Từ sau khi được tuyển vào công ty bao bì Thanh Phong, cuộc sống của vợ chồng Oanh dễ thở hơn hẳn.
Nếu trước kia chỉ dựa dẫm vào những đồng tiền bán tranh ít ỏi không ổn định của chồng thì giờ đây Oanh trở thành người kiếm tiền chủ lực nuôi sống gia đình.
Vốn đã quen với cuộc sống khốn khó nên Oanh rất biết chắt chiu, nhờ vậy mà nàng đã xây được một căn nhà phố khá xinh xắn.
Tuy chỉ có một lầu và hai phòng ngủ nhưng ngôi nhà rất ấm cúng khang trang đầy đủ tiện nghi.
Áp lực tài chính cũng không còn đè nặng lên cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ.
Thế là ổn rồi, Hoàng sẽ có nhiều thời gian và cảm xúc để gửi hồn vào những tác phẩm của mình, thoát được cảnh phải chăm chăm vẽ bằng được một bức tranh nào đó để mong bán kiếm tiền.
Anh căm ghét thứ nghệ thuật bị đồng tiền chi phối.
Từ lúc cuộc sống khó khăn là hai vợ chồng đã không dám sinh con dù Oanh đang ở lứa tuổi hừng hực sức trẻ, thế nên nàng quyết định đặt vòng.
Nay đã bước sang tuổi 25, cái tuổi đẹp nhất để sinh nở lại bị công việc quấn đến bù đầu, càng không có cơ hội nghĩ đến chuyện con cái.
Nghèo túng cũng khổ, có chút ít tiền lại càng khổ.
Oanh là cô gái năng động có tố chất thông minh nên luôn thể hiện được sự vượt trội hơn người.
Nàng thăng tiến rất nhanh và cũng nhờ sự lanh lợi nên được chọn làm trợ lý giám đốc.
Sếp cũng là chủ công ty, hơn Oanh đúng một con giáp.
Từ ngày có thêm cánh tay đắc lực, chàng sếp trẻ đỡ vất vả rất nhiều.
Oanh biết cách sắp xếp thứ tự công việc và luôn nhắc nhở sếp Phong thực hiện đúng theo trình tự đó.
Nhờ vậy mà không một chi tiết nhỏ nào bị bỏ sót, không một đối tác nào bị sai hẹn.
Một sự phối hợp nhịp nhàng và hoàn hảo êm đềm trôi theo thời gian.
Công ty ngày một lớn mạnh, quan hệ đối ngoại càng mở rộng thì Oanh càng bị cuốn vào vòng xoáy công việc.
Nàng không còn thời gian dành cho tổ ấm của mình, những bữa cơm với chồng vốn là linh hồn của một gia đình đầm ấm cũng thưa dần rồi mất hẳn.
Chiếc xe đạp dựng chống trước cổng rào, Uyên bấm chuông một hồi lâu mới thấy Hoàng từ trong nhà đi ra. Anh cởi trần mặc mỗi chiếc quần bò nhìn Uyên tươi cười.
– Hôm nay rảnh rỗi hả em? – Hoàng mở cổng rào rồi ga lăng dắt xe cho Uyên.
– Dạ, bài vở xong rồi nên cũng rảnh anh hai à. Chị hai có nhà không anh?
– Chắc hôm nay lại về trễ nữa rồi. Dạo này chị em bận túi bụi, tội nghiệp quá, anh không biết làm sao để chia sẻ với cô ấy. À, mà em ăn uống gì chưa?
– Dạ chưa anh hai. Em từ ký túc xá qua thẳng đây luôn, bên đó giờ ồn quá chứ không còn yên tĩnh như lúc đầu.
– Chỗ công cộng mà, phải chịu thôi. Anh đang định nấu cơm chiều, vậy ở lại ăn cơm với anh luôn nha?
– Dạ. Hay anh để em nấu cho, anh có việc gì thì cứ làm đi.
– Biết nấu không đó cô nương?
– Trời, đừng có coi thường sinh viên sống xa nhà nhé. Tự thân vận động không đó.
Uyên bắt tay ngay vào loại công việc mà mình đã được chỉ dạy từ khi còn sống với cha mẹ.
