Phần 48
Qua đợt chụp x quang, bác sĩ nói mọi thứ đều ổn nên ngay sáng hôm nay em tôi có thể xuất viện. Nhưng để chắc chắn hơn tôi vẫn để nó ở lại cho đến gần trưa mới về. Tất nhiên nó chẳng thích thú gì cả, mùi cồn, mùi người rồi không khí bệnh viện… làm người ta khó mà ở lâu.
– Cho em về phòng đi anh, ở đây chán lắm rồi – nó phụng phịu.
– Vớ vẩn, ở lại xem thêm cho chắc nhỡ về xảy ra chuyện gì thì sao. Qua trưa rồi tao cho mày về.
– Nhưng mà…
– Nhưng nhiếc gì, có mấy tiếng nữa mày cố nốt đi, về cũng có làm gì đâu.
– Ơ.
– Thôi được rồi, anh em nói đúng đấy, chịu mấy tiếng nữa đi, chiều mát rồi về… gì đâu mà… – Uyên vuốt tóc con em an ủi.
– À mà bà ở lại đây trông nó hộ tôi nhé, tôi ra ngoài có tí việc – chợt nhớ đến cuộc gọi của Thắng hôm qua, tôi đứng dậy nhìn đứa bạn nhờ vả.
– Việc gì? Ốm chưa khỏi đâu đấy – Uyên nhăn mặt.
– Ở thì, có tí việc thôi mà. Tôi đi lúc rồi về thôi, có gì tao mua bữa trưa luôn cho.
– Ok, thế ông đi đi, nhớ về sớm đấy.
– Ok.
Chẳng biết hai thằng từng đánh nhau giờ ngồi nói chuyện với nhau sẽ thế nào. Có thêm xích mích hay gì đó không. Nghĩ lại, giọng Thắng tối qua tôi thấy không có vẻ gì là khó chịu hay cáu giận cả. Có chăng là ở phía tôi thôi. Dù gì thì một thằng mới đánh mình tự nhiên gọi điện nhờ vả này kia mà không thấy phiền mới là lạ. Xuống bãi gửi xe, tôi loay hoay mãi mới lôi được con chiến mã ra khỏi đống hổ lốn toàn xe là xe kia. Công nhận, người ta gửi xe qua đêm nhiều thật, đếm sơ sơ cũng ngót nghét vài chục cái là ít. Dắt ra đến cổng bệnh viện, tôi lấy máy gọi cho Thắng.
– Alo – nó bắt máy ngay.
– Ờ, quán nào ấy nhở.
– À… quên mất không nhắn tin cho ông. Ông đến quán gần trường tôi đi, quán XXX ấy.
– Ok. Đến đây.
– Ok.
Đường phố Hà Nội buổi sáng luôn đông đúc, tấp nập. Nhất là những đoạn gần trường đại học, trường cấp 3 hay những khu công nghiệp, công ty. Hết ôtô đến xe máy, rồi cả xe bus nữa mặt đường hầu như chả còn chỗ trống. Người đi làm, kẻ đi học… ai cũng muốn nhanh chóng thoát khỏi cái cảnh tắc đường đầy khói bụi để đến nơi muốn đến. Khốn khổ là ai cũng thế nên đâm ra tắc càng thêm tắc, giá như chịu nhường nhịn nhau một chút có phải thảnh thơi hơn không. Tôi thì chẳng vội lắm, cứ tà tà mà đi đằng nào mà chả đến nơi.
Quán cafe này tôi có vào vài lần, hồi còn yêu Nhung tôi có thi thoảng ghé vào đây làm một ly nâu đá rồi chờ em tan trường. Hồi đấy tôi thích được đón em lắm, chẳng hiểu tại sao mặc dù em cũng có xe như tôi. Sáng em đi bus tới trường, trưa tôi phóng xe đến đón. Cái cảm giác chờ đợi người yêu cùng ly cafe nó ấm áp và ngọt ngào lạ. Y như khi ta nhấp nháp coffee. Tuy có đắng lúc đầu, nhưng chỉ lát sau vị ngọt bắt đầu thấm nơi đầu môi rồi lan tỏa trong miệng. Thật dễ chịu đúng không.
