Phần 10
Tôi bám vào song sắt, mắt nhìn xa xăm, góc sân cuối chiều là một ánh nắng vàng ấm áp, tôi chợt ước rằng giá mình có thể biến thành một con chim, chỉ một ngày thôi, tôi sẽ bay về nhà, tôi sẽ đậu lên ô cửa quen thuộc, sẽ hót véo von, sẽ hồn nhiên như cái thời tôi còn thơ bé… Ôi cái ước mơ chỉ có ở một kẻ dở hơi, một kẻ khùng… Ấy vậy mà tôi đang mơ ước nó…
Tôi đưa tay áo chấm lên mắt, không phải là tôi đang khóc đâu, hình như là cơn gió kia đùa nghịch ném bụi vào mắt tôi hay sao ấy… Mà không, cũng không phải bụi, là mưa đấy, trời đang nắng mà sao lại mưa thế này? Tại sao thế hả ông trời ơi???…
Bên phòng 4, cái Lan – tội “môi giới mại dâm” vẫn rền rĩ hát:
“Mưa ơi! này mưa có phải mưa thương nhớ ai?
Có phải mưa than khóc ai?
Mang kiếp tha hương bao năm giang hồ.
Không biết bây giờ anh ở nơi đâu ?
Anh nỡ quên em những ngày buồn vui.
Đừng để tan nát tim em,
Đừng để phòng vắng cô đơn
Người về xin nhớ đừng quên”…
Mỗi bài nó hát một đoạn, cũng chẳng ra đầu, chẳng ra cuối… Ban ngày thì tán chuyện với các anh như phét lác, ấy vậy mà cứ đêm xuống, khi mọi người đã đi ngủ thì lại ngồi ti tỉ khóc.
Lũ can phạm ở buồng 5 chúng tôi, dù sao cũng bớt đi nhiều nỗi cô quạnh, bởi dù sao, chỉ cách một bức tường thôi vẫn còn được nghe tiếng nói của đàn bà… Ở quận thế này cũng còn là tử tế chán, chứ lên Hoả Lò rồi thì làm gì còn có cơ hội mà “bon chen”.
Ở đây đứa nào cũng nghĩ, tội của tôi chỉ tạm giữ ít ngày là được về, nên chúng suốt ngày tỉ tê nhắn gửi, tôi có ghi lại câu chuyện của tôi và cái Lan – tội “môi giới mại dâm” như thế này:
– Anh ơi?…
– Lan gọi anh à?
– Vâng, anh hát cho em nghe một bài đi? Tự nhiên em thấy buồn quá…
– Ừ, tù mà không buồn thì ai gọi là tù hả em.
– Giá mà có thể khoét tường mà sang với nhau được anh nhỉ?
Tôi phì cười:
– Sang… làm gì?
– Thì… cũng chẳng làm gì đâu, đôi lúc chỉ muốn được dựa vào vai của một ai đấy, nếu em sang được, anh cho em dựa vào vai anh và nghe anh hát chứ?
– Này, em làm cho anh “chạnh lòng” rồi đấy…
– Nói đi, anh đồng ý chứ?
– Ừ, nhưng mà này, anh hỏi em đừng giận, cái này ở ngoài xã hội có phải người ta gọi là “tình tù, nghĩa đĩ” không?
– Anh quá đáng, em không thế đâu, nhưng sao anh biết cả câu này?
– Ờ… thì cũng nghe “giang hồ” nó nói thôi…
– Anh ơi, tối qua anh hát bài “mừng tuổi mẹ” làm em khóc đấy…
“Mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi… Mỗi mùa xuân sang, ngày tôi xa mẹ càng gần…”
Giờ chồng em bỏ rơi em rồi, em chỉ thương mẹ em thôi… Cũng chỉ vì miếng cơm manh áo mà ra nông nỗi này đây…
– Thôi em ạ, nghĩ mà làm gì, vào đến đây rồi thì cố gắng thôi, cố gắng giữ gìn để mà còn về chứ…
Một thoáng yên lặng, rồi cái Lan lại cất tiếng hát khe khẽ…
“Đêm đã khuya rồi sao ngủ không yên.
Nghe tiếng mưa rơi nức nở trong tim.
Nhìn vào phố cũ không quen
Nhìn vào ngõ tối không tên
Chạnh lòng nhớ đến người yêu.
Anh nhớ năm nào vui buồn bên nhau.
Nay đã qua rồi biết tìm nơi đâu?
Tìm về dĩ vãng năm xưa
Tìm về những lúc mưa khuya
Ghi thành câu hát người ơi!… ”
– Anh đang làm gì đấy?
