Phần 52
Bốn năm đại học của tôi kết thúc. Tôi đã học được thêm nhiều điều, đạt được nhiều thứ, tiếc nuối cũng không ít. Nhưng điều khiến tôi tiếc nhất là Hoa Ngọc Linh. Có những lúc, em ở bên tôi rất gần, nhiều khi, em lại xa cách như thể muốn chấm dứt mối quan hệ với tôi. Sau tất cả, tôi vẫn không thể có em. Em từng hứa sẽ nói lý do tại sao từ chối tình cảm của tôi, song có lẽ em đã quên lời hứa ấy.
Sau ngày tốt nghiệp, tôi và Linh không gặp mặt nhau nữa, chỉ chat qua facebook và hầu như loanh quanh mấy chuyện việc làm. Chủ đề việc làm là thứ kéo dài câu chuyện chứ không có tính gắn kết. Vì nói quá nhiều chuyện đó, những cuộc chat giữa hai đứa dần nhàm chán. Tôi ngừng trả lời tin nhắn của em, luôn tỏ ra bận rộn hoặc mệt mỏi.
Sau hai tháng, chúng tôi ngừng liên lạc với nhau. Như vậy cũng tốt, cho cả tôi, cho cả Linh. Một cuộc sống mới đang tới, sẽ chẳng hay ho gì nếu tôi cứ nghĩ về em và em phải duy trì mối quan hệ khó xử này. Bạn hỏi tôi buồn hay không, tôi trả lời rằng: có. Nhưng buồn tới mấy, tôi vẫn phải quên Linh vì cuộc sống chẳng chờ đợi ai cả.
Có điều, trái tim tôi vẫn cứ lạc mất trên bầu trời, và tôi cảm giác mình sẽ không bao giờ tìm thấy nó nữa.
So sánh giữa hai thời điểm đỗ đại học và tốt nghiệp đại học, nhận thức của tôi đã thay đổi. Còn nhớ khi nhận được giấy báo đỗ, tôi mừng như điên, nghĩ rằng mọi thứ đã an bài. Nhưng lúc cầm tấm bằng rời trường đại học, tôi chợt hiểu cuộc sống vừa mới bắt đầu. Tôi bước vào một ngôi trường mới, nơi ấy không có giáo viên, không có bạn học, cũng chẳng có ông bảo vệ hỏi thẻ sinh viên hay nhắc nhở cắm thùng. Nó có tên là “trường đời”. Ngôi trường tiếp nhận mọi đứa sinh viên vừa ra trường và ngay lập tức ném bài kiểm tra đầu tiên vào mặt chúng nó: tìm việc.
Mọi thằng sinh viên đều nói tốt nghiệp xong sẽ vui chơi thỏa thích. Thực sự thì hầu hết đều khẩn trương tìm việc, chỉ một số ít là nói thật. Tôi là một trong những thằng nói thật, nhưng không sớm thì muộn, tôi sẽ phải lao đầu vào bài thi đầu tiên của trường đời. Bố mẹ tôi chỉ là những con người bình thường, quan hệ xã hội tuy có nhưng hầu hết lại chẳng thể giúp tôi tìm việc. Dù sao, tôi vốn là đứa không đòi hỏi, trước nay luôn tự làm việc một mình nên đây chẳng phải chuyện gì to tát. Tôi muốn tự tìm đường bằng bàn tay mình, hơn là ai đó vạch sẵn cho mà đi.
Nhưng bạn nên biết, khi tự mình tìm đường, bàn tay bạn sẽ rớm máu vì bị gai đâm, vì ngã, vì đôi lúc phải che đi gương mặt tủi nhục.
Tôi là một trong số ít những thằng không đi tìm việc ngay mà vui chơi cho bõ những ngày tháng điên đầu với đồ án thi cử. Nhưng mang tiếng là vui chơi chứ suốt thời gian đó, tôi đi tìm công việc phù hợp với niềm đam mê vẽ của mình. Trong thời buổi Internet phát triển, tìm được một công việc không khó, nhưng có được công việc ấy hay không lại là vấn đề.
Tôi chuyên vẽ mảng tranh fantasy và muốn tham gia một studio game nào đó, tôi biết rằng chỉ ở đó, khả năng của mình mới được phát huy. Tôi muốn trở thành một họa sĩ như Yoshitaka Amano – người chuyên vẽ tạo hình nhân vật cho dòng game Final Fantasy. Nhưng ở nơi này, nó, thứ ước mơ đó, quả thực quá viển vông.
