Phần 71
Vợ tôi là một cô gái giàu tình cảm, nhưng điều đó không có nghĩa mọi chuyện trong cuộc sống nàng đều muốn biến nó thành một cái gì đó quá hão huyền và mơ hồ trong suy nghĩ của mình. Không đọc một cuốn tiểu thuyết tình cảm quá đẹp và mơ mộng sẽ được một tình yêu như thế. Không phải xem một tập xem quá đắng cay rồi nghĩ cuộc đời này là địa ngục.
Trong cuộc sống vốn dĩ luôn tồn tại những nghịch lý, một người cho rằng cuộc sống này không giới hạn, còn có thêm một người khác lại nghĩ rằng cuộc sống luôn tồn tại những giới hạn. Ai đó cho rằng sẽ có một điều gì đó gọi là vĩnh cửu, nhưng thêm một người cho rằng cuộc sống vốn dĩ chẳng có điều gì là mãi mãi… tôi sinh ra bản chất cũng chỉ là một người bình thường và tồn tại cũng cần đến sự tương tác với những yếu tố khác, chuyên ngành hướng tới không phải tâm lý con người hay phân tích cuộc sống nên không có những định luật riêng, nói về cơ bản thì chỉ là “sống theo phong cách của mình” thôi. Nàng cũng vậy, chẳng bao giờ mơ ước những điều gì quá cao xa trong cuộc sống của mình, hay hướng tới những thứ mà mình vốn dĩ biết có cố gắng cũng chẳng thể thực hiện… dù cho là cuộc sống gia đình, vốn dĩ đã thuộc về nhau nhưng không có nghĩa sẽ là vĩnh viễn như thế.
Chúng tôi quyết định ở lại đây thêm một tuần nữa, dẫu sao cũng chẳng mấy khi hai vợ chồng cùng về quê, vợ thì đang nghỉ hè, tôi thì đang thất nghiệp, về nhà giờ làm gì ngoài việc hai vợ chồng ngồi nhìn nhau, cuộc sống có bận rộn quá thì cũng mệt mỏi, không có việc gì để làm thì càng mệt mỏi hơn. Đúng là lòng người khó chiều chuộng mà. Rồi giờ này vác cái mẹt về nhà chắc chắn cũng không thể bình yên phẳng phiu mà bước vào nhà như sao đi trên thảm đỏ được. Sống được mấy chốc, tốt nhất là sống cho yên bình, một ngày thôi cũng được.
Có thêm vợ về, nhà cửa rộn ràng lên hẳn, cô dì chú bác cứ hay sang buôn dưa lê bán dưa cải cả ngày cả đêm, thế sao mình về cả tuần mà chẳng thấy ai hỏi han đến nhỉ? Chẳng nhẽ ở đâu cũng chỉ làm người thừa? Chẳng ai thèm quan tâm đến sự sống cái chết của mình cả, âu cũng là do ăn ở mà ra cả. Mà cũng tại vợ đang có bầu nữa nên họ hàng quan tâm lắm, có được mấy quả trứng gà, hay vài quả bưởi, quả cam gì cũng mang sang cho, cứ kêu ăn để cho em bé mau lớn, người ở quê người ta chân chất vậy đó. Không biết con lớn hay để mẹ lớn, mai mốt cứ tròn vo một cục, đi không đi nữa mà lăn thì cũng coi bộ hay hay. Thấy mấy bà bầu hay vậy lắm. Sinh xong em bé 3 vòng như một.
Chiều hôm nay, là một buổi chiều như bao chiều bình thường khác, trời không trong mà mây trắng cũng không nhiều. Gió thổi nhẹ vờn ngọn tre già đang tí tởn đong đưa. Vợ tôi một mực đòi tôi đưa đi chùa, cách ngôi làng tôi ở chừng 15km có một ngôi chùa làng trên xã dưới đồn rất là thiêng, vợ muốn đi thắp nhang và xin bùa phép. Đàn bà, con gái chung quy lại thì đều có hơi hướng mê tín hơn so với đàn ông con trai. Cái đấy là quy luật của tự nhiên không thể chối cãi được. Chiều vợ, tôi đưa nàng đi với lời cảnh báo của dì dượng.