– Anh đang nghe em hát
– Anh có muốn nhìn thấy em không?
– Bằng cách nào?
– Anh lấy cái lắp thùng nước bằng inox ở cửa để làm gương, xong em cũng lấy một cái lắp khác… mình thò ra cửa là thấy nhau ngay…
– Ừ, để anh thử… Được rồi, thấy rồi… Nhưng này, sao mà ăn mặc sexy thế? quần “sịp” áo “may ô” thôi à?
Nó phá lên cười:
– Buồng nữ có ai đâu anh, với lại nóng như thế này cơ mà… mặc thế cho nó mát…
– Anh nói thật nhé, mặc thế kia không sợ mấy thằng “đực” nó nhìn thấy nó nhảy vào nó… hiếp à?
– Ha ha ha… Làm gì có ai, có chăng thì có mấy thằng “chó vàng” kia chứ làm gì có ai?…
– Suỵt, nói nhỏ cái mồm thôi, “nó” nghe thấy lại chết bây giờ…
– Mà anh cũng bạo mồm thật đấy, nói chung đang buồn như thế này mà có thằng nào nó vào nó… hiếp cho thì cũng là một điều hạnh phúc đấy. Người mà anh, thiếu thì phải thèm thôi, con trai bọn anh có khi còn… “rực” gấp mấy lần con gái bọn em ấy chứ…
Lúc đó tôi hơi shock vì cách nói chuyện của cái con Lan này, nhưng rồi sau này tôi mới hiểu, thực tế trong buồng giam còn hơn thế rất nhiều, có chứng kiến mỗi lần có quản giáo nữ đi qua buồng giam, lũ tù nam bên trong nhao nhao như hổ đói thì mới thấy được rằng, chúng khao khát cuộc sống bằng bản năng mạnh mẽ đến thế nào.
Trong buồng giam bọn tôi cấm hành động “thủ dâm” bẩn thỉu, nhưng khi mùa đông lạnh, chúng ở trong chăn thì bố thằng nào mà biết chúng làm gì… Mà có khi không làm thế, chúng “bức xúc” quá lên cũng dở hơi…
Lũ tù nam bị giam lâu ngày với bốn bức tường hầu như thằng nào cũng… “giậm giật” khi nhìn thấy gái (đôi khi chỉ là nhìn thấy bọn nữ công an thực tập), chuyện đêm ngủ chúng nó… “mộng tinh” là chuyện cơm bữa… Rõ ràng “bức xúc” mà không được “giải toả” thì tự khắc “nó thế” thôi.
Ở Hoả Lò, chỉ có dãy nhà giam khu chẵn là có các buồng giam của nữ, bên đó cũng đông lắm, cỡ mấy trăm can phạm chứ chẳng ít đâu. Dãy nữ và dãy nam nằm đối diện cách nhau cỡ khoảng 200 mét, vì thế việc gọi cho nhau để mà kưa cẩm, tán tỉnh là hơi khó… Thế nhưng “Không có việc gì khó, chỉ sợ tù không làm… mà thôi”.
Chúng vẫn “nói chuyện” với nhau “bét nhè”, “nói” xong rồi cũng rền rĩ nhung nhớ, yêu thương…
Vậy chúng “nói” bằng cách nào?
Xin thưa ngay là chúng nó “nói” bằng… tay! Về vấn đề này lúcđầu tôi cũng không hiểu lắm đâu, nhất là lần đầu tôi nhìn thấy hai thằng tù đứng ở cách nhau rất xa, chúng nó cứ ngoáy cái tay như… ngoáy cháo ấy, chả hiểu chúng nó “ngoáy” kiểu gì mà cứ thấy chúng nó gật đầu lia lịa (Đây là cách phổ biến trong các thương vụ “buôn bán” của tù trong trại tạm giam).
Nam và nữ phạm nhân cũng vậy, ra là chúng dùng tay để “viết” cho nhau đọc (công nhận là tù sáng tạo thật), chúng viết như dùng bút bình thường thôi, cứ chữ A thì tay “ngoáy” hình tam giác, chữ O thì ngoáy hình tròn… vân vân…
Cứ như thế chúng chuyện trò, tâm sự, nhắn gửi và bày tỏ yêu thương… Tâm sự chán xong chúng trèo lên trên “lồng”… tụt quần áo để show hàng cho nhau xem. Chiêu này đúng là… tù hết chỗ nói. Cũng từ những kiểu “tâm sự” thế này mà có nhiều “cặp tù” đã… yêu nhau đến say mê đắm đuối, thế mới kinh chứ.
