Phần 12
Qua song sắt, nắng và gió – chúng đang nhảy múa tung tăng, chúng chả thèm để ý đến những “hộp” bê tông xung quanh, chúng chả để ý đến phía sau song sắt chỉ cách chúng mấy bước chân kia là cả một thế giới thê lương đằng đẵng, một thế giới riêng mang tên: “Thế giới tù”.
Ở đây, chỉ có những khu giam hướng đông là có thể hy vọng “vợt” được một ít nắng, nhưng cũng chỉ gọi là một tí tẹo thôi, nắng chỉ đùa nghịch và vờn vẫy trên ô thoáng cao ngất ngưởng, nắng chả biết “thương tù”, bởi nếu “thương” thì nắng đã chẳng “nằm, ngồi” lên các dãy nhà giam để mà “om” tù chảy mỡ ra như thế…
Thằng “trực buồng” và thằng Toàn đã đi kỷ luật cùm chân được hai ngày rồi. Mỗi ngày giờ đây tôi cũng chỉ biết gửi bọn chạy ngoài mang thức ăn, sữa và thuốc lào đến cho chúng nó… Tôi chua xót cho bản thân mình, chua xót cho lũ tù…
Đành rằng khi đã vào đến đây, sự thật hiển nhiên đó chính là cái giá mà tôi và những thằng tù khác phải trả giá do tội lỗi của mình gây ra, nhưng quan niệm “đã là tù thì chẳng việc chó gì phải đối xử tử tế” của quản giáo đã ăn sâu vào suy nghĩ họ mất rồi, họ chẳng cần biết đến đằng sau những lý do bị tạm giam kia của tù là gì nữa, họ không cần biết rằng tù cũng có dăm bảy loại, với họ ở cái trốn này, hai chữ “tình người” hoàn toàn không có. Họ coi tù là lũ người bẩn tưởi, tanh hôi, nhưng hỡi ôi, chính họ mới là những người bẩn tưởi và tanh hôi nhất.
Tôi không dám “vơ đũa cả nắm”, ở đâu cũng có những người tốt, ngay cả trong số những người “trông tù” ở đây cũng vậy, nhưng mà hiếm lắm…
Tôi còn nhớ có một ông quản giáo phụ, chuyên đi trực vào ban đêm, lũ tù không gọi ông ấy là “thầy” mà gọi là “bố”, xưng “con”, ông ấy chính là một trong số rất ít những quản giáo ở đây (trường hợp khác tôi chưa gặp) được tôi cho là tốt. Một tuần 3 ca, cứ đến giờ trực là ông ấy đi một vòng, hỏi các buồng tình hình thế nào? Có thằng nào ốm đau gì không? Mỗi lần ông ấy đều chia cho các buồng, mỗi buồng 3 điếu vina (một dãy giam có 4 – 5 buồng), với tù thì điếu vina là quý lắm (quý đến mức, có một điếu thuốc thôi cũng phải chia cho bao nhiêu anh em cùng hút, mỗi thằng hút một hơi (dưới lớp “xe” khi được chia, thằng nào mà “bập” hơi dài là bị “soi” và bị chửi ngay), đi lấy cung hoặc đi xử về, lũ tù thường tranh thủ nhặt “tóp” thuốc người ta hút xong vứt đi để hút rồi tìm cách mang về buồng)…
Lại nói về ông quản giáo phụ được lũ tù gọi là “bố” này. Cũng đã có lần ông ấy được anh em tù dấm dúi đưa cho mấy trăm, nhưng ông ấy từ chối, ông nói : Tao biết chúng mày ở trong này cũng khổ lắm rồi, chúng mày giữ lấy mà dùng.
Những thằng nhà ở gần, khi nhận được giấy báo ra toà, muốn nhờ ông ấy gọi điện nhắn về gia đình, ông ấy sẵn sàng giúp đỡ (nhiều trường hợp giấy báo xử không đến được gia đình nên trước đi xử, tù hay tìm cách báo về cho gia đình biết). Ông ấy chỉ nhận nhắn báo xử, còn tất cả các lời nhắn khác ông ấy từ chối. Lũ tù hiểu lý do ấy vì sao.
