Phần 13
Trong cái lều nhỏ ngay bờ suối, Thúy đang ngồi uống bia một mình. Đó là một cô gái trạc 28, 30 với nước da trắng, dáng người cân đối như một vũ nữ. Đặc biệt, thị có khuôn mặt với những nét sắc sảo. Tuy sống trong rừng nhưng Thúy ăn mặt khá chải chuốt và những móng tay vẫn được sơn phết cẩn thận. Qua thái độ đường hoàng của thị, có thể thấy rằng Thúy là một con người tự tin và không có nguy hiểm nào ở đây có thể đe dọa được thị.
Có tiếng bước chân bên ngoài. Một thanh niên có dáng dấp như một thư sinh bước vào. Thúy đưa cho gã một lon bia và hỏi giọng thân mật:
– Có chuyện gì không Tâm?
Vừa mở nắp bia, gã thanh niên tên Tâm đáp:
– Bình thường. Chỉ có thêm ba thằng ngoài thung lũng Khỉ mới vô.
– Tụi nó đang ở đâu?
– Ở gần cây Pơ lăng. – Gã ngữa cổ uống bia với vẻ khoái trá.
– Kệ tụi nó. Nhưng không cho lấn vào địa phận mình nghen!
Tâm gật đầu và nói thêm:
– Ba thằng này trông dữ con. Có thể dùng để chui vô hang Gấu được đó.
– Vậy hả? – Thuý gật đầu – Để tui gặp tụi nó coi thử đã.
Ở dưới suối Sơn đang lúi cúi đãi vàng với ông già mà anh đã quen. Xung quanh họ, hàng chục người khác cũng đang hì hục làm việc.
Được một lúc, Sơn cởi phăng chiếc áo sơ mi buộc vắt lên vai. Anh nói với ông già:
– Trời nóng quá!
Ông già lặng lẽ gật đầu. Họ tiếp tục cuối xuống dòng nước đục ngầu làm việc, bỗng từ trong bụi cây vang lên tiếng gọi thất thanh. Ngay sau đó, Quang – người thanh niên đi cùng nhóm với ông già chạy tới vẻ mặt thảng thốt:
– Bác Bảy. Nguy rồi!
– Chuyện chi? Bình tỉnh cái đã! Ông Bảy đứng sững giữa dòng suối.
Quang đến bên bờ suối với khuôn mặt méo xệch. Anh ta khóc nức lên như trẻ con:
– Sập hầm! Anh Bình cháu!
– Còn những người khác thì sao? – Ông Bảy nói và vội vã lên bờ.
– Bị vùi dưới đó hết! – Quang vẫn nức nở – Tất cả bốn người!
Ông Bảy vất máng ở bờ suối và cùng với Quang chạy khuất vào những bụi cây đến bên hố đào. Sơn cũng vội vã bước lên, đi theo họ. Những người khác sau phút chấn động do cái tin khủng khiếp lại cúi xuống với công việc của mình bằng vẻ thảng nhiên mà họ có thể có. Thậm chí, một gã trung niên còn bình phẩm một câu tàn nhẫn:
– Vậy đó! Vậy là bớt đi được bốn mạng!
Hố đào của nhóm Sơn ngay cạnh hố đào của nhóm ông Bảy. Khi đến nơi, anh thấy ông Bảy và Quang đứng thẩn thờ bên cái miệng hố nham nhở. Bên cạnh họ là Khải và Phi. Thấy Sơn đi tới, Phi lắc đầu với vẻ mặt đăm chiêu. Ngay cạnh đó, Quang đang nhìn xuống hố, nức nở khóc.
Nhìn khuôn mặt tuyệt vọng của Quang và ông Bảy, Sơn hỏi:
– Sao không đào xuống để cứu họ?
Ông Bảy lắc đầu, rơm rớm nước mắt:
– Không đủ sức, chú ơi! Hầm này sâu sáu thước có ba ngách ăn ngang. Biết họ ở đâu mà tìm!
Sơn vớ lấy xẻng, nói giọng kiên quyết:
– Cũng có thể họ ở gần thôi. Chúng ta có năm người. Ngồi nhìn họ chết sao?