Quán vẫn vậy, vẫn bàn ghế gỗ, vẫn cách trang trí đơn giản, vẫn điệu nhạc du dương êm dịu như ngày nào. Có khác là khác ở chính tôi thôi.
– Đây ông ơi – Thắng vẫy vẫy tay khi thấy tôi đưa mắt tìm.
– Ông uống gì?
– Cho ly nâu đá – tôi kéo ghế ngồi đối diện cậu ta.
– Cho anh một nâu đá em ơi.
Thắng hình như đi một mình, chắc chờ tôi cũng mới đây vì cốc cafe mới vơi đi một ít.
– Ông dạo này thế nào? Cũng ra trường rồi nhỉ?
– Cũng bình thường – tôi lơ đãng nhìn xung quanh.
– Ờm… ừ… cho tôi xin lỗi chuyện hôm trước nhé.
– …
– Thật ra thì… mà ông cũng biết rồi đấy, tôi yêu Nhung cũng 1 2 năm rồi nhưng Nhung luôn tạo khoảng cách với tôi. Có thể trong mắt ông hay mọi người tôi là thằng chẳng ra gì, ăn chơi đua đòi này kia. Tôi chấp nhận, nhưng thật sự tôi yêu Nhung. Từ lúc biết Nhung tôi chưa hề thích hay yêu một ai khác cả. Biết ông với Nhung yêu nhau tôi cũng không trách ông, vì tôi biết Nhung không bao giờ yêu những người không ra gì. Tôi vẫn để ý đến hai người. Nhưng lúc nghe tin ông bỏ Nhung để yêu người khác tôi tức lắm. Cô ấy không xứng bị làm như vậy, cô ấy yêu ông thật lòng, quan tâm yêu thương ông thế mà tự nhiên ông đòi chia tay để đến với người khác. Ông có biết tôi điên lắm không. Nhìn cái cảnh Nhung đi học mà cứ như mất hồn mà tôi càng tức, chỉ muốn đập ông một trận nhừ tử. Nhưng giờ suy nghĩ lại, tôi thấy mình cũng sai. Tôi chả là ai mà xen vào chuyện của hai người. Tôi cũng cảm ơn ông vì đã không nói cho Nhung biết, nếu không…
Thắng nhìn tôi, đôi mắt đỏ au vì tức giận, vì hối lỗi. Tôi chẳng biết nói gì, trong chuyện này tôi cũng sai chứ không riêng gì cậu ta. Lý trí con người lúc mất kiểm soát luôn là một ẩn số. Có người thì trấn tĩnh được, có người thì không. Nhưng đa số là theo vế thứ hai. Nếu tôi là Thắng chắc tôi cũng làm vậy. Có lẽ tôi nên bỏ qua tất cả để hai người có thể làm bạn với nhau hoặc chí ít sau này có gặp cũng chào nhau được một câu. Càng làm to chuyện càng rắc rối, mà tôi là đứa không thích những chuyện này tí nào. Thêm bạn bớt thù.
– Quên chuyện ấy đi, dù sao thì tôi cũng có lỗi, từ nay đừng nhắc lại nữa – tôi lên tiếng.
– Cảm ơn ông.
– Ừ, mà nay gọi tôi ra đây có chuyện gì?
– À… thật ra… tôi muốn nhờ ông chuyện… tôi với… Nhung.
– Nhung… – tôi bất ngờ.
– Ừ… tôi biết nhờ ông chuyện này chẳng hay ho gì, nhưng nghĩ lại thì chỉ có ông mới giúp được tôi.
– Vậy… chắc là…
– Ừ, tôi muốn ông giúp Nhung mở lòng với tôi.
