Phần 168
Tôi giật bắn người như bị sét đánh vì chả hiểu mô tê gì sất:
– Gì kì vậy ? Sao anh Triết lại nói thế ?
– Em cũng không biết gì nhiều, nhưng có hôm bữa em với chị hai đi chơi, thì anh Triết bảo cùng sang nhà chị Mai luôn ! – Trân giải thích.
– Rồi sao nữa ? – Tôi liếm môi.
– Thì qua đó, mà bấm chuông hồi lâu chị Mai mới ra mở cửa, nhìn mắt đỏ hoe à ! – Cô bé hạ giọng kể lại.
– Ừm…. ! – Tôi lúc này biết quá rõ đó là khi nào.
– Anh làm gì mà chị Mai khóc vậy ? – Trân nheo mắt nhìn tôi.
– Không… không có, em kể tiếp đi ! – Tôi lúng búng đáp.
– Thì vô nhà ngồi, mà lúc đó im ru luôn, em cũng chỉ biết nhìn, chị Mai thì cũng im lặng, mà trông chị ấy mệt mỏi lắm, chả buồn nói gì !
-……… !
– Rồi hồi sau tự dưng anh Triết đập bàn bảo…… ! – Đến đây Trân ngập ngừng nhìn sang tôi.
– Anh Triết bảo sao ? – Tôi hỏi dồn.
– Bảo ” cái thằng đó, anh mà gặp lại thì đập một trận cho chừa “, hic !
-………. !
– Rồi lúc đó chị Mai mới bảo là chuyện không có gì, nói anh Triết có hiểu gì đâu mà nói như vậy !
– Ừm…. !
– Nhưng anh Triết hình như là không đồng ý, rồi nói từa lưa, chị hai em phải bảo đi về để chị Mai nghỉ ngơi thì ảnh mới chịu thôi !
-…….. !
Đến đây tôi đã hình dung ra khung cảnh một ngày nào đó nếu bất chợt tôi gặp lại anh Triết ngoài đường, thì có lẽ ông anh này sẽ không ngần ngại gì mà lao vào tẩn tôi một trận nên thân, tanh bành sương khói. Nhưng cũng đúng thôi, tôi không trách gì cả, đó là bổn phận của người làm anh phải bảo vệ em gái mà, phải tôi làm anh trai thì tôi cũng đập thằng sở khanh làm buồn lòng em gái tôi rồi. Mà ác nỗi, vẻ như cái nhân vật sở khanh lại đang là tôi bây giờ mới đau chứ !
– Mà anh nói thật em biết đi, anh với chị Mai cãi nhau à ? – Trân nhìn tôi nói giọng nài nỉ.
– Không… chuyện… phức tạp lắm ! – Tôi bối rối trả lời.
Thấy tôi ngồi thừ người ra chẳng muốn nói gì, bé Trân cũng hết ham hỏi han gì nữa, lặng im ngồi nhìn ra phía biển, thỉnh thoảng lại nhặt những quả dương khô quắt rơi trên cát lại mà thảy đi lăn tròn lông lốc, rồi vô tư cười khúc khích nhìn mấy đứa nhỏ chạy giỡn ầm ầm trước mặt.
Bất giác tôi nhớ lại cái hôm mà tôi, Tiểu Mai, cu Bột và Bồ Câu cùng nhau nô đùa cũng chính tại nơi này, bốn người chúng tôi cũng chạy giỡn suốt buổi, tiếng cười giòn tan của bọn trẻ hoà lẫn vào thanh âm vui tươi trong trẻo của Tiểu Mai, thề có trời đất rằng khoảnh khắc đó tôi đã tưởng như chúng tôi là một gia đình vậy. Để rồi như dã tràng xe cát bị sóng biển cuốn trôi, ít lâu sau tôi tàn nhẫn bỏ rơi nàng trong đêm mưa, và hôm sau lại lạnh lùng cười nói cùng Khả Vy, khiến nàng phải bỏ về ngay giữa buổi học, phải… ừ đúng rồi, hẳn là nàng đã khóc, đã buồn khổ một mình.
