Phần 22
Nỗi buồn nào rồi cũng sẽ qua, vết thương nào rồi cũng lành dù biết sẽ mất rất nhiều thời gian nữa, và mỗi khi nhớ lại, vết thương kia chắc chắn sẽ nhói đau. Những ngày ốm nằm ở nhà tôi mới hiểu rõ hơn về tình cảnh của em, bao nhiêu ngày qua tôi chỉ biết cắm mặt vào làm kiếm tiền gửi về mà đâu biết rằng em đang vô cùng khó xử, em đang dần rời xa tôi như một định mệnh mà số phận em và tôi phải thế.
Người em lấy làm chồng cũng đâu phải là bác sĩ, cũng chẳng cao sang quyền quý học rộng tài cao hơn tôi là bao, công việc của anh ta cũng chỉ là trông xe ở cổng bệnh viện thôi, nhưng bố anh ta lại làm ở phòng tổ chức của bệnh viện. Nghe nói suất bảo hiểm chữa bệnh cho bà em là suất của anh ta, chỉ còn một cách duy nhất khi em là người nhà của anh ta thì mới được suất đó. Cuộc đời éo le là thế, khi mà người ta đã thích em ngay từ những ngày đầu gặp em, và tấn công em trong hoàn cảnh như vậy thì tôi còn biết làm thế nào nữa, tôi chỉ biết cầu mong cho em được hạnh phúc với sự lựa chọn của mình, để những chịu đựng hy sinh của em không còn vô nghĩa.
Còn tôi, tôi cũng chẳng trách em, phận gái như em đã chịu đủ mọi đắng cay tủi nhục rồi.
Tôi ở nhà có lẽ đúng một tuần, được mẹ nấu cho ăn những món ăn thân thuộc từ thuở bé, được tha thẩn trên những con đường đê gió lộng, được hít thở cái mùi nồng nàn của đồng đất quê hương, cho đến hôm chú Hùng về tận nhà tìm tôi.
– Biển… ra đón khách quý nào.
Nghe cái giọng tôi nhận ra ngay là chú Hùng hổ, chú hỏi thăm thế nào gặp đúng mẹ tôi ngoài ngõ nên bà dẫn vào nhà luôn, ban đầu mẹ tôi sợ phát khiếp cứ tưởng tôi làm gì nên tội ở dưới ấy nên bây giờ người ta đến đòi nợ, mãi sau chú Hùng nói mẹ tôi mới bớt sợ, về đến nhà mà bà vẫn cứ run.
– Ôi, chú làm tôi hốt quá… cứ tưởng đầu gấu ở đâu đến tìm con tôi.
– U thấy con trông giống bọn đòi nợ thuê thế à? Ha ha.
– Không… nhưng tôi vẫn cứ hốt… trong tướng chú hơi dữ.
Rồi giọng chú Hùng lại oang oang khắp nhà:
– Ơ thế thằng Biển đâu? Về chăm mẹ ốm mẹ không thấy ốm mà mày lại dặt dẹo thế à? Thanh niên đéo gì mà yếu thế?
Bữa ấy tôi ra vườn bắt con gà làm thịt, mẹ tôi lại mua được con cá to ngoài chợ thế là hai chú cháu ngồi uống rượu với nhau, xong chú hỏi tôi:
– Thế nào? Đã khỏe hẳn chưa? Đã đi làm được chưa?
– Dạ cháu khỏe rồi, mai cháu xuống làm chú ạ.
– Ừ, đi làm đi cho nó khỏe ra, chứ cứ nằm nhà mãi nó bấy người ra lắm… Nào, uống đê… cạn…
Chú biếu mẹ tôi ít quà mà chú Hòa gửi lên, rồi cũng nói qua tình hình công việc của tôi dưới công ty, bảo là bà cứ yên tâm thằng này ngoan làm việc tốt lắm. Xong thì chú Hùng lại về.
Tôi hôm ấy hai mẹ con tâm sự đến tận khuya mới ngủ, mẹ cứ dặn tôi xuống ấy phải chịu khó chăm chỉ làm việc, người ta đã tốt với mình như thế thì đừng phụ công người ta tin tưởng mình. Tôi chỉ biết vâng và bảo với mẹ: Mẹ yên tâm cứ giữ gìn sức khỏe, con xuống sẽ chăm chỉ làm việc, khi nào có điều kiện sẽ đón mẹ xuống ở cùng chứ mẹ ở nhà một mình cũng buồn…
Sáng hôm sau tôi dậy, mẹ đã chuẩn bị sẵn cơm rang như ngày nào cho tôi ăn chắc dạ để lát nữa lên đường…
Nhà tôi ở cuối làng, nơi gần nhất với cánh đồng lúa xanh rì bát ngát, chỉ cần đứng ngay trong sân nhà tôi, nhìn ra phía xa xa kia là một vệt xanh mờ của dãy núi. Tôi đi trên con đường quê gập ghềnh sỏi đá, hai bên đường sen mùa này đang nở bung, những cánh hoa đong đưa trong gió, hương thơm ngào ngạt. Tôi nhìn về phía cuối làng, xa xa kia là bụi tre, là cây gạo, nơi ấy là nhà tôi, nơi ấy có bao nhiêu kỷ niệm…
Càng đi xa, phía sau lưng tôi là rất nhiều thương nhớ, còn trước mắt tôi là chân trời…
— Hết —
Tác giả: Hoài Cổ
Để lại một bình luận