Phần 11
Hồi xưa mẹ tôi làm ruộng, còn bố tôi sau khi trở về từ chiến tranh biên giới chống Tung Của, ở nhà vài năm rồi tham gia xây dựng thủy điện sông đà. Vốn là sỹ quan trong quân đội nên sau 1 thời gian làm công nhân, bố tôi được chuyển sang làm tổ trưởng tổ bảo vệ. Cứ vào dịp hè, được nghỉ, mẹ lại bế tôi lên xe khách lên thăm bố. Hồi đó Hòa Bình nơi bố tôi ở còn hoang vu lắm. Đồi núi thì nhiều, người dân tộc cũng lắm. Lần đầu tôi lên thấy mấy người ăn mặc xanh đỏ, tôi cứ chỉ trỏ hỏi mẹ :
– Sao ai kia mà lạ thế mẹ?
Mẹ tôi giải thích mãi tôi mới hiểu. Nơi bố tôi ở là khu tập thể cho công nhân của thủy điện sông đà. Tôi nhớ là 1 dãy dài nhà cấp 4. Có 1 nhà vệ sinh chung hết sức bẩn thỉu. Vì nó kinh dị nên công nhân rất ngại đi. Thường là họ đi bậy vào vườn quanh đó vào buổi đêm hoặc sáng sớm. Trong những ngày mưa gió họ ngồi trong nhà…ị vào vỏ bao xi măng rồi quăng ra vườn, ra đường hoặc xuống sông. Có lần mẹ tôi đau bụng quá, chạy không kịp, vãi cả ra…cái chậu rửa mặt của ông Hùng. Nhắc đến ông Hùng hâm, lại có thêm tí chuyện hầu các bác. Ông này là người làng tôi, cùng bố tôi lên sông đà làm việc. 2 anh em ở cùng phòng. Lão này hết sức keo kiệt và hâm. Lão ta quyết tâm không đóng tiền điện với lý do :
– Tao sẽ không dùng tí điện nào. Các thứ như quạt, đèn, ấm điện…tao không cần. Mày dùng thì kệ mày.
Thành thử tiền điện bố tôi trả 1 mình. Tất nhiên nếu làm khác ca, ở nhà lão Hùng dùng điện tẹt ga! Ông này cũng hâm, có khi nấu cơm xong, để nồi cơm ở đó rồi đi vệ sinh, về đến nhà thấy nồi còn mà cơm… bay mất! Chả biết thằng xỏ lá nào xúc trộm cơm. Ngày đó đói khát mà các quý anh chị. Thế là từ đó cứ nấu cơm xong ông Hùng lại ngồi trông! Sau này ông Hùng mua được mảnh đất be bé ở Hòa Bình. Khổ nổi vì hâm nên bị mấy nhà hàng xóm lấn, cứ mỗi người lấn 1 tí, sau cùng là hết sạch mảnh đất! Ông Hùng vừa rồi trải qua 1 cơn ốm thập tử nhất sinh nên giờ dặt dẹo lắm, không đi được, chỉ nằm và bò. Vợ bỏ, con chê nên giờ đang vất vưởng ở cái chòi đầu đình. Hàng ngày vợ mang cho ít cơm thừa. Đi vệ sinh thì vào 1 cái chậu nhỏ xong tự đổ ra cửa sổ. Cũng khổ, cũng do cả tuổi trẻ ông Hùng hâm bỏ mặc vợ, con để đi lang chạ. Âu cũng là nhân quả.
Sông Đà ngày đó công nhân, người tứ xứ đổ đến nên đủ các thành phần. Đa phần là đói khát, khổ sở nên trộm cắp nhiều. Đất nước vừa hết chiến tranh mà các bác. Tổ bảo vệ của bố tôi đâm ra vất vả. Vì ở đó trộm cắp như ranh. Hở ra là cắt trộm sắt, cáp, dây điện. Quanh khu tập thể có mấy lò rèn, họ nể bố tôi lắm, vì thú thật nguồn sắt cho các lò rèn hoạt động toàn là đồ ăn cắp từ công trường. Thành ra họ hay rèn dao, rèn cuốc và biếu bố tôi. Khi có nhiều, bố tôi gom lại mang ra chợ dân tộc bán. Sau này bố còn thuê 1 quả đồi rồi lầm lũi cuốc xới để trồng sắn, trồng ngô. Cứ hết ca lại ra hùng hục làm. Để tránh bị ăn trộm, bố thường bán non cho mấy người dân tộc. Thôi thì ăn ít nhưng mà chắc. Có lần kiếm được ít gỗ vụn, bố lấy dao đẽo, gọt và lấy giấy nhám đánh để đóng thành mấy cái ghế mang về nhà. Được phần sữa, đường của tiêu chuẩn, bố tằn tiện gói ghém lại chờ mẹ tôi lên thì bảo mang về để bồi dưỡng. Bố hay trầm ngâm uống trà, hút thuốc và xoa đầu tôi nói :
– Bố là người bất tài. Không được học hành cao như các anh chị em trong nhà. Nhưng bố tự hào là vẫn nuôi được vợ con bố. Nuôi con ăn học nên người…
Giờ này bố tôi 60 rồi mà vẫn bán quán. Bố không muốn nghỉ ngơi. Con tôi mới sinh cũng là 1 tay ông bà bế ẵm, chăm bẵm là chủ yếu. Điện nước trong nhà hỏng hóc toàn bố tôi tự sửa. Nghĩ thấy tôi thua bố tôi xa quá!