Tôi tìm được studio game của người Việt song khi liên hệ, họ nói đã nghỉ từ lâu. Vốn của họ quá ít ỏi, họ bỏ nhiều công sức nhưng cuối cùng chẳng thu được mấy đồng lãi. Cũng khó cho họ, khi mà con người Việt Nam mình vẫn thích dùng chùa, vẫn giữ định kiến rằng làm game chỉ là trò vô bổ (tất nhiên không phải chỉ riêng Việt Nam). Tôi đành bỏ dở ước mơ và hy vọng một ngày nào đó, mọi thứ sẽ thay đổi – một hy vọng hơi mong manh.
Tạm gác ước mơ làm game, tôi bèn thử sức ở lĩnh vực vẽ truyện tranh. Đây không hẳn là lựa chọn mà tôi thực sự nhắm tới nhưng nếu làm, tôi có thể làm tốt. Hồi đại học, tôi vẽ khá nhiều truyện tranh ngắn và được dân tình hưởng ứng nhiệt liệt, chủ đề thì… bạn biết đấy, chắc chắn là đánh đấm và viễn tưởng rồi. Những người hâm mộ nói tôi vẽ chuyên nghiệp, có nét riêng, hoàn toàn khác so với truyện tranh nước ngoài và họ nói tôi nên xuất bản. Cũng thời điểm ấy, người ta nói nhiều về việc thị trường truyện tranh bị nước ngoài chiếm lĩnh và các nhà xuất bản cần tác phẩm của người Việt. Tôi nghĩ mình có cơ hội. Tôi là người Việt, tôi trẻ, tôi khỏe, tôi thừa năng lượng và tự tin mình sẽ thay đổi được định kiến của người đọc.
Tôi đã mang tác phẩm của mình tới nhà xuất bản, đã nghĩ những người kiểm duyệt sẽ khen ngợi tôi như ở trên mạng. Nhưng cuộc sống ảo khác đời thực. Không có lời khen nào dành cho tôi cả. Họ nhận bản thảo của tôi và để đó đợi bán giấy vụn, hoặc tống vào sọt rác – tôi nghĩ vậy. Không một câu trả lời hay tin nhắn đáp lại, dù tôi ghi chú số điện thoại lẫn email bên ngoài bản thảo, ghi rõ to luôn! Tôi chẳng nhớ mình gửi bản thảo đi bao nhiêu nơi, nhưng chắc là nhiều hơn mười đầu ngón tay.
Tới đầu tháng thứ hai, nhà xuất bản thứ mười một gửi email trả lời và tôi khá vui mừng. Cho đến khi đọc nội dung email, sự vui mừng trong tôi tụt về không, con số 0 tròn trĩnh:
“Chúng tôi đã xem bản thảo của bạn. Hiện tại nhà xuất bản chưa có kế hoạch gì cho thể loại truyện tranh này, hẹn gặp bạn lần khác.”
Người trả lời kiểu này sẽ chẳng mong đợi hẹn gặp bạn lần thứ hai. Lúc đó, trong đầu tôi nảy sinh sự đả kích vô cùng lớn. Trong suốt sự nghiệp vẽ, tôi chưa từng gặp tình huống tác phẩm của mình bị người khác ngó lơ như vậy. Ngay cả những gã vẽ giỏi nhất trên diễn đàn đều nói tôi sẽ phát triển và tiến xa hơn nữa, vậy tại sao nhà xuất bản lại thờ ơ? Tôi nghĩ mình không gặp may.
Nhưng bức email nọ chưa phải điều tồi tệ nhất. Chuyện tồi tệ nhất xảy ra sau đó một tuần, khi tôi mang bản thảo tới nhà xuất bản thứ mười hai. Người kiểm duyệt của nhà xuất bản xem bản thảo ngay tại chỗ và… gửi trả ngay tại chỗ. Đó là một người phụ nữ với gương mặt không còn trẻ nhưng cũng chưa già, đôi mắt của cô ta trơ trơ tựa tấm nhựa bóng láng, hầu như không còn nhựa sống và cạn kiệt những khao khát. Cô ta nói với tôi:
– Nói chung em về vẽ kiểu truyện khác đi. Mấy truyện thể loại này xuất bản ra không ai xem đâu!