– ” Vậy mà em vẫn bênh vực tôi sao ? Vẫn còn… để lại áo mưa cho tôi, vẫn đối xử tốt với tôi như không có chuyện gì xảy ra. Sao vậy chứ ? Tôi đâu có gì để khiến em phải… sâu đậm đến vậy ? Tiểu Mai….. ! ” – Tôi đưa mắt buồn bã nhìn ra biển, thấy lòng mình trống trải, chơi vơi một khoảng trời xanh rộng lớn.
Đã không nghĩ đến thì thôi, nhưng mỗi lần nhớ lại những việc xảy ra giữa mình và Tiểu Mai, tôi lại thấy buồn nỗi buồn miên man, da diết nhưng lại không thể bộc lộ ra ngoài. Chỉ biết cố chôn chặt trong tim, hi vọng dùng phương thuốc thời gian đè nén lại mọi kỉ niệm. Và quả thật thời gian luôn là liều thuốc hiệu quả, suốt hơn tháng hè vừa rồi tôi đã hầu như quên được Tiểu Mai, chỉ có thỉnh thoảng chạy ngang nhà nàng thì tôi có nhìn thoáng qua căn nhà có cánh cổng sắt màu đen nay đã đóng kín. Ở bên cạnh Khả Vy, tôi hoàn toàn có thể không nghĩ gì đến Tiểu Mai nữa, đi chung với bọn K mập, tôi cũng không mảy may bận tâm gì về nàng nữa. Những tưởng chuyện sẽ là như vậy, mọi việc sẽ chỉ đơn thuần rằng tôi đã thấy thanh thản và nhẹ nhàng mỗi khi nghĩ đến Tiểu Mai, thì hôm nay bé Trân lại vô tình gợi lại trong tôi, khuấy động lại mảng kí ức được ẩn dưới bề mặt yên bình mà tôi tự tạo ra.
– Về thôi anh, tối rồi kìa ! – Trân giật giật tay làm tôi choàng tỉnh, thoát ra khỏi những dòng suy nghĩ dài miên man bất tận.
– À… ừ… em về chung với tụi anh luôn ha ? – Tôi ngơ ngác.
– Tụi nào nữa, bạn anh về hết từ nãy giờ rồi ! – Cô bé thở dài nhìn tôi vẻ tội nghiệp.
– Vậy… à, ừm, về thôi ! – Rồi tôi nhổm người đứng dậy.
Dọc đường về, tôi cứ mải mê theo đuổi những suy nghĩ trong đầu mà chẳng buồn tán chuyện với bé Trân, chỉ thỉnh thoảng gật đầu ừ hử cho qua. Thấy tôi như thằng đần điên đảo vì tình, cô bé cũng thôi làm phiền mà chào tạm biệt rồi rẽ sang hướng khác, để tôi ở lại thẫn thờ chạy lếch thếch trên đường như người bị mất sổ gạo.
Giờ tôi phải làm sao đây ? Thà là không biết thì thôi, chứ đã biết Tiểu Mai vì tôi mà buồn đến mức ấy rồi thì lại thấy trong lòng cứ bứt rứt không yên, y như thể tôi là thằng tội đồ của đất nước vậy. Nhưng biết thì làm được gì, tôi giờ đâu thể lại quay sang đối tốt với Tiểu Mai, vì chắc chắn Vy sẽ biết, mà tôi thì thật lòng lại đang rất thích em ấy, hơn rất nhiều so với Tiểu Mai, hay… ít nhất là những ngày hè vừa qua đã làm tôi đoan chắc rằng hiện thời tình cảm của tôi là như vậy.
– ” Thôi thì… hôm nào Tiểu Mai gọi điện, mình… cố gắng nói chuyện lâu hơn, kể thật nhiều chuyện vui cho nàng vậy ! “.
Mãi đến lúc về đến nhà, tôi mới chốt lại suy nghĩ bằng một biện pháp vô thưởng vô phạt, mục tiêu là bù đắp phần nào cho Tiểu Mai, nhưng cách làm thì lại chỉ đơn giản và vô cùng nghèo nàn rằng tôi sẽ chỉ cố nói chuyện nhiều hơn với nàng.
