Phần 8
Lại nói một chút về kinh doanh.
Bây giờ mình sẽ đổi chủ đề một chút, từ tình yêu chuyển sang kinh doanh. Mình đã suy nghĩ có nên viết bài này không hay chỉ kể lại chuyện tình cảm, cuối cùng mình quyết định viết vì nếu không thì cả những chuyện yêu đương về sau cũng sẽ không được rõ ràng.
Năm 2003 là năm bước ngoặt đối với mình. Trước đó mình chỉ làm thương mại, nói đúng hơn là làm đại lý độc quyền cho một công ty lớn của châu Âu. Mình là người khai phá thị trường cho công ty đó tại Việt nam, đổi lại thì trong một thời gian, công ty đó cho mình toàn quyền thương mại: Hàng hoá, giá cả, marketing, thị trường… cứ thế cho đến năm 2002.
Những bạn đã có kinh nghiệm trong ngành phân phối hàng hóa có lẽ đều biết, các công ty lớn của Âu Mỹ khi thâm nhập thị trường thường dùng các công ty bản địa để dọn đường. Họ chọn một nhà phân phối, đặt giá tương đối thấp và thực hiện việc giám sát vòng ngoài. Đến khi doanh thu tại chỗ lên đủ cao thì nhà sản xuất sẽ nhảy vào cuộc, trực tiếp nắm lấy quyền kinh doanh và cắt đứt nhà phân phối bản địa, hoặc sẽ nâng giá bán và biến nhà phân phối thành một dạng như người khuân vác cao cấp, với lãi suất phân phối chỉ chừng 4 – 5%.
Kịch bản tương tự đã xảy ra với mình năm 2003. Năm 2002, vị đại diện khu vực – ân nhân của mình hết nhiệm kỳ về nước (và về hưu luôn), tay đại diện mới sang chỉ hơn mình 4 tuổi, đúng kiểu người kinh doanh hiện đại: Nhanh nhẹn, quyết đoán và lạnh lùng. 4 tháng sau khi nhậm chức hắn hẹn gặp mình, thông báo “Từ sang năm bọn tao sẽ nắm các quyền quản lý chiến lược, marketing và bán hàng. Việc của chúng mày là nhận đơn hàng, chở hàng đến và thu tiền. Lợi nhuận sẽ là 4, 5%, miễn thương lượng!”
Mình không quá bất ngờ vì đã phần nào đoán trước được chuyện đó. Tất nhiên không bao giờ mình có ý định làm phu khuân vác, nên mới bắt tay ngay vào nghiên cứu ý tưởng sản xuất đang hình thành trong đầu.
Ý tưởng đó tới một cách khá tình cờ. Đầu năm 2003 mình đến thăm chị khách hàng ở khu chợ Bình Tây, đang nói chuyện thì một người vào hỏi một loại nguyên liệu, chị nói hết rồi. Mấy phút sau lại có người gọi điện thoại hỏi đúng thứ đó, chị mới than vãn với anh chồng “Dạo này đứt hàng nhiều quá, nghe khách hỏi mà rầu hết cả ruột”. Mình ngồi đó chỉ thuận miệng hỏi “Cái này Việt nam không ai làm hả chị?”
Chị khách hàng lắc đầu ngay: “Có người Hoa thử rồi nhưng khó quá không làm nổi. Chú mà làm được, chị bao tiêu ngay 100%!” Trở về nhà mình bắt đầu nghiên cứu, theo lý thuyết thì loại nguyên liệu đó không quá phức tạp, nhưng thiết bị đắt tiền và cần một số bí quyết sản xuất nên Việt nam vẫn phải nhập khẩu hoàn toàn.
Sau khi nghe thông báo của tay đại diện, mình mới dốc sức tìm kiếm, huy động tất cả các người quen ở Mỹ, Nhật và châu Âu để tìm nguồn chuyển giao công nghệ. Cuối cùng may mắn đã tới từ nơi ít hy vọng nhất là cậu bạn Hà Lan cùng học hồi đại học, bạn của bố cậu ta chính là một chuyên gia về lĩnh vực này, hay nhất là ông ta đã về hưu và không có ràng buộc với công ty nào nữa.
Vậy là phần khó nhất đã giải quyết xong, đến khâu xây dựng và thiết bị. Đến đây mình mắc phải một sai lầm lớn là gọi người góp vốn, nhưng người đó lại là bạn bè.
Đó là hai anh em bạn cùng học với mình hồi phổ thông. Ngoài việc gánh đỡ về tài chính, còn có lý do là người em rất giỏi tiếng Trung. Vì thiết bị châu Âu quá đắt nên sau khi tham khảo chuyên gia, mình quyết định mua chừng 1/3 dây chuyền từ Trung Quốc, mình cần người giỏi tiếng Trung là như vậy.