– Chuyện này…
– Tôi biết tôi là thằng chơi bời nghịch ngợm, nhưng tôi yêu cô ấy, tôi sẽ cố thay đổi để tốt hơn. Mấy hôm trước tôi suy nghĩ nhiều lắm, chắc vì tôi này kia nên Nhung mới không thích tôi.
– Không hẳn như thế… nhưng em ấy không đơn giản để ông làm em ấy để ý đâu.
– Vậy tôi mới muốn ông giúp tôi.
– Ừm…
– Chẳng lẽ ông muốn Nhung cứ mãi yêu đơn phương ông như thế à.
Tôi khẽ rùng mình. “Yêu đơn phương” cái tình cảm làm người ta đau khổ, mệt mỏi mà chẳng một ai mong muốn. Thế mà tôi đang đặt cái tình cảm ấy cho em. Tôi biết, biết chứ nhưng không sao gỡ nó ra khỏi em được. Tôi sợ lắm, nếu chẳng may tôi làm sai điều gì với em, em lại đau khổ thêm một lần nữa thì tôi phát điên mất. Giờ Thắng xuất hiện và đưa cho tôi cách gỡ nút thắt ấy, tôi vẫn phân vân không biết có nên hay không. Vì nghĩ kĩ thì cũng chỉ 50 – 50 mà thôi.
– Cho tôi thêm thời gian được không? Bởi vì… haizz – tôi thở dài.
– Tôi biết, giờ Nhung đang yêu ông mà ông lại giới thiệu cô ấy cho người khác, ép buộc Nhung phải có tình cảm với người đó. Thực sự rất khó khăn cho ông, mà lỡ Nhung không thích thì không biết sẽ xảy ra chuyện gì. Nhưng… ông phải tin ở tôi, tôi yêu Nhung chẳng kém gì ông cả. Tôi cũng sẽ khiến cô ấy yêu tôi như từng yêu ông.
– Tôi trả lời ông sau được chứ? Giờ tôi đang rối lắm.
– Thế cũng được, vậy khi nào nói chuyện sau nhé, giờ tôi cũng phải về rồi.
– Ừ, ok.
Thắng đứng dậy gửi tiền cafe cho cả hai rồi đi trước. Tôi vẫn ngồi đấy, tôi muốn được một mình lúc này. Mấy ngày nay xảy ra quá nhiều chuyện làm tôi trở nên nặng nhọc, mệt mỏi. Giá như tôi được đi đâu đó thật xa Hà Nội này, được thả mình vào một nơi xa lạ để trút hết những phiền muộn kia thì hay biết mấy. Gọi thêm một đen đá, tôi nhâm nhi vị đắng của cà phê, vị êm dịu của bản nhạc không lời không rõ tên. “Giờ này em đang làm gì nhỉ?”. Tôi lại nhớ em, nhớ nụ cười ánh mắt ngây ngô của em. Nhớ những lần đưa em đi dạo quanh hồ Gươm, những lần phượt xe bus cùng em, nhớ lần em ôm tôi từ phía sau khi tôi nấu cơm cho em… Mỗi lần nhớ là mỗi lần tim tôi lại loạn nhịp và kèm theo đó là nỗi đau day dứt mà em dành cho tôi.
Tôi muốn gặp em lắm, gặp để nhìn thấy em, gặp để nỗi nhớ trong tôi bớt sôi sục, gặp để em lại trao cái ôm đầy tình yêu như trước.
– Ông đi đâu mà lâu thế? – Uyên lải nhải trong điện thoại.
– Ờ, về giờ đây.
– Có chuyện gì à? Sao nghe giọng khác thế?
– À… ờ… có chuyện gì đâu? Thôi tôi cúp máy đây.
– Ok, nhớ mua đồ ăn trưa đấy.
– Rồi.
