ăn sinh nhật à?
– Nó bảo bận cái gì đó buổi chiều nên không đi được. – Thằng Sĩ nói.
Nghe tới đó, tôi hốt nhiên ngồi dậy, đôi mắt hoảng hốt tìm đồng hồ. Bảy giờ tối! Ôi thôi Đớp Cơm Muối Với Củ Lạc nhà con rồiiiiiiiiiiiiiiii! – Tôi gào lên, đoạn chạy ra ngoài cửa, tay dắt con xe đạp. Ba thằng bạn tưởng tôi mất cái gì bèn hỏi:
– Sao thế? Quên đồ ở bể bơi à?
Tôi trả lời đại:
– Ờ! Tao quên mất quyển sách!
Đi bơi thì chẳng ai mở sách ra đọc, nhưng trông bộ dạng hớt hải của tôi, chúng nó nghĩ tôi mất sách thật.
Tôi không quay lại bể bơi mà xuôi thẳng đường hướng về sân vận động thành phố. Châu đã hẹn tôi đi ăn kem, vậy mà tôi quên hết. Mà khốn nạn hơn là mới đạp nửa đường, bầu trời bỗng ầm ầm tiếng sấm rồi mưa rơi như trút. Tôi ghét trời mưa vô cùng dù luôn thủ áo mưa phòng thân. Bởi lẽ tôi đeo kính, mỗi lần mưa là nước làm mờ hết mắt kính, loạng choạng đi tắt đón đầu xe tải như chơi. Tôi sẵn sàng bỏ cuộc đi chơi chỉ vì mưa. Nhưng hôm đó, tôi không quay xe về nhà mà vẫn cố đi tới chỗ hẹn. Mưa to thế này, hẳn Châu đã về. Nhưng nếu em vẫn chờ thì sao? – Tôi cả sợ, vội vàng đạp xe nhanh hơn, mặc cho mấy lần suýt xòe giữa đường.
Đạp xe qua sân vận động, tôi đã tới chỗ hẹn. Và đúng như tôi lo sợ, cô bé “Trâu điên” vẫn đợi. Em nép mình dưới mái hiên của một ngôi nhà. Mà chủ nhà đã cuộn lại mái hiên, thành ra nó chỉ đủ che cho cô bé không bị ướt đầu, chứ lưng áo và hai cánh tay đã bết nước mưa. Trông em như thế, tôi chẳng biết nói sao, chỉ trách em sao không phũ phàng mà quay về nhà thay vì đợi tôi. Vừa thấy tôi, em vẫy tay:
– Tớ ở đây, Tùng ơi!
Em ngồi lên yên xe rồi chui đầu vào áo mưa. Tôi thấy mình có lỗi với em quá, bèn nói:
– Xin lỗi, bị bọn bạn giữ lâu quá! Tôi chở cô về nhà nhé!
Cô bé giãy giụa, miệng bắn súng liên thanh:
– Về là về thế nào? Tới đây rồi thì phải đi ăn kem chứ? Đã hẹn thế rồi cơ mà! Đi, nhanh! Chở tớ đi ăn kem!
– Nhưng mà muộn rồi, sợ không còn ốc quế đâu!
– Không có ốc quế thì ăn kem cốm! Tùng trả tiền cơ mà! Được ăn miễn phí thì tội gì mình bỏ chứ?
Tôi phì cười vì lý do rất đỗi hài hước của em. Và tôi đèo em lên tận Tràng Tiền thật. Đường xa, mưa vẫn cứ rơi táp mặt. Tôi không nghe thấy em nói gì mà chỉ im lặng. Dù vậy, tôi biết rõ là em đang giận. Chờ đợi dưới mưa hai tiếng đồng hồ, em không giận mới lạ.