Thật ra theo sự hiểu của tôi, thì âu cũng là môi trường tù ở đây nó thế, thiếu thốn tình cảm đến kinh khủng, vì lẽ đó cho nên nhận được những lời “có cánh” dành cho nhau (chưa biết thật giả thế nào?) nhưng cũng đã là quá hạnh phúc đối với tù rồi…
Tù tội – Hai tiếng nghe nhói lòng.
Thời gian giam cứu để điều tra là một cực hình đối với bất cứ một thằng can phạm nào, kể cả là những thằng có “điều kiện” nhất.
Ngoài cái cuộc sống tạm cho là yên ả (có ăn, có mặc và không đánh đấm…) của những thằng “sống bên trên” ra thì thằng nào cũng có nhiều “tâm sự”, nhưng có phải là lúc nào cũng có thể kể về chuyện phạm tội của mình cho thằng khác nghe đâu, kể cả là với thằng hàng ngày “ăn cùng, ngủ cùng” và được coi là thân thiết nhất. Ở đây rất khó để có thể nhận biết được thằng nào là tù đơn thuần và thằng nào là tù “rích roác”.
Tù ghét bọn “rích” lắm, bọn “rích” chuyên giả vờ “hồn nhiên như mấy thằng điên” sau đó khéo léo “tỉ tê”, nhiều chú cứ tưởng nó tốt, nó chia sẻ… nên cứ “bộc tuệch” hết cả ra, có những cái giấu như “mèo giấu cứt” với điều tra, thế nhưng lại kể “hồn nhiên” cho nó oách với bạn tù, khai tuốt tuồn tuột những thông tin mà bọn điều tra chưa biết, rồi khai tuốt tuồn tuột luôn cả những thằng đồng phạm chưa bị sờ tới… Thế rồi vài bữa sau thấy bị gọi đi lấy cung, bọn điều tra nó “rung” cho, nó “đòn gió” là bọn tao điều tra ra hết rồi, nó bắt khai, nó doạ nếu không khai nó sẽ làm cho có “tình tiết tăng nặng” vì không thành khẩn và cho “đi tù mút chỉ”.
Đấy, thế có ngu không, thế rồi cứ tưởng thật, nên đành… ngậm ngùi “thú nhận” với điều tra thôi.
Mà bọn điều tra thì “thủ đoạn” lắm, nếu gia đình càng “biết điều” thì chúng sẽ càng “nhẹ tay” cho tập hồ sơ chúng “làm” trước khi chúng chuyển sang viện kiểm sát để đề nghị truy tố ra toà.
Lũ tù rất manh động, chúng mà nghi thằng nào làm “rích” (chỉ cần nghi thôi), thì chúng tìm cách “thủ tiêu” ngay lập tức, chúng lấy cớ đánh cho một trận thừa sống thiếu chết, rồi sau đó cho chuyển buồng khác (đã từng có thằng bị đánh chết tươi ngay tại buồng giam vì cái tội “làm rích” rồi). Việc lũ tù tìm cách “thủ tiêu” những thằng nghi làm “rích”, tức là chúng tạo ra đánh đấm để cán bộ quản giáo cho chuyển buồng (nguyên tắc của tù là cứ có đánh nhau, thì những thằng đánh nhau sẽ bị quản giáo tách ra và chuyển buồng ngay lập tức để tránh xảy ra thù hằn và tự xử nhau theo luật rừng lúc nửa đêm).
Nhiều khi biểu hiện để làm cơ sở nghi ngờ một thằng nào đó làm “rích”, lũ tù căn cứ vào “thái độ” của thằng đó, chẳng hạn thằng nào thấy “được gọi đi lấy cung” hơi nhiều một chút là phải nghi ngay, hay thằng nào thấy cứ ra “chơi” định kỳ với quản giáo là cũng phải cảnh giác, hoặc là nội bộ trong buồng đang có “chuyện riêng” cần “tự xử” nhưng chẳng hiểu sao quản giáo lại biết, thì thằng gần nhất “đi ra khỏi buồng” (bất kể là đi vì lý do gì) chính là thằng bị vào tầm “đèn” ngay…
Tầng lớp “bên dưới” thì chẳng có gì phải nói cả, xác định bị đày ải “mút chỉ” thì thôi, còn tầng lớp “bên trên” tuy có vẻ cũng “lành” đấy, nhưng thực tế là cũng có rất nhiều “sóng ở đáy sông” lắm, thằng “làm buồng” mà không “làm” tốt thì chuyện bè cánh sẽ rất dễ xảy ra, mà đã gọi là bè cánh ở cái chốn lao tù này thì cứ gọi là cực kỳ phức tạp.
