Phần 15
Khoảng hơn một tuần sau khi gặp mẹ em, bà nhắn lên.
“Mẹ kể chuyện gặp các con, không thấy ông ấy nói gì, hai đứa cứ về xem sao!”
Cho đến lúc ấy, mình và em vẫn chỉ mới ở giai đoạn “dự bị của tình yêu”, cái mà ông bà chúng ta đã ví bằng câu “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Có điều đôi lứa trong câu ca dao chưa bước qua ngưỡng cuối cùng là vì những lý do rất nên thơ, còn mình và em lại là vì một tâm bệnh vẫn chưa thể hóa giải.
Sau khi trút được nỗi lòng đêm hôm ấy, em không còn đóng cửa tâm hồn với mình nữa. Qua những câu chuyện em kể, hình như đời em chỉ toàn là những kỷ niệm buồn. Đôi lúc quá thương mình ôm ghì em vào lòng, em không phản đối, nhưng cũng không hưởng ứng. Nhìn vào mắt em lúc ấy mình chợt nhận ra, em vẫn chưa thể giải tỏa được nỗi u uất trong lòng.
Tình yêu của mình đã làm được em khóc, nhưng chưa thể làm được em cười. Em và mình đều thuộc mẫu người cầu toàn đến cực đoan, có lẽ chừng nào chưa thể đàng hoàng trở lại làng quê, chưa được vui vẻ chấp nhận bước vào ngôi nhà chôn rau cắt rốn, chừng ấy em còn ôm mãi khối tâm bệnh trong lòng. Mình biết, lần về quê này có một ý nghĩa quan trọng không thể tưởng tượng nổi đối với cả hai đứa. Nếu thất bại, không biết lúc nào em mới về lại được lần thứ hai. Mình có thể vẫn có được em, nhưng tình yêu thì sẽ mãi bị một bóng đen bao phủ…
Mình không biết gì hơn về bố em ngoài những điều em kể, mà qua những chuyện đó thì, quả thật là không ai có thể có cảm tình. Nếu bố em khăng khăng không chịu giảng hòa, thậm chí chỉ cần “anh chị đi đâu thì đi, tôi không cản” thì mình sẽ phải làm thế nào? Mình chỉ nghĩ được một điều, rằng mình sẽ lấy hết lòng thành ra ứng đối, chỉ hy vọng nếu còn chút tình thương thì không bố mẹ nào có thể quay mặt trước hạnh phúc của con mình.
Làng quê em cách quốc lộ chừng gần một cây. Đường vào làng đổ bê tông sạch sẽ, cổng làng đã cũ nhưng khá đồ sộ. Sau cổng, con đường thu hẹp lại, bị che kín bởi mấy bụi tre rất dày. Đi qua rặng tre, mình đã thực sự bị choáng vì không thể tưởng tượng được cách Hà nội chỉ gần 70 cây, qua thế kỷ 21 mười năm, vẫn còn một cái làng nghèo như thế ở giữa đồng bằng Bắc bộ.
Hết bê tông, con đường trở thành lồi lõm nham nhở, hai bên đường là những bụi cúc tần lưa thưa xiêu vẹo. Đáng sợ nhất là những ngôi nhà gạch be bé không trát, nằm lồ lộ giữa màu xanh nhợt nhạt của cây cối. Mình như lạc vào một thế giới khác, hoặc ở đây thời gian đã dừng lại từ sáy bảy mươi năm trước. Có lẽ vào những lúc khó khăn nhất của thời bao cấp, quê mình cũng không như vậy.
Em đã nói mới mình rằng làng em nghèo lắm, cả làng chỉ có hai nghề là bộ đội và công nhân, nhưng bộ đội không ai lên được to mà công nhân thì mãi cũng vẫn chỉ là công nhân thường. Thế nên bao nhiêu năm nay làng vẫn cứ nghèo, đến mức các cụ trong làng phải mời thầy về thỉnh ý có nên đổi hướng đình không. Thầy phán “phải xoay đình” nhưng làng nghèo lấy đâu ra tiền mà xoay, thế là mọi sự đâu vẫn chỗ đó!
Sau này mình có giành thời gian nghiên cứu và kết luận rằng, làng nghèo như thế, mọi sự đều nằm tại cái đầu. Nhưng cũng không hiểu tại sao môi trường ấy lại sinh ra được một người như em?
Hình như ngay khi mình đỗ xe, cả làng bên trong đã biết. Đường làng vắng tanh nhưng mình cảm tưởng như có hàng chục cặp mắt dõi theo từng bước chân của hai đứa. Lần đầu tiên mình biết cảm giác của con cá trong bể là như thế nào (hy vọng cũng là lần cuối cùng). Qua một lối rẽ, mình và em gặp một người phụ nữ đang đứng chống cuốc quạt nón. Thấy em, mắt bà ta sáng lên, vừa nhìn mình từ đầu đến chân vừa hỏi oang oang:
– Cái T à, về lúc nào đấy cháu?
Sau này mình biết đó là một người họ hàng xa ba tầm đại bác của em, rất đanh đá và độc miệng. Không cần ai kể, ngay lúc ấy mình đã chứng kiến sự ngoa ngoắt của bà ta:
– Trông cứ như Hàn quốc ấy nhỉ, người Hà nội có khác, chồng mày đây hả?