Sau một chặng đường tầm tã mưa rơi, chúng tôi đến hiệu kem Tràng Tiền lúc tám giờ. Kem ốc quế thường hết khá sớm, nhưng có lẽ nhờ cơn mưa nên người mua ít hơn thường lệ và may mắn thay, hai chiếc ốc quế cuối cùng vẫn chưa bị ai ngó tới. Tôi mua cả hai, một cho Châu, một cho tôi. Hai đứa đứng dưới mái hiên của cửa hàng, vừa ăn vừa ngắm con đường thưa người qua lại, những chiếc xe buýt vội vã đến rồi đi và những dòng nước mưa từ mái hiên chảy xuống đất. Châu cúi đầu và không nói gì, trông chẳng giống em chút nào. Tôi lục cặp, lấy ra chiếc máy nghe đĩa rồi bật nhạc của Sonata Arctica – một band mà tôi rất thích. Tôi nhét một phone vào tai em, mình đeo phone còn lại. Em lắc đầu nguây nguẩy:
– Không nghe rock đâu! Đau đầu lắm!
– Cái này nghe được đấy! Không đau đầu đâu! Thề, nói dối mua cái kem khác liền!
Và chúng tôi cùng nghe nhạc, cùng ăn kem, cùng ngắm phố phường dưới cơn mưa mùa thu. Châu không bỏ tai nghe ra như trước đây em vẫn làm, em hỏi tôi:
– Bài hát tên gì vậy?
– Tallulah. – Tôi trả lời.
– Tallulah nghĩa là gì?
– Tên của một cô gái. Một anh chàng yêu Tallulah, và anh ta không thể chịu đựng nổi khi Tallulah bỏ đi.
Em gật gật đầu, chừng như chẳng quan tâm cô nàng Tallulah nọ. Em đang giận và tôi chẳng nặn ra được từ nào khiến em nguôi giận
– Xin lỗi nhé! Tại tôi mải chơi quá!
Tới lúc ấy, em mới ngẩng đầu lên, gương mặt đỏ bừng ướt đẫm không biết là do nước mưa hay nước mắt. Em nói chậm, chẳng giống kiểu nói liến thoắng như mọi khi:
– Bắt người ta chờ thế mà coi được à?
Đứng trước một cô gái đang khóc là việc đáng sợ nhất đời. Tôi vội vàng trấn an:
– Được rồi, được rồi! Tôi sai! Được chưa? Này, ăn kem nữa không?
Tôi chìa chiếc kem của mình ra. Em bật cười, cười với đôi mắt đỏ hoe ngấn nước, và rồi há miệng cắn mất nửa cái kem của tôi, coi như trả thù vụ đến muộn. Em khóc ngay được, nhưng nín cũng nhanh lắm. Tôi hỏi tiếp:
– Mà muộn thế, sao cô không về luôn?
– Thì để xem có giữ lời hứa không. – Em trả lời.
– Tôi giữ lời hứa rồi đó! – Tôi cười, mắt chớp chớp – Vậy thì thưởng cho tôi cái gì đi?
Châu chẳng đáp chẳng rằng, chỉ nhìn thẳng vào đôi mắt tôi. Trông gương mặt em, tôi không thở nổi. Nó không giống gương mặt đã thổi bay trái tim tôi hồi cấp hai. Nhưng gương mặt ấy khiến tôi trở thành một gã trai dại khờ.
– Nhìn gì ghê thế? – Tôi hỏi – Nói sai cái gì à?
Bỗng nhiên em chụm tay lên môi, hôn một tiếng “chụt” rồi đặt hai ngón tay ấy lên má tôi. Tôi bần thần cả người, tay luống cuống suýt đánh rơi cây kem, miệng lắp bắp:
– Thế… nghĩa là sao?
– Là như thế chứ sao nữa! – Châu điềm nhiên đáp.
– Nhưng… tôi không hiểu?!
– Đứa nào không hiểu là đứa ấy ngu! – Em cười.
– Hả?
Ngoài kia mưa vẫn rơi, bài hát Tallulah vẫn vang trong tai hai đứa. Thời gian như ngừng đong đưa và tôi nhận ra mình đã tìm thấy Tallulah như anh chàng ca sĩ kia vậy.