– Trời này chiều mưa đấy.
– Con mang theo áo mưa là được chứ gì – tôi bướng bỉnh.
Tôi dạ dạ vâng vâng nhưng tâm trí cứ như đang treo ngược ngọn tre, thế nên bây giờ mới có chuyện để kể tiếp đây.
Hai vợ chồng lên chùa, thắp hương khấn phật, dạo quanh một vòng ngắm cảnh. Chốn linh thiêng, không khí cũng khác, giống như bước vào đây, là được ngăn cách bởi một thế lực siêu vô hình nào đấy mà không thể cảm nhận được. Hai bên đường cây rợp bóng, cảm giác thanh thản đến lạ, không giống như đi dưới con đường đẹp nhất giữa lòng thủ đô Hà Nội. Từ bé đến giờ tôi không hay lui tới những nơi như thế, nói đúng hơn là chưa bao giờ. Vốn dĩ tôi quá hài lòng với cuộc sống của mình, vậy tôi còn cần cầu xin điều gì ở đó? Nhưng bây giờ tôi hiểu… không hẳn chỉ là để cầu xin điều gì đấy, mà là tâm yên ổn khiến cho ta thanh thản hơn. Nghe sư thầy tụng kinh, lâu lâu gõ mõ lóc cóc, vốn dĩ chẳng hiểu gì nhưng vẫn thấy quá thiêng liêng (hay tại mình không hiểu được nên mình nghĩ thế nhỉ?) xế chiều, vãn cảnh chùa xong, tôi đưa vợ đi xin bùa bình an xong thì về.
Mây đen kéo đến ùn ùn khi chúng tôi vừa lên xe đi được một khoảng ngắn, thêm một đoạn nữa thì trời mưa nặng hạt. Mãi đi không chú ý, tôi vội vàng xuống xe lấy chiếc áo mưa nãy dì tôi đưa, nhưng mà cốp xe trống trơn, đến một cọng rác cũng không thấy trong đó. Nghĩ đi nghĩ lại không biết rơi rớt đi đằng nào, cho tới lúc mưa nặng hạt thêm một chút rớt độp độp lên cái đầu đất của tôi mới sực nhớ ra nãy dì tôi đưa, tôi bỏ lên đống củi khô, tính vào nhà lấy cái mũ bảo hiểm rồi bỏ vào, ai dè lại phè phởn trèo lên xe thong thả đi quên luôn cái áo mưa nằm chơi vơi một đống ở đó.
Trời có thương (không thương tôi thì thương vợ tôi, nàng vốn ăn ở có phúc có đức lắm, có làm hại gì ai bao giờ đâu) thì tạnh mưa dùm, cái chốn đồng không mông quạnh này có nhìn lòi con mắt cũng chẳng tìm thấy cái quán cóc nào mà mua áo mưa, hoặc là xin trú chân một chút. Tôi nhìn vợ với ánh mắt đầy tội lỗi, vợ tôi đang mang bầu, không thể cứ để cho vợ trần trụi với thiên nhiên như thế này được. Nhưng thực sự bây giờ có là thiên tài tôi cũng không thể tìm ra cách gì có thể khiến vợ tôi không bị ướt khi mưa ngày một to như thế này. Lúc nào cũng tự hào cái đức ông chồng thế này thế kia, rút cuộc vẫn chỉ biết ăn hại.
– Thôi cứ đi tiếp vậy anh ạ, chịu khó một chút rồi kiếm chỗ nào lánh tạm – nàng mỉm cười, đưa tay vuốt nhẹ những giọt nước vô tâm vô tình đang rơi rớt trên mặt.
– Em cố gắng chịu ướt một chút, anh đi nhanh đưa em về nhé – lòng thì đang ân hận vô bờ vô bến.
– Lâu rồi mình cũng không tắm mưa, em không sao đâu. Anh đi cẩn thận là được.