– Thể loại khác là thể loại thế nào hả chị?
Người kiểm duyệt trả lời ráo hoảnh:
– Cái đó em phải tự nghĩ thôi. Ở đây bọn chị chỉ nhập truyện nước ngoài thôi chứ không xuất bản truyện Việt Nam em ạ.
Tôi nói:
– Nhưng em có thể vẽ được mà chị? Em vẽ ở trên diễn đàn và nhiều người nói truyện của em rất tốt mà!
Người kiểm duyệt cười:
– Ôi dào ơi em ơi! Ngoài đời thực chẳng ăn ai nữa là trên mạng. Em có chắc vẽ truyện này xong em sẽ cạnh tranh được với truyện nước ngoài không? Tốt nhất là về tập vẽ lại đi em ạ, mấy đứa họa sĩ như em, chị thấy nhiều rồi. Chị nói thật nhé, truyện của em xuất bản ra không ai muốn mua đâu.
Tôi cười. Cười vì buồn, cười vì bị sỉ nhục. Nực cười vì cô ta nói với tôi “tập vẽ lại” như thể tôi là đứa trẻ nít đang tập tọe tô màu. Nực cười bởi chính bản thảo này vài năm trước là thứ tạo dựng nên tên tuổi của tôi trên diễn đàn. Nực cười vì đầu truyện của nhà xuất bản này chỉ toàn những thứ truyện tình cảm sến súa với nét vẽ hời hợt, sai tỉ lệ, sai luôn cả bố cục. Tôi không có ý phán xét, do người kiểm duyệt nói đến chuyện chuyên môn nên tôi sẽ nói về chuyên môn. Nhưng dù tôi nói thế nào đi chăng nữa, mọi chuyện vẫn không thay đổi. Tôi, kẻ tự tin có thể làm mọi thứ đã tới mười hai nhà xuất bản và cả mười hai lần đều thất bại.
Sau cùng, tôi tìm được một nhóm khoảng ba người chuyên vẽ và thiết kế cho các trang web. Ngày nay, trang web mọc lên như nấm, nhu cầu thiết kế cũng tăng cao, nhất là các web giải trí hoặc kinh doanh. Phần việc của bọn tôi là trang trí trang web sao cho bắt mắt, phần code thì do bên khác lo. Nghe thì oai vậy chứ người ta trả tiền khá bèo bọt, khoảng gần một triệu rưỡi, ba thằng chia nhau; cả ba lại đang tuổi ăn tiêu yêu phập, thêm đồng tiền mất giá nên năm lít bay hơi trong bảy ngày là chuyện thường tình. Mà đơn hàng cũng hẻo, hàng tháng được hai đơn đặt hàng là giỏi lắm.
Thực sự, nhóm của tôi không tệ nếu so với các nhóm thiết kế tự do khác, nhưng sau một thời gian, tôi bỏ. Tôi bỏ không phải vì chê tiền ít, chê khó khăn mà vì thái độ của hai gã trong nhóm. Mỗi lần đi café trà đá, bọn họ luôn chém gió tung trời về chuyện vẽ vời. Ngồi trà đá café, ai cũng thích chém gió, kể cả tôi. Vấn đề ở chỗ hai bố trẻ này luôn coi mình là nhất, là khác biệt so với đám đông và tất cả người khác chỉ là rác rưởi. Tôi nằm trong số rác rưởi ấy. Hai gã luôn miệng chê bai những tác phẩm của tôi và cho rằng chúng chẳng có “chất”. Tháng trước, tôi làm một đơn hàng mà khách rất vừa ý, hai gã nghĩ tôi gặp may:
– Thi thoảng gặp khách dễ thôi ông ạ! Mấy tháng trước tao làm ba đơn hàng, chỉ ngồi một buổi vẽ vẽ là kiếm ba triệu ngon lành!
Rồi gã thứ hai tiếp lời:
– Mày nghĩ mày vẽ lâu á? Tao đi vẽ kiếm tiền lâu rồi nhé! So ra thì hơn mày nhiều đấy, đừng tưởng bở!