Cô gái trong mơ của bạn như thế nào?
Mỗi anh chàng có một cô gái trong mơ của riêng mình. Còn tôi? Tôi sẽ trả lời rằng giữa tháng mười một năm ấy, có một cô gái đứng ăn kem cùng tôi. Đó là cô gái trong mơ của tôi, là Tallulah của tôi. Tôi sẽ không thể chịu đựng nổi khi em – Tallulah của tôi – ra đi. Tôi muốn thời gian này là mãi mãi.
Nhưng chẳng có gì là mãi mãi, và tôi cần xác định trái tim mình thuộc về nơi nào.
Một cách vô tình có chủ đích của… ông trời, Châu đã len lỏi vào tâm hồn tôi. Trong lúc vẽ, tôi nghĩ đến gương mặt em; lúc học, tôi nhớ dáng dấp của em đang hát bài “Tìm lại”; thậm chí khi ngủ, thi thoảng tôi lại mơ về dáng vẻ đáng yêu của em dưới cơn mưa tháng mười một. Mỗi ngày tới lớp, tôi phải nhìn lén ngắm trộm em vài lần mới yên. Hôm nào Châu nghỉ ốm, tôi cứ cảm giác thiếu thiếu cái gì đó, cuộc sống cũng kém vui ít nhiều. Và khi em đi học trở lại, tâm tình tôi phấn chấn như thể hôm ấy là thứ bảy vậy.
Dù thế, tình cảm mà tôi dành cho Châu vẫn chỉ dừng ở mức cảm mến. Tôi có thể đưa em ra bến xe buýt, chạy xuống căng tin mua giùm em hàng tá kẹo mút hoặc lắng nghe em kể những chuyện trời ơi đất hỡi của tụi con gái. Tôi không phải bạn thân của em – cái khu vực “friendzone” mà bao thằng con trai lo sợ; cũng chẳng phải một người có bờ vai để em tựa vào để tìm kiếm sự chở che. Đại khái tôi lửng lơ ở khu vực “boy – friend”, nếu mất cái dấu “ – ” này, tôi sẽ rơi xuống “friendzone”, hoặc cũng có thể ngoi lên thành “boyfriend” thật.
Đôi khi, sự cảm mến ấy dâng trào và gần như đã biến thành chữ “yêu”. Gọi là gần như vì mỗi lần tôi nghĩ chuyện “yêu”, hình bóng Hoa Ngọc Linh lại xuất hiện. Suốt năm lớp 11, tôi vẫn vẽ tặng Linh, vẫn đạp xe qua nhà em sau mỗi buổi học, vẫn gửi cho em hàng đống tin nhắn dù em chẳng bao giờ trả lời. Cũng có lúc, tôi tự nhủ rằng những việc mình làm là vô ích. Thằng Choác từng khuyên tôi dẹp mấy chuyện này:
– Tao thấy mày tặng tranh cho con Linh cứ… ngu ngu thế đếch nào! Chẳng khác gì vác đàn hát ông ổng trước cửa nhà nó cả! Bớt điên đi cu!
Tôi ậm ừ nghe lời nó, song qua vài hôm, mọi chuyện vẫn quay về lối cũ. Một mặt, tôi mong chờ Hoa Ngọc Linh hồi đáp. Mặt khác, tình cảm tôi dành cho cô bé Châu mỗi lúc một lớn. Đứng trước ngã ba, tôi trở nên ngu ngốc và chẳng biết làm gì. Những thằng con trai mười bảy tuổi chỉ điều khiển được thân xác của mình, chứ tâm hồn lạc lối nơi đâu thì chúng nó chịu chết. Thật!
Lừng khừng trước ngã ba, tôi chẳng biết rẽ ngã nào, thành thử quan hệ giữa tôi và Châu chẳng tiến triển gì thêm. Cuộc sống cứ bình lặng trôi đi cho tới mùa Valentine năm 2007…
Để lại một bình luận