Tôi cởi chiếc áo sơ mi khoác bên ngoài, với túi xách của nàng bỏ vào cốp xe cho khô ráo rồi phóng xe đi ầm ầm. Trời không thương, mưa thì vô tình, nước nặng trĩu ngày càng nặng hạt hơn, mặt tôi tê rát vì bị nước mưa đập vào nhưng vẫn cứ mím mồm căng mắt mà nhìn đường để đi. Bình thường không có chuyện gì cũng không được than thở, nay lại càng không, tuyệt đối không.
Đi được hơn 10 phút thì vừa hay phía trước có cái chòi nhỏ hơi cũ kỹ rách nát, có còn hơn không, tôi hét qua màn mưa.
– Vào đấy trú tạm đã em nhé?
Vừa nói dứt câu thì xe giật giật 3 cái rồi đứng im bất động, đã nghèo rồi còn gặp eo. Đúng là dễ điên lên được thật đấy.
– Có chuyện gì thế anh? – nàng kéo áo tôi hỏi
– Anh cũng không rõ
Tôi xuống xe, mưa mù mịt, chẳng thấy đường mà kiểm tra do lỗi tại cái con cóc con khỉ gì nữa. Đá mạnh vào xe mấy phát, chỉ tổ đau chân, tôi bực mình đến mức chỉ muốn xách nó lên và vứt vào một cái xó xỉnh nào đấy.
– Thôi anh, mình chịu khó đi bộ lại đằng cái chòi kia rồi tính tiếp. Không rồi tới tối cũng không về được nhà đâu.
– Em đi nhanh lại đấy trước đi, anh đẩy theo sau.
Nàng nghe lời đi lên trước, giờ này thì còn đâu cái tâm trí mà “thôi em đi cùng anh, em không muốn để anh một mình” xin lỗi nhé, qua cái thời đấy từ đời cụ kị rồi, tôi lật đật đẩy xe chạy theo sau. Cái chòi tranh rách nát ai dựng lên đây chả biết, chắc cũng từ đời cổ lai hy nào rồi. Dột tứ bề, gió hắt mưa vào nên cũng chả có chỗ nào khô ráo mà đứng được. Tôi chán nản đứng nhìn em trong bất lực. Em tìm một chỗ không bị nước mưa té vào đứng rũ tóc, vắt cho khô quần áo. Tôi mở cốp xe ra lấy chiếc áo khô để cho em lau qua người một chút. Trời chẳng có dấu hiệu gì là sắp ngớt mưa cả. Dừng lại bắt đầu cảm thấy lạnh hơn, em cũng lạnh, môi bắt đầu tái lại, tôi cố gắng đứng che chắn màn mưa đang rơi rạo rực từ một độ cao khủng khiếp rơi xuống, nhỏ bé quá, chẳng thể chống lại được thiên nhiên quá to lớn. Nàng ngước lên nhìn tôi cười âu yếm.
– Hôm nay ra đi bước chân nào mà xui dữ anh ha.
Tôi cười méo xệch.
– Chẳng phải em vừa xin bùa bình an sao?
– Anh thật là, bùa bình an chứ đâu phải thiên thần hộ mệnh đâu. Với lại, tất cả mọi thứ bùa trên đời này nó mang lại niềm tin cho người mang nó. Anh tin nó là bùa bình an, thì nhất định là nó bình an – em mỉm cười dùng tay áo lau nước mưa trên mặt tôi.
– Nhưng mà ít nhất thì cũng nên phù phép cho trời khoan đã mưa vội để mình về tới nhà bình an vô sự chứ.
Nàng lườm yêu tôi, lấy chiếc áo khoác lên người rồi kéo chặt lại. Tôi bước lại ôm nàng từ phía sau, bản thân bây giờ chẳng khác gì con chuột lột, nhưng ít ra hơi ấm của tình yêu vẫn còn dịu dàng hơn cơn mưa vô tình kia. Nàng nghiêng người một chút đầu dựa vào vai tôi.
– Lâu rồi anh chẳng ôm em như vậy.
Tôi khép chặt vòng tay của mình hơn, lòng nhói lên cảm giác tội lỗi.