Dập máy, tôi đứng dậy gửi tiền nước rồi ra về. Mới đây thôi mà đã gần 10h trưa, trong quán cũng còn lác đác một vài khách ngồi làm bạn với laptop. Ngoài đường, xe cộ cũng thưa hơn, tôi một mình một đường chậm chậm thả theo cơn gió thu dịu mát.
Hiện tại.
– Anh ơi, ra đón em, em chuẩn bị đến bến rồi – em tôi nay lên Hà Nội.
– Rồi, chờ tao tí… oáp.
– Giờ mà anh còn ngủ à, nhanh ra đón em đi, mưa quá – nó quạu.
– Biết rồi, nói nhiều.
Ném điện thoại sang bên, tôi lồm cồm bò dậy trong mệt mỏi. Đi làm cả tuần giời mãi mới được nghỉ để ngủ bù thì con em nó phá. Biết thế bảo nó bắt xe ôm cho xong, trời thì mưa mấy hôm nay làm tôi chỉ muốn ở phòng ôm chăn ngủ. Giờ cũng sắp lập thu nên thời tiết bắt đầu thay đổi, hôm nắng hôm mưa thật là khó chịu. Vì dậy muộn, tôi đành nhịn đói đi đón nó. Tính xuống quán bún của bác đầu ngõ làm bát cho ấm bụng nhưng thấy mưa quá, sợ nó chờ lâu dính mưa về ốm thì khổ tôi.
– Anh đi đón cái TA à – Dung lúi húi phơi quần áo ngoài hiên.
– Ừ, mà mưa này em cũng giặt quần áo à.
– Không giặt thì lấy gì mà mặc anh.
– Ôi dồi, anh thấy 2 đứa em cả tủ quần áo to tướng cơ mà, lo gì – tôi cười hềnh hệch.
– Trong đấy toàn chăn với quần áo mùa đông đấy anh ạ, đâu ra mà lắm quần với áo.
– Thế sang đây anh cho mượn quần đùi áo ba lỗ của anh mà mặc hề hề.
– Thôi em xin, thế thà em mặc bikini còn hơn – Dung lè lưỡi.
– Uầy, thế mặc thôi ha ha.
– Cấu chít anh giờ, lượn đi cho em phơi nốt cái – con bé bặm môi dơ tay dọa tôi.
– Hề hề anh phắn đây.
– Xì.
May trời đổ mưa to nên đường xá vắng vẻ hơn chút, khổ cái lắm chỗ bị ngậm sâu làm tôi phải khổ sở nắn ga phóng qua. Nhìn bên đường có mấy chị đi tay ga chết máy do thiếu kinh nghiệm mà tội. Hỏng xe trời này thì mấy anh sửa xe tha hồ mà chặt chém. Hà Nội nhộn nhịp, đẹp đẽ là vậy nhưng cứ vào mùa mưa là lại thành “Hồ Hà Lội”. Mấy năm rồi mà chả cải thiện được cái cảnh “hóa ao, hóa sông bất thình lình” này. Đến chán.
– Anh làm gì mà lâu thế, mưa ướt hết rồi – con em nhăn nhó.
– Tao phải đi qua 3 cái ao với 2 con sông mới đến được đây đấy.
– Hả? Ao nào, sông nào? – Nó ngạc nhiên.
– Kia kìa – tôi chỉ tay ra chỗ ngập gần bến xe.
– Ôi giời, lắm chuyện, về nhanh không em ướt hết ba lô quần áo giờ.
Lúc đi đã khó rồi, giờ về càng khó hơn. Chỉ tại phải chở thêm con quạ ngồi sau nên xe đi đằm hơn, làm tôi vất vả kéo ga đạp phanh mới qua được hồ nước. Mà nó ngồi sau cũng không chịu yên, cứ qua vũng nước là hét toáng lên rồi kéo áo tôi giật mạnh vì sợ bị bắn lên quần với giày nó.
– Con thần kinh, biết trên này mưa mà mày còn đi giày với tất – tôi vừa lái vừa cáu.
– Không đi giày chả nhẽ em đi chân đất.
