Phần 4
Tôi thuộc nằm lòng từng bức thư của Kiên, nhớ từng dấu phẩy, dấu chấm và những nét tẩy xóa một số chữ (chắc lúc ấy Kiên cân nhắc nhiều lắm để chọn từ ngữ).
Cả 3 bức thư nếu viết ra ở đây thì dài lắm. Tôi chỉ ghi lại những dòng gọi là tâm huyết để sau này con tôi ghi nhớ.
* Trích BỨC THƯ GỬI CHUNG CHO CẢ NHÀ:
‘Anh chị và các cháu ơi! Em nhớ anh chị của em và hai cháu gái yêu Minh & Hạnh của chú quá! Sẽ có một ngày không xa cả nhà mình lại quây quần, đoàn tụ… Giờ đã đến giờ vào chiến dịch, em dừng bút để đi cùng anh em, đồng đội đây.
Em của anh chị, chú của các cháu. Ký tên Kiên.’
* Trích BỨC THƯ GỬI CHO BỐ TÔI…
“Anh Kha ơi! Em thương quý anh nhiều lắm. Bố mẹ mất sớm, anh rồi sau có chị nữa đã nuôi em khôn lớn, thành người. Góc độ nào đó em đã coi anh như người cha, quyền huynh thế phụ mà anh. Anh chị nuôi em từ khi em lên 7 đến giờ vẫn áy náy một điều rằng chưa dựng vợ được cho em. Nhưng anh chị cứ yên tâm, em sẽ có vợ, có con để nối dõi tông đường…”
(Chả là bố tôi không có con trai. Chỉ trông mong vào chú)
Mấy dòng cuối thư, có nhiều nét tẩy xóa…
“Anh Kha ơi! Tha lỗi cho em nhé khi em nói ra câu này. Em yêu cháu Minh và chúng em đã chót dại. Nếu Minh sinh con thì đó là con của em, cháu của anh chị. Anh chị đừng ruồng bỏ chúng em nhé…”
(Nước mắt tôi đã làm nhòe thêm trang thư này sau mỗi lần đọc lại)
* Trích BỨC THƯ GỬI RIÊNG CHO TÔI:
‘Minh yêu của anh!
Anh biết anh đi sẽ để lại cho em gánh nặng gia đình. Và nếu anh có mệnh hệ gì thì lại càng thương em – cháu gái ruột của chú, vợ của anh – nhiều hơn. Nhưng anh tin vợ sẽ thay anh chăm sóc gia đình và giọt máu của anh gửi lại. Hãy nói với con, dù là gái hay trai, rằng: Bố Kiên của con kỳ vọng nhiều lắm ở nơi con.
Minh ơi! Anh đã thú thật hết chuyện của chúng mình với anh Kha của anh, bố Kha của cháu và giờ là bố vợ của anh rồi. Nếu bố mẹ có mắng chửi thì em cố nín nhịn vì anh và vì con nhé…’
Tôi khóc! Khóc, khóc… và: Giờ mới hiểu câu ngạn ngữ “Đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Thì ra bố tôi đã biết nhưng im lặng để không muốn có sự xáo trộn trong tư duy, tình cảm gia đình và để âm thầm chăm sóc con và cháu trai đích tôn của dòng họ Tạ với cái tên Tạ Kiên Cường. Tôi hiểu lời dặn dò của chồng và của bố. Việc giải thích cho 3 người: Mẹ, em gái và con trai là trách nhiệm của tôi.
* Với mẹ:
Tôi để con trai ngủ một mình để sang ngủ với mẹ. Tôi tỉ tê:
– Mẹ ơi! Con nhớ bố thằng Cường quá. Con yêu anh ấy lắm, mẹ ạ!
– Nó là thằng nào? Bỏ bẵng vợ con ngần ấy năm trời không mảy may đoái hoài gì thì nhớ nhung, yêu đương nó làm gì? Dứt bỏ hẳn đi mà nuôi con, con ạ!
– Con không bao giờ bỏ anh ấy. Cốt nhục của anh ấy là con trai con, cháu đích tôn của họ Tạ…
– Con nói sao hả Minh? Thằng cháu ngoại sao lại là cháu đích tôn?
– Mẹ ơi! Con xin lỗi mẹ! Thay lời chồng con, bố đẻ của cháu Cường và nói hộ cháu Cường lời thú tội. Chồng của con, bố đẻ của thằng Cường chính là… chú Kiên đấy mẹ ạ. Bố cũng biết từ khi bố còn sống và bố đã tha tội cho vợ chồng con rồi…
Mẹ tôi ngồi bật dậy, nói trong nước mắt:
– Thì ra các người giấu tôi bao nhiêu năm nay. Sao phải thế? Tôi cũng đã có lần lờ mờ đoán ra khi hai chú cháu nhìn nhau, đi đứng bên nhau mà không ngờ nên không dám nói. Bây giờ thì…
– Thì sao hả mẹ?
– Thì còn gì nữa để mà nói. Thằng Cường là cháu đích tôn của nhà này rồi. Mà mẹ bảo này: Có con rồi ở vậy mà nuôi con đừng tơ tưởng lấy chồng, khác máu tanh lòng rồi khổ cả đời, khổ cả con đấy, con ạ!
Từ đó, con trai của tôi và Kiên càng được Bác dâu – Bà ngoại chăm chút kỹ càng hơn.
Rồi đến lần mẹ tôi đi theo bố, xuống đoàn tụ cùng bố tôi và em trai chồng – con rể của bà. Mọi việc nhà giờ dồn hết lên vai tôi. Tôi làm trọn vẹn vai trò và trách nhiệm của mình…
* Với em gái…
Khi hai chị em nằm cạnh nhau, tôi nhỏ nhẹ:
– Hạnh này! Em có thấy cháu Cường giống ai trong nhà mình không?
– Mỗi nét giống từng người trong nhà, nét của ông ngoại, bà ngoại, mẹ Minh và Dì Hạnh… Nhưng giống nhiều nhất là giống chú Kiên…
Tôi thấy hồi hộp quá. Hạnh xoay mặt tôi nhìn vào mắt tôi rồi nói:
– Chị không cần nói em cũng biết. Từ cái lần buổi chiều bố mẹ đi làm đồng, em được nghỉ học, đạp xe về nhà em thấy chị và chú Kiên hôn nhau ngoài vườn, chị gọi chú là chồng còn chú Kiên gọi chị là vợ yêu cơ. Cứ để tình yêu luôn sáng, đừng để tắt trong tim mình, chị Minh ạ!
Tôi ôm choàng em gái vào lòng.
Rồi Hạnh đi theo chồng người Pháp định cư tại thành phố Tulou. Thường xuyên gửi thư và tiền, quà về cho chị và cháu…
* Chỉ còn nhân vật cuối cùng tôi phải nói sự thật. Đó là Tạ Kiên Cường, con trai của vợ chồng tôi.
Tôi đợi khi có dịp.
Đến lúc đó…
Để lại một bình luận