– Em không oán trách gì anh chứ?
– Làm sao em lại oán trách chồng em được chứ? – một tay nàng giữ lấy cánh tay tôi, một tay nàng đưa ra hứng từng giọt mưa đang rơi xuống, mưa rơi vào lòng bàn tay, rồi lại lọt qua kẽ tay, lại rơi xuống đất, miệng khẽ mỉm cười… ừ, nàng vốn thích mưa mà.
– Anh chẳng muốn làm một người vô tâm như thế đâu, nhưng mà đôi khi tình cảm của anh lại khiến anh hành động như một người mù không thấy đường đi ấy…
– Anh không phải là người vô tâm.
– Anh cũng không biết nữa… anh chẳng biết mình đang nói gì nữa. Em lạnh lắm đúng không?
– Em không lạnh đâu, anh đừng lo…
– Trời này rồi còn mưa mãi…
– Sắp tạnh rồi đấy.
– Tin em được không đó?
– Anh cứ tin đi, không thiệt đâu.
– Nhưng mà rồi về như thế nào được đây? – bàng hoàng nhớ lại chuyện của chiếc xe.
– Thôi cứ đợi tạnh mưa đã rồi tính.
Đứng thêm một chút thì mưa nhỏ hạt dần, một lát sau thì tạnh hẳn. Liệu như thần vậy, tôi mừng rỡ reo lên ầm ĩ, nàng lặng thinh đứng nhìn tôi mỉm cười, rồi lại đưa mắt ra nhìn cái xe đang im ỉm một xó, nước mưa đang nhỏ giọt xuống. Tôi ngưng đọng niềm vui của mình lại, méo mặt đến thảm hại. Ngồi loay hoay mãi rồi cũng chẳng có chút triển vọng nào. Cái đồ què cụt này, ông mà về được tới nhà ông vác mày ông cho xuống ao nhấn chìm sâu ba tầng chín lớp bùn đen. Bực mình.
– Hay là hết xăng hả anh? – vợ tôi ý kiến.
Tôi sực tỉnh ngộ. Mở bình xăng ra nhìn, kim xăng vốn dĩ nó hỏng be hỏng bét từ đời nào rồi nên lúc cầm xe ra đi tôi còn không chú ý tới việc còn xăng hay không. Không biết ngày ba bữa ăn cái gì vào mồm mà ý thức cứ như quỷ tha ma bắt mất rồi ấy. Kinh nghiệm đi bao nhiêu năm rồi mà có vấn đề đơn giản thế cũng loay hoay mãi. Tôi thở dài ngồi bệt xuống nền đất ẩm ướt, nhớp nhúa, lắc đầu ngao ngán.
– Ừ, xe hết xăng.
Nàng nhìn tôi cười tủm tỉm, bước lại gần, ngồi xuống bên cạnh vuốt lại những sợi tóc không vào nếp xõa ra trước mặt tôi.
– Vậy giờ mình đẩy bộ về, kiếm trạm xăng nào đó chứ giờ ngồi đây kêu than thì cũng có ai mang xăng đến cho mình về đâu. Đừng có vùng vằng như đứa con nít vậy nữa. Ngoan nào.
Điều khiến tôi cảm thấy luôn tin tưởng vào vợ chính là dù trong hoàn cảnh nào, nàng cũng không hỏi tôi phải làm thế nào, mà luôn đưa ra chính kiến của mình, khiến cho bản thân tôi không còn cảm thấy áp lực khi khó khăn mà không đưa ra được một giải pháp tốt nhất.
– Bây giờ về tới nhà cũng phải mất gần 15km, mà trạm xăng gần đây nhất cũng phải tới 10km. Mình không thể đi bộ 10km được. Phải có cách gì đó để về nhà chứ. Bây giờ cũng hơn 5h rồi. Cứ như thế chắc phải đến 10h đêm mới về tới nhà mất. Thà anh thì có thể chịu đựng, đằng này…
Tôi thở dài cúi gằm mắt xuống. Mặt đất sần sùi, bẩn thỉu, chẳng có cái gì đáng nhìn mà cứ trân trân dán mắt vào đó. Nàng vỗ vai tôi nhẹ nhàng.