Thế nhưng những ngày sau đó, tôi đợi mãi mà cũng chẳng thấy một cuộc gọi điện thoại nào từ Tiểu Mai, dù rằng cứ hễ chuông reo là tôi nhảy bổ ngay đến và nhấc máy. Và khốn nỗi, chả phải Tiểu Mai gọi điện như đã hứa, mà cũng chả phải là Vy gọi về hỏi thăm, bao nhiêu lần tôi hồ hởi nhảy đến bàn máy thì y như rằng bấy nhiêu lần tôi thất vọng não nề dập máy xuống.
Vài ngày sau, ông anh tôi thi đại học trở về, trưa hôm đó tôi đang ngồi nghe nhạc ở phòng khách thì thấy ổng xách ba-lô lù lù bước vào, vẻ mặt chả hiểu là đang vui hay buồn.
– Sao huynh ? Sao rồi ? Thi sao ? – Tôi mắt sáng trưng hỏi như máy.
– Sao con mắt tao, vừa về đã tra tấn, tránh ra ! – Ổng ném phịch cái balô xuống nền nhà.
– Ớ…. ! – Tôi đần mặt ra vì ngơ ngác, rồi vội quay sang hỏi ba tôi. – Sao ba ? Ổng thi được không ?
Nhưng ba tôi chỉ lắc đầu đáp gọn lỏn ” Cũng được ” rồi bỏ ra sau nhà rửa mặt cùng ông anh, còn lại tôi trơ ra giữa nhà như ông phỗng đá. Mãi đến lát sau, khi mà tôi dâng tận miệng ông anh chai Sing và ly đá mát rượi thì ổng mới chịu hé miệng tiết lộ cho vài câu vàng ngọc:
– Bách khoa thì chắc chắn đậu, Y Dược thì hên xui, đề khó như quỷ ! – Ổng hớp ngụm nước rồi dựa hẳn vào ghế bành.
– Sao thế ? Đề khó lắm à ? Huynh nhắm được mấy điểm ? – Tôi háo hức, mặt nửa cười nửa mếu vì vẻ như ông anh tôi lại sắp nối gót theo các ông anh trước mà rớt Y Dược nữa rồi.
– Mày thôi cái trò hỏi điểm đi, thi xong rồi ngồi đoán mò có ích gì, đề thì khó dàn trời, may mà tao tài năng kinh thế, biến ảo khôn lường mới lật ngược tình thế ! – Ổng tặc lưỡi đáp.
– Là sao ? Đậu rồi à huynh ? – Tôi liếm môi, trong lòng bừng lên 1 tia hi vọng.
– Đậu đậu cái con khỉ, hên thì vừa đủ điểm chuẩn, mà chả biết năm nay trường Y lấy bao nhiêu nữa ! – Ông anh tôi nhăn mặt nạt.
-…… ! – Thấy bộ dạng ổng hung hăng quá tôi cũng hết ham hỏi tiếp, dù rằng rất muốn ổng nói 1 câu động viên rằng ổng sẽ đậu, bởi vì… có vậy thì tôi mới đỡ lo đến số phận mình vào 2 năm tiếp theo.
Ba ngày sau, theo lời của ba mẹ khuyên, hai anh em tôi lại khăn gói về Phan Rang nghỉ hè như mọi năm, phần là để lão anh tôi về quê ” tịnh dưỡng ” sau kì thi lớn nhất của đời người, phần là lệ thường thì hè nào chúng tôi cũng về quê nội. Buổi sáng ngày hôm đó, hai thằng tôi quýnh quáng cả lên xếp đồ vào túi xách vì sắp đến giờ xe đưa rước đến tận nhà đón. Tất cả cũng chỉ vì hồi khuya hôm qua hai ông thức trắng mắt xem World Cup, để rồi sáng nay ngáp vắn ngáp dài lò dò xuống nhà dưới và giật mình nhớ ra là hôm nay mình phải về quê.