Tôi có lẽ là một trong số ít những thằng có học ở trong buồng, nên tôi nhìn “sự việc” cũng theo góc độ cảm nhận của một thằng “có học”. Bởi vì ở môi trường tù, chẳng có mấy thằng “suy nghĩ” như tôi đâu, đa phần chúng nó xác định và nhìn nhận theo góc độ “đương nhiên tù nó là phải thế”. Chẳng có ai thắc mắc, chẳng có ai kêu ca về sự bất công cả, bởi hầu như tư tưởng của tù đều đã là: “xác định”.
Chuyện tù đánh tù cũng.. “vui” lắm, trước khi chúng xác định đánh thằng nào, chúng sẽ “chuẩn bị” chu đáo, một thằng sẽ cầm cái khăn tắm đứng phía sau để sẵn sàng thít cổ cho không “be” được (tù cũng ghét hơi một tí là “be cán bộ” lắm, mà cũng chỉ có lũ tù đầu là hay “be” thôi, chứ còn bọn tù “già” thì chúng nó chả “hơi đâu”, nếu bị đánh chúng sẽ xác định “ăn đầy đủ các món mà các anh cho”, sau đó “ngoan ngoãn”, như thế sẽ đỡ hơn, chứ nếu chúng “be” thì ngay cả quản giáo cũng ghét chứ đừng nói đến tù, bởi để xảy ra đánh nhau trong buồng, “ban” nó biết thì quản giáo cũng bị kỷ luật, chưa kể sau khi “be” vì bị đánh, thằng “be” sẽ được chuyển buồng và bị… đánh tiếp, bởi chả buồng nào nó ưa cái thằng “to mồm” làm “ảnh hưởng” đến chúng nó cả). Nói tiếp về cái chuyện xử nhau theo luật này của tù, ba bốn thằng “xe” sẽ quây lấy thằng chúng muốn đánh, cú đánh đầu tiên chúng nhắm tới thường là “mạng sườn” (mạng mỡ), một cú sút vào đấy thì chỉ có xác định “đổ vật” luôn, thở không thở được chứ đừng nói đến “be”…
Tuy nhiên thường thì đánh nhau bao giờ cán bộ cũng biết, bởi nhà tù này được thiết kế theo kiểu có tính toán rất “hiểm” từ thời Pháp, tường bằng bê tông đặc, còn tất cả sàn xi măng đều đổ rỗng, cho nên đi không nhẹ nhàng sẽ gây ra tiếng động ngay, bởi thế mà tù mới có cái câu quán triệt là phải “đi nhẹ, nói khẽ và… đánh rắm xịt”.
Khi có đánh nhau thì đương nhiên sẽ là “uỳnh uỵch” rồi, ở ngoài quản giáo nghe thấy rất rõ, thậm chí là ở phòng trực của “ban” cũng nghe rõ vì âm thanh từ trong buồng giam phát ra kêu rất to và âm…
Khi ấy quản giáo sẽ chạy vào và hô “thôi, thôi”, đồng thời ngó xem mặt những thằng đánh nhau là thằng nào để còn biết đường mà “xử”. Lũ tù đầu, theo quan sát của tôi thì cứ thấy quản giáo vào hô thôi là dừng lại ngay (dù sao tù đầu còn chưa “nhớn” nên hay “cóng” lắm), chứ còn tù “già” rồi thì chuyện quản giáo hô thôi chúng cũng mặc, cứ đánh tiếp, thậm chí khi cán bộ mở cửa lôi ra rồi chúng vẫn cứ cố “vớt vát” sút nhau thêm vài phát. Chúng xác định đã đánh nhau thế này thì 90% là phải đi kỷ luật cùm chân, cho nên với chúng, đánh ít đánh nhiều cũng như nhau thôi.
Với tù đầu, việc đánh nhau có nhẹ nhàng hơn, đồng thời quản giáo cũng sẽ “xử” luôn tại buồng là chính, cách “xử” của quản giáo tù đầu mang nhiều tính răn đe, dằn mặt…
Thằng nào “đầu têu”, là nguyên nhân sẽ bị “nằm mẹ mày xuống mà”… quản giáo sẽ dùng “cặc ngựa” thẳng cánh “táng”, có tay quản giáo “sức khoẻ yếu” mới “táng” được mươi phát đã đứng thở hổn hển… Tù đầu thì lúc đó chỉ biết “quằn quại” mà… “con xin thầy, con xin thầy” thôi (chả bù cho mấy thằng tù “già”, muốn đánh thế nào thì đánh, chúng chả thèm xin xỏ lấy một câu). Sau khi “táng thẳng cánh” xong, sẽ đến “chiêu” mà lũ tù vẫn gọi là “tra dầu, tra mỡ”, quản giáo sẽ dùng “cặc ngựa” để “tra” vào các mắt cá chân, khớp xương, bánh chè… Tôi phải thú thật rằng cách “tra” này rất dã man, chưa có một thằng nào bị “tra” thế này xong mà có thể tự đứng dậy được cả.