Ánh mắt Sơn lướt qua khuôn mặt tuyệt vọng của ông Bảy và Quang, sau đó chuyển sang khuôn mặt của Phi và Khải. Bắt gặp ánh mắt ấy, cả hai đứa lặng lẻ nhìn lảng sang nơi khác. Phi quay người đi, đút hai tay vào túi quần. Hắn nói cộc lốc:
– Bây giờ chỉ có Trời cứu!
Nói xong Phi thảng nhiên đi về phía hố của mình. Khải cũng đi theo hắn. Còn lại Sơn với ánh mắt sững sờ với xẻng trên tay. Ông Bảy nhìn anh lắc đầu:
– Chú tốt bụng quá! Nhưng hết cách rồi.
Chiếc xẻng trên tay Sơn rơi xuống đất. Vẫn buông thỏng hai tay như thế. Sơn cúi đầu đi ra suối. Sau lưng anh, ông Bảy và Quang vẫn ngồi bên cái miệng hố nham nhở giống như những vật hy sinh đang ở bên miệng của một con vật khủng khiếp với cái miệng há hốc đỏ như máu…
Sơn trở lại bên bờ suối. Anh đãi nốt mẻ đất cuối cùng rồi quay lên bờ, đổ đá sỏi xuống tấm vải nhỏ, cắm cuối nhặt nhạnh. Được một ít vàng vụn, anh bỏ vào trong cái lọ Pe – ni – xi – lin. Sau đó, anh thu dụng cụ, trở lại lều. Thấy Sơn. Phi bật dậy, nhìn anh bằng ánh mắt hồi hộp. Sơn lẳng lặng trao cho hắn cái lọ. Phi nhìn lớp vàng vụn bên trong và cười ngoác cả hai hàm răng ám khói thuốc:
– Vậy là được! Trước mắt, khỏi lo chết đói!
Sau đó, hắn xoay sang phía Khải:
– Gọi con Đào – một ả bán quán kiêm thu mua vàng từ các tay đào đãi – kiếm chi ăn đi mậy!
Khải nhanh nhẹn đứng lên đi. Còn lại hai người Phi hỏi Sơn:
– Ban nãy, mày nôn nóng quá đó. Sập hầm, kệ tụi nó! Việc chi mình phải xáp vô?
Sơn nhìn Phi bằng ánh mắt thờ ơ. Phi tiếp tục bằng giọng đàn anh:
– Cất cái nhân đạo của mày đi! Phải lo cho cái dạ dày mình trước đã. Thằng nào vô phước, kệ nó!
Đó là cái sự thật đơn giãn và tàn nhẫn ở thung lũng vàng. Sơn im lặng, không trả lời Phi. Anh biết mình không cần tranh cải điều đó với hắn làm gì.
Có tiếng cười rúc rích từ trong bụi cây và ngay sau đó, Khải cùng với Đào xuất hiện. Trên tay Đào là một túi xách nặng. Bước đến bên cạnh Phi, Đào hỏi nhưng vẫn cầm cái túi trên tay với vẻ cảnh giác:
– Có bao nhiêu đó?
– Chỉ chừng đấy. – Phi trả lời.
Với vẻ thành thạo, Đào cầm cái lọ trên tay lắc lắc và đưa lên nhìn. Sau đó, thị nói một cách chắc chắn:
– Đúng ba phân. Không hơn!
Phi làm bộ không chịu. Hắn kêu lên:
– Sao ít quá vậy?
Đào lắc đầu:
– Chỉ có vậy thôi. Các anh hỏng đồng ý thì bán cho người khác!
Phi đành nhượng bộ:
– Thôi thanh toán đi!
– Có ngay đây.
Đào nói và nhét cái lọ vào trong cái túi nhỏ đeo ở thắt lưng. Sau đó, thị ngồi thụp xuống và bắt đầu mở dây buộc quai túi, lần lượt lôi ra rượu, cá khô và mấy túi thức ăn. Thị nói:
– Lấy cả hay bao nhiêu đây?
Phi lắc đầu:
– Không. Lấy một nửa thôi. Còn dư thối lại tiền cho tụi anh.
Đào gật đầu. Thị lấy thêm một chai rượu rồi thoăn thoắt buộc miệng túi lại. Phi ngó những thứ đã được bày ra mặt đất, chép miệng:
– Còn mắc hơn ngoài thung lũng Khỉ nữa!