Trong môi trường tù tội đầy dẫy bất công như thế này, việc ông ấy (chỉ là một quản giáo phụ) đối xử với tù như thế khiến tôi rất xúc động. Mỗi tuần lũ tù đều mong đến ngày trực của ông ấy. Có lẽ lũ tù cũng cảm nhận được rằng, đó là những khoảnh khắc “yên tĩnh và nhẹ nhàng” nhất trong “cơn bão”.
Việc tôi xăm cho thằng “trực buồng”, “ban” biết rất rõ, nhưng “ban” vào buồng “hành xử” như vậy cũng là có lý do của nó.
Nguyên nhân sâu xa cuối cùng thì vẫn là tiền, là bè cánh. Đúng là đồng tiền nó lấn át hết tất cả. Tiền làm cho con người ta biến chất, tha hóa…
Tôi hiểu rất rõ “nguyên tắc” của “ứng xử” với mỗi quan hệ “đầu tiên”. Hiểu rất rõ cái thứ “văn hoá phong bì” nó không chỉ tồn tại ở nơi đây, mà nó tồn tại ở khắp nơi, bất cứ chỗ nào. Chỉ có điều, cái cách “ăn” và cách “đấm cặc vào tù” của quản giáo ở đây thì không thể chấp nhận được.
Có hai nguyên nhân sâu xa ở đây:
Nguyên nhân thứ nhất thằng “trực buồng” bị ban “chơi” là bởi vì có một lần, gia đình thằng “trực buồng” nhờ “ban” (chẳng biết qua đâu mà biết “ban” nữa?) mang vào cho nó một tuýp thuốc ngứa, đồng thời hứa sẽ “hậu tạ” thầy, nhưng lại trót… “quên” mất, chờ lâu không thấy, thế là “ban” cho là nhà nó láo, dám chơi mình. (sau này thằng “trực buồng” đi xử và gặp gia đình, thông tin này đã được kiểm chứng).
Nguyên nhân thứ hai (có lẽ là nguyên nhân chính) là “ban” không ưa “thầy” này, nói huỵch toẹt ra là “thầy” cậy quan hệ bên trên tốt nên đếch coi “ban” ra cái gì, thông thường thì “thầy” phải thường xuyên “quà cáp” cho “ban”, nhưng có lẽ “ban” này thầy… ít để ý, vì thế cho nên “ban” giận, “ban” muốn dằn mặt… cho mà nhớ.
Cuối cùng quay lại thì cái điệp khúc “tù vẫn là thằng hứng” được thể hiện rõ mồn một.
Sau khi gọi chúng tôi ra phòng quản giáo, “thầy” mới buộc lòng lên tiếng:
– Anh ạ, vụ này anh để em giải quyết.
– Không được, để các ông “giải quyết”… hỏng hết tù!
(hô hô, nói nghe… ngứa éo chịu được)
Tay quản giáo kéo “ban” ra một góc “trao đổi” gì đó, mặt “ban” lúc này giãn ra chưa không còn như cái miếng giẻ rách nữa.
– Thằng này và thằng này về buồng chuẩn bị nội vụ đi kỷ luật! – Tay “ban” dùng mệnh lệnh và chỉ tay vào thằng “trực buồng” và thằng Toàn
Tôi ngước mắt lên, không ai đả động đến tôi cả, thật là vô lý bởi “thầy” không đời nào “nhẹ tay” với tôi đâu, không có “tiền tươi thóc thật” thì còn lâu “thầy” mới “đỡ”. Ngay “thầy” cũng biết thừa, tôi mới chính là thằng trực tiếp xăm cơ mà… Nếu kỷ luật thì tôi phải là thằng đầu tiên bị đi chứ?
Tôi “đần mặt” ra nhìn theo bước đi của tay “ban”, được một quãng tay “ban” bỗng quay lại
– Mày là em ông T…?
– Dạ, ông… T nào ạ?
– T… – Cục quản lý trại giam
– À, dạ vâng… – Tôi bắt đầu lờ mờ hiểu ra vấn đề
– Về buồng chấp hành tốt nghe chưa
– Dạ…
Thì ra là hắn quay lai để “kiểm chứng” cho chắc chắn, không lỡ lại “tha” nhầm cho tôi thì… phí.