“Lũ này khát máu đồng bang/ Lại còn đểu cáng hung tàn hơn Tây/ Tù đày căm giận lắm thay/ Quyết tâm vạc mặt vạc mày nó ra”.
Thường là quản giáo thích “xử” nội bộ thế này, bởi việc bị kỷ luật không quản giáo nào muốn cả. Phía sau hậu trường việc “nhìn mặt xem thằng nào đánh”, thằng đánh là lớp người nào… quản giáo sẽ soi rất kỹ để “hành xử” cho “phải đạo”. Nếu cần phải “xử” kiểu “tế nhị” thì quản giáo sẽ gọi lũ tù tham gia ẩu đả ra phòng riêng. Sau khi “xử” lũ tù xong, quản giáo sẽ “kỷ luật” bằng việc cho ngồi xuống “góc” và “cấm vận” mọi sinh hoạt (ăn uống, tắm rửa, đi vệ sinh…), nhưng thực chất đây là việc “tống tiền” tinh vi thôi, bởi sau mỗi lần kỷ luật thế này, các “thầy” sẽ có lý do để mà… “la liếm”…
“Một tay xách bị đô la – Tay kia “cặc ngựa” giơ ra doạ tù”
Ôi tù…
“Ngược thời gian trở về quá khứ, phút giây chạnh lòng, bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu ân tình chỉ còn lại con số không…”
Với tôi có lẽ là một con số không tròn trĩnh. Tôi đi tù, nhưng ở bên ngoài, công ty của tôi bị xâu xé, những kẻ thường ngày vẫn “vỗ tay” với tôi nay bỗng trở thành những kẻ “lừa thầy phản bạn”, ngay cả thằng cháu họ (sn 1976) được tôi nâng đỡ cũng “mất nết, a dua a tòng” làm phản, nó thu hồi công nợ của công ty rồi nghễu nghện “phá” như một ông kễnh, tiếc là gia đình tôi lúc đó không nắm được vấn đề nên cũng cứ nghĩ là chúng làm tốt và tin tưởng (sau này gia đình cái thằng cháu mất dậy kia đã phải đến quỳ lạy mà xin tôi tha cho, một vài thằng “có số má” trong tù cũng đề nghị tôi “xin được cho em xử”, trong số này có một thằng nổi đình nổi đám trong vụ “chém PGĐ bưu điện HN” cứ nằng nặc bảo: Anh cho em xin địa chỉ của tất cả những thằng đã hại anh đi…). Hồi đầu, tôi cũng “hận” lắm, thế nhưng rồi tôi cũng đã lặng lẽ cho qua… Tôi chỉ nghĩ, cuộc đời này có “quy luật nhân quả” đấy, kẻ nào “gieo” thì kẻ đó phải “gặt” thôi, với lại tôi cũng có phần nhiều lỗi khi để xảy ra sự việc này, cái giá của sự cả tin của tôi thêm một lần bị đánh đổi. Tuy nhiên, cho đến tận bây giờ tôi cũng không bao giờ nói là mình phải ân hận vì những việc như thế cả, tôi nghĩ tôi đã “khôn” ra được nhiều nhờ những bài học như thế, cho dù những bài học đó có cái “giá” đắt quá…
“Tấm lịch treo tường chỉ tháng hai
Nhưng sầu đông lạnh vẫn còn dài
Tim gan tuổi trẻ ngưng co giãn
Gân cốt thân còm gần đứt dây
Chân ngứa gãi hoài, chán, chán ngấy
Da trầy xoa mãi, buồn, buồn thay
“Nắng xuân” sao chẳng mau mau đến
Tạo phước làm tan cái khổ này
Dẫu biết tháng hai đã đến rồi
Nhưng lòng còn lạnh lắm người ơi
Đêm nằm cong cẳng không yên giấc
Sáng dậy vươn vai nặng kiếp người…”
Thuyền tình lênh đênh biết đâu là bến?…
Mịt mù muôn phương biết trôi về nơi nao
Ngày xưa những đêm trăng úa màu
Hai đứa ngồi bên nhau xây đắp chuyện mai sau
Nào ngờ tình yêu đến mang nhiều nước mắt
Mà lòng yêu nhau đã trăm lần thương đau
Dòng sông nước xanh soi mái đầu
Ai biết được lòng sau lên đành lỡ nhịp cầu…”
Để lại một bình luận