– Anh đừng có như thế mà…
– Sao anh luôn là kẻ vô dụng như thế nhỉ?
– Anh lại nữa rồi đấy.
– A đúng rồi… – tôi reo lên mừng rỡ, cái đầu gặp sự cố nãy giờ tự nhiên nghĩ ra – Gọi thằng Dũng mang xăng qua đây.
– Nhưng em không có số của Dũng.
– Đưa điện thoại em đây – đôi lúc cái điện thoại cũng thực sự cần thiết đấy chứ, thế mà nỡ lòng phụ bạc nó.
Tôi nhắn tin cho mẹ xin số của dì, đó là cách hay nhất vào thời điểm này rồi. Cũng may mẹ chẳng thắc mắc gì cả. Và gọi dì tôi để gặp thằng Dũng, nói đại khái tình hình, nó gật gù rồi cúp máy đi ngay. Tôi thở phào, tương đối nhẹ nhõm hơn được một chút. Bây giờ chỉ có việc ngồi một chỗ và kiếm chế cơn nóng vội lại để chờ đợi tiếp tế mà thôi. Lực bất tòng tâm, có cố gắng cũng không thể làm gì khác được. Vì trường hợp này rơi vào đáy của tuyệt vọng rồi, không dựa vào đồng loại thì phần chết nắm chắc trong tay.
Phải đến độ hơn 30 phút mới thấy bóng dáng thằng Dũng ì ạch bò từ đằng xa đến. Tôi mừng như bắt được vàng, chạy ra giữa đường chặn xe nó lại. Trao bình xăng với chiếc áo khoác cho tôi, nó nhe răng cười. Tôi giật lấy, cốc một cái đau muốn lủng sọ vào đầu nó.
– Mày vừa đi vừa đẻ nữa hả? Sốt hết cả ruột.
– Ơ kìa anh, sao lại đánh em nó thế – vợ tôi nhăn mặt.
– Kệ nó, ai kêu cái tội lề mề, sốt hết cả ruột – nói thế thôi chứ tôi cũng biết ơn nó nhiều lắm rồi.
– Đường mưa bùn lầy thế, em liều mạng chạy nhanh lắm rồi đấy, anh còn thế nữa – nó hét ầm lên, lấy tay xoa đầu.
Tôi mang áo cho vợ khoác vào kẻo lạnh rồi lấy xăng đổ vào bình, nó đứng cằn nhằn.
– Lúc đầu mưa đã bảo đừng có đi rồi mà, tại anh hết mà chị Vy phải chịu ướt đó, về mà bệnh anh coi chừng.
– Phủi phui cái mồm độc địa của mày, tao đấm mày lăn xuống hồ nằm chơi với cá đó – tôi dứ nắm đấm về phía nó, nó gãi đầu, phô cái bản mặt biết lỗi ra nhìn tôi cười xuề xòa.
– Thì đó là em nói thế thôi, em đâu có bảo em trù ẻo gì đâu.
– Anh thật là – vợ tôi lườm – Còn không cảm ơn em được một tiếng, nãy giờ cứ chí chóe, hết đòi đấm rồi đá. Thiệt tình.
Tôi nhăn răng cười, quay đầu xe đi về nhà.
Lặn lội mấy cây số, vật lộn với đám bùn lầy trên đường đến hơn 7h tối mới về được đến nơi nhà. Dì dượng tôi lo lắng đợi từ ngoài ngõ không ngồi yên trong nhà. Vừa về tới nơi, dì đã vội vàng bắt em vào tắm nước nóng gì đun với lá gì gì đấy, nghe không rõ kẻo cảm lạnh lại ảnh hưởng tới em bé. Nàng ngoan ngoãn vâng lời, tôi cảm thấy áy náy thấu tận trời xanh, tận cùng đáy biển. Tôi cũng phải đi tắm nữa… hôm nay nghịch đất hơi nhiều rồi.