Đúng là sống trên đời nhiều khi… “may hơn khôn” – Tôi đã rất may khi mà “được nhờ” từ sự quen biết giữa tay “ban” này với ông anh họ của tôi là trung tá trên Cục quản lý trại giam. Cũng nhờ đó mà tay quản giáo buồng giam của tôi cũng đã không nỡ… “vặt” tôi thêm, khi tôi được tha trở về buồng.
Lúc vào tù cứ ngơ ngẩn học làm thơ
Tôi mê mải với “mơ”, với “mộng”
Ôm kỷ niệm theo thời gian để sống
Và xoay vòng trong thế giới hư vô
Vào tù, tôi trở nên trầm tư hơn trước rất nhiều, nhìn nhận sự việc gì cũng bằng những suy tư.
Em ơi, ngoài đó có vui không?
Chỉ hỏi thăm thôi, chớ để lòng
Ngày tháng trôi đi không níu được
Đất trời xoay mãi chỉ hoài công
Còn chi mà cố cho thêm lụy
Tất cả hãy quên để thoát vòng
Sau trận mưa mây trời lại sáng
Nắng mưa mưa nắng chuyện hư không
Tôi liên tưởng đến các bậc tiền bối ngày xưa, thông cảm với cảnh tù đày mà họ trải qua nơi các nhà tù của Pháp, Mỹ. Có lẽ tôi bây giờ sướng hơn họ, bởi tù như chúng tôi còn có tiền để mà “dán”, để mà “che” bớt đi sự đoạ đày.
Chuyện “ăn” tiền của quản giáo cũng muôn hình vạn trạng, chẳng phải nói đâu xa, ngay chính bản thân tôi đây, gia đình tôi đã phải lặn lội đến tận nhà tay quản giáo để mà “nhờ vả”, hôm ấy trời mưa, mưa rất to…
Bố tôi như “thường lệ” (theo chỉ dẫn của những người “đi trước”), làm một gói quà to, nhét kèm trong đó là phong bì tiền cộng tên và số giam của tôi. Theo lời của bố tôi thì ngay cả người nhà của phạm nhân đến nhà nhờ vả nó cũng trịch thượng, ăn nói thì cộc lốc, thậm chí nó chẳng thèm mời bố tôi ngồi, nó chỉ ngắn gọn:
– Ông để đấy có gì tôi sẽ xem, giờ ông về đi có gì tôi sẽ báo lại.
Ôi cái sự “báo lại” của nó, không gì khác hơn là liên tục gọi điện “khủng bố” để moi tiền, thậm chí nó nhiều lần nó cho người khác gọi đến để “kể khổ” và có nhã ý “lo” cho tôi được… “sướng” hơn…
Ở bên ngoài, người nhà của can phạm kiểu như bố tôi thì có biết gì đâu, thấy nó “rung” như thế thì thương con em mình khổ, nên đành phải “cắn răng” mà “nộp” chứ biết làm sao.
Chưa hết đâu, vợ và người yêu của can phạm chúng cũng không tha, cô nàng “chè Thái, gái Tuyên” của tôi cũng đã từng bị “gạ tình” tới 2 lần đấy. Hận lắm. Sau này có lần đi thăm tôi, nàng đã kể:
– Hôm ấy là thứ 7, tự nhiên em nhận được một cuộc điện thoại, giọng đàn ông, nói là anh ở trong đó gửi thư ra cho em, anh ta hẹn em ra quán cafe T… để nhận, anh ta nói anh ta là công an trong đó và “mang ra giúp”…
Bố cái thằng chó ấy chứ, giúp cái gì mà giúp, khi gặp em, thư thì chả nói, nó cứ ngồi khen… em đẹp… Em hỏi thư, nó nói… cứ từ từ đã… Mồm nó nói, tay nó kéo ghế ngồi sán lại chỗ em…
Tôi vốn đã rất “dị ứng” với những kẻ “trông tù” sau những gì mắt thấy tai nghe, thế nhưng đến nước này thì tôi không thể chịu đựng được, ngay cả những người ở bên ngoài mà nó cũng không tha, hỡi ôi đáng giận thay cho cái tên quản giáo ấy, tôi thề là sẽ có ngày tôi dạy cho nó một bài học, tôi muốn đối diện với nó ở bên ngoài xã hội, tôi muốn nhìn thấy nó thể hiện “bản lĩnh chó” của nó ở bên ngoài chứ không phải ở cái chốn này.