Đào thản nhiên:
– Thì ở đây xa hơn… Phần trăm đắt đỏ nhiều hơn!
Khải giở giọng tán tỉnh:
– Đào nè… Ở đây với tụi anh luôn đi! Tụi anh bao mà!
Đào bĩu môi:
– Được ba phân, bao cái khỉ gì! Bao giờ trúng quả đậm, em sẽ luôn luôn ở bên các anh!
Thị dừng lại và nói tiếp bằng cái giọng trơ trẽn:
– Nếu các anh cần, chiều tối em trở lại!
Phi cười tít mắt:
– Ờ, phải đó. Chiều nghỉ ngơi rồi, ghé qua chơi nghen!
– Sẵn sàng liền. – Đào lẳng lơ nhìn đôi mắt của Phi đang hau háu nhìn vào ngực áo hở hang của mình – Miễn là thanh toán xòng phẳng!
– Được, được mà!
– Vậy thì tối em lại. Thôi, bai nghen!
Nhìn theo ả giang hồ khuất sau những lùm cây Khải liếm mép, bình luận:
– Cũng còn ngon đó chứ?
Phi hưỡng ứng:
– Ừ, thì cũng xài tạm!
Hai tên dại gái thích chí cười ha hả. Sơn đang nhóm lửa nướng cá quay lại nói:
– Thôi lo nấu cơm đi. Chiều còn làm.
Khải đứng lên, mang theo gạo và xoong đi ra suối. Sơn đã nướng cá xong, anh lấy giấy, gói những con cá nướng để cạnh bếp lửa rồi đứng lên, đi sang hố đào của nhóm ông Bảy. Ở đây, Quang vẫn ngồi ôm đầu bên cái hố đã chôn sống bốn người – trong đó có anh ruột cậu ta. Ông Bảy đang lúi húi nấu cơm. Nhìn Sơn, ông khẽ gật đầu rồi cuối xuống thổi lửa. Chỉ qua một biến động mà ông Bảy như già hẳn đi. Ông bó gối ngồi nhìn bếp lửa với đôi mắt âu sầu, mệt mỏi.
– Chú ngồi xuống đây.
Sơn bước lại, ngồi xuống cạnh ông Bảy.
– Giờ bác tính sao? – Anh hỏi.
Ông Bảy thở dài ngao ngán:
– Còn tính sao nữa! Về thôi! Ngán quá rồi!
Họ ngồi im lặng. Một lúc sau ông nói nho nhỏ:
– Thiệt là bạc đầu còn dại! Đâm đầu vô chốn rừng núi để mong làm giàu. Sao mà tôi ngu thế không biết!
Sau câu nói chua chát, ông quay sang phía Sơn ân cần:
– Chú là người tử tế, tôi mới nói… Ở đây chỉ mang vạ vào thân. Chỉ có bọn buôn bán đầu nậu là làm giàu. Còn như tụi mình mang được xác về là may mắn lắm rồi! Về luôn với tụi tôi đi. Rồi kiếm nghề khác mà mần ăn.
Sơn trầm ngâm trước những lời nói chân thành của người nông dân già. Nhưng chính trong phút đó trong anh bỗng thoáng hiện lại những hình ảnh câm lặng: Đó là khuôn mặt đểu giả của vợ chồng Bảy, tiếp đến là khuôn mặt của Kim Anh với đôi mắt đau khổ giả tạo khi thông báo với anh cô đi lấy chồng, rồi khuôn mặt đứa em gái giờ đây lưu lạc nơi nào không biết sống chết ra sao…
“Trở về ư? Nhưng về đâu? Mày làm gì trong cái xã hội đã quay lưng với mày? Đã trót đâm lao thì phải theo thôi. Theo cho đến cùng, rồi ra sao thì sao. Mà tụi nó có cho mày yên ổn trở về không? Vì như vậy là bỏ cuộc, là vi phạm luật chơi, là phản bội. Chúng nó sẽ không chịu! Trở về ư? Nhưng về đâu? ”
Cái điệp khúc buồn bả ấy cứ vang lên. Sơn quay sang ông Bảy. Anh khẽ lắc đầu với ánh mắt đăm chiêu:
– Cảm ơn bác! Nhưng cháu không thể trở về được!
Để lại một bình luận