Cơm nước xong xuôi, tôi ríu hết cả mắt, lúc chiều dầm mưa giờ đầu cứ ong ong, trời mới mưa xong lại mát mẻ nên tôi với nàng đi ngủ sớm hơn thường ngày.
Một ngày không bình yên. Và đêm nay cũng vậy. Giống như con mưa bất chợt chiều nay vậy đó. Nửa đêm tôi tỉnh giấc mơ màng, nghe tiếng em ư hử khe khẽ bên tai. Tôi giật mình, lay nhẹ người em, mồ hôi ướt nhẹp hết cái áo mỏng em đang mặc, trán em cũng đầm đìa mồ hôi, người lại nóng bừng lên.
– Vy, em làm sao thế? Em đau ở đâu? Có nghe anh nói không? – tôi hoảng hốt.
Nàng mở mắt nhìn tôi mệt mỏi rồi lắc đầu, ánh đèn ngủ phản chiếu đôi môi nhợt nhạt của em. Tôi gọi toáng lên.
– Dì ơi…dì…dì Phương…
– Ơi, dì đây…
Có tiếng mở cửa, tiếng dép loẹt xoẹt đi vội vã từ nhà trên xuống, tôi chạy lại mở cửa, cả nhà dì tôi chạy vào.
– Có chuyện gì thế Khánh? – dì tôi lo lắng.
– Vy nóng lắm dì ơi.
Dì Phương chạy tới bên cạnh giường sờ lên trán. Em vẫn mê mệt không mở mắt ra, hơi thở nặng nhọc.
– Vy bị ốm rồi, cảm lạnh đấy, chắc lúc chiều dầm mưa nhiều quá.
– Bây giờ sao hả dì, chỗ nào bán thuốc, con đi mua cho – tôi cứ xoắn xuýt lên, thần hồn nát thần tính.
– Bậy nào, đang có bầu không nên uống thuốc tây – dì Phương nạt.
– Thế bây giờ làm thế nào? – tôi hỏi dồn dập – Không nhẽ cứ để như thế? Cả người Vy nóng hầm hập lên như lửa đốt, mồ hôi ra nhễ nhại. Dì, làm thế nào đây?
– Mày đứng qua một bên cho dì, cứ xoắn xuýt lên như thế dì cũng hốt. Thằng Dũng đi ra múc cho mẹ ít nước lạnh với cái khăn mang vào đấy.
Nó dạ dạ vâng vâng rồi chạy đi, tôi ngồi bên cạnh như kiến cắn vào mông, nhấp nha nhấp nhổm không yên. Dì Phương vắt khăn rồi đắp lên trán cho em, khuôn mặt nhợt nhạt cứ đầm đìa mồ hôi. Cảm thông thường thì chẳng vấn đề gì đáng ngại, nhưng bây giờ vợ đang có bầu, chỉ sợ ảnh hưởng quá nhiều tới sức khỏe của hai mẹ con thôi. Tôi ngồi lay vai dì Phương.
– Giờ sao dì? Làm sao đây dì?
– Có thầy Lâm bốc thuốc bắc ở đầu làng cạo gió giỏi lắm, nhưng nửa đêm nửa hôm rồi, chẳng nhẽ lại bắt ông ấy qua đây giờ này, ông khó tính lắm…
– Ở đâu gì? Cháu đi, kêu thằng Dũng đưa cháu tới nhà ông, khó tính tới đâu cũng phải kêu ông đi bằng được.
Không đợi dì tôi nói thêm, tôi nắm tay thằng Dũng kéo ầm ầm.
– Đi mày…
– Ơ đi đâu?
– Chỗ dì Phương nói đấy.
Tôi chẳng nghe thấy dì tôi dặn dò gì nữa, chỉ ậm ừ cho qua chuyện, lòng như lửa đốt, cảm giác giống như chỉ cần muộn một phút là tính mạng em sẽ gặp nguy hiểm. Tôi phóng xe lao vun vút trong đêm. Chắc rồi dì dượng tôi cũng phải bó tay với thằng cháu này mà thôi.
Để lại một bình luận