Giọng điệu cả hai gã khá hằn học, như thể tôi đã làm điều gì đấy khiến họ phật ý. Thực sự tôi chưa từng khoe khoang cái gì quá trớn, ngoài việc tự giới thiệu rằng mình đạt giải thưởng vẽ khi muốn gia nhập nhóm. Làm việc với đám người này gần ba tháng, tôi chỉ toàn nhận được những lời chỉ trích và dạy bảo thay vì khích lệ. Sau khoảng thời gian đó, tôi rời đi, phần vì tự ái, phần vì chán nản. Tôi đã nghĩ những người trẻ tuổi sẽ dễ làm việc với nhau, sẽ dễ cảm thông cho nhau hơn, nhưng tôi đã lầm. Tuổi tác không phải vấn đề, suy nghĩ mới là vấn đề.
Lận đận với chuyện vẽ, tôi buộc phải quay lại với tấm bằng tài chính – ngân hàng. Người ta nói “tam thập nhi lập” và tôi chỉ còn bảy năm nữa để phấn đấu. Nói “chỉ còn” bởi thời gian sẽ trôi rất nhanh nếu bạn không để ý; bởi tuổi tác của bố mẹ không đợi tôi, các cụ không thể nuôi báo cô tôi mãi; bởi xã hội này có quá nhiều người thích soi mói chuyện riêng tư của người khác, họ sẽ cười nhạo bố mẹ tôi nếu tôi là thằng ba mươi tuổi lông bông không nghề nghiệp. Một lần nữa, vì sợ hãi, vì thể diện, tôi lao vào vòng xoáy tìm việc.
Tìm việc chưa bao giờ dễ dàng. Tôi nộp hồ sơ như máy bay ném bom rải thảm nhưng không chỗ nào đánh tiếng. Thời buổi kinh tế lao dốc, ngân hàng sa thải nhân viên như cửa đập xả lũ, còn tôi như con cá bơi ngược dòng lũ. Bi hài là trong dòng lũ đó có hàng ngàn con cá khác như tôi, chúng xô đẩy, quẫy đạp, chèn ép nhau để leo lên. Cá chép vượt vũ môn, bề ngoài câu chuyện thật đẹp nhưng mấy ai biết phía dưới dòng nước, bao nhiêu con cá đã chết vì kiệt sức? He he, lảm nhảm vậy thôi, dù sao thì câu chuyện của anh chàng đi tìm việc không có sự chết chóc nào cả. Ngoại trừ việc mua hồ sơ hơi tốn, một bộ hồ sơ mười nghìn, mười bộ cộng lại đủ tiền ba bát tái gầu chứ chả đùa! He he!
Kiên trì nửa tháng nộp đơn xin việc, rốt cục có một ngân hàng lớn gọi tôi. Trước ngày đi thi, tôi tham khảo rất kỹ kinh nghiệm trả lời phỏng vấn, các đề thi ngành ngân hàng. Nói chung là đồng chí Tùng Teo Tóp chuẩn bị đầy đủ súng ống đạn dược trong ngày ra trận.
Ngân hàng tuyển người qua hai vòng: thi viết và phỏng vấn. Thi viết giờ đa số đều làm bài trắc nghiệm trên máy tính, trừ những ngân hàng nhà nước hay trung ương. Chuyện bi hài là tôi trượt ngay tại vòng thi viết, không phải đề bài khó mà vì một lý do hết sức vớ vẩn: thời gian. Do quá ham lấy điểm những câu khó, tôi quên không ấn nút “Gửi” phía cuối bài làm. Thời gian làm bài hết, toàn bộ câu trả lời của tôi bị xóa khỏi hệ thống. Tôi đã cố vớt vát bằng cách điền lại nhưng không thể, máy tính chỉ biết xóa và nhận. Nó xóa bài của tôi, tôi bị loại. Tôi không thể biện bạch cho thất bại này, chỉ biết tự chửi “Ngu Vật Con Lợn, Tùng ạ, ngu Vật Con Lợn!”.
Sau sự cố đáng tiếc ấy, tôi tiếp tục gửi hồ sơ đi khắp nơi. Ở nhà, thấy tôi hơn ba tháng rồi vẫn lông bông, các cụ liên tục ca cẩm, thỉnh thoảng lại đưa ra ví dụ về những thằng bằng tuổi tôi đang sở hữu công ăn việc làm ổn định. Không phải “con người ta” nữa, mấy thằng này có tên có tuổi hẳn hoi. Nào thằng A nhà bà B, nào con X nhà bà Y, vân vân và vân vân. Thấy người ta thành đạt sớm, tôi cũng nóng ruột khôn tả, khổ nỗi vẫn chưa công ty nào gọi tôi.