Ở sông Đà có những phận đời mà có lẽ ít nhiều chúng ta đã gặp trong cõi tạm nhiều trái ngang này. Tôi xin kể về vài người bạn của tôi hồi nhỏ ở Sông Đà.
…
Thanh Hoài – em thua tôi 1 tuổi. Bố mẹ em ở sát phòng bố tôi. Bố em đẹp trai lắm. Em thừa hưởng nét thanh tú, đẹp đẽ từ bố. Bố em lãng tử nên đặt tên em rõ hay. Ngày đó tôi 7 tuổi thì em 6. Chúng tôi làm quen và thân thiết rất nhanh. Nếu như là vào thời bây giờ, báo chí sẽ gọi em là thần đồng. Vì 4 tuổi em đã đọc chữ vanh vách trên chiếc tivi màu xanh lét mà không cần ai dạy. Ở làng tôi, tôi hay được khen vì 3 tuổi đã xếp được chữ từ bộ chữ A, B, C nhựa bố tôi mua. Nhưng so với em, tôi chỉ đáng xách dép! Em càng lớn càng thông minh, xinh xắn. Em để tóc ngắn qua tai. Em trắng và nhanh lắm. Cứ liến thoắng lên. Nói nhanh, cười nhiều, luôn tay chân hoạt động, hát véo von cả ngày. Hàng ngày em hay sang gọi tôi đi chơi. Em chỉ tôi chỗ bể ngầm mà trong xóm hay ra lấy nước tắm, giặt đồ. Em đưa ngón tay nhỏ xíu chỉ xa xa…
– Kia là công trường số 1 anh kìa. Kia là chỗ người ta phá đá. Kia là khu chợ bán ngô…
Tôi như thằng ngố thấy cái gì cũng lạ lẫm. Em lon ton, nhảy chân sáo dẫn tôi đi các chỗ quanh xóm chơi. Có lần bố tôi đi làm ca, mẹ đi chợ mãi chưa về. Tôi sợ và khóc nhè! Em nắm tay dẫn tôi ra đầu xóm và vỗ vỗ vai tôi dỗ :
– Anh nín đi, mẹ anh sắp về rồi. Chợ ở ngay kia mà. Kìa, chỗ kia là chỗ bố anh đang làm kìa. Anh nín đi…
Em có gì cũng mang cho tôi và ngược lại. Em được bố mua cho kem bọc giấy bạc lại mang sang cho tôi mút ké. Em cho tôi chơi mốt, chơi ăn quan cùng. Ngày nào tôi cũng quấn quýt bên em. Những kỷ niệm về Hoài còn nhiều lắm, mà nhạt nhòa quá. Vì tôi bé quá, giờ quên hết. Sau này khi bố tôi xin nghỉ. Tôi không còn lên sông Đà nữa. Gần 20 năm sau mới có dịp tìm lại Hoài. Hoài khác rất rất nhiều. Em chịu nhiều cơ cực khi gia đình lục đục vì sinh 2 con gái. Bố với bản tính lãng mạn hay ra ngoài cặp với người nọ, người kia. Gần 20 năm, tôi và Hoài không còn hợp như xưa. Em thỉnh thoảng trêu :
– Giá ngày xưa anh vẫn ở sông Đà nhỉ. Có khi em với anh…tảo hôn cũng nên!
Tiếc là khi gặp Hoài, tôi và vợ đã đính ước. Tôi chỉ muốn làm bạn thuần túy, Hoài thì không muốn như vậy. Những tin nhắn hỏi thăm, những câu truyện cứ thế lạc lõng dần. Giờ thì gần như không liên lạc nữa. Dù thế nào, tôi mãi không bao giờ quên được người em gái nhỏ xinh, lí lắc, hồn nhiên, vui vẻ cũng những kỷ niệm đẹp như phim “tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” ngày xưa…
Và người con gái cuối cùng vẫn cùng tôi đi tiếp trên đường đời. Nhưng tôi không kể cho các anh chị nghe đâu. Tạm biệt anh chị nhé.
— Hết —
Để lại một bình luận