– Ơ hay, dép mày đâu.
– Lúc về em có mang về đâu.
– Sax, tao lạy mày ngồi im cho tao nhờ.
– Xí.
Không biết có phải nó tuổi chuột, tôi tuổi gà hay không mà nó cứ ám tôi như ám quẻ. Bao nhiêu lần dở khóc dở cười với nó rồi. Ôi con em quý hóa của tôi.
– Anh ơi.
– Gì.
– Tí đến chợ em mượn dép anh đi nhá.
– Thần kinh, mày mượn làm gì.
– Em đi chứ làm gì anh hỏi lại.
– Thế chân mày đang đi cái gì kia.
– Thì em đưa giày em anh xách còn em đi dép anh.
– Con lạy mẹ, mày định để tao xách giày cho mày còn tao đi chân đất vào chợ à.
– Ơ thì anh đứng ngoài này thôi em vào một mình.
– Mưa to thế này mày định để tao tắm mưa à.
– Anh đang mặc áo mưa còn gì.
– Sax.
Tôi bó tay với nó luôn, kết quả sáng hôm đấy có thằng con trai đứng mặc áo mưa ngồi xe máy hứng mưa và đi chân đất.
– Mày mua gì mà lâu thế? – Tôi hầm hè.
– Đứng có tí mà đã cáu rồi.
– Tao cho mày đội mưa về nhá.
– Ấy thôi, anh treo đồ lên xe đi em lên xe rồi về mưa quá.
– Dép tao.
– Thôi anh đi chân đất đi còn mỗi đoạn.
“Hạn hán lời” với nó luôn. Thật là một ngày nghỉ điên rồ. Nói thì nói vậy, có nó lên tôi đỡ khổ đi phần nào. Đỡ phải ăn mì tôm, đỡ phải phiền Nhung nấu, đỡ phải dọn phòng giặt quần áo. Tôi đi làm suốt nên việc ở phòng hầu như nó cáng đáng hết. Tôi chẳng muốn thế đâu, nó năm nay bước sang năm ba rồi, bắt đầu chương trình học chuyên ngành nên khá mệt với nặng. Mà giờ còn để nó lo việc phòng nữa thì thời gian đâu mà học với nghỉ ngơi. Biết thế nên khi rảnh tôi cũng phụ nó nấu cơm, phơi quần áo hay đơn giản như gấp chăn màn cho gọn. Những lúc này tôi chỉ muốn quay lại cái thời sinh viên, bớt lo bớt nghĩ.
– Ai chà, nay TA lên rồi đấy à, có mua quà cho bọn chị không đấy – bé Phương lon ton vào phòng.
– Hi, ở quê cũng mưa nên em chả mang được hoa quả đâu, có mỗi ít kẹo thôi – nó đang nấu canh cũng hớn hở hóng.
– Tiếc thế, làm bọn chị ngóng mãi.
– À thế chị với chị Dung lên bao giờ đấy ạ.
– Bọn chị lên được tuần nay rồi, lên sớm thôi chứ ở nhà mãi cũng chán.
– Vâng, em định mấy nữa mới lên cơ nhưng lên còn nuôi ông anh em nữa – nó nháy tôi.
– Tao sút cho mày cái, vớ va vớ vẩn.
– À đấy, mà sao lúc nãy em thấy anh đi chân đất lên thế? Dép anh đâu? – Phương quay sang tôi.
– Em hỏi con quạ kia kìa.
– Là sao TA?
– À thì… tại em đi giày đi chợ sợ ướt hết lên mượn dép anh em đi tạm hì hì.
– Tạm cái đầu mày.
– Ơ em thấy đúng mà, chả nhẽ anh bắt nó đi giày cho ướt hết à?
– Sax.
Thế là tôi lại làm trò hề cho 2 đứa nó cười. Một mình lẻ loi một dãy cũng khổ thật.
– Chị Nhung, chị đi đâu về mà người ướt hết thế này?
Để lại một bình luận