Sang tháng thứ tư, một công ty tài chính tư nhân gọi tôi đi phỏng vấn – chính là công ty mà tôi đang làm hiện tại. Nó không phải là một công ty hoành tráng, cũng không có cao ốc hay văn phòng lung linh như phim ảnh. Nhưng ở nơi đây, tôi nhận được những bài học đầu tiên của trường đời, bắt đầu từ vụ phỏng vấn.
Hôm đó, như bao thằng lần đầu đi phỏng vấn khác, tôi chải đầu tóc gọn gàng, khoác lên mình áo sơ mi, quần âu, giày tây và dĩ nhiên là đóng thùng. Còn người phỏng vấn là một người đàn ông, chính là sếp của tôi hiện tại. Ngày đầu tiên ấy, cuộc đối thoại giữa tôi và sếp như vầy:
– Em học ở trường… ra hả, vậy có hiểu tín dụng là gì không?
– Vâng. Theo em hiểu tín dụng là thế nọ rồi thế chai, bla bla bla…
Nói chung, sếp hỏi tôi vài câu về kiến thức ngành tín dụng và tôi đều trả lời được. Tuy nhiên, có một câu hỏi mà tôi không hề được dạy:
– Được rồi, vậy em đến công ty này với mục đích gì?
Tôi hơi ngập ngừng. Mấy câu hỏi kiểu này như muốn móc họng người được hỏi. Sau cùng, tôi trả lời:
– Em muốn học hỏi thêm kinh nghiệm với cả tiếp thu kiến thức ở đây. Em còn trẻ nên có nhiều điều cần phải học.
Sếp nhếch mép cười:
– Thế tức là nếu em thu nhặt đủ kinh nghiệm rồi thì sẽ rời khỏi công ty đúng không?
Tôi vội vàng nói:
– Ơ… không phải thế, em cũng muốn cống hiến cho công ty nữa.
– Vậy nếu công ty trả lương thấp hơn so với những chỗ khác, em muốn cống hiến nữa không?
Tất nhiên là tôi sẽ biến ngay và khẩn trương. Nhưng với một thằng sinh viên mới ra trường và ôm ấp bao nhiêu hoài bão, câu trả lời đó chân thực đến mức khi nói ra sẽ cảm thấy lợm giọng. Tôi bối rối và không biết trả lời thế nào cho phải. Nhìn thái độ của tôi, sếp mỉm cười như người thợ săn vừa bắn hạ một con chim non mới ra ràng:
– Ở đây bọn anh không cần cống hiến, bọn anh cần em mang hồ sơ về đây. Hai tháng đầu không có hồ sơ, em có thể đi chỗ khác để cống hiến. Em viết trong đơn xin việc là có thể giao tiếp và soạn thảo văn bản bằng tiếng Anh, ở đây bọn anh hướng tới đối tượng khách hàng người Việt, không phải người nước ngoài, trừ phi người nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam. Em cũng viết là mình có thể làm việc nhóm tốt, đúng không? Ở đây bọn anh thường cho nhân viên đi phát tờ rơi quảng cáo, có thể ở nội thành, có thể ở các tỉnh khác và thường là các nhân viên phải tự túc phương tiện đi lại. Hoặc nếu cảm thấy việc phát tờ rơi quá mệt nhọc thì có thể chuyển sang gọi điện thoại, mỗi ngày sáu mươi số. Đừng lo thiếu, vì bọn anh có bộ phận chuyên khai thác số điện thoại cho em gọi. Tổng quan công việc là như thế, em làm được chứ?
Một đống mưa bão tát vào mặt khiến tôi bừng tỉnh. Đây là cuộc sống thực, không phải những bức tranh đầy mộng mơ. Công việc đang ở trước mắt, tuy khó khăn nhưng lại là điểm bấu víu duy nhất cho tôi. Tôi cần bám lấy nó để thoát khỏi vũng bùn thất nghiệp, dù cái điểm tựa đó lởm chởm và gai góc. Tôi đáp lời:
– Em làm được.
Vậy là bốn tháng sau tốt nghiệp, tôi bắt đầu đi làm.
Để lại một bình luận