Qua nhiều sự việc, qua nhiều biến cố, chính môi trường tù này đã trui rèn tôi, đã dạy cho tôi biết thế nào là “tình đời”. Tôi đã biết nhẫn nại và “suy nghĩ” hơn trước rất nhiều.
Tôi nhổm người như bị một cú đá vào chỗ hiểm
– Nó đã làm gì em rồi?
– Anh cứ bình tĩnh đã, nó không dám làm gì em đâu – Nàng trấn an tôi – Em đã khéo léo từ chối và hẹn nó hôm sau nói chuyện, nó OK, nhưng chính cái hôm sau ấy nó đã phải xin lỗi em trước mặt anh T… (anh T là anh họ tôi – công tác tại Cục quản lý trại giam) – Anh T đã “bốp” thẳng vào mặt nó :
“Mày muốn gì? Mày có thích tao gọi thẳng cho ông H giám thị trại không? Tao nghiêm túc cảnh cáo mày – Thằng em tao khi ra mà nói là mày đã quá đáng với nó thì mày đừng trách tao. Hôm ông già nó đến tao đã bỏ qua rồi. Mày thấy chưa có ai ra mặt thì mày làm càn à? Mẹ, một vừa hai phải thôi chứ…”
Có lẽ cái “mác” Trưởng một phòng trên Cục quản lý trại giam của ông anh họ tôi đã khiến tay quản giáo phải “mật xanh mật vàng”, nó ra sức thanh minh là chỉ có ý tốt thôi. Tiên sư nó chứ, nó “tốt” thật đấy.
Chính bố tôi khi biết sự việc, ông sốc, huyết áp của ông lên cao vùn vụt và chỉ thiếu một chút nữa là đột quỵ, những cú điện thoại “hỏi thăm” của chúng nó còn chưa đủ hay sao mà lại còn bày đặt làm cái trò mất dạy như thế. Chính bố mẹ tôi và những người thân trong gia đình tôi đã nói thẳng: Sự bẩn thỉu không chỉ dừng lại ở phía trong trại giam đâu, nó lấn át cả ra ngoài, nó “ăn theo” những đứa bị tạm giam trong đó, một sự “lạm dụng phi nhân tính”.
Trước đây, nếu ai đã từng theo dõi vụ tham ô của một trưởng phòng kinh doanh tại công ty ô tô Daewoo, thì sẽ biết người tham ô đó tên là gì. Chính vợ anh ta đã “phải” cặp kè với một tay quản giáo để đổi lại “suất trách nhiệm” cho chồng (tôi dùng từ “phải” trong ngoặc kép vì cũng có thể do vợ anh ta “dửng mỡ”, nên đã tặc lưỡi để “tiện cả đôi bề”).
Nói đến quản giáo để phần nào hình dung được rằng, trong tù, không phải chỉ có dân anh chị, không phải chỉ có đánh đấm, không phải chỉ có bất công không thôi… Còn có rất nhiều điều do bạn tù kể (còn kinh khủng và dã man hơn rất nhiều những gì tôi chứng kiến) nhưng vì tôi không chắc chắn nên tôi sẽ viết để tham khảo ở phần cuối của cuốn hồi ký này.
Trong tù, đôi khi con người ta cứ phải giật mình khi chứng kiến những sự việc diễn ra trước mắt. Tất cả đều là những thứ mà ở ngoài dù có đầu óc tưởng tượng đến mấy tôi cũng không hình dung ra nổi.
Quay lại với những ngày đầu tôi mới “nhập kho”, tôi cứ phải lần lượt chứng kiến hết “sự hành xác” này đến “sự hành xác” khác của tù với tù.
Về cơ bản thì “nội quy” do lũ tù đặt ra có mấy câu then chốt kiểu như: “Có mắt như mù, có tai như điếc, có mồm như câm”, phải thuộc “ba không, ba có”, phải học và nhớ kỹ là “Đối với cán bộ phải ăn gian nói dối, đối với anh em tù phải tuyệt đối trung thành”…
Còn riêng với mỗi tội danh cụ thể thì lũ tù đều có những “triết lý” khác nhau để “lên lớp” cho lính mới.
Để lại một bình luận