Có khôn ngoan thế nào thì cũng không ai không ngượng trước kiểu hỏi như thế. Em lắc đầu cố gạt đi:
– Bác cứ nói, có gì thì cháu phải về mời bác chứ…
Không dè bà ta độp ngay:
– Bác cứ tưởng mày đi không về nữa nên mới hỏi, thế ông Oánh ông ấy cho mày về rồi hả?
Nhìn sang thấy mặt em tái đi, mình lập tức nhảy vào can thiệp:
– Cháu và T phải về nhà bây giờ, lúc nào rỗi mời bác sang chơi!
Rồi kéo ngay em đi, đành phải mềm mỏng vì mình chưa biết ai ra ai. Ơn trời đó cũng là cuộc chạm trán duy nhất, qua một đoạn đường ngắn nữa, cuối cùng mình cũng tới nhà em.
So với những ngôi nhà khác trong làng, nhà em khá khang trang sạch sẽ. Về sau em kể cho mình, đó là do cụ tổ năm đời thi đỗ làm quan dựng nên. Hồi cải cách nhà em mất rất nhiều đất, may còn giữ được ngôi nhà và mảnh vườn…
Để tạo thêm tư thế cho chuyến đi, mình đã “từ bỏ” nguyên tắc khiêm tốn, bảo mẹ em tuyên truyền rằng mình là giám đốc “công ty to lắm, có những là mấy trăm công nhân”. Chiến thuật phủ đầu xem ra có kết quả, khi mình đến nhà đã thấy bố em ăn mặc chỉnh tề ngồi đợi sẵn.
Thực sự mình không nghĩ rằng bố em lại có vẻ ngoài nho nhã thư sinh như vậy. Chỉ cần nhìn qua cũng thấy em thừa hưởng khá nhiều nét từ bố, nhất là chiếc mũi và đôi mắt. Mình càng cảm thấy chuyện giữa bố em và bố V không phải là đơn giản, bởi rất khó có thể hình dung một người cha lại có thể hà khắc với đứa con gái ruột vừa giống mình, vừa ngoan ngoãn giỏi giang như em.
Em chỉ lí nhí được một câu: “Con chào bố!” rồi đứng đan tay lóng ngóng, không biết làm gì thêm. Mình lúc ấy cũng rất hồi hộp nhưng phải ra vẻ bình tĩnh, cố lấy giọng dõng dạc: “Cháu chào chú!” rồi thuyết mình thêm một câu: “Cháu đưa T. về thăm nhà…” (lãng xẹt, nhưng không nghĩ ra được gì hơn)
Thật may, bố em chỉ dò xét nhìn hai đứa chừng nửa phút, đứng lên mời mình ngồi rồi nói với em:
– Xuống bếp giúp mẹ làm cơm đi!
Nghe câu nói, người mình như nhẹ đi đến nửa tấn có dư, bởi mình biết ông đã sẵn sàng cho sự hòa giải…
Sau chén trà đầu tiên, bố em bắt đầu hỏi về gia cảnh và nghề nghiệp của mình rồi đột ngột nói thẳng vào chuyện:
– Con T nhà tôi kể những gì cho anh nghe rồi?
Chủ đề này hết sức nhạy cảm, mình phải lựa lời thật cẩn thận:
– Cháu và T là bạn nên cũng có kể chuyện gia đình cho nhau nghe. Cháu nghĩ cháu hiểu hoàn cảnh của T.
Bố em nhìn thẳng vào mình một lúc và chợt nói một câu không ngờ:
– Vậy là anh phải biết, con T nhà tôi đã có chồng?
Thật là một đòn tấn công lợi hại, khó nhất là mình phải trả lời câu hỏi thật thỏa đáng nhưng không thể đi sâu vào chi tiết, vì nếu tỏ ra biết quá nhiều thì có thể gây bất lợi cho em…
Rồi cả ngày hôm ấy, mình và em đã giảng hòa được với cả hai ông bố. Không phải vì mình cao tay hay tài giỏi gì mà chính em, bằng sự cố gắng vươn lên trong năm năm qua và những việc tốt làm cho làng quê họ hàng, đã làm cho họ dần thay đổi cách nhìn. Mình chỉ là lý do cuối cùng, là cái cớ để họ công nhận sự hòa giải.
Mẹ V được đem ra Hà Nội chữa trị, bây giờ đã có thể ngồi dậy trên giường. Mình và em góp vốn mở cho hai ông bố một quầy hàng tạp hóa lớn ở chợ xã, cậu em của V là “nhân viên” duy nhất. Tiền lãi không lớn vì người làng không có nhiều tiền, nhưng cũng tạm đủ sinh hoạt cho gia đình V.
Cuộc tình long đong hơn 7 năm của mình đã kết đoạn có hậu bằng một đám cưới ngập trong hoa và rượu. Mình và em đang sống trong sự yêu thương của cả hai bên gia đình. Mỗi ngày đi làm về, nhìn ánh mắt và nụ cười tươi tắn của em, mình thực sự cảm thấy thế nào là hạnh phúc…
— Hết —
Để lại một bình luận