Nay họ đã quy tiên cả rồi nên hai chị em trở thành mồ côi, nương tựa nhau mà sống.
Tiền học của Uyên cũng do Oanh chu cấp.
Đã nhiều lần Oanh bảo dọn về đây ở cho thoải mái nhưng con bé không chịu vì sợ phiền anh rể.
Mới nghe cái tên Mỹ Oanh, Mỹ Uyên chắc ai cũng nghĩ là hai chị em sinh đôi nhưng thực ra cách nhau đến bảy tuổi.
Cũng may khi Oanh có công việc ổn định với thu nhập cao thì đứa em mới bắt đầu vào đại học, không thì chẳng biết lấy gì để con bé có thể học tiếp.
Chỉ có học mới có cơ hội thoát nghèo, đó là điều mà Oanh đã đúc kết được từ cuộc đời nàng.
Bữa cơm chiều nhanh chóng được dọn ra bàn. Lâu lắm rồi mâm cơm mới có hai cái chén và hai đôi đũa. Điều đơn sơ đó chợt khiến cho một gã đàn ông tự thấy mình kém tài nghe lòng ấm áp.
– Bé Uyên nè, sao em không về đây ở? Nhà còn trống hẳn một phòng kia mà?
– Dạ… chị hai cũng muốn vậy, nhưng mà… thấy ngại quá anh hai à!
– Ngại là sao chứ? Việc ai nấy lo, không gian của ai nấy sinh hoạt, có đụng chạm gì đâu mà sợ? Anh thấy sống ở ký túc xá thì tốt đó, nhưng cũng lắm chuyện phức tạp à nha.
– Dạ đúng là vậy đó anh. Đám bạn của em nó Tây quá, hết đứa này tới đứa khác đem bồ về tận phòng âu yếm. Em nhìn mà phát ngượng, vậy mà tụi nó tỉnh rụi như chung quanh chết hết rồi không bằng.
Có tiếng xe hơi dừng trước cổng, một giọng nam và một giọng nữ trao đổi gì đó rồi xe rời đi. Tiếng mở cổng rồi đóng cổng, tiếng giày cao gót quen thuộc gõ trên khoảng sân nghe lớn dần đến khi vào phòng khách. Oanh ném túi xách lên bàn, co chân cởi đôi giày cao gót vứt bừa đâu đó, đôi chân thon thon được giải phóng khỏi gò bó thật thoải mái làm sao. Nhìn thấy chiếc xe đạp dựng ngoài sân là Oanh đã xác định được người khách đến nhà.
– Ai da… chắc trời sập tới nơi nên mới thấy dì ba ghé qua thăm anh chị hén! Học hành sao rồi cưng?
– Chị hai mới về!
– Ừ – Oanh mở tủ lạnh lấy chai nước nốc một hơi.
– Em đi tị nạn đây.
– ???
– Đám bạn con gái ở chung phòng nó đang làm loạn cả lên, ghét gì đâu.
– Ha ha… đã nói trước rồi, biểu dọn về đây ở đi không chịu.
– Dạ… chắc kỳ này phải làm như chị nói quá chứ em chướng lắm rồi.
– Nãy giờ anh cũng đang thuyết phục đây. Cứ nói ngại, mà ngại cái gì mới được?
– Con nhỏ này càng lớn càng ra vẻ. Giờ tui cho cô ở chung, coi như cho nợ tiền nhà. Sau này ra trường đi làm thì trả lại, vậy được chưa?
– Dạ. Vậy thôi đầu tháng em chuyển về đây cho yên để còn chú tâm học hành chứ kiểu này chắc em chết sớm.
– Sao hôm nay bà xã về sớm vậy? Em ăn cơm luôn nha?
– Thôi khỏi anh, mới ăn với khách hàng trước khi về. Giờ em đi tắm cái đã.
Khuôn mặt hiền lành của Hoàng chợt buồn rười rượi. Dù cố ra vẻ bình thường nhưng Uyên vẫn nhận thấy. Chị hai cũng tệ thiệt, lấy được ông chồng hiền như cục đất mà không biết quý, cứ mở mắt ra là đi mất dạng đến tối khuya mới về. Kiểu này mất chồng như chơi. Uyên khẽ lắc đầu nhìn Hoàng ngao ngán.
Để lại một bình luận