Hết năm 2003 mình kết thúc luôn hợp đồng phân phối, tập trung vào nhà xưởng, và đến mùa hè 2004 thì mẻ sản phẩm đầu tiên ra đời. Vị chuyên gia ở nhà máy 1 tháng, dạy hết các bài rồi về nước. Ngay sau đó thì chuyện xấu bắt đầu xảy ra: Mặc dù đã vận dụng hết các bí quyết được học, gọi điện tham khảo đủ các cách mà sản phẩm ra cứ lúc được lúc không. Không những hàng bị trả về, mình còn nhận đủ mọi lời mắng chửi của khách, và điều kinh khủng nhất là không hiểu tại sao lại như vậy.
Ban đầu mình nghi vị chuyên gia giấu bài, nhưng khi nói chuyện đó ra ông ấy gạt ngay:
– Không dạy chúng mày thì tao cũng mang theo bí quyết xuống mồ, giấu để làm gì chứ?
Mình chuyển sang kiểm tra các quy trình vận hành, cũng không phải, vì công nhân mình tuyển cẩn thận, trả lương tốt, làm việc rất nghiêm túc. Nhưng cũng từ kiểm tra vận hành mà mình phát hiện ra một việc khác: Thiết bị Trung quốc có vấn đề.
Mình thuê người kiểm định lại, đúng là hàng Trung quốc bị ăn cắp chất lượng. Sự ăn cắp này rất tinh vi, dường như công ty Trung quốc biết trước máy móc sẽ hoạt động chính xác trong điều kiện nào để sản xuất những linh kiện chịu đựng quá điều kiện đó một chút. Có điều vì khí hậu nóng ẩm và điện áp không chuẩn ở Việt nam nên điều kiện công tác của máy không hoàn toàn giống như xác định của chuyên gia, lúc đó thiết bị Trung quốc mới lộ ra chuyện bị ăn cắp chất lượng.
Quá trình chuẩn bị, chỉ có ba người là mình và hai anh em đó biết về công thức sản xuất, người em lại phụ trách thương lượng mua thiết bị Trung quốc. Chắp nối lại các sự kiện, mình mới bàng hoàng khi nhận ra một điều: Mình đã bị qua mặt, bị tham nhũng một cách trắng trợn.
Lấy một ví dụ cho các bạn dễ hiểu: Mình đặt một van chịu được 350 độ nhưng người em biết sản xuất chỉ cần 250 độ, thế là hắn ta nói với nhà máy Trung quốc chỉ lấy van chịu được 280 độ nhưng vẫn làm hồ sơ kỹ thuật và tính giá bằng van 350 độ. Số tiền chênh lệch giữa hai loại van, công ty Trung quốc sẽ trả lại bằng tiền mặt cho người em coi như “phí môi giới”. Nếu như những điều kiện sản xuất ở Việt nam mà chuẩn như ở châu Âu thì có lẽ còn lâu mình mới phát hiện ra.
Không phải mình không biết nhìn người, nhưng đã để tình bạn từ thửa hàn vi làm mờ mắt. Mình đã tin tưởng hai anh em họ vô điều kiện, thậm chí khi hàng hỏng bị trả về mình đã nói “Nếu thất bại, tớ sẽ bảo toàn vốn góp cho các cậu, đừng lo.” Thế mà họ đã đối xử với mình như vậy.
Cuộc gặp với hai anh em sau đó là một trong những cuộc nói chuyện khó khăn và nặng nề nhất trong đời mình. Cuối cùng hai bên đồng ý rằng mình sẽ bỏ ra 70% số tiền góp vốn của hai anh em để lấy lại toàn bộ cổ phần, và coi như chấm dứt quan hệ. Mình còn lại nhà máy với một dây chuyền sản xuất không đủ tiêu chuẩn, một kho hàng kém chất lượng và một tài khoản rỗng tuếch.
Có lẽ trong tất cả tình huống hết hy vọng, con người ta cuối cùng cũng tìm về gia đình. Mình phải xin bố mẹ bán đi ngôi nhà đang ở, dọn vào một căn hộ chung cư cũ kỹ để lấy tiền tái thiết nhà máy. Trong lần này, vị chuyện gia già lại trở thành ân nhân khi tìm được cho mình một số thiết bị cũ nhưng còn tốt của Đức, và tình nguyện sang lần thứ hai, chỉ ở nhà nghỉ 200.000 đồng một ngày, lăn lộn với mình và công nhân suốt 2 tháng cho đến khi nhà máy hoạt động ổn định.
Suốt một thời gian dài, đầu mình luôn ở trạng thái căng như dây đàn. Sau khi nhà máy cho ra được mẻ sản phẩm đạt chuẩn thứ bảy không cần đến chuyên gia, nghĩa là đã coi như thành công, lúc đó mình mới gục xuống ngủ một mạch liền 40 tiếng. Mẹ mình sợ quá phải gọi bác sĩ, ông chú bán sĩ chỉ cười “Cứ cho nó ngủ chán nó khắc dậy!”
Mình còn phải mất rất nhiều công để thuyết phục các bạn hàng tin lại vào sản phẩm của mình, nhưng khi đã gây dựng được lòng tin thì doanh thu tăng rất nhanh. Sản phẩm của mình thuần túy là kỹ thuật, không có một chút quan hệ hay chính trị nên thu nhập của mình nghiêm túc và sạch hoàn toàn.
Để lại một bình luận