– Mày xuống dưới lấy kem đánh răng với khăn lông lên đây, nhanh ! – Ông anh tôi quát.
– Từ từ, đại ca bỏ mấy chai nước vô chưa ? – Tôi đâm quíu.
– Rồi, chết, tao quên mấy cái quần đùi rồi ! – Ổng cũng nháo nhào.
– Ớ, cái áo đó của em mà, sao huynh bỏ vào túi huynh ? – Tôi ngơ ngác.
– Loạn cả lên, điện thoại kìa, mày xuống nghe máy nhanh ! – Ông anh tôi giật thót người khi nghe chuông điện thoại reo ở dưới nhà. – Có khi nhà xe gọi đó, bảo là 10 phút nữa tới !
Tôi phóng ngay xuống chộp lấy điện thoại, quệt mồ hôi trên trán, hồi hộp nghĩ rằng chắc tài xế sẽ chửi bới um sùm vì sốt ruột. Nhưng dè đâu từ bên kia đầu dây là một giọng nói dịu dàng gần gũi mà tôi luôn mong đợi hôm giờ:
– N hở ? Mình nè ! – Tiểu Mai nhẹ nói.
– Ahh….. ừ, N nè ! – Tôi cứng họng mất vài giây mới trả lời được.
– Hì, hôm nay dậy sớm quá nhỉ ! – Nàng khẽ cười.
– Ừ, tại hôm nay N về quê nội chơi, mà xe sắp chạy rồi ! – Tôi đáp.
– Cái thằng kia, mày nhanh lên coi, xe tới trước nhà nè, còn nói cái khỉ khô gì nữaaaa…. !!!! – Ông anh tôi gọi lớn ở phòng khách, đồng thời tôi nghe tiếng động cơ xe rì rì trước nhà.
– Thôi nhé, giờ N phải lên xe rồi, có gì gọi sau ha ! – Tôi vội vàng nói.
– À… ừ, vậy hở ? Về quê chơi vui nha ! – Tiểu Mai cũng vội nói.
– Ừm, đi nhé ! – Tôi nửa muốn dập máy để đi cho lẹ, nửa lại không muốn.
– Ừa… mà này…. ! – Nàng tiếp lời.
– Gì vậy ? – Tôi ngạc nhiên, bụng nóng như lửa đốt vì ông anh lại nổi cơn tam bành ở nhà trên.
– Ừm… giữ gìn sức khoẻ nhé !
– N biết mà, đi nhé, gặp sau !
-……… !
Rồi tôi vội cúp máy, vác balô phóng lên nhà, đi ra ngoài khoá cửa lại, nháo nhào bước vào xe và cố né tia nhìn toé lửa từ phía ông anh đang mặt mày hung tợn thiếu điều muốn ăn tươi nuốt sống tôi vì cái tội đã trễ nải lại còn buông điện thoại.
Thế sự quả là biến ảo khôn lường, chỉ mới cách đây vài hôm tôi còn mong chờ một cuộc điện thoại từ Tiểu Mai để hi vọng có thể gián tiếp xin lỗi nàng, thì chính bây giờ tôi lại là người chủ động cúp máy kết thúc cuộc nói chuyện chỉ vẻn vẹn hơn 1 phút đồng hồ, quả là khó thể nào tính hết cho được những tình huống như này.
Xe chuyển bánh, chốc sau đã chạy ra đến cầu Sở Muối, tôi đưa mắt nhìn lại khung cảnh phố phường quen thuộc của Phan Thiết đang dần tụt lại phía sau, nhường chỗ cho những ruộng muối trắng muốt và những cánh đồng lúa xanh mướt bạt ngàn. Tôi lục balô lấy cuốn sách ra rồi úp lên mặt, tựa người vào ghế rồi chợp mắt, thầm nghĩ chỉ chốc lát sau khi tỉnh dậy, trước mặt tôi sẽ lại là những dãy phố của quê nội quen thuộc và thân thương.
Và đó, là lần cuối cùng của mùa hè năm ấy, tôi còn nghe được giọng nói của Tiểu Mai